Hai công ty Việt Nam bị tố cáo cướp đất phá rừng của Lào và Cam Bốt

- Quảng Cáo -

Hai công ty Việt Nam bị tố cáo cướp đất phá rừng của Lào và Cam Bốt
Trong báo cáo ngày 13/5, tổ chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness đã cáo buộc hai công ty Hoàng Anh – Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam chiếm đất của nhiều cộng đồng thiểu số tại Lào và Cam Bốt để khai thác trồng cao su.
Global Witness là một tổ chức chuyên bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các nước nghèo trước nạn khai thác bừa bãi và tệ tham nhũng. Tổ chức này nhấn mạnh là nhiều sác tộc thiểu số bị chiếm đất do chính quyền địa phương tại Cam Bốt và Lào cấp giấy phép khai thác cho hai tập đoàn nói trên của Việt Nam.
Việt Nam, nước sản xuất cao su lớn thứ ba trên thế giới, liên tục tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc. Theo Global Witness, qua trung gian các chi nhánh thân cận với chính quyền Lào và Cam Bốt, nổi tiếng là tham ô, tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam đã trục xuất dân cư trong vùng để chiếm đất.
Đáng chú ý hơn cả, theo tổ chức Global Witness, là cả hai tập đoàn Việt Nam liên quan cùng được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng trung ương Đức Deutsche Bank yểm trợ. Thậm chí ngân hàng Đức còn đang nắm giữ hàng triệu đô la cổ phần của hai tập đoàn Việt Nam này. Về phần Ngân hàng Thế giới, qua chi nhánh IFC, đã đầu tư rất nhiều vào tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai.
Global Witness tố cáo chính quyền Vientiane và Phnom Penh làm ngơ trước các khung pháp lý về môi trường hay nhân quyền để cấp giấy phép hoạt động cho các tập đoàn Việt Nam. Theo thẩm định của Global Witness, các đồn điền cao su Cam Bốt trải rộng trên 1,2 triệu hecta. Tính từ năm 2003 tới nay, đã có khoảng 400 000 người dân xứ Chùa Tháp bị tịch thu đất để phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp cao su.
Global Witness đòi chính phủ Lào và Cam Bốt chấm dứt hợp tác với hai tập đoàn khai thác cao su của Việt Nam, đồng thời yêu cầu ngân hàng Đức và Ngân Hàng Thế Giới rút lại các khoản đầu tư vào Hoàng Anh-Gia Lai và Tập đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam cho đến khi nào tình hình được cải thiện. Trước mắt Deutsche Bank cho biết sẽ tìm hiểu thêm trước khi quyết định. Về phần mình, IFC trực thuộc Ngân Hàng Thế Giới không bình luận.

Kết quả về Hội nghị Trung ương CSVN
Hội nghị Trung ương 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bế mạc hôm 11/5, với thông báo có thêm hai tân ủy viên Bộ Chính trị : ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội. Thông tin về hai vị ủy viên mới thực ra đã được các mạng xã hội loan tải từ một tuần trước. Ngoài ông Nhân và bà Ngân, chỉ có một vị trí mới sau hội nghị là ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương được đưa vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Dư luận đặc biệt chú ý tới việc hai ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương và Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, không được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Một chi tiết khác đáng chú ý, là ngoài ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, quân đội Việt Nam không có thêm nhân vật nào lọt vào Bộ Chính trị.
Sau phiên họp kéo dài tới 10 ngày, các ủy viên Trung ương cũng bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Hội nghị 7 nhấn mạnh tầm quan trọng của dân vận, cho đó là mối liên hệ “máu thịt” mang lại sức mạnh cho Đảng Cộng sản.
Về sửa đổi Hiến pháp 1992, Trung ương Đảng CSVN cho rằng quá trình lấy ý kiến nhân dân đã diễn ra “chu đáo” và “tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân tán thành với nội dung của dự thảo” mà Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đưa ra.
Hội nghị cũng đề cập đến cái gọi là “các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch” về Hiến pháp và kiên quyết bác bỏ.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được mang ra trình kỳ họp sắp tới trong tháng Năm của Quốc hội, cho dù theo hạn định, việc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân vẫn tiếp tục tới tháng Chín.

