Đừng đổ oan cho Phật

Bao biện, ngoan cố!
- Quảng Cáo -

Mười một tháng kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương. Hai sự kiện nổi bật trong 330 ngày đó là Ban nội chính được tái lập, mười vụ đại án được điều tra và đã đưa ra xét xử hai vụ, tuyên phạt tử hình bốn quan chức phạm tội tham nhũng. Nhưng tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn, thậm chí nó còn khoét sâu vào những chỗ trước kia chưa dám đụng tới.

nguyen phu trong 400x300Ngày 7-12-2013, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Tổng bí thư đã xác nhận điều đó. Ông nói: “Đồng tiền đã chà đạp, xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ. Cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay!”. Trước đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng phải thốt lên: “Bây giờ người ta ăn của dân không từ một thứ gì, từ tiền thương binh liệt sỹ đến của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghéo, ăn hết”.

Câu chuyện nhân bản xét nghiệm máu ở bệnh viện Hoài Đức còn đang xôn xao thì xảy ra chuyện ăn bớt tiền của trẻ khuyết tật ở Trung tâm cứu trợ trẻ khuyết tật Hà Giang. Vụ nhận tiền đút lót thi tuyển công chức ở Hà Nội chưa kịp xử lý thì bung ra vụ giám đốc bốn công ty công trình đô thị thành phố Hố Chí Minh không ký hợp đồng dài hạn cho người lao động, hạch toán khống, lấy tiền chi lương khủng cho bản thân mình. Cái dinh cơ đồ sộ của nguyên chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô đang làm dân bức xúc thì xuất hiện biệt phủ của con trai đương kim Bí thư tình ủy Hải Dương, Bùi Thanh Quyến, rồi biệt thự và hàng trăm hec-ta cao su của Lê Thanh Cung, chủ tịch tỉnh Bình Dương…

Những bộ mặt quan tham bị lộ tẩy ngày càng nhiều và dù chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, đã làm méo mó bộ mặt xã hội, càng làm mất niềm tin của nhân dân đối với đảng và nhà nước. Tổng bí thư đã thẳng thắn nói lên sự thật đó và ông bảo “đó là do mặt trái của kinh tế thị trường”.

- Quảng Cáo -

Nếu Adam Smith (1729-1790) sống lại, chắc sẽ rất buồn vì bị kết tội như vậy, bởi chính ông ấy là cha đẻ của kinh tế thị trường. Với sự quan sát các mối liên hệ bên trong và các mối liên hệ bên ngoài của phạm trù kinh tế, Adam Smith cho rằng: “Nền kinh tế có khả năng tự điều tiết và quy luật cung cầu về hàng hóa là tồn tại khách quan. Các cá thể trong nền kinh tế có khả năng tự vận động và có xu hướng tối ưu hóa các hoạt động mà không cần tác động các yếu tố phi kinh tế”. Adam Smith cho rằng tư lợi là động lực phát triển, và có thể điều tiết bằng chính sách minh bạch với sự giám sát đa tầng của một thiết chế dân chủ…

Mỹ và các nước phương tây theo học thuyết của Adam Smith, có nền kinh tế thị trường cả trăm năm, những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn quốc Singapore, Thái Lan, Malaysia… cũng đã hơn nửa thế kỷ. Hầu như tất cả các quốc gia ấy đều thịnh vượng, nạn tham nhũng, hối lộ được hạn chế tối đa, có những nước như Na Uy, Thụy Sỹ, Singapore… khái niệm tham nhũng, hối lộ đã trở nên xa lạ. Vậy nói tham nhũng là do kinh tế thị trường sinh ra liệu có khách quan, có biện chứng, như chữ thường dùng đến thuộc lòng thành câu cửa miệng của các nhà lý luận triết học, chính trị Macxit!?

Có lẽ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tin nhận định của K. Marx đối với Adam Smith. Marx cho rằng: “Adam Smith đã quan sát các mối liên hệ bên trong các phạm trù kinh tế, mặt khác lại đặt mối liên hệ đó như mối liên hệ bề ngoài của hiện tượng, do đó Adam Smith xa lạ đối với khoa học!”. Marx khẳng định tư sản chính là mảnh đất béo bở của tham những bất công, nên ông lấy tư tưởng công hữu làm căn bản cho học thuyết vô sản của mình và ông hy vọng khi đã triệt tiêu tư lợi thì tham nhũng, bất công không còn chốn dung thân. Ý tưởng xây dựng một xã hội loài người đồng nhất, từ bỏ tham vọng cá nhân đạt tới sự toàn thiện của Marx quá cao siêu, xa rời thực tế.

Gần một thế kỷ qua, đã chứng minh chính sách công hữu hóa trong một thể chế độc tài chính là “thiên đường bất khả xâm phạm” của tham nhũng. Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã bị căn bệnh trầm kha đó làm bại hoại, và chính nó đã góp phần làm đổ sụp thành trì xã hội chủ nghĩa cùng toàn bộ Đông Âu. Tổng thư ký đảng cộng sản Rumani, Nicola Ceausescu tham nhũng khủng khiếp, có tới 30 tấn vàng và hàng tỷ đô la. Triều tiên dân đói khổ, 60 % trẻ em suy đinh dưỡng, nhưng cuộc sống vương giả của những ủy viên bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng và tướng lĩnh nước này không quan chức nước tư bản nào bì kịp.

