Trịnh Khả (1)

- Quảng Cáo -

Vung gươm ở Nhân Mục và Tam Giang:

khiến Vương Thông muốn vỡ mật;
Tung hoành ở Lê Hoa và Lãnh Thủy:
khiến Mộc Thạnh phải hoảng hồn.

( Lê Thái TổLịch triều Hiến chương loại chí)

Thưa quý thính giả, bốn câu thơ của vua Lê Thái Tổ đã minh hoạ hình ảnh khí phách của tướng quân Trịnh Khả, một trong những tướng lĩnh đã góp phần làm nên chiến thắng Lam Sơn, đưa đất nước thoát vòng nô lệ. Để nhắc nhở chúng ta về những giai đoạn gian nan của lịch sử và những hy sinh to lớn của tiền nhân chúng tôi xin mời quý thính giả cùng lắng nghe câu chuyện về tướng quân Trịnh Khả.

- Quảng Cáo -

TrinhKhaTrịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo Lê Quý Đôn cho biết: Tổ tiên ông từng làm quan dưới thời Trần và từng lập công khi quân ta đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Cha ông là Trịnh Quyện, làm Chánh tổng có 4 người con trai, Trịnh Khả là con út.

Về thời trai trẻ của ông, sử cũ viết: “Năm lên 16 tuổi, một hôm, ông dắt trâu đi cày về ngồi nghỉ trước cổng một ngôi chùa trên núi. Khi ấy, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, liền bắt về làm gia nô. Ít lâu sau, hắn xem tướng ông và nói rằng:

– Thằng bé này mình rồng, mắt hổ, khỏe hơn cả mọi lính tráng trong ba quân. Ngày sau thế nào hắn cũng sẽ được cầm cờ mao và tiết việt (ý nói sau này ông sẽ làm tướng).

Thế rồi hắn nói tiếp:

– Ngày sau, kẻ đánh đuổi ta tất phải là mày, phải trừ ngay đi để khỏi lo về hậu họa.

Ông nghe thế thì sợ quá, băng qua bên kia sông Mã, ẩn trong nhà người cô ở xã Diên Phúc. Quân Minh đuổi theo bắt mà không được, liền bắt cha ông là Trịnh Quyện cốt để buộc ông trở lại, nhưng cũng không xong. Giặc liền quẳng cha ông xuống sông. Đến đêm khuya, ông lẻn về vớt xác cha đi chôn.

Vừa xót thương cha, vừa căm giận giặc, ông quyết chí báo thù. Nghe tin Thái Tổ (tức Lê Lợi) lúc ấy đang náu mình ở Lam Sơn, ngầm nuôi binh mã để khôi phục giang sơn, ông liền vác gươm đến xin theo ngay.

Đến với Lê Lợi, ông được tin dùng, được phong làm Phó chỉ huy lực lượng quân Thiết Đột. Năm 1416, Trịnh Khả là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai.

Hội Thề được diễn ra tại làng Lũng My tên gọi khác là làng Mé. Mục đích của hội thề là tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức chuẩn bị phát động khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Minh. Hội thề này là cơ sở cho việc tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn sau đó hai năm.
Tiếng “xin thề” dậy đất

Chạy dài theo sông Âm
Đàn chim rừng vỗ cánh
Chuyển khắp nơi tin lành.

Mười chín người rút kiếm

Cùng chích cánh tay mình
Hứng huyết nóng vào rượu
Hoà một thùng uống chung.
Nâng bát rượu trên tay
Mắt nhìn nhau cảm động

Dũng tướng mà lại khóc
Nước mắt đằm trên môi.

Trịnh Khả sôi bầu máu nóng

Mà trên mặt, giọt lệ cứ nhoà
Sông Chu ơi, người cuốn xác cha ta

Con đã cắt máu ăn thề, xin hứa với cha
Không diệt hết Ngô không đứng trong trời đất!

(Nguyễn Bùi Vợi – Gươm Thề Lũng Nhai)

 

Sau hội thề, nhiều anh hùng hào kiệt và những người yêu nước khắp nơi đã theo Lê Lợi tụ nghĩa.

Trịnh Khả là một trong những thành viên đầu tiên của chỉ huy Lam Sơn. Trải hơn mười năm, Trịnh Khả luôn luôn là tướng trực tiếp cầm quân, chiến đấu một cách dũng cảm và mưu lược, lập được nhiều công lao xuất sắc. Sự nghiệp của Trịnh Khả có thể tóm lược qua mấy sự kiện lớn sau đây: dùng mưu lưu giặc, giành lại hài cốt của tổ tiên Lê Lợi và đi sứ sang Ai Lao

Ngày 7/2/1418 (tức ngày mồng 2 tết Mậu Tuất), Lê Lợi long trọng tổ chức lễ tế cờ, tuyên bố bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. Bảy ngày sau, ngày 14/ 2/1418 , từ thành Tây Đô, quân Minh do Đô đốc Chu Quảng cầm đầu đã mở cuộc tấn công đàn áp đầu tiên và có quy mô rất lớn vào Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng, do lực lượng vừa yếu lại vừa thiếu kinh nghiệm trận mạc, nên không sao có thể chống cự nổi, đành phải rút lui về Mường Một.

