Chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông

Trần Bình - web uevf.org

- Quảng Cáo -

Trung Quốc dùng chiến lược « tằm ăn dâu » – thử nghiệm sân bay trên Trường Sa, điều tàu tiếp tế 7.800 tấn xuống Biển Đông, xây kho dầu 2.000m3 trên Hoàng Sa – bất ổn sẽ còn gia tăng ?

Trung Quốc trên Biển Đông: Chiến lược đi từng bước nhỏ, chắc chắn và đồng bộ để có bước thay đổi toàn diện

 Ngày 2/1, Trung Quốc cho hạ cánh thử nghiệm 1 chiếc máy bay nhỏ (Cessna 680) trên đá Chữ Thập mới hoàn thành cải tạo và xây dựng đường băng cất hạ cánh. Ngày 6/1, một chiếc Airbus A319 của China Southern Airlines và Boeing 737 của Hainan Airlines hạ cánh xuống sân bay trên đá này.

Theo Xinhua, chuyến bay 2/1 là để thử nghiệm các hệ thống thông tin, liên lạc với mặt đất và các chuyến bay 6/1 là để thử nghiệm đường băng cho máy bay loại lớn. Việt Nam[1] và Philippines[2] chính thức phản đối việc này. Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cũng nói trong một họp báo rằng nước này[3] lo lắng sâu sắc rằng Trung Quốc đang đơn phương thay đổi nguyên trạng của Biển Đông và rằng « Nhật Bản không chấp nhận hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc » và Nhật Bản sẽ « hợp tác với các quốc gia bị ảnh hưởng để đảm bảo tự do hàng hải ».

- Quảng Cáo -

Ngày 14/12, công ti Sinopec của Trung Quốc tuyên bố bắt đầu xây dựng hệ thống hậu cần và cung ứng nhiên liệu trên cảng đa năng thuộc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Kho nhiên liệu có sức chứa 2000m3 đủ để cung cấp xăng dầu cho các đảo do Trung Quốc chiếm trên Biển Đông[4].

Ngày 4/1, Trung Quốc tiến hành chuyến đi biển đầu tiên của tàu hậu cần Sansha I chuyên tiếp tế cho các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông. Tàu dài 122m, rộng 21m, lượng giãn nước 7800 tấn, có thể chở 456 người và 20 conteners[5]. Tàu Sansha rút ngắn thời gian tiếp tế cho đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 15h xuống còn 10h. Sansha 1 sẽ tiếp tế các đảo mỗi tuần 1 lần. Với khả năng và tần suất vận tải như vậy, có thể thấy các hạng mục lắp đặt và lượng phương tiện, lương thực, nước ngọt tiếp tế cho các đảo trong thời gian tới của Trung Quốc là rất lớn.

Ngày 11/1/2016, Nhân dân nhật báo đưa tin Trung Quốc sẽ triển khai đóng tàu Cảnh sát biển CCG-3901 với lượng giãn nước 12 000 tấn. Đây là tàu Cảnh sát biển lớn nhất thế giới và hoàn toàn thiết kế và đóng do các công ti đóng tàu nội địa thực hiện. Tàu lớn là để “an toàn khi đâm húc trên biển”[6].

Chỉ 1 tháng trước đó, ngày 14/12/2014, tàu khu trục tên lửa thứ 3 thuộc lớp 052D (một số nhà phân tích cho rằng đây là lớp tàu tương đương với tàu Aegis hiện tại của Hải quân Mĩ[7]) gia nhập biên chế của hạm đội Nam Hải, tại căn cứ Sanyan trên đảo Hải Nam. Trung Quốc mới đóng được 3  chiếc loại này và cả 3 đều phục vụ trong hạm đội Nam Hải. Chiếc đầu tiên, Kunming (số sườn tàu 172) hoạt động ngày 21/3/2014 và chiếc thứ 2, Changsa (số sườn tàu 173), hoạt động ngày 12/8/2015[8].

Trung Quốc sẽ cải hoán một tàu chở dầu thành một tàu hậu cần và chế biến nghề cá với lượng giãn nước 200.000 tấn. Tàu này sẽ đặt tại bãi Vành Khăn. Đây là dự án thí điểm. Nếu thành công thì nước này sẽ đóng thêm các tàu tương tự để đặt tại các bãi đá và vùng biển khác[9].

Tháng 12/2013, nhà máy sản xuất nước ngọt từ nước biển công suất xử lí nước biển 1000m3/ngày cũng đi vào hoạt động trên đảo Phú Lâm. Trước đó các đảo dựa vào nguồn nước ngọt cung cấp từ đảo Hải Nam[10].

