Ba tháng thông điệp của Thủ Tướng : Tiếng chuông tắt lặng giữa canh khuya

- Quảng Cáo -

Trong thông điệp đầu năm 2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều điểm tích cực về các cải cách cần thiết trong mọi lãnh vực của đất nước mà dân chúng đã chờ đợi từ lâu. Đến nay 3 tháng đã trôi qua, những điểm nào trong thông điệp đầu năm của ông Nguyễn Tấn Dũng đã, hoặc có sự hứa hẹn sẽ được thực hiện ? Mời quý vị cùng nghe những nhận định về vấn đề này và phản ứng chung của giới trí thức qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành với tiến sĩ Phạm Chí Dũng sau đây.

***

Trần Quang Thành : Xin chào anh Phạm Chí Dũng.

Chúng ta lại gặp nhau để bàn lại thông điệp đầu năm 2014 của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

- Quảng Cáo -

Phạm Chí Dũng : Dạ, xin thú thực là tôi hơi bất ngờ với  thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng bây giờ thì tôi không còn bất ngờ nữa, thậm chí mọi chuyện bây giờ đã trở thành quá mức bình thường rồi.

TQT : Tại sao anh lại bất ngờ lúc đầu và bây giờ trở thành không còn bất ngờ, thưa anh ?

PCD : Lúc đầu người ta đều có một chút hy vọng nào đấy và có tâm trạng của những người đi lang thang trên sa mạc lâu ngày không tìm ra một giếng nước và cũng chẳng có một giọt nước, nhưng tự nhiên có một gáo nước, một mạch nước ngầm ở dưới đất, mặc  dù mạch nước ngầm nó chưa phun lên thì đã cảm thấy có một cái gì đó hồi hộp và hy vọng. Nhưng sau đó người ta có được uống hay không lại là một chuyện khác.

Còn ba tháng sau thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày hôm nay chúng ta thấy gì? Ngày hôm nay tôi nghe một chuyện đau lòng, một chuyện mà tôi suýt khóc. Một cô giáo ôm hai đứa nhỏ một đứa hai tuổi, một đứa ba tuổi nhảy xuống hồ. Cô giáo này lương tháng chỉ có 2 triệu đồng thôi, nhưng mỗi tháng phải bỏ ra một triệu trong số đó để trả nợ, hoàn cảnh rất khó khăn. Những cái chết như vậy ấy cứ lặp đi lặp lại những năm qua, những năm qua. Và năm 2013 đã có những cái chết như vậy, chết thảm thương, và gần đây nhất người ta thấy cảnh tượng chưa từng có ở VN và cũng chưa từng có trên thế giới là những có giáo phải chui vào túi ny lông để qua suối đi dạy học. Một đất nước mà tuyên bố là độc lập tự do dân chủ gần bốn chục năm nay từ năm 1975, tại sao lại để một thảm cảnh như thế? Sao người lại có thể nhẫn tâm ăn chặn hàng triệu đô la từ nguồn vốn ODA và cuối cùng không có lấy một cái cầu treo nào cả qua những dòng suối thảm khốc như thế, và thậm chí nếu có cầu treo cũng chỉ là nhân tố gây tiếp ra những án mạng khác như là cầu treo Chu Va ở Lạng Sơn vừa rồi?

Ngày hôm nay chúng ta còn thấy việc đưa ra xử những công an dùng nhục hình đối với người dân, bạo hành đối với dân, chuyện đó cũng lặp đi lặp lại. Và gần đây là những cái chết trong đồn công an, những cái chết cực kỳ tức tưởi, mặc dù công an hết sức né tránh phủ nhận những việc này nhưng gần như mười mươi dân chúng nhìn ra rõ bản chất càng ngày càng khát máu của những người công an khi họ trở nên hung bạo. Thậm chí có một số nhân chứng phải nói “Công an giống như những con sói dữ”. Tại sao lại sinh ra một tầng lớp công an như vậy?

Ở Ninh Thuận ngày 26/3/2014 người ta khởi tố và bắt giam hai người dân chỉ vì cái tội họ đã khiếu nại, tuyên truyền khiếu nại một dự án titan mà đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của họ.

Tất cả những điều đó có làm cho thông điệp của thủ tướng trở nên sáng rỡ trong lòng mọi người không? Hay là ngược lại? Khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi và vô hình chung làm cho niềm hy vọng mới nhú ra một chút đã bị dập tắt. Tôi cho rằng có một ít trí thức vui mừng quá sớm, họ ca ngợi quá sớm về bản thông điệp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng sau đó gần đây họ đã phải im lặng tại vì họ không thấy có một điều gì mới cả, mặc dù tất nhiên ai cũng có lý do để bào chữa cho những gì cần phải bào chữa. Người ta nói rằng một bản thông điệp cũng như một chính sách của nhà nước phải có độ trễ của nó. Nhưng khi điểm duyệt lại nội dung bản thông điệp thì lại chưa thấy có bất kỳ một sáng tạo nào và sự đảm bảo rằng sau một độ trễ nào đó những điểm đó sẽ được thực thi.

