Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho Thụy Điển

- Quảng Cáo -

blogger 258

Tin từ Mạng Lưới Bloger Việt Nam, thì vào sáng ngày 7/08/2013, một số blogger, đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam, đã tới đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để trao Tuyên bố 258 về nhân quyền Việt Nam. Mặc dù, một số người bị nhân viên an ninh tìm cách ngăn chặn, nhưng vẫn có 5 blogger tới được nơi.

Thụy Điển từ hàng chục năm nay đã là một quốc gia theo đuổi chính sách trung lập, yêu chuộng hoà bình và ủng hộ các nước nhỏ yếu, đang phát triển. Năm 1969, Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và là nước phương Tây viện trợ cho Việt Nam sớm nhất (từ đầu những năm 1970), và tiếp tục viện trợ đáng kể cho Việt Nam sau chiến tranh.

Trong những năm gần đây, Thụy Điển cũng quan tâm rất nhiều đến tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Để hỗ trợ thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí, Đại sứ quán Thụy Điển từng kết hợp với quỹ SIDA tổ chức những khoá đào tạo dành cho nhà báo. Đại sứ quán cũng quan tâm đến bản Tuyên bố 258 của các blogger chính trị Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Trao Tuyên bố 258 cho đại sứ quán Thụy Điển hôm nay, ngoài chị Nguyễn Thu Trang, còn có các blogger Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Văn Viên, Lê Hồng Phong và Nghiêm Ngọc Trai.

Hồi tuần qua, vào ngày 31/07 tại Văn phòng Cao Ủy Liên Hợp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) ở Bangkok, Thái Lan, bà Maria Isabel Sanz Garido, đại diện Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã nhận bản tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam. Các blogger đại diện cho mạng lưới blogger chính trị Việt Nam cũng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ với người đại diện của OHCHR phụ trách về nhân quyền khu vực Đông Nam Á. Sau đó, các blogger, đại diện cho 103 người đã ký vào Tuyên bố 258 cũng đã đến gặp một số tổ chức quốc tế để trao tận tay bản Tuyên bố này.

Đây là lần đầu tiên giới blogger chính trị ở Việt Nam lên tiếng với quốc tế; hơn thế nữa, với tư cách một mạng lưới chứ không phải cá nhân.

Hôm 5/08/2013, sau chuyến đi mang «Tuyên bố 258» gửi tới các tổ chức nhân quyền quốc tế tại Bangkok, hai blogger trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi đã trở về sân bay Tây Sơn Nhất và được các bạn trong Mạng lưới blogger Việt Nam đón tiếp tại phi trường.

 

nghidinh_72Hoa Kỳ và số công ty kinh doanh mạng quan ngại sâu sắc về nghị định Internet của Việt Nam

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội vừa ra một bản tuyên bố bày tỏ quan ngại về Nghị định 72 của Việt Nam liên quan tới việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, vì nó hạn chế các loại hình thông tin mà cá nhân có thể chia sẻ thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân và trên các trang web. Ngoài ra, Nghị định này sẽ hạn chế sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin đang hé nở của Việt Nam bằng việc kiềm chế sự đổi mới trong nước và ngăn cản đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, một liên minh các tổ chức kinh doanh mạng tại Á Châu AIC (The Asia Internet Coalition) do các công ty eBay, Facebook, Google và Yahoo thành lập cũng lên tiếng bày tỏ sự thất vọng với nhà cầm quyền CSVN khi đưa ra cái nghị định 72.

Google và Facebook là các mạng xã hội được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Gần như họ chiếm phần lớn thị trường Việt Nam. Tuy không có cơ sở hay văn phòng tại Việt Nam, hai tổ chức này cũng vẫn có thể tiếp thị sản phẩm của họ và của khách hàng tại Việt Nam.

AIC cũng khuyến cáo rằng nghị định này sẽ “cản trở tinh thần sáng tạo cũng như làm nản lòng các nhà kinh doanh muốn làm ăn tại Việt Nam”.

Còn theo Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì “Nghị định 72 vi phạm trầm trọng quyền tự do thông tin và được thông tin” của người dân. RSF từng gọi chế độ Hà Nội là “kẻ thù của internet” và lãnh tụ đảng CSVN là “dã thú sát hại báo chí”. Gần đây, tổ chức này mở chiến dịch vận động khắp nơi đòi trả tự do cho 35 bloggers đang bị kết án tù hay sắp sửa ra tòa tại Việt Nam.

Mục đích của chế độ Hà Nội là muốn bịt mồm tất cả những ai muốn đả kích nhà cầm quyền độc tài đảng trị trên các mạng xã hội mà hiện nay, họ bị bó tay. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đòi các công ty khai thác dịch vụ internet ở ngoại quốc phải có ít nhất một “máy chủ” (server) ở Việt Nam để nhà cầm quyền kiểm soát, tìm kiếm dữ liệu của những ai chống báng.

Người ta chưa rõ nhà cầm quyền sẽ áp dụng những biện pháp gì để chế tài các người ở Việt Nam chia xẻ thông tin và bình luận qua các blogs hay facebook. Hàng chục ngàn những lời đả kích, chế diễu nghị định 72 của chế độ Hà Nội có thể tìm thấy trên mạng tìm kiếm Google hay qua Facebook.

