Một thạc sĩ bị đấu tố vì xúc phạm Hồ Chí Minh

- Quảng Cáo -

Một thạc sĩ bị đấu tố vì xúc phạm Hồ Chí Minh

MoMieng
Nhóm “Thơ Mở Miệng”

Tờ Quân Ðội Nhân Dân, số ra ngày 7.7.2013 đã đăng tải một bài báo đả kích kịch liệt một luận văn của cô Ðỗ Thị Thoan, một thạc sĩ, giảng viên tại Khoa Văn, trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội. Luận văn này đã được trình để lấy bằng cao học và được chấm đậu, bản văn hiện được lưu trữ tại thư viện trường này.

Luận văn của Thạc sĩ Ðỗ Thị Thoan bàn về nhóm “Thơ Mở Miệng” với nhan đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Nhóm này gồm 4 tác giả: Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Ðợi và Nguyễn Quán, từng xuất bản tập thơ Mở Miệng vào Tháng Sáu năm 2002, được phổ biến tại Sài Gòn, nhưng không lâu sau đã bị tịch thu và thiêu hủy.

Tờ Quân Ðội Nhân Dân tố bản luận văn của cô Ðỗ Thị Thoan là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động. Và theo tờ báo thì các thi sĩ nhóm “Thơ Mở Miệng” nêu trên đã dùng lối nói trong thơ nhằm hạ bệ các thần tượng, giải thiêng hình tượng Bác Hồ, mang những bài viết, lời phát biểu và những bài thơ của Bác ra để chế tác và giễu nhại. Và quy chụp rằng đây thực chất là mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.

- Quảng Cáo -

Tờ báo còn viết: “Tác giả còn tố cáo đảng và nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo;” và “Tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi những nhà văn ‘phản kháng’ như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để rồi xuyên tạc và kích động…”

Thạc sĩ Ðỗ Thị Thoan còn bị tố đã khen ngợi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và so sánh với nhóm Mở Miệng khi Cô viết “Nhân Văn Giai Phẩm trước hết là một phong trào dân chủ… Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng chống một thứ quyền lực ‘vô hình’ trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu Bắc Hà.”

Theo tờ báo trên, trong một cuộc “Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III” do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đầu Tháng Sáu năm nay, “nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này” đã được nêu lên.
Báo này nêu tên Giáo Sư Phong Lê, hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn của trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội.

Dư luận cho rằng đây là một lời kêu gọi “đấu tố” không riêng đối với tác giả mà còn cả một trường đại học.

 

Tàu Hải quân Trung Quốc lại tấn công tàu cá VN

tauca_VN
Thuyền trưởng Võ Minh Vương chỉ những dấu tích
đập phá tan hoang trên tàu QNg 96787 TS

Hai tàu cá Việt Nam của ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi trong lúc đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa hôm 6-7-2013, đã bị một tàu hải quân Trung quốc truy đuổi đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản cùng hải sản đánh bắt được, thiệt hại lên đến hơn 600 triệu.

Cả hai tàu cá  của ngư dân Việt Nam mang số QNg 96787 TS của ngư dân Võ Minh Vương,  và số QNg 90153 TS, do ngư dân Mai Văn Cường làm thuyền trưởng, đã về được đến đảo Lý Sơn vào sáng ngày 9-7-2013 trong tình trạng hư hại tan hoang.

Theo chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Minh Vương kể lại, tàu của ông ra khơi từ ngày 4-7 ra khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, đến sáng ngày 6-7 khi tàu cá của ông đang neo đậu tại tọa độ thuộc vùng biển Hoàng Sa, lãnh hải Việt Nam, thì một “tàu lạ” sơn màu trắng mang số hiệu 306 bất ngờ xuất hiện hướng về tàu ông.

Thấy vậy, thuyền trưởng Vương cho tàu nhổ neo chạy về hướng đất liền. Lúc ấy tàu lạ trang bị đầy đủ súng ống tăng tốc đuổi theo chận bắt uy hiếp ngư dân VN đi trên tàu, bắt “tất cả ngư dân lao động đi trên tàu giơ tay sau gáy tập trung nơi mũi tàu cá. Khi họ lên tàu không nói câu nào, họ sử dụng dùi cui liên tiếp đánh đập ngư dân và dùng búa rìu chặt phá toàn bộ 6 bành dây hơi, dây neo, đập nát cửa kính ca bin tàu, rồi lục soát lấy đi toàn bộ phương tiện đi biển cùng cả ngàn lít dầu…”, bất chấp lời van xin của ngư dân.

Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau cùng ngày 6-7 tàu cá QNg 90153 TS, do ngư dân Mai văn Cường làm thuyền trưởng cùng với 14 ngư dân trên tàu cũng bị  tàu 306 này truy đuổi, đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản. Theo ước tính số thiệt hại cho tàu cá QNg 96787 TS khoảng 400 triệu, và tàu cá QNg 90153 TS khoảng hơn 200 triệu.

Theo xác định của thuyền trưởng Võ Minh Vương thì những người trên “tàu lạ” này mặc đồ “sĩ quan hải quân” và  “đồ lính rằn ri”, nói tiếng Trung Quốc. Sau khi đập phá, cướp hết đồ đạt trang bị và hải sản đánh được họ đã buộc 2 tàu cá VN phải quay vào hướng đất liền Việt Nam, và chặt tất cả các dây cờ trên tàu vứt bỏ xuống nước. Ngư dân muốn bảo vệ lá cờ thì bị họ tiếp tục đánh đến ngất xỉu.

 

20% người Việt sống trong điều kiện thiếu vệ sinh

danthieunuocsach20% người Việt Nam đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Đó là kết quả một cuộc điều tra được Bộ y tế thông báo vào ngày 7.7.2013 vừa qua.Trong khi đó, thống kê của tổ chức UNICEF cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam sống trong điều kiện không hợp vệ sinh còn cao hơn, ở mức tới 26,2%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiếp xúc với nguồn nước bẩn là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh dịch nguy hiểm lây truyền theo đường tiêu hóa trong dân. Cũng theo đại diện ngành y tế, những bệnh dịch như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn và tay chân miệng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, trong khi tỷ lệ tử vong cao thời gian gần đây.

Giới chức Việt Nam cho rằng những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh dịch lan tràn là do các cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác quản lý và xử lý môi trường sống bảo đảm an toàn vệ sinh.

 

Nhà nước sai lầm, nông dân gánh chịu .

“sai lầm chiến lược khiến nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) ở Việt Nam rơi vào bế tắc” là “hậu quả của định hướng chiến lược sai” đó là nhận định của Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế.

Sai lầm đó khiến nông dân càng ngày càng bần cùng, kể cả khi liên tục trúng mùa. Chỉ có thương lái, các doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất cảng lương thực hưởng lợi.

Theo những nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến Lược và Chính Sách Nông Nghiệp, từ năm 2006 tới nay, mức sống của nông dân Việt Nam càng lúc càng thấp. Nông dân thua lỗ cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi. Bỏ ruộng, bỏ vườn, ngưng trồng cấy, nuôi gia súc, gia cầm, tôm, cá… đang có dấu hiệu trở thành phong trào.

Một chuyên gia kinh tế khác là ông Ngô Trí Long thì nguyên nhân khiến giá các loại nông sản liên tục giảm. Ðó là nông sản Việt Nam không bảo đảm chất lượng và Việt Nam không chú ý nâng cao chất lượng của sản phẩm. Không có sàn giao dịch nông sản nên nông dân bị doanh nghiệp ép giá. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam không theo quy luật thị trường. Cả chính quyền lẫn nông dân không xác định được thị tường cần gì, cái gì là có hiệu quả, có lợi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần xem xét lại chính sách nông nghiệp một cách toàn diện.

Trước đây, chính quyền chú trọng quá nhiều vào “an ninh lương thực”. Luôn tin rằng thị trường lương thực thế giới rộng lớn và Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển xuất cảng. Trong khi thực tế không phải như vậy. Vài năm gần đây một số quốc gia khác như Ấn Ðộ, Cambodia, Myanmar đẩy mạnh việc xuất cảng gạo và cạnh tranh với Việt Nam. Những quốc gia trước đây vốn phải nhập cảng gạo cũng đang cố gắng cải thiện việc sản xuất gạo để có thể tự cung, tự cấp nhiều hơn. Ðó là những lý do khiến gạo Việt Nam trở thành khó bán.
Theo bà Lan, việc chạy theo thành tích xuất cảng gạo hại nhiều hơn lợi. Số lượng gạo xuất cảng tăng nhưng giá xuất cảng giảm làm giá lúa giảm, trong khi chi phí sản xuất lúa tăng lên đang làm nông dân “thiệt kép”. Không nên sản xuất gạo nhiều như vừa qua. Thay vào đó, nên hướng dẫn, khuyến khích nông dân trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài gạo, Việt Nam còn chạy theo cà phê, với diện tích và sản lượng “quá đáng”.

Giống như ông Long, bà Lan tin rằng, chính sách nông nghiệp đúng đắn là nâng cao chất lượng của sản xuất nông nghiệp. Muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới phải chú trọng chất lượng. Không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thì có rẻ cũng không bán được. Không thể chủ trương cạnh tranh bằng giá rẻ mãi mà được.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here