Lũ lụt trong những tâm hồn thơ xứ Quảng (1)

- Quảng Cáo -

Lũ lụt trong những tâm hồn thơ xứ Quảng (1)

lulutTrong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. Cả hai được xem như là đặc sản Quảng Nam. Nước lũ, nước lụt, nước lớn, nước ròng hình như có trong thơ của hầu hết các nhà thơ xứ Quảng, không chỉ để mô tả nỗi đau, sự chịu đựng mà nhiều khi còn dùng để tả sự chờ đợi, đổi thay, ngăn cách đôi dòng “Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ ?” là thế.

Trong phạm vi đất nước, lũ lụt là một thực tế rất hiển nhiên. Không chỉ những người sinh ra trên những cánh đồng khô cháy ở Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, lớn lên bên bờ sông Thu, khóc khi mùa nước lên, than khi cơn bão tới mới hiểu thế nào là đau thương đói khổ mà gần như người Việt Nam nào cũng biết rằng ở giữa thân hình đất mẹ hình chữ S, có một vùng đất gắn liền với hai chữ thiên tai bão lụt, nơi đó, con người sống trong nỗi bất an chờ đợi một tai họa sẽ trở lại mỗi năm:

Năm năm mỗi độ đông vừa chớm
Xóm dưới làng trên ngại lụt nhiều
Dòng nước Thu Bồn thành nỗi sợ
Khi rừng xa vọng thác vang reo.
(Tin bão miền Trung, Tường Linh)

- Quảng Cáo -

Lũ lụt, thật vậy, là nỗi lo sợ và nỗi ám ảnh thường xuyên trong tâm trí của người dân Quảng. Khi nhắc câu hát “Trời hành cơn lụt mỗi năm” người nghe sẽ nghĩ ngay đến miền Trung nghèo khó và nghèo khó nhất vẫn là Quảng Nam. Câu hát cất lên như một tiếng than dài vọng suốt mấy trăm năm:

Em về ở lại đây thôi!
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây.
(Tiếng vọng, Bùi Giáng)

Nhưng em không ở lại. Em chết và những đứa con thân yêu của nhà thơ cũng chết. Những bàn chân nhỏ nhoi của vợ và con đã “chết trên bờ lúa” in sâu vào tâm hồn nhà thơ. Nhà thơ mang nỗi buồn thiên cổ ra đi, bỏ lại bầy dê, bỏ lại cánh đồng. Nỗi cô đơn sâu thẳm một ngày đã nở thành những chùm hoa trác tuyệt và nhiều huyền thoại nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.

Nhưng dù có đi bao xa và dù có sống với trạng thái tâm lý ngao du trong thế giới tư duy xa cách với phần lớn con người, trong tâm hồn nhà thơ vẫn còn có một nơi vô cùng trang nghiêm, vô cùng yên tỉnh, một nơi có cánh đồng xanh, có vườn lá biếc, một nơi mà nhà thơ vẫn mong có ngày trở lại, một nơi được nhà thơ nhắc rất nhiều lần. Nơi đó chính là “cố quận”:

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Ngó bên kia vườn biếc lá hoa lừng
Ồ vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ
Tự ngàn năm tuôn dạo tự khe rừng
(Bến đò ngàn xuân cũ, Bùi Giáng)

Nước, nước lũ, nước dâng cao, nước cuốn…đến không từ đâu khác hơn là sông Thu Bồn, chảy dài hàng trăm dặm từ Trà Linh xuống Hội An. Sông Thu có thể không quá dài so với nhiều con sông lớn khác ở ba miền nhưng đẹp hơn cả một bức tranh thủy mạc. Bao nhiêu văn, thơ, nhạc đã chảy ra từ dòng sông đó.

Phía sau những rặng tre già nghiêng mình soi bóng, những bãi dâu xanh ngát dọc bờ sông, nhiều nhà thơ xứ Quảng đã sinh ra, lớn lên và ra đi theo nhiều chọn lựa khác nhau. Họ khác nhau về thế hệ, hoàn cảnh trưởng thành và nhiều trường hợp khác nhau cả về chính kiến nhưng tất cả cùng có một tình yêu tha thiết dành cho dòng sông nuôi lớn tâm hồn yêu người như cả yêu quê hương của họ. Tha thiết đến nỗi nhiều nhà thơ khi chết đi chỉ mong làm hạt phù sa trên sông Thu để bồi đắp lên mảnh đất cày lên sỏi đá.

