Lời tự thuật của thi sĩ HỮU LOAN

- Quảng Cáo -

Lời tự thuật của thi sĩ HỮU LOAN

Năm 1976 khi tàu hoả Thống Nhất chạy được vài chuyến. Một buổi chiều có một ông già vào Nam thăm thân nhân trên chuyến tàu này. Khi xuống ga Sài gòn, ông tình cờ nghe giọng hát thật mùi của một bài hát nghe quen quen. Tìm quanh, ông nhìn thấy một người ăn xin, cụt chân, đang ôm cây đàn ghi ta cũ mèm, ngồi ở một góc sân ga say sưa hát:

Ông già đến bên người ăn xin ngồi nghe hết bản nhạc rồi mới gợi chuyện. Ông hỏi người hát rong ấy về bản nhạc và hỏi nguyên nhân nào làm anh ta cụt chân. Người ăn xin trả lời rằng anh là một người lính miền nam, bị thương ở trận Bình Long anh dũng…

Ông già ái ngại nhìn anh ta và yêu cầu anh hát lại một lần nữa, ông ngồi nghe hết bản nhạc rồi đứng dậy, móc hết tiền trong túi đưa cho “người nghệ sĩ nghèo” kèm theo lời cám ơn và nói:”Tôi là tác giả của bài thơ đó “

- Quảng Cáo -

Nói xong ông bỏ đi trong sự ngẩn ngơ của người ăn xin . . .

hoa-simÔng già đó là nhà thơ Hữu Loan, người nghệ sĩ đã giữ tròn khí tiết và chính khí trước cường quyền suốt cuộc đời của mình. Thời tuổi trẻ, Hữu Loan cũng đã từng tham gia bộ đội. Bài thơ Đèo Cả của ông một thời âm vang trong trái tim những người bộ đội trẻ. Từ những rau khe, cơm vắt, ngày vượn hú, Đêm canh hùm; đến áo phai màu chiến trường, gian nguy mà lòng không nhạt, máu nghiêng sôi dào dạt.

Những chàng trai trẻ trên dặm đường cứu nước của Đèo Cả, của Hữu Loan ngày nào, tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Những người lính ấy đã mất dấu trên quê hương VN từ rất lâu. Nhắc lại Đèo Cả để nhớ và để thương những người lính Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán… trong suốt đoạn đường gian nan sau này của cuộc đời họ.

Đêm quê nhà!
Nhớ về thăm Đèo Cả
Hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau
Bữa heo rừng
Công thui
Chấm muối
Ngủ với nhau
Sạp rừng
Nửa tối

Chân đèo Nam

Máu giặc
Mấy lần
Nắng khô
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối
Đánh cờ
Người hái cam rừng
Ăn nheo mắt …
…Suối mang bóng người
Soi
Những
Về
Đâu ?!

Sau cuộc bể dâu, hai người lính ở hai chiến tuyến gặp nhau tình cờ ở sân ga. Người thương binh miền nam ngồi hát chuyện tình của người lính bộ đội miền bắc ngày nào. Mời bạn cùng chúng tôi đi vào quảng đời chiến binh và cuộc tình của thi sĩ Hữu Loan qua lời tự thuật của chính ông:

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường.

Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên.

Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới. Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.

Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà tham Kỳ gọi mãi đứa con gái – lúc đó em mới  8 tuổi-  gọi mãi em mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí:

” Em chào thầy ạ!”

Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời.

Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”.

Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..

Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành…

Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý. Mẹ em bảo:

“Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu”

Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.

Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ …

Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng. Em nói:

Thầy ăn đi.

Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ: Ngọt quá.

Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim.

Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo.

Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …

Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….

Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”.

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”.

Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.

Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành

Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn

Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

 

Thưa quý thính giả vì thời giờ có hạn chúng tôi xin tạm ngưng câu chuyện của nhà thơ Hữu Loan tại đây. VĐ và MH xin thân ái chào tạm biệt, và kính mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện về cuộc đời của nhà thơ Hữu Loan vào chương trình kỳ tới.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here