Ở mức độ vĩ mô, quân đội Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tái tổ chức toàn diện. Ngày 11/1, Trung Quốc tuyên bố thay đổi tổ chức quốc phòng. Bộ tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần và Tổng cục quân khí được thay thế bởi 15 cơ quan chức năng nhằm tập trung quản lí hệ thống quốc phòng trong Quân ủy trung ương và hình thành hình thức chỉ huy liên quân[11].

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông dựa trên tuyên bố « chủ quyền lịch sử ». Đòi hỏi chủ quyền này nằm bên trong một đường gồm 9 đoạn tạo thành dạng « lưỡi bò » mà không hề có định nghĩa chính xác về vị trí. Nhưng sự chuẩn bị về chiến lược, các bước đi chiến thuật, phương tiện, con người, nền công nghiệp quốc phòng – dân sự phục vụ thì không hề tỏ ra là mơ hồ. Sau gần 30 năm chuẩn bị, hiện nay là lúc Trung Quốc đồng loạt triển khai nền tảng chiếm đóng, tác chiến và khai thác trên Biển Đông.

Tạo dựng bàn đạp và chuẩn bị thời cơ

duongluoiboCho đến những năm 1950, Trung Quốc không hề có căn cứ hay điểm đóng quân nào xa hơn đảo cực nam Hải Nam. Trung Quốc không quản lí trên thực tế đảo nào trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuối 1955 và 1956, khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp quản lí khu vực mà phía Pháp rút đi, Trung Quốc chiếm nhóm phía Đông. Năm 1974, hải quân Trung Quốc tấn công quân đồn trú của Việt Nam Cộng Hòa, chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Cuối 1987, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các chiến dịch chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Theo báo cáo của IHS Jane’s và CSIS[12], tháng 3 năm 1987, Trung Quốc cam kết với UNESCO xây dựng 5 trạm khí tượng, trong đó có 1 trạm tại Biển Đông. Đây là cách để Trung Quốc tìm cách hợp thức hóa việc đứng chân tại Biển Đông. Tháng 3, 1988, hải quân Trung Quốc tấn công các vị trí Việt Nam trên bãi Gạc Ma, Collins và Lendao thuộc cụm Sinh Tồn. Kết quả Việt Nam mất 64 người, chìm 3 tàu và mất bãi Gạc Ma[13]. Đến cuối 1988, Trung Quốc đã chiếm 6 đá ngầm là Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Gạc Ma (Johnson South Reef), Gaven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Subi (Subi Reef). Đến 1995, sau các đụng độ với Philippines, Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn (Mischief Reef).

Đá Chữ Thập được phía Trung Quốc sử dụng như là trung tâm chỉ huy quân sự và hành chính đối với 7 vị trí đóng quân. Việc xây dựng trên đá Chữ Thập bắt đầu năm 1990 với một công sự bê tông 2 tầng, sau bổ sung một bãi đỗ trực thăng và một cầu cảng. Trong 24 năm, Trung Quốc mở rộng thêm thành một doanh trại 200 lính, bãi đỗ trực thăng, cầu cảng mới, nhà kính trồng rau, hệ thống viễn thông và pháo bờ.

Như vậy, cho đến hè 2014, Trung Quốc có 7 vị trí trong quần đảo Trường Sa. Ngoài vị trí chiến lược, nằm xen kẽ với 21 điểm đóng quân của Việt Nam và 10 điểm của Philippines và 2 điểm của Đài Loan, lợi thế của Trung Quốc so với các quốc gia khác là sự hiện diện liên tục của các tàu quân sự, tàu cảnh sát biển và tàu cá. Nhìn chung các điểm đóng quân này nhỏ, dựa vào tiếp tế từ đất liền về nước ngọt, lương thực thực phẩm, v..v.

Sự kiện giàn khoan 981, từ tháng 5 đến tháng 7, 2014 là một đòn “nghi binh” chiến lược?

vitridatgiankhoanHD981_2Đối lập với sự ầm ĩ của sự kiện HD-981 là việc Trung Quốc chuẩn bị các phương tiện để xây đảo nhân tạo tại Trường Sa, cách xa khu vực giàn khoan HD981 khoảng 400km về phía Nam mà hầu như không bị ngăn cản, phản đối cho đến khi các đảo nhân tạo đã thành hình.Từ tháng 5, 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xuống Block 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)Việt Nam[14] và cách bờ biển Việt Nam chưa tới 150 hải lí. Trong 2 tháng, Trung Quốc đưa tới hơn 100 tàu dân sự và quân sự, máy bay chiến đấu và trinh sát (kể cả máy bay tấn công JH-7 có thể phóng tên lửa chống hạm). Việt Nam chỉ đưa lực lượng dân sự gồm Kiểm ngư và Cảnh sát biển. Việc này tạo ra một chấn động rất lớn, cả về truyền thông và cách thức huy động các lực lượng trên thực địa, không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới.