Giờ này, mấy chục năm sau, trên căn gát nhỏ ở Orange County, San Jose, Atlanta, Memphis, Seattle, Houston, Tampa hay một nơi nào trên xứ lạ, khi ngồi nhớ đến sông Thu, các nhà thơ xứ Quảng hẳn nghe lòng quay quắt rưng rưng. Tuổi thơ như nước Thu Bồn trôi đi, đi xa không trở lại.

Những bài thơ đầu đời viết bằng viết lá tre trong cuốn vở học trò lưu niệm có thể đã bị cháy rụi trong chiến tranh. Tiếng guốc đã không còn khua trên những con đường lát sỏi Phan Chu Trinh, Cường Để Hội An. Hàng cây sao đã bao mùa thay lá bên kia sân trường Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Nữ Trung Học Đà Nẵng. Những trụ đèn đêm trước cỗng trường Sao Mai, Đông Giang, Bồ Đề, Pascal không còn ai đứng đợi. Những ô cửa của lớp học và cũng của đời mình đã phủ kín bụi thời gian. Nhưng ký ức thì không. Ký ức vẫn còn đó. Vẫn nguyên vẹn hình ảnh những buổi chiều “nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Điện” hay ngồi ngâm nga “tôi đưa em sang sông” trên bến phà An Hải.

Nhà văn Hà Kỳ Lam viết về dòng sông Thu Bồn, nơi nuôi lớn tuổi đầu đời của anh vô cùng tha thiết: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với sông Thu Bồn. Tôi biết dòng sông vẫn thấp thoáng qua bờ tre trước nhà ông bà nội tôi từ thuở lên ba, khi gia đình tôi từ Cần Thơ hồi hương về làng Kỳ Lam sau khi bố tôi qua đời. Tôi đã uống nước sông ấy, tắm nước sông ấy, và lớn lên bên dòng sông ấy. Dù sau này bước chân tôi đã đi “cùng trời cuối biển”, cái không gian tuổi thơ của tôi bên dòng nước ấy vẫn được tồn trữ trang trọng một cõi riêng trong lòng, ở đó cái diệu vợi của không gian, cái vô tình của thời gian cũng phải nhường bước.

Cái không gian ấy trải dài hai bên dòng sông, từ vùng đồng bằng Kỳ Lam ngược dòng lên Tĩnh Yên, Khe Cát của Duy Xuyên, đến Phú Gia, Hòn Kẽm Đá Dừng của Quế Sơn, chứa đựng những tên làng mạc mà hầu như mỗi lần nghe nhắc đến thì cả một khung trời kỷ niệm hiện về trong tôi. Hôm nay viết về dòng Thu Bồn, tôi muốn cùng quý độc giả chu du trên dòng nước trong khung trời ấy qua trí tưởng để tôi có dịp nhắc đến những địa danh thân thương kia như một chút tình hoài hương…”

Khi ngồi lại bên bờ sông viễn xứ, nhà thơ Quảng Nam nào mà không chạnh nhớ đến sông Thu và không cảm thấy thương những nhánh sông quê hương như thương chính cuộc đời mình:

Quê ta có sông Thu không cầu danh
cũng biết nuôi người và thương mình
cả đời ta ước như sông ấy
chảy giữa tình yêu chảy quẩn quanh.
(Nói với dòng Mississippi, Hoàng Lộc)

Riêng em tôi còn nhớ mãi
ngây thơ ánh mắt ngập ngừng
Sông Thu bao giờ trở lại
mưa nguồn gío biển rưng rưng.

(Sông Thu, Trần Thái Vân)

Nhưng rồi, dòng sông Thu Bồn êm đềm như dải lụa ngà vào mỗi độ đầu đông đã trở thành hiểm họa:

Và lũ lụt.
Ôi giòng sông nước lũ
Xuôi nguồn trôi miên man
Những lá vàng tơi tả
Những cành nhánh khô cằn
Những hoa bèo lá cỏ
Xuôi dòng trôi miên man.
(Giòng sông nước lũ, Đynh Hoàng Sa)

Trời giận ai ! Trời mưa xối xả
Gió giận ai! Gió hú liên hồi
Nước giận ai! Nước cuồn cuộn chảy
Sông giận ai! Sông để vở bờ.
(Sau cơn lũ, Nguyễn Kim Sắc)

Làm sao quên những tháng Mười mưa lũ
Ðêm bão giông nghe gió rít, chim kêu
Những cơn lụt nước trắng đồng,trắng ruộng
Tuổi thơ tôi xao xác với quê nghèo.
(Đất Quảng, Quang Huỳnh)

