Hàn Quốc Vẫn Tiếp Tục Chỉ Trích Nhật Bản

- Quảng Cáo -

Hàn Quốc Vẫn Tiếp Tục Chỉ Trích Nhật Bản

abe-hye1-1Người dân Hàn quốc chưa hết bàng hoàng về vụ chìm tàu ngoài khơi bờ biển phía tây nam làm cho 259 hành khách bị thiệt mạng và 43 người khác bị mất tích thì gặp thêm tai nạn tàu điện ngầm tông nhau tại thủ đô Seoul khiến cho 170 hành khách bị thương. Hai tai nạn lớn xảy ra liên tiếp này đã làm cho nhịp sống rộn rịp của người dân quốc gia này gần như bị chùn lại, mọi sinh hoạt giải trí bị đình hoãn, các tụ điểm ăn chơi, ca nhạc, nhảy múa thưa người, phố phường về đêm vắng tanh. 6 ngày nghỉ lễ liên tiếp đầu tháng 5 là dịp để cho người dân Hàn quốc đi du lịch đó đây để xả hơi sau những ngày bù đầu với công việc thế mà các hãng du lịch ế khách, không có cảnh kẹt xe ở xa lộ vì chẳng mấy ai muốn đi đâu cả, tất cả đều hướng về các nạn nhân. Truyền hình, báo chí cắt giảm nhiều các tiết mục vui nhộn để nói về hai tai nạn và đả kích những thiếu sót của chính quyền bà Phát Cận Huệ trong việc cứu hộ và quản lý quốc gia. Trong hơn hai tuần lễ cuối tháng 4 đầu tháng 5 hễ bật TV lên hay lật một trang báo ra đọc là toàn những tin tức này nên chính quyền nữ Tổng thống Phát Cận Huệ bị phản cảm. Đầu tháng 4, số người dân Hàn quốc ủng hộ bà Huệ là 59% thế mà nay chỉ còn 48%. Số người phản đối bà Huệ từ 28% tăng lên thành 40%. Trong vòng hơn 2 tuần lễ mà con số tăng giảm như thế không phải là chuyện giỡn đối với một chính quyền dân cử ở các nước tự do, dân chủ, nếu con số ủng hộ tiếp tục giảm thì nữ Tổng thống Phát Cận Huệ bị buộc phải từ chức như chơi.

Bên cạnh việc đả kích nữ Tổng thống Huệ, báo đài Hàn quốc không quên đem người bạn láng giềng Nhật Bản ra kể tội, nào là chuyện ngày xưa xua quân sang xâm chiếm bán đảo Triều Tiên, vấn đề lính Nhật bắt phụ nữ Triều Tiên phục vụ sinh lý…

Trong thời gian này, Thủ tướng Nhật, ông Abe, đang viếng thăm một số quốc gia Âu châu. Ngày 02/05/2014, tại Đức quốc, trong một cuộc họp báo, ông Abe phát biểu rằng cách thức xin lỗi và hòa giải của Nhật và Đức về tội đã gây ra chiến tranh trong quá khứ hơi khác nhau. Ngoài việc phản tỉnh về những hành động của mình trong quá khứ, Nhật Bản còn hiệp tác, viện trợ cho các quốc gia trước đây bị Nhật chiếm đóng để xây dựng và phát triển kinh tế, điển hình là Hàn quốc. Đây là một sự thật không thể nào phủ nhận được thế mà chính phủ cũng như truyền thông Hàn quốc cố tình không nhắc đến và luôn đả kích Nhật Bản nào là kẻ cố tình quên lịch sử xâm lược để lờ đi chuyện xin lỗi.