Giặc tức tối đuổi theo, Lê Lợi lại phải cho quân rút khỏi Mường Một và kéo về Lạc Thủy (tên một địa điểm ở thượng nguồn sông Chu, phía trên của Lam Sơn). Giặc lại hùng hổ kéo đến Lạc Thủy, hy vọng sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng, không may cho chúng, Lê Lợi đã bố trí một trận địa mai phục đề chờ. Quân Minh bị đánh cho tơi bời, bị giết khoảng ba ngàn tên và bị bắt sống chừng một ngàn tên nữa. Chúng buộc phải tháo chạy khỏi Lạc Thủy.

Bấy giờ, để trả thù và cũng là để uy hiếp lòng tin của nhân dân dối với Lê Lợi, theo sự chỉ dẫn của hai tên Việt gian là Đỗ Phú và Ái (chưa rõ họ, chỉ biết hắn cũng là người Thanh Hóa) , quân Minh liền kéo đến xứ Phật Hoàng, khai quật phần mộ của thân phụ Lê lợi, lấy cái tiểu đựng hài cốt mới cải táng đem đi.

Chúng loan báo đi khắp nơi rằng, hài cốt của thân phụ Lê Lợi đã bị lấy rồi, ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê Lợi kể như không còn nữa, theo Lê Lợi thì chỉ đổ máu một cách vô ích mà thôi. Chúng đem tiểu đựng hài cốt của thân phụ Lê Lợi, để trên một chiếc thuyền ở giữa sông, canh gác thật cẩn thận và tuyên bố rằng, nếu Lê Lợi muốn nhận lại hài cốt của thân phụ thì phải ra hàng!

Lê Lợi sai hai người là Trịnh Khả và Lê Bị, tức Bùi Bị, đội cỏ (mà nghi trang), bơi dọc theo sông đến bến Dao Xá Thượng, rình lúc giặc ngủ say, leo lên thuyền lấy trộm cái tiểu (đựng hài cốt thân phụ Vua) đem về trình. Vua mừng rỡ, trọng thưởng cho cả hai người rồi rước cái tiểu ấy đem về xứ Phật Hoàng, táng lại như cũ.

Mưu trả thù hèn mạt không thành, giặc liền quyết chí đánh vào Lam Sơn lần thứ hai. Trận đánh quá bất ngờ này của chúng đã khiến cho Lam Sơn tổn thất rất nặng nề. Vợ con và nhiều người trong gia thuộc của Lê Lợi bị giặc bắt. Không ít nghĩa sĩ Lam Sơn đã phải ngã xuống. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa toàn bộ lực lượng lên núi Chí Linh. Đây là cuộc rút lui lên núi Chí Linh lần thứ nhất. Từ đây, những ngày khó khăn gian khổ nhất của Lam Sơn bắt đầu.

Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, sự giúp đỡ và chi viện là vô cùng cân thiết. Lê Lợi hy vọng rằng, nếu có người giỏi thuyết phục, Ai Lao nhất định sẽ ủng hộ Lam Sơn. Bấy giờ, trong Bộ chỉ huy Lam Sơn, Trịnh Khả là người vừa thông thạo tiếng nói lại vừa nắm vững đường đi lối lại sang Ai Lao, ông cũng là người có biệt tài ứng đối, do vậy, Lê Lợi quyết định cử ông làm sứ giả.

Nhờ tài thuyết phục của Trịnh Khả, triều đình Ai Lao đồng ý giúp Lam Sơn một số quân và voi chiến, khí giới… cộng với năm tháng lương. Với thành công rất đáng kể trong chuyến đi sứ này, Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc hồi phục lực lượng của Lam Sơn.

Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh hoàn thành xuất sắc kế hoạch cầm quân đánh vào Nghệ An (1424)

Tháng 10 năm 1424, Lam Sơn cho quân ồ ạt tấn công vào Nghệ An. Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh có may mắn được cầm quân tham gia cuộc tấn công quan trọng này. Sử cũ cho hay, ông trực tiếp đánh nhau với giặc đến mấy mươi trận lớn nhỏ, và trận nào ông cũng là người xung phong lên hãm giặc, lập công to. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đánh giá rất cao tài năng và cống hiến đa dạng của Trịnh Khả. Ông được phong tới hàm Thái giám (Lúc này, Thái giám không phải là hoạn quan).

Trịnh Khả tham gia chỉ huy một trong ba đạo quân Lam Sơn tiến thẳng ra bắc (1426)

Tháng 9 năm 1426, một loạt các tướng lĩnh Lam Sơn cùng với hơn 1 vạn nghĩa sĩ được lệnh hành quân ra Bắc, tiến sâu vào vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để vừa tổ chức những cuộc tấn công khi xét thấy có thể, vừa tìm cách uy hiếp sào huyệt lớn nhất của kẻ thù lúc đó là thành Đông Quan.

Các tướng lĩnh và hơn 1 vạn nghĩa sĩ ấy được chia là ba đạo khác nhau. Trịnh Khả có vinh dự được cùng các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí, chỉ huy một trong số ba đạo quân đó. Đạo này có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan, đồng thời, sẵn sàng chân đứng lực lượng viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam (Trung Quốc) sang.

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here