Trung Quốc mấy năm nay lao vào cuộc chiến chống tham nhũng rất quyết liệt. Với chủ trương diệt hết cả “hổ và ruồi nhặng” Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc đã ra nghị quyết: “Tất cà các vụ án tham nhũng đều phải điều tra và tội phạm sẽ bị trừng phạt nặng, bất kỳ ở cấp nào”. Chỉ trong vòng 9 tháng năm 2013 đã trừng phạt 108.000 quan chức cao cấp, riêng tỉnh Hồ Nam đã có 500 nhà lập pháp bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sa thải. Nhưng vẫn không chặn được tham nhũng, bởi vì, như Tổng bí thư , Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thừa nhận: “Tham nhũng không tồn tại ở cá nhân mà tồn tại trong hệ thống chính trị, ở cả những tổ chức với quy mô lớn”.

Kinh tế thị trường mới len lỏi vào nước ta, lại được định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tham nhũng thì có từ lâu rồi. Ngay từ những năm 50 thế kỷ trước, trong lúc dân ta phải nhịn ăn, tích cóp từng nhúm gạo, củ khoai bỏ vào “hũ gạo kháng chiến” nuôi quân đánh giặc, đã xuất hiện những Trần Dụ Châu tham nhũng, hối lộ tàn nhẫn trắng trợn đến mức ăn từ viên thuốc sốt rét đến tấc mùng manh áo cùa chiến sỹ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: “Ngày xưa trong thời kỳ bao cấp đã có chuyện làm nhỏ ăn nhỏ, làm lớn ăn lớn, cầm ô thì phải mát cán”. Câu ca dao: “ Mỗi người làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài mua xe!” xuất hiện từ năm 1960 và hầu như không nơi nào ở miền Bắc không biết.

Cũng như Trung Quốc tham nhũng ở ta xuất phát từ quyền lực chính trị và tham nhũng là cứu cánh của việc thăng quan tiến chức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Không tham nhũng lấy đâu chạy chức?”. Nhưng chúng ta chưa chống tham nhung quyết liệt bằng Trung Quốc, mà còn cố tình dấu diếm ém nhẹm đi. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa qua, đại biểu Lê Như Tiến đã nói thẳng: “Khi có tham nhũng, người đứng đầu chỉ đạo biến báo, nhào nặn số liệu làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ xuất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn” Ông Lê Như Tiến còn cho biết : “Trước khi đi họp Quốc hội, lãnh đạo dăn dò: Có thể phát biểu chất vấn bất cứ vấn đề gì trừ tham nhũng ra, bới việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.

Không ai nghi ngờ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm làm trong sạch đảng của ông, nhưng trong bối cảnh như vậy thì lực bất tòng tâm. Điều đáng buồn là ông không nhìn thẳng vào sự thật, mà lại biến báo cho rằng tham nhũng là vấn đề tất yếu của mọi quốc gia, mọi chế độ, mọi thời kỳ, thậm chí cả thần Phật cũng tham nhũng, và “có quyền lực trong tay thì có tham nhũng”. Ông nói: “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phài hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh , tình táo, sáng suốt . Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”

Tôi không hiểu “cái nhìn khoa học, tỉnh táo xem xét khách quan, biện chứng về tham nhũng” của Tổng bí thư thế nào, nhưng thật oan uổng khi Tổng bí thư kết tội Đức Phật tham nhũng.

Tay du ky
Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh

Trong phim “Tây du ký” có việc A Nan và Ca Diếp yêu cầu Đường Tăng đổi chiếc bình bát vàng lấy kinh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đó là một hành vi vi hối lộ. Thực ra không phải như vậy. Trong 10 đại đệ tử cùa Phật, A Nan đứng thứ ba và Ca Diếp thứ 10. Hai vị ấy đã dứt bỏ hết tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, đạt tới đắc quả A- La -Hán, đáo bỉ ngạn cảnh giới Niết Bàn, không hề vướng lụy đến chút của cải vụn vặt chốn trần gian.

Đường Tăng được vua Đường kết nghĩa anh em và cử sang Tây Trúc lấy chân kinh đại thừa, trước khi đi đã tặng bình bát vàng. Chiếc bình bát là thứ các nhà sư dùng để khất thực (Khất sỹ trì bát). Chiếc bình bát của Đường Tăng bằng vàng và do nhà vua ban tặng ngoài ý nghĩa đó còn là biều tượng của tài sản và danh vọng. Nếu Đường Tăng còn luyến tiếc cái bình bát vàng ấy nghĩa là chưa dứt bụi trần, còn luẩn quẩn với của cải và tình riêng với nhà vua, thì không thể liễu thoát sinh tử, không thề hoằng dương chính pháp. Cái bình bát vàng trong hoàn cảnh của Đường Tăng mang tính biểu tượng của của cải và danh vọng, và việc A Nan và Ca Diếp yêu cầu Đường Tăng đổi bình bát vàng mang ý nghĩa ẩn dụ rất sâu xa, là dứt bỏ các thứ phù du bóng nước trọn kiếp tu hành.

Hãy nghe hai ngài A Nan và Ca Diếp nói với Đường Tăng: “Hà hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau chết đói mất!”. Ý nghĩa sâu xa mà hai vị bồ tát muốn nói với Đường Tăng là đạo pháp không thể truyền thụ một cách dễ dàng (Đạo pháp bất khinh truyền) cho những kẻ thiếu tâm đức, vì như vậy sẽ làm đạo pháp hoen ố, đời sau không còn được hưởng pháp thực nữa.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã dứt bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu thiền là cũng là một cách “bỏ bình bát vàng tu đắc đạo” vậy.

Quyền lực tạo ra tham nhũng, tham nhũng tạo ra quyền lực. Chúng ta đang trong cơn xoáy lốc luẩn quẩn đó, mà lại đổ tội nguyên nhân tham nhũng cho kinh tế thị trường, và nghi oan đến cả Đức Phật tham nhũng, thì quả thật rất khó hiểu về “cái nhìn khoa học biện chứng về tham nhũng” của Tổng bí thư.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here