 

benhnhanNhiều bệnh nhân xài chung kết quả xét nghiệm

Dư luận Hà Nội đang phẫn nộ trước việc làm tắc trách của nhân viên bệnh viện Hoài Ðức, đó là dùng một kết quả xét nghiệm cùng lúc cho ít nhất hai bệnh nhân.

Sự việc này đã xảy ra hồi năm rồi, nhưng đến nay mới được tiết lộ. Chỉ riêng trong tháng 8 năm 2012 đã xảy ra khoảng 4 trường hợp như vậy.

Theo báo Lao Ðộng, kết quả xét nghiệm đã được copy để phát cho các bệnh nhân phổi, viêm ruột thừa, viêm hậu môn… Người ta còn tính ra, từ tháng 7, 2012 đến tháng 5, 2013, trên 1,000 phiếu xét nghiệm đã được copy để phát cho ít nhất 2,000 người xài chung. Tính trung bình cứ một cặp bệnh nhân thì xài chung một kết quả xét nghiệm. Cũng có trường hợp, 4 bệnh nhân đã nhận được cùng một bản kết quả xét nghiệm máu trả ra đúng 9 giờ 3 phút sáng ngày 19 tháng 2 năm 2013.

Bốn bệnh nhân này trước đó đã được chẩn đoán tình trạng nhập viện hoàn toàn khác nhau. Họ gồm : Bà Nguyễn Thị Nguyên, 70 tuổi, chẩn đoán bị bệnh lao phổi; ông Nguyễn Trung Nghĩa, 27 tuổi được chẩn đoán viêm hậu môn ; bà Lý Thị Vân, 61 tuổi, được chẩn đoán viên phế quản và bé Lương Kiều Trang, 12 tuổi, được chẩn đoán viêm ruột thừa.

Cũng theo báo Lao Ðộng, ông Nguyễn Trí Liêm và bà Nguyễn Thị Nhiên, giám đốc và phó giám đốc bệnh viện Hoài Ðức đã trốn tránh, không trả lời các cú điện thoại của các nhà báo hôm 2 tháng 8 vừa qua.

Trong khi đó, bà Vương Kim Thành, trưởng khoa xét nghiệm của bệnh viện Hoài Ðức, đã phủ nhận lời tố cáo của các bệnh nhân đăng trên báo Lao Ðộng. Bà này cho rằng các nạn nhân dùng “thủ thuật” copy để “dán, đè, chồng lên” khiến người khác hiểu lầm. Tuy nhiên, sổ theo dõi cho thấy, đúng là một bản kết quả xét nghiệm đã được gửi cho ít nhất… hai bệnh nhân tại bệnh viện này.

 

ThacBanGiocViệt Nam – Trung Quốc ‘cùng khai thác thác Bản Giốc’

“Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm thông qua hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc và quy chế tàu thuyền qua lại cửa sông Bắc Luân”. Đó là thông tin do Bộ Ngoai giao Việt Nam công bố về nội dung hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc, khi nhân vật này thăm Việt Nam. Chuyến thăm đã bắt đầu từ ngày 3 tháng 8 và kéo dài cho đến ngày 6 tháng 8.

Khu vực thác Bản Giốc – nơi mà hai Ngoại trưởng của Việt Nam và Trung Quốc vừa thỏa thuận sẽ tác động để hai quốc gia sớm thông qua hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch – vốn từng được xem là hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Tuy nhiên theo hiệp định phân định biên giới trên đất liền mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc vào năm 1999, Việt Nam chỉ còn chủ quyền ở phần thác phụ và một nửa thác chính.

Thác Bản Giốc (Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên – Bản Ước) nằm trên sông Quây Sơn, có chiều rộng 208 mét. Đây là thác nước lớn thứ tư trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Nếu chỉ so trong khu vực thì thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là một thắng cảnh nổi tiếng.

Thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác Cao nhưng thực chất là thác phụ vì lượng nước không lớn. Phần ở phía Bắc gọi là thác Thấp song lại là thác chính. Nếu nhìn từ dưới chân thác, thì chỉ còn phần thác bên trái và nửa phía Tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Nửa phía đông của thác bên phải nay thuộc chủ quyền của Trung Quốc (trấn Thạc Long, huyện Đại Tân), thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây). Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Cao Bằng, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 30,000 người đến thăm thác Bản Giốc, còn phía Trung Quốc đón gần một triệu lượt du khách.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc khá nhiều trong hiệp định phân định ranh giới trên đất liền từ năm 1999. Chẳng hạn Việt Nam đã cắt khoảng 300 mét cuối của tuyến đường sắt từ Đồng Đăng đến đường biên giới cũ cho Trung Quốc. Hoặc khi tiến hành cắm các cột mốc ở cực Đông của biên giới Việt – Trung theo hiệp định mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc vào năm 1999, người ta phát giác một số ngôi làng Việt Nam đột nhiên lại ở bên kia biên giới.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here