TQT :  Anh bạn tôi là một nhà ngoại giao, cách đây ít phút nói chuyện với tôi rằng anh để suốt mấy tuần qua để đọc báo trên mạng báo lề Đảng để tìm những điểm sáng nhất để xem có điểm gì đáng phấn khởi về thông điệp của thủ tướng hay không. Ngược lại anh đọc xong lại thấy khủng hoảng về lòng tin, khủng hoảng về mọi mặt. Nhà báo Phạm Chí Dũng nghĩ thế nào về điều này ?

PCD : Tôi nghĩ đó là tâm trạng khủng hoảng chung của dân tộc hiện nay. Gần đây từ năm 2013 thì chính một số quan chức và cựu quan chức nhà nước đã phải thừa nhận cái từ là “khủng hoảng sâu sắc và toàn diện”, mặc dù cụm từ này không được đưa vào nghị quyết Đảng, nghị quyết của Chính phủ. Nhưng đó là những câu bên lề người ta nói với nhau. Tôi cho rằng điều đó thành thực hơn nhiều so với nghị quyết Đảng và nghị quyết của chính phủ. Đó là một cuộc khủng hoảng toàn diện của dân tộc từ năm 1975 trở lại đây và không thể có bất kỳ một sáng tạo, một đột phá nào trong bản thông điệp của thủ tướng về những điều không được thực thi và chưa có gì hứa hẹn là sẽ được thực thi mà có thể xóa nhòa được sự khủng hoảng đó. Tôi cho là anh bạn của anh Trần Quang Thành cảm nhận đúng về vấn đề này, dù anh bạn ấy có thể ở nước ngoài và không sâu sát, không thực tế và không đau khổ bằng người dân Việt Nam.

TQT : Theo anh, trong ba tháng đầu năm nay cuộc “khủng hoảng toàn diện và sâu sắc” đó có bước nào được khắc phục hay lại còn khủng hoảng sâu sắc thêm ?

PCD : Bất kỳ một điểm nào đó không được khắc phục hoặc chưa được khắc phục thì lại có thể trở thành sai lầm và tiếp dẫn trở thành một điểm dẫn cho cuộc khủng hoảng sắp tới và làm cho cuộc khủng hoảng trở thành ngày càng trầm trọng hơn.

Xin trở lại bản thông điệp của thủ tướng với nội dung chính, trong đó có bốn vấn đề chính đưa ra rất hào hứng. Thứ nhất là cụm từ “cải cách thể chế”, thứ hai là “xóa độc quyền”, thứ ba là “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” và cuối cùng là cụm từ rất mới chưa từng có là “nhà nước kiến tạo phát triển”. Khi đọc lướt qua, rồi sau đó đọc kỹ và sau đó nghe dư luận phân tích, tôi đã cảm thấy có cái gì đó ngờ ngợ là giống ở đâu đó, nhưng ở đâu thì không thể dám chắc được. Nhưng sau đó sau ba tháng thì không thấy bất cái gì là cải cách thể chế, ngoài việc cụm từ này được nhắc lại trên một số tờ báo ở Việt Nam.

Cải cách thể chế là gì? Chưa ai làm rõ và thậm chí thể chế là cái gì cũng chưa ai làm rõ. Chẳng qua trước đây người ta gọi là nhà nước và chế độ thì bây giờ gọi là thể chế hay là khác hơn nữa có thể gọi là chính thể, tức đây chỉ là một trò chơi chữ của những câu chữ huyễn ảo mà thôi, huyễn và ảo chứ chưa có một cái gì là thực tế. Nhưng mà cái thực tế nhất, cải cách gì thì cải cách cũng phải đáp ứng nguyện vọng và lòng dân, làm cho đời sống của người dân tốt đẹp hơn, nói chính xác là bớt khổ hơn. Điều đó phải nhấn vào vấn đề độc quyền kinh tế của nhà nước. Những tập đoàn kinh tế của nhà nước là độc quyền kinh khủng từ trước đến nay và họ đã thu những món lợi khổng lồ.

127 tập đoàn kinh tế của nhà nước chiếm đến 40% tổng tài sản quốc nội, nhưng số giá trị họ sản xuất cho xã hội kém thua hẳn so với tư nhân. Cùng với đó là vấn đề lãng phí, cực kỳ lãng phí, lãng phí này dẫn tới thất thoát và tham nhũng.Chúng ta vừa thấy xảy ra vụ ODA về thất thoát và nạn hối lộ tràn ngập trong ODA lên tới hàng triệu đô la. Nhưng con số này cũng chỉ là nhỏ thôi. Theo tôi biết thì ở Hà Nội, một số quan chức có thói quen nhận lại quả hàng triệu đô la chỉ là mức trung bình chứ chưa phải là cái gì ghê gớm.