Báo Trung Quốc thừa nhận sẽ từng bước chiếm đoạt Trường Sa
Tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông ngày 8/5 có bài phân tích cục diện Biển Đông nhận định, từ đầu năm 2013 Trung Quốc liên tục đẩy mạnh “thế tấn công” trên bàn cờ Biển Đông và trong năm 2013 Bắc Kinh có thể giành được nhiều “thành quả”.
Dẫn phân tích của Thông tấn xã Đài Loan, Văn Hối cho rằng Bắc Kinh đã triển khai một loạt “thế tấn công” trên Biển Đông trên bình diện ngoại giao, quân sự, du lịch và điển hình là những phát biểu của Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc về Biển Đông trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á nhằm trực tiếp vào Philippines và Việt Nam hòng đoạt nhiều “lợi thế” trên Biển Đông trong năm 2013.
Một động thái ngoại giao chưa từng có tiền lệ đã xảy ra hôm 26/4 khi Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên liếng công khai tên (tiếng Trung Quốc) 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do Philippinese chiếm đóng (trái phép) và đòi Manila “trả lại” 8 điểm đảo, bãi đá, rặng san hô này cho Bắc Kinhv!?
Phát biểu của Hoa Xuân Oánh được tờ Văn Hối xem như Trung Quốc sẽ không chỉ chiếm đoạt từng điểm đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam mà các bên tranh chấp đang chiếm đóng), trong tương lai Bắc Kinh có thể có nhiều hành hoạt động liều lĩnh với quy mô lớn hơn trên Biển Đông.
Ngày 28/4 Trung Quốc đã bất chấp mọi nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC đã đưa tàu du lịch trái phép đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Kết luận bài báo, tờ Văn Hối cao giọng khẳng định, năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của “trận giao tranh” giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi “Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng.”
Bài báo trên tờ Văn Hối cho thấy âm mưu của giới chức Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan ở Biển Đông và dường như Bắc Kinh đang tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động phi pháp, phi lý và phi nghĩa để thực hiện âm mưu đen tối đó.

Giáo sư Trung Quốc bị cấm nói đến tự do hay dân chủ
Bản tin trên mạng của hãng Asia News tường thuật là các giáo sư đại học Trung Quốc được chỉ thị không giảng dạy về giá trị dân chủ cho sinh viên, không được nói đến những sai lầm của đảng Cộng sản. Chỉ thị liệt kê danh sách một lọat các chủ đề mà chính quyền không muốn giảng dạy cho sinh viên trong lớp học như: tự do báo chí, xã hội công dân, quyền công dân, sai lầm của đảng Cộng sản, lãnh đạo độc tài và tư pháp độc lập.
Biện pháp kiểm soát chính trị này được đưa ra trong bối cảnh sắp đến ngày tưởng niệm cuộc đàn áp phong trào Mùa xuân Bắc Kinh hay còn được gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn đêm 03/06/1989. Sinh hoạt dân chủ có vẻ tái xuất hiện trong cư xá đại học Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo giới phân tích, tuy hầu hết các giáo sư Trung Quốc không công khai kêu gọi dân chủ hóa nhưng họ thường bênh vực cho các sáng kiến thúc đẩy cải cách trong nội bộ đảng Cộng sản và trong sạch hóa một chế độ tham nhũng từ trên xuống dưới.
Lời kêu gọi “tách rời đảng Cộng sản ra khỏi Tư pháp” cũng đã được phổ biến trên Nhân dân Pháp viện báo, cơ quan của Tòa án tối cao tuần qua. Tác giả Thẩm Đắc Vịnh, không phải là nhà ly khai mà là đương kim Phó chủ tịch Tòa án tối cao, kêu gọi Trung Quốc nên theo mô hình công lý Tây phương xem nhân quyền là ưu tiên số một : thà tha lầm hơn là tử hình oan.
Với kinh nghiệm thực tế, viên chức cao cấp này nhìn nhận “những bản án oan sai tại Trung Quốc bắt nguồn từ lệnh của đảng”. Theo ông thì khi tha lầm một phạm nhân thì chưa phải là đại họa, kết án oan một kẻ vô tội thì mới là “trời sập”.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here