Có nhiều lí do cho việc Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan vào vùng EEZ của Việt Nam ở vị trí ngang với quần đảo Hoàng Sa từ tháng 5 đến tháng 7. Ví dụ như là để tiếp tục khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực đường 9 đoạn hay ít nhất là đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế cho quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm đóng. Hoặc có thể là một phép thử đối với các phản ứng của Việt Nam và thế giới, cũng như đối với các lực lượng tham gia phản ứng. Một giả thuyết khác khi liên hệ giữa sự đối lập giữa sự kiện HD-981 đột ngột nổi lên và rút đi trong vòng 2 tháng và sự kiện 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa: đó phải chăng là một cuộc nghi binh chiến lược? Nếu không có sự kiện HD-981 thì việc chuẩn bị xây dựng đảo nhân tạo có bị ngăn chặn quyết liệt hơn, kéo dài hơn và thậm chí làm thất bại kế hoạch đảo nhân tạo?

Dachuthap

Thực tế là từ mùa hè 2014, trong khi truyền thông thế giới còn đang tập trung vào sự kiện giàn khoan HD-981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc nhanh chóng triển khai việc cải tạo 7 đá do nước này chiếm đóng trong khu vực quần đảo Trường Sa (Spratly islands) – các đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, 2.740.000m², đường băng 3.000m), Châu Viên (Cuarteron Reef, 231.100m², 2 bãi đỗ trực thăng, 125m cửa luồng tàu), Gạc Ma (Johnson South Reef, 109.000m², 2 bãi đỗ trực thăng, 125m cửa luồng tàu), Gaven (Gaven Reef, 136.000m², 2 bãi đỗ trực thăng, 122m cửa luồng tàu), Tư Nghĩa (Hughes Reef, 76.000m², 1 bãi đỗ trực thăng, 118m cửa luồng tàu), Subi (Subi Reef, 3.950.000m², dự kiến đường băng 3.000m như đá Chữ Thập) và Vành Khăn (Mischief Reef, 5.580.000m²)[15]. Các đá và bãi ngầm này khi còn ở trạng thái tự nhiên là các bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên.

vanhkhan-chuthap-subi

 

Trung Quốc đã đưa các máy hút cát, nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi ngầm này. Trong vòng 1 năm, từ các đá và bãi ngầm, Trung Quốc đã có được 7 căn cứ đóng quân chiến lược. 3 sân bay với đường băng dài hơn 3000m, rộng 200-300m được xây dựng trên các đảo nhân tạo xây trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Các sân bay này đủ khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay chiến đấu, từ máy bay không người lái đến máy bay chiến đấu cho tới máy bay ném bom hạng nặng.

Cùng với các cầu tàu có thể tiếp nhận tàu đến hơn 6000 tấn, Trung Quốc hoàn toàn có thể điều các tàu khu trục, tàu tuần dương lớn nhất hoặc các tàu đổ bộ tới khu vực này. Các cảng này cũng cho phép Trung Quốc tiếp tế ở mức độ lớn, lắp đặt các thiết bị cỡ lớn (các hệ thống radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, các hệ thống tác chiến điện tử) mà không gặp nhiều khó khăn. Hạm đội Nam Hải có 1 tàu sân bay, 11 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ tên lửa, 5 tàu tấn công nhanh hạng nhẹ, 8 tàu ngầm, 19 tàu vận tải – đổ bộ (trong đó có 3 tàu lớp Yuzhao có khả năng chở 500-800 quân, 15-20 xe thiết giáp lội nước).

Trên quần đảo Hoàng Sa, đảo Phú Lâm cũng có một sân bay với đường băng 2700m[16], 4 nhà chứa máy bay, 1 trạm radar hướng dẫn bay và 4 kho bồn chứa nhiên liệu cỡ lớn. Đây là sân bay quân sự, đủ sức cho các máy bay thế hệ 4 và 4+ tác chiến. Không có kế hoạch dịch vụ cho khai thác máy bay dân sự. Cầu cảng dài 500m (1640 feet), đủ sức cho tàu tên lửa, tàu khu trục cỡ lớn ra vào không khó khăn[17].

Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping tuyên bố rằng «Trung Quốc là nước lớn và có trách nhiệm[18]» và các lí do để Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và hàng hải là để “đảm bảo an toàn bay, giao thông hàng hải và cứu hộ, cứu nạn”[19]. Tuy nhấn mạnh mục đích dân sự nhưng từ nhiều năm nay, cùng với việc Trung Quốc liên tục khẳng định một cách cứng rắn về quan điểm chủ quyền của nước này trên Biển Đông[20],[21], cũng như sự hiện diện thường xuyên của tàu quân sự Trung Quốc trên Biển Đông và các vùng biển khác[22], khó có thể cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ duy trì sự hiện diện dân sự trên Biển Đông. Ngoài ra, nếu liên hệ với các sự kiện Trung Quốc dùng hải quân tấn công và chiếm Hoàng Sa các năm 1956, 1974; tấn công và chiếm các đá ở Trường Sa năm 1987-1988 và 1995 (chiếm bãi Vành Khăn) hay vào 2012 (chiếm bãi Scarborough) thì không thể loại trừ các chiến dịch quân sự mới xuất phát từ các căn cứ này.

tauvantai Sansha I Hao
Tàu vận tải Sansha I Hao của Trung cộng

Các căn cứ trên Trường Sa và Hoàng Sa: giá trị tấn công chiến lược

Tương thích giữa tuyên bố chủ quyền và kiểm soát thực tế

Trước khi có các căn cứ trên Trường Sa, Trung Quốc gần như không thể khống chế toàn bộ Biển Đông trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Thiếu các hệ thống chiến đấu trên không, trên biển tầm xa hiệu quả, thiếu các hệ thống tiếp nhiên liệu tầm xa, hải quân và không quân Trung Quốc không thể duy trì khả năng chiến đấu dài ngày và ở tầm xa hàng nghìn km từ căn cứ sâu nhất về hướng Nam là Sanya trên đảo Hải Nam. Với 7 đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có được lợi thế chiến lược trên Biển Đông. Các sân bay và cảng có thể sử dụng để đảm bảo hậu cần, căn cứ sở chỉ huy tiền phương cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, tuần tra và làm bàn đạp tấn công khi cần thiết.

Các sân bay với đường băng hơn 3000m, rộng 2-300m là đủ để các căn cứ trên đảo nhân tạo tiếp nhận tất cả các loại máy bay, từ máy bay không người lái, máy bay chiến đấu đến máy bay vận tải, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu. Ngoài ra, khi Trung Quốc hình thành các đội tàu sân bay[23] thì các đường băng trên đảo nhân tạo có thể tạo thành các nhóm đường băng dự phòng, hạ cánh khẩn cấp hoặc hỗ trợ tàu sân bay.

Việc đảm bảo khả năng kiểm soát trên thực tế toàn khu vực Biển Đông đã giúp Trung Quốc củng cố thế đứng trên Biển Đông.

Bảo vệ các tuyến đường biển vận tải, đảm bảo an ninh kinh tế

Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đứng thứ 2 trên thế giới, với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển là rất lớn, đặc biệt là lượng nhiên liệu (dầu thô, khí đốt) và nhiên liệu thô nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi ngày càng tăng, Trung Quốc cần phải đảm bảo an ninh các tuyến đường thủy vận tải từ Trung Đông, châu Phi qua Ấn Độ Dương, eo Malacca và Biển Đông. Không có các căn cứ ven bờ, thiếu những đồng minh tin cậy dọc tuyến vận tải, các tuyến vận tải biển của Trung Quốc bộc lộ những điểm yếu rất lớn. Vì vậy cho tới nay Trung Quốc dựa vào lực lượng hải quân của chính mình để đảm bảo an ninh và tìm kiếm các căn cứ bên ngoài lãnh thổ.

Một số nhà phân tích tin rằng các dự án của Trung Quốc tại Malaysia (cảng Klang), Myanmar (cảng Sittwe và Kyaukpyu), Bangladesh (cảng Chittagong), Sri Lanka (cảng Hambantota và Colombo), và Pakistan (cảng Gwadar) có thể đóng vai trò cảng quân sự bên cạnh vai trò cảng thương mại, nhất là trong tình trạng khẩn cấp. Giả thuyết “chuỗi ngọc trai” cho rằng Trung Quốc thiết lập chuỗi các căn cứ quân sự ven biển dọc các tuyến đường vận tải từ Trung Quốc sang châu Phi và Trung Đông. Những người không tin vào giả thuyết này cho rằng Trung Quốc không thể đặt căn cứ tại các quốc gia Đông Nam và Nam Á, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, vì các nước này theo trường phái đối ngoại “đi trên dây”, không ngả vào bên nào giữa các cường quốc.