Tất cả những cái đó bắt nguồn từ tình trạng một đảng về chính trị và độc quyền về mặt kinh tế. Sau ba tháng đề cập đến việc xóa độc quyền thì bản thông điệp của thủ tướng lại chưa cụ thể hóa thành chi tiết. Có nghĩa là trong ba tháng qua giá xăng tăng, giá điện nhấp nhổm tăng và hiện đang ở mức cao. Và đặc biệt là giá sữa tăng đã ảnh hưởng tới rất nhiều gia đình có con nhỏ. Giá sữa luôn luôn cao gấp bốn, năm đến sáu lần so với giá nhập khẩu và đó là một lãnh vực siêu lợi nhuận ở Việt Nam. Vừa qua Bộ công thương có tổ chức một đoàn khảo sát kiểm tra thanh sát thị trường, nhưng tất cả những việc đó cũng chỉ là việc “đánh bùn sang ao”. Người ta nói những phong bì để đối phó những đoàn kiểm tra đó không phải là nhẹ, và thực ra phong bì để đưa hối lộ ở VN đã không thể chứa nổi tiền tham nhũng nữa mà nó phải là những cái va-li tiền, những va li như Dương Chí Dũng đã đem đến nhà một quan chức chứa đến 500 ngàn đô la. Đó là  vấn đề thứ hai mà tôi muốn nói ra. Xóa độc quyền chưa hề trở thành một chút hiện thực nào trong thực tế và chưa cho thấy bất kỳ niềm hy vọng nào để cải cách thể chế.

Một vấn đề nữa liên quan đến bầu không khí tư tưởng, dân chủ và nhân quyền, đó là bản thông điệp lần đầu tiên đưa ra một cụm từ là “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”. Cần nói thêm Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên trong những chính khách cao cấp đương đại của VN đưa ra cụm từ này, mà không phải là ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư, không phải là ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, càng không phải chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bởi cụm từ “ngọn cờ dân chủ” đó được hiểu theo một hàm ý rằng đó là một sự cải cách, cải cách khá mạnh, thậm chí người ta nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có thể làm một Perestroika -một cuộc cải tổ -như ông Gorbachop những năm 1988-1989 ở Liên Xô.

Nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi việc “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” không thể làm cho bất kỳ ngọn lá nào lung lay trong khi bầu không khí vẫn trì đọng như cũ. Cho tới nay sau ba tháng, bầu không khí dân chủ ở VN vẫn chưa hề có một bước chuyển đổi nào cả. Tôi lấy ví dụ hồi cuối năm 2013 bản hiến pháp được thông qua vội vã với tỷ lệ phiếu cực kỳ áp đảo lên đến 98%, các đại biểu cúi đầu bấm nút và đã không có bất kỳ thay đổi nào về sự chủ đạo của kinh tế quốc doanh cũng như việc sở hữu đất đai toàn dân. Sau đó dường như chịu một sức ép từ cộng đồng thế giới, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại bất ngờ thông báo là sẽ ban hành Luật lập hội và Luật biểu tình, nhưng thời gian ban hành là khi nào thì không nói rõ. Có lẽ thông điệp của thủ tướng cũng phần nào dựa trên những gì Quốc hội công bố, nhưng quốc hội ở VN là quốc hội có tư cách giám sát độc lập hay là quốc hội biểu trưng bằng “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” như lời nói của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ chúng ta phải xem xét lại. Rằng đã chưa hề có một ngọn cờ dân chủ, ngọn cờ cải cách nào ở Việt Nam, và cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng muốn làm điều đó thì trước mắt ông ta phải làm và làm ngay là xóa độc quyền đối với các doanh nghiệp độc quyền về xăng-dầu-điện-nước-sữa.

Nhưng ông ta vẫn chưa làm cái gì cả. Trong một cuộc làm việc với ban kinh tế Trung ương gần đây, ông Dũng vẫn tuyên bố kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Điều đó cho thấy các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn có thể ung dung hưởng lợi trên đôi vai oằn lưng vì gánh nặng thuế và nợ công quốc gia của người dân Việt Nam…

Còn vấn đề thứ tư là một ý tưởng siêu thực là “nhà nước kiến tạo phát triển” của ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi thực sự rất ngạc nhiên về cụm từ này, và xem lại mới biết mô hình này đầu tiên do một giáo sư người Mỹ ở trường đại học California mới đưa ra từ năm 1982. Đây là một mô hình hoàn toàn về lý thuyết, chưa có bất kỳ cái gì mang tính thực chứng. Mà thực chứng lại xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng của người Mỹ. Một mô hình mà chưa có thực chứng thì chưa có giá trị gì trong thực tế, vậy mà  không hiểu ai đã tham mưu cho thủ tướng khiến ông dám đưa một mô hình lý thuyết chưa hề được thực chứng mang tên “nhà nước kiến tạo phát triển” vào bản thông điệp này. Cho đến nay cũng không ai nhắc đến và cũng chẳng ai hiểu cái “nhà nước kiến tạo phát triển” và mô hình nhà nước kiến tạo phát triển này là cái gì.

Thế thì với bốn yếu tố như vậy (cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, nắm vững ngọn cờ dân chủ, nhà nước kiến tạo phát triển) cho đến nay chưa có một manh mối nào để thực thi, ai có thể tin đó là một bản thông điệp thành tâm về mặt chính trị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả tương lai chính trị của ông ta nữa.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here