Trớ trêu nghiệt ngã: Cộng sản Trung Quốc dập tắt hoạt động nghiệp đoàn

Eli Friedman, Aaron Halegua và Jerome A. Cohen - The Washington Post

Công nhân hãng Honda Motor tại Quảng Đông đình công đòi tăng lương (Ảnh: Associated Press)
- Quảng Cáo -

3/1/2016

Họ bắt giới tranh đấu cho phụ nữ vào mùa xuân. Vào mùa hè, họ bắt các luật sư bảo vệ nhân quyền. Vào ngày 3 tháng 12, đêm trước Ngày Hiến Pháp Trung Quốc, nhà chức trách khởi động một cuộc đàn áp rộng lớn vào giới hoạt động nghiệp đoàn trong vùng kỹ nghệ tỉnh Quảng Đông.

Kể từ khi xuất hiện cách đây 20 năm, các tổ chức phi chính phủ về lao động đã gánh chịu thường xuyên những cuộc đàn áp, sách nhiễu, bao gồm kiểm tra thuế vụ, côn đồ bạo hành và bị công an thẩm vấn liên tục. Nhưng đợt đàn áp gần đây là nghiêm trọng nhất. Dường như Đảng Cộng Sản có ý định dập tắt hoàn toàn các hoạt động nghiệp đoàn trong xã hội dân sự.

Trong chiến dịch này, hàng chục người bị công an thẩm vấn và hăm dọa, và bảy người bị bắt giữ với tội cáo buộc hình sự. Luật sư yêu cầu gặp nhưng không được. Tội cáo buộc họ là “tụ tập đám đông để phá rối trật tự xã hội”, kích động công nhân đòi hỏi quá đáng và có hành vi cực đoan.

- Quảng Cáo -

Các biện pháp bất công của công an là hoàn toàn không hiểu sự việc. Xung đột và tranh chấp lao động tại Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, với các cuộc biểu tình đình công, cản đường và ngay cả nổi loạn xảy ra thường xuyên. Nhưng công nhân đình công là vì luật lao động không được áp dụng và không có cách nào hữu hiệu để giải quyết những tranh chấp trước pháp luật – chứ không phải là công nhân bị các NGO xách động. Chẳng hạn như cuộc đình công tại hãng giày Lide, công nhân biểu tình vì chủ nhân không chịu đóng tiền bảo hiểm xã hội và các khoản khác theo luật định.

Thật ra, các NGO lao động đóng vai trò hữu ích trong việc giải quyết các tranh chấp. Đối sách của giới chủ nhân Trung Quốc với đình công thường là lờ đi các đòi hỏi của công nhân, liên lạc với chính quyền để kêu công an đến hành hung công nhân và bắt giữ lãnh đạo đình công. Ngược lại, như trong vụ Lide, các NGO lao động cố vấn công nhân đình công sắp xếp các đòi hỏi, bầu ra người đại diện, và tham dự vào các thương thảo chung với chủ nhân để giải quyết.

Thật vậy, chủ nhân hãng Lide cuối cùng đồng ý đóng tiền an ninh xã hội còn thiếu, thuyên chuyển một số công nhân, trả tiền nghỉ việc cho một số khác và tiếp tục thương lượng với công nhân. Các cuộc thương thảo tập thể có tổ chức như thế giữa chủ nhân và công nhân nhiều phần đạt được “mối quan hệ lao động hài hòa” mà Trung Quốc muốn có hơn là chu kỳ tiếp diễn của công nhân biểu tình và công an đàn áp.

Rất tiếc là việc giam giữ bất hợp pháp chỉ phản ảnh ý muốn giữ độc quyền kiểm soát của chính quyền hơn là chính sách quan hệ tốt về lao động. Các NGO được xem là mối đe dọa cho nhà nước cũng như lợi ích của giới chủ nhân. Chính quyền cho rằng họ muốn thúc đẩy quyền hạn và lợi ích của công nhân, nhưng lại không chịu cho xã hội dân sự đóng vai trò nào trong tiến trình này.

Biểu tình đòi tự do cho những nhà hoạt động nghiệp đoàn bị bắt giữ tháng 12, 2015 tại Quảng Đông.
Biểu tình đòi tự do cho những nhà hoạt động nghiệp đoàn bị bắt giữ trong đợt bố ráp hồi tháng 12, 2015 tại Quảng Đông.

Vì thế mà chính quyền còn đi xa hơn chuyện bắt giữ và thẩm vấn. Truyền hình nhà nước cho phát ra chiến dịch bôi nhọ các lãnh tụ nghiệp đoàn. Giới hoạt động nghiệp đoàn trên toàn quốc thông báo là tình trạng sách nhiễu gia tăng không những riêng cho họ mà còn cho gia đình họ.

Một phần của vấn đề là Tổng Liên Đoàn Lao Động Trung Quốc do nhà nước kiểm soát chiếm độc quyền đại diện và bảo vệ quyền lợi của công nhân, nhưng trên thực tế chẳng làm gì nhiều. Khác với các NGO lao động, họ ít khi nào giúp đỡ công nhân bị bóc lột hoặc áp lực chủ nhân tuân theo luật lệ. Điều này bắt nguồn từ ý niệm của Đảng Cộng Sản xem nghiệp đoàn như một lực lượng “làm hài hòa” giữa chủ nhân và công nhân. Hơn nữa, giới chủ nhân thường áp đặt kiểm soát phi lý lên nghiệp đoàn ở công ty. Công nhân do đó không tin tưởng vào nghiệp đoàn, tạo ra khoảng trống cho người khác cổ võ thật sự cho quyền lợi của họ – mà chính các NGO lao động trám vào khoảng không đó.

Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc không muốn nhìn nhận vai trò tích cực của các tổ chức xã hội dân sự. Các nhóm xã hội dân sự được xem như là mối đe dọa. Nhận tài trợ nước ngoài đặc biệt được coi như là có động cơ xấu.

Nếu chính quyền Trung Quốc thật sự muốn cải thiện quan hệ lao động, họ sẽ yêu cầu nghiệp đoàn học hỏi từ các NGO lao động. Thay vì vậy họ lại mở chiến dịch sách nhiễu, bôi bẩn và giam cầm những người đang nỗ lực để làm hảng xưởng và xã hội trở nên hợp pháp và công bằng hơn. Kết quả của hành động này chỉ tạo ra thêm xung đột, đàn áp và luật pháp hỗn loạn.

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here