- Quảng Cáo -

Những lời phát biểu của Thủ tướng Abe coi như đổ thêm dầu vào lửa, thế là truyền thông Hàn quốc thi nhau đả kích Nhật không tiếc lời. Chính quyền nữ Tổng thống Phát Cận Huệ rất muốn truyền thông Hàn quốc chỉa mũi dùi về phía Nhật Bản để phần nào nhẹ gánh bởi vậy một số Bộ trưởng Hàn quốc đã đến tham dự buổi lễ dựng tượng tưởng niệm ‘’Thiếu nữ Triều Tiên bị bắt làm trò mua vui’’cho lính Nhật hồi xưa tại công viên Suwon nằm ở ngoại ô Seoul, ngoài ra còn lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Abe đã cho người đem 5 vạn yen tới cúng đền Yasukuni vào ngày 22 tháng 4 vừa qua, rõ ràng là Thủ tướng Abe không có một chút phản tỉnh nào cả về các tội ác mà ngày xưa quân phát xít Nhật đã gây ra.

Theo các nhà ngoại giao Tây phương ở Seoul thì vấn đề đem ra chỉ trích không quan trọng bằng thái độ chỉ trích của các Bộ trưởng, điều này cho thấy những nỗ lực dàn xếp của Tổng thống Obama để cho hai quốc gia Hàn-Nhật hòa giải với nhau không có kết quả. Cứ tình trạng như thế thì phải mất thêm vài năm nữa cũng chưa chắc trở lại tình trạng bang giao tốt như trước đây. Tình hình càng căng thẳng thì cả Hàn quốc lẫn Nhật Bản đều bị thiệt hại, chỉ có Trung quốc là hưởng lợi nhất. Biết vậy nhưng cả Seoul lẫn Tokyo đều không chịu kìm hãm cơn nóng giận của mình, thật đáng buồn thay.

 

Năm Lãnh Vực Ưu Tiên Về Bảo An Quốc Gia Của Ông Tập Cận Bình

tapcanbinh_1Ngày 25/01/2014, Trung quốc chính thức thành lập Hội đồng An ninh quốc gia với Chủ tịch Hội đồng là ông Tập Cận Bình và 2 Phó Chủ tịch là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang. Việc thành lập Hội Đồng An ninh quốc gia này là do quyết định của Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung quốc vào tháng 11 năm ngoái, nhưng khi đưa ra quyết định này Hội nghị đã không giải thích tính cần thiết của Hội đồng này hay vì sao nó được thành lập. Đây là cách hành sử chỉ có tại các nước Cộng sản chứ ở các quốc gia tự do dân chủ thì phải trải qua nhiều cuộc thảo luận công khai cho mọi nguời biết.

Trước khi ra mắt Hội đồng An ninh quốc gia, ông Tần Cường, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc, họp báo nói rằng Hội đồng này sẽ có phạm vi ưu tiên rộng lớn để bảo đảm an ninh quốc gia. Người phát ngôn viên họ Tần này còn răng đe thêm rằng từ đây các phần tử khủng bố, cực đoan và ly khai lo lắng. Bất cứ ai có ý đồ phân hóa quốc gia, phá hoại tình đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia đều bị nghiêm trị nặng.

Để ca tụng việc ông Tập Cận Bình thành lập được Hội đồng An ninh quốc gia, ông Thạch Ân Hồng (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ của đại học Bắc Kinh, hiện là cố vấn ngoại giao cho ông Tập) cho hay ý tưởng này bắt đầu được thai nghén cách đây hơn 15 năm dưới thời ông Giang Trạch Dân, nhưng chỉ có ông Tập Cận Bình mới đủ khả năng thống nhất ý kiến và củng cố sức mạnh hầu đi đến việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia. Lời ca tụng quá đáng này đã bị các thế lực trong đảng Cộng sản Trung quốc không thuộc cánh ông Tập công khai lên tiếng phản bác trên các trang mạng ở Hoa lục. Việc Bảo đảm An ninh quốc gia chưa biết sẽ tiến theo chiều hướng nào, nhưng đã thấy bất ổn trong thượng tầng lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc. Đó là nhận xét của nhiều quan sát viên tình hình chính trị Trung quốc.