Bạn đi mùa hạ mà mưa trút
Bạn đi như con sông mùa lụt
Tràn qua bờ tre chảy thỏa lòng
Ta ở, ta về như nước rút.
(Như sông ngày lụt, Hà Nguyên Dũng)

Không chỉ trong tình yêu dành cho dòng sông quê hương, các nhà thơ xứ Quảng còn dùng những hình ảnh quen thuộc như nước cuốn, đời nước sông, bến đò xưa, chân cầu cũ như những mốc thời gian để đánh dấu những cuộc chia tay của bạn bè, những mối tình mong manh sương khói và những cảnh đời dâu biển sau cuộc chiến tang thương:

Em giờ con sáo giữa trời
Sang sông nên để cuộc đời tôi đau.
(Sáo sang sông, Linh Quân)

Khi anh đi tháng hai về qua phố
Đêm bay trên sông không thấy con đò
Qua An Hải những ngày thơ mắt ngó
Đời nước sông Hàn thuở ấy chưa lo.
(Ta vẫn còn nhau hay đã xa?, Nguyễn Nam An)

Thấy lại giòng sông sáng chiều hai buổi
Gắn liền đời qua bao nỗi bể dâu
Như con nước sáng lên chiều cạn xuống
Mang nỗi buồn theo với giọt mưa ngâu.
(Ta thấy lại ta, Nguyễn Thanh Huy)

Nước là thế, nước “chảy trăm năm”, nước “mang nỗi buồn theo”, “nước giận ai”, nước “mưa xối xả”, còn đất thì sao? Vâng, tình yêu đất của những người Việt đầu tiên trên vùng tân lập Quảng Nam thể hiện trong truyền thống vươn lên từ những thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, khao khát được sống tự do, xa lánh chế độ trung ương tập quyền hà khắc và cương quyết dấn thân khai phá vùng đất mới.

Tổ tiên Quảng Nam yêu đất Quảng như yêu mối tình đầu và cũng là tình cuối. Giả từ miền Bắc thân yêu, giả từ Thanh Hóa, Nghệ An, tổ tiên Quảng Nam bồng bế con thơ vượt đèo Hải Vân, ra ngoài cửa biển Đà Nẵng, Sơn Chà, Mân Quang, Tân Thái, xuống tận vùng Cửa Đại, Hội An và lên cả các xứ đèo heo hút gió Tiên Phước, Trà Mi. Họ bắt những con cá lớn, trồng những cây quế thơm, dệt những tấm lụa vàng. Và từ những bước chân đầu tiên đặt lên con đường lịch sử đầy gai góc, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và xây dựng Quảng Nam. Truyền thống yêu đất yêu người đó đã được vun xới chăm nom bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt.

Và thơ ca, đứa con tinh thần của mối tình giữa đất và người xứ Quảng cũng từ đó được sinh ra. Qua bao thời đại, thơ ca lớn lên, có khác nhau ít nhiều về vóc dáng nhưng các cấu tử trong mỗi tế bào căn bản vẫn giống nhau. Dù làm thơ cho những mối tình trai gái hay làm thơ ca ngợi tình cha mẹ, ngôn ngữ trong thơ của họ vẫn đậm đà hương đất Quảng Nam. Cũng vì thế mà một nhà thơ đã viết “tiếng quê hương là tiếng nói của cuộc đời”:

Trống sớm làng Trung, chuông chiều xóm Thượng
Tiếng quê hương vang vọng tháng năm dài
Giọng hát: à ơi…chảy tràn tám hướng
Tiếng nói cuộc đời khoan nhặt êm tai.
(Hương đồng phấn nội, Thành Tôn)

Có ai đợi ta trên con đò cuối năm
Ôi, chỉ bóng ta chao bóng xuôi dòng
Mặt mũi tiêu điêu theo phần đời gió nổi
Cái đời buồn như nước chảy trăm năm.
(Ngày về, qua đò cuối năm, Nguyễn Đông Giang)

Ta về nghe tháng năm dừng lại
Trên dòng Thu Bồn cát lở, bồi
Ở đó hè xưa ta đã tắm
Hình ta, đáy nước vẫn chưa trôi.
(Ta về giữa đất trời hiu quạnh, Hồ Tuấn Nhã)

Chương trình CDT xin chân thành cám ơn tác giả Trần Trung Đạo với bài viết “Lũ lụt trong những tâm hồn thơ xứ Quảng”.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here