Tưới rau muống bằng nhớt thải vuột lưới pháp luật

Tưới nhớt thải lên ruộng rau muống ở quận 12, TP HCM. Ảnh T.K.
- Quảng Cáo -

SÀI GÒN – Dư luận xôn xao về tình trạng trước nay các hộ trồng rau muống tưới nhớt thải để chống sâu rầy khi bị phát giác chỉ có thể bị xử phạt hành chính mà không bị truy cứu hình sự. Điều nầy cho thấy kẽ hở luật pháp bị lợi dụng làm ăn bất chính, trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khoẻ của đông đảo người dân.

Các chuyên gia về sức khoẻ cho biết, trong nhớt chứa nhiều phụ gia dùng trong công nghiệp cũng như nhiều kim loại nặng rất độc hại cho cơ thể. Nhớt thải sau khi sử dụng càng độc hại hơn gấp bội.

Mới đây, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội tiêu hóa bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM cho biết: “Cơ thể con người khi đã hấp thụ những chất độc này thì không có cách gì thải ra được. Mỗi ngày chúng ta nhiễm một ít, chất độc sẽ tích tụ trong gan, trong thận hay thậm chí trong não và cơ quan sinh dục, gây suy gan, suy thận, mất trí nhớ, động kinh hay thậm chí là vô sinh, xảy thai, sinh non và ung thư…”

Thu hoạch rau muống.
Thu hoạch rau muống.

Ba ngày trước đây, 9 tháng Giêng, đoàn chống tội phạm về môi trường đã bắt quả tang một người trồng rau muống đang tưới nhớt thải xuống ruộng rau muống gần 500m2 của bà ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM. Bản tin của báo chí cho biết thêm là nội vụ được cơ quan chức trách xem xét để xử phạt hành chính.

- Quảng Cáo -

Trước sự việc nầy, Luật sư Hồ Ngọc Diệp cho rằng khó xử lý hình sự đối với các hành vi sử dụng chất độc hại trong sản xuất, nuôi trồng vì điều luật qui định về xử lý các hành vi liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay có thiếu sót quan trọng.

LS Diệp giải thích, điều 244 Bộ luật Hình sự chỉ qui định hình phạt tù (từ 1 đến 5 năm) đối với người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Như vậy, hành vi quan trọng là sản xuất ra thực phẩm độc hại đó bị bỏ sót, lọt lưới pháp luật.

Ông nói thêm, thực tế cho thấy khâu sản xuất, chăn nuôi gia súc và trồng trọt rau quả chính là khâu sử dụng các chất độc hại nhiều nhất.

Các nhà hoạt động xã hội, vận động dân chủ cho rằng các điều luật về “an ninh quốc gia” như điều 88, 79 hay điều 258 về “lợi dụng quyền tự do dân chủ…” thì chỉ qui định một cách chung chung để nhà chức trách giải thích sao cũng được để qui tội, kết án nhiều nhà hoạt động. Trong khi đó, điều 244 cũng trong Bộ luật Hình sự nêu trên thì lại qui định cụ thể, tạo kẽ hở khiến tội phạm gây nguy hại đến sức khoẻ rất nhiều người, nhiều thế hệ lọt lưới dễ dàng.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here