Ngày 15/04/2014, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng An ninh quốc gia Trung quốc, ông Tập Cận Bình đăng đàn trình bày về quan niệm tổng thể vấn đề An ninh quốc gia. Theo ông Tập thì hiện nay có 11 lãnh vực an ninh mà Trung quốc cần phải bảo vệ đó là an ninh chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, lãnh thổ, quốc dân, khoa học, sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và ngoại giao. Nhưng 5 lãnh vực phải được coi là ưu tiên hàng đầu đó là an ninh chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và an ninh xã hội.

Theo các bình luận gia thì 5 lãnh vực an ninh ưu tiên hiện nay của Trung quốc mà ông Tập Cận Bình kể ra không có lãnh vực nào bị các thế lực nước ngoài uy hiếp, ngoại trừ lãnh vực quân sự. Cũng theo các bình luận gia này thì có hai nguyên nhân chính dẫn đến chuyện bất ổn chính trị ở Trung quốc. Thứ nhất, chính sách độc tài, độc đảng khiến cho lãnh đạo cũng như cán bộ, quan chức từ trung ương đến địa phương trở nên quan liêu, tham ô, nhũng lạm, đục khoét tài nguyên quốc gia chưa đủ còn xoay qua cướp cạn ruộng đất của người dân.

Nguyên nhân bất ổn chính trị thứ hai là sự tranh chấp quyền lực trên thượng tầng lãnh đạo. Từ nguy cơ bất ổn chính trị sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội, khi mà người dân không còn chịu đựng được nữa thì rất dễ xảy ra bạo loạn. Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù nhà nước Cộng sản Trung quốc đàn áp thẳng tay nhưng mỗi năm khắp cả Hoa lục xảy ra ít nhất là 20 vạn cuộc biểu tình có bạo động, con số này chỉ có tăng chứ không giảm,

Về kinh tế thì thị trường bất động sản đang vỡ bóng khiến cho ngân hàng thiếu tiền do nợ xấu không đòi được, hàng xuất khẩu của Trung quốc đã bị khựng lại từ mấy năm qua nên đảng Cộng sản Trung quốc đặt vấn đề an ninh kinh tế lên ưu tiên thứ hai là điều dễ hiểu, nhưng làm sao giải quyết được khi mà xu hướng không muốn sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu Made in China ngày càng tăng tại các quốc gia Âu Mỹ.

Về lãnh vực văn hóa thì do muốn kiểm soát tư tưởng của người dân nên giới hạn quyền tự do sáng tác bởi vậy từ ngày đảng Cộng sản lên cầm quyền cho đến nay Trung quốc không có một tác phẩm nào giá trị cả, trong khi những thế kỷ trước Hoa lục là một trong những trung tâm văn hóa của thế giới. Vì cuộc sống không có tương lai nên phần đông giới trẻ Trung quốc hiện nay ưa thích những phim ảnh, truyện nói về đời sống thác loạn, chẳng cần giữ phép lịch sự tối thiểu, cả mấy thế hệ thanh niên đều như thế thì đào đâu ra nhân tài theo đúng nghĩa của nó, bây giờ ông Tập Cận Bình muốn bảo vệ an ninh văn hóa là bảo vệ như thế nào đây khi mà hệ thống kiểm duyệt ngày càng thắt chặt.

Các nhà hoạt động dân chủ ở Hoa lục nói rằng: Thông thường, Hội đồng An ninh quốc gia của một nước là để chống lại sự uy hiếp bằng vũ lực quân sự từ các thế lực thù địch ngoại bang, nhưng Hội đồng An ninh quốc gia do chế độ ông Tập Cận Bình lập ra không mang ý nghĩa như vậy mà là để đối đầu với nội thù của đảng Cộng sản Trung quốc. Những người mà đảng Cộng sản Trung quốc gọi là nội thù không ai khác hơn là người dân Trung quốc đang bị họ áp bức.

Các nhà dân chủ này còn ví von rằng Trung quốc hiện nay như một con người bị bệnh từ đầu xuống chân, với một con bệnh như thế thì cho dù có mấy Hội đồng An ninh quốc gia cũng không thể cứu nổi mà oái ăm thay chính cái Hội đồng An ninh đó lại chứa toàn vi trùng bịnh.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here