Trung Quốc trúng thầu đăng cai Thế Vận Hội mà gần như không ai muốn

Reid Standish

- Quảng Cáo -

Có còn quốc gia nào muốn tìm uy tín và nổi bật trên thế giới qua việc tổ chức Thế Vận Hội? Có lẽ chỉ có một số nhỏ các quốc gia chuyên chế là còn chịu bỏ ra một món tiền đắt đỏ. Đó là nhận xét qua cuộc đấu thầu đăng cai Thế Vận Hội mùa Đông 2022 vừa rồi.Bắc Kinh được trao quyền tổ chức Thế Vận Hội 2022 vừa rồi, chỉ hơn đối thủ là thành phố Almaty, Kazakhstan chút xíu. Như thế thì Bắc Kinh là thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế Vận Hội mùa Hè và mùa Đông. Lần đấu thầu vừa rồi cũng lạ lùng nhất trong lịch sử Thế Vận Hội: Tất cả các thành phố khác đều tự rút lui, khiến Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế phải chọn một trong hai thành phố còn lại.

Cuộc đua giữa 2 thành phố gây cấn đến hồi chót. Almaty khoe là có nhiều núi tuyết cách trung tâm thành phố gần 30km. Nhưng cuối cùng Bắc Kinh khoe có kinh nghiệm tổ chức Thế Vận Hội (2008) chinh phục được nhiều phiếu hơn. Bắc Kinh có 44 phiếu so với Almaty có 40.

Cả Bắc Kinh và Almaty đều được xem là ở vòng ngoài của cuộc đua giành quyền đăng cai 2022 cách đây hai năm. Nhưng sau khi một loạt các thành phố ở Âu Châu bao gồm Lviv, Ukraine; Krakow, Ba Lan, và Stockholm, Thụy Điển rút lui vì các mối quan tâm tài chánh và chính trị cũng như không được quần chúng hỗ trợ. Cuối cùng còn có Almaty, Bắc Kinh và Oslo của Na Uy. Oslo được xem là ứng viên số một, nhưng rồi thành phố Oslo cũng rút lui vì tốn phí lên tới cả tỉ đô la. Cuộc chạy đua giành đăng cai Thế Vận Hội không còn quốc gia nào khác muốn ngoại trừ Almaty và Bắc Kinh.

Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế (IOC) tuyên bố là Bắc Kinh trúng thầu đăng cai vì quyết tâm thực hiện Thế Vận Hội với sự chú tâm vào bền vững, di sản và minh bạch. Tuyên bố khá lạ vì Bắc Kinh phải đem nước từ miền nam lên để làm tuyết nhân tạo, và phải xây đường rầy cao tốc để đưa khách từ thủ đô lên đến địa điểm thi đấu cách đó 140km. Bắc Kinh nói là sẽ tận dụng lại hạ tầng cơ sở từ hồi Thế Vận Hội mùa Hè 2008, và ước lượng phí tổn cho 2022 sẽ là 3 tỉ đô-la. Tuy nhiên con số này chưa tính đến việc xây đường rầy cao tốc mới hoặc phí tổn bảo trì và tu bổ các vận động trường.

- Quảng Cáo -

Thành phố Almaty ước lượng phí tổn tổ chức vào khoảng 6 tỉ đô-la, nhưng viên chức Kazakhstan cho biết là chính quyền sẵn sàng bù đắp từ quỹ đầu tư 75 tỉ đô la của chính phủ nếu ngân sách tổ chức bị hụt.

Phí tổn ngày càng tăng để tổ chức Thế Vận Hội mùa Đông kéo dài hai tuần là lý do chính yếu mà nhiều quốc gia né tránh không muốn tổ chức trong những năm gần đây. Bắc Kinh lập kỹ lục tổ chức một Thế Vận Hội tốn kém nhất với 44 tỉ đô-la năm 2008, rồi sau đó bị Nga qua mặt với Thế Vận mùa Đông tại Sochi năm 2014, tốn 51 tỉ đô-la. Một điểm thường được đề cập đến Thế Vận Hội là nó tạo lợi ích về kinh tế cho quốc gia và thành phố đăng cai, nhờ có thêm du khách và đầu tư. Tuy nhiên không có chứng cớ gì để cho thấy điều này là đúng.

Ông Andrew Zimbalist, một kinh tế gia của Đại học Smith chuyên nghiên cứu về các cuộc thi đấu thể thao quốc tế nhận định là, “Không có kinh tế gia nào tìm thấy được một chứng cứ nào cho thấy tổ chức Thế Vận Hội sẽ thúc đẩy kinh tế.”

Vắng bóng các lợi ích về tài chánh, Thế Vận Hội trở thành một diễn đàn quốc tế cho các chính quyền chuyên chế hợp thức hóa họ trước thế giới cũng như trong nước. Cho Thế Vận Hội 2022 cả hai quốc gia giành đăng cai đều có những vi phạm nhân quyền. Kazakhstan dưới quyền cai trị của Tổng thống Nursultan Nazarbayer suốt từ 1989 đến nay và bị mang tiếng đàn áp chính trị và bóp nghẹt giới truyền thông.

Trung Quốc thì ngày càng đàn áp chính trị trong nước. Sau khi quốc gia đăng cai được công bố, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền lên tiếng cho rằng quyết định này là “một cái tát vào mặt các nhà hoạt động nhân quyền đang khốn đốn tại Trung Quốc”.

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here