Lí do nữa là Trung Quốc không đủ kinh nghiệm và trình độ kĩ thuật để tổ chức các căn cứ bên ngoài lãnh thổ. Có thể họ đúng. Nhưng ít nhất Trung Quốc đã xây các căn cứ ở những nơi có thể xây và ở những nơi có thể đàm phán. Cụ thể là Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ trên Hoàng Sa, Trường Sa và đang đàm phán với Djibouti để thiết lập một căn cứ quân sự.

Cạnh tranh với Mĩ, xây dựng lực lượng hải quân chiến lược

map truong sa

Bên cạnh việc kiểm soát Biển Đông tương ứng với đòi hỏi chủ quyền và đảm bảo an toàn các tuyến vận tải chiến lược, Trung Quốc còn xây dựng vị trí cường quốc toàn cầu. Muốn vậy, Trung Quốc cần phải cạnh tranh với Mĩ, với Ấn Độ và áp đảo các quốc gia khu vực khác. Mĩ có các bộ chỉ huy và hạm đội Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cần phải ngăn chặn các hạm đội này tiếp cận, đẩy lùi các mối đe dọa càng xa biên giới càng tốt. Các căn cứ trên Biển Đông có thể sẽ giúp Trung Quốc thực hiện điều này.

Trong 30 năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, Trung Quốc đã xây dựng hải quân từ lực lượng gần bờ, thuần túy phòng thủ tới lực lượng hải quân chiến lược. Việc Trung Quốc tự thiết kế và đóng tàu sân bay thứ hai cho thấy sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, mặc dù việc này chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Trung Quốc đã tái tổ chức, hiện đại hóa hải quân không chỉ ở khâu tổ chức mà còn ở cơ sở khoa học công nghệ và công nghiệp đóng tàu. Không có một tổ chức và một cơ sở trang bị đủ mạnh, Trung Quốc không thể cạnh tranh được với Mĩ và Ấn Độ, cũng như không thể áp chế được các hải quân các nước trong khu vực khác.

Trung Quốc có thể chiếm toàn bộ hoặc hầu hết Trường Sa trong một cuộc chiến chớp nhoáng

Ở quy mô cục bộ trong khu vực Biển Đông, các căn cứ trên 7 đảo nhân tạo đóng vai trò là những nhân tố thay đổi cục diện. Trước khi xây dựng đảo nhân tạo năm 2014, các vị trí tiền tiêu này là nhỏ, cô lập và không thể tổ chức hậu cần đủ cho những nhiệm vụ phức tạp và kéo dài. Các vị trí này chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay trực thăng hoặc tàu biển. Việc xây dựng sân bay, sân hạ cánh trực thăng, cảng biển và các trang bị quân sự cần thiết đã thay đổi hoàn toàn vai trò của các vị trí này. Trong một cuộc chiến cục bộ và ngắn ngày, các lực lượng và quân đồn trú từ căn cứ Chữ Thập và Châu Viên có khả năng chia cắt các phân khu Nam (nơi có đảo Trường Sa, trung tâm chỉ huy của Việt Nam) và khu vực trung tâm.

Trong khi đó, các căn cứ Subi, Gạc Ma, Gaven, Vành Khăn và Tư Nghĩa có khả năng bức rút hoặc chiếm đóng các điểm đóng quân của Việt Nam trong khu trung tâm. Một kịch bản có thể xảy ra: lực lượng Trung Quốc áp đảo từ Gạc Ma hoàn toàn có thể bức rút hoặc tràn ngập đá Collins và Lendao với số lượng lính ít ỏi và hạn chế ở vũ khí cá nhân và hạng nhẹ. Khi đó Sinh Tồn cũng khó có thể đứng vững. Cụm Nam Yết vì thế cũng khó có thể giữ.

Nguy cơ bị tràn ngập bởi các lực lượng áp đảo, từ các hướng khác nhau và có hậu cần đầy đủ là tương đối cao. Trong tình hình hiện nay, các cuộc chiến giữa các quốc gia thường là ngắn ngày và một thỏa thuận ngừng bắn sẽ nhanh chóng được thiết lập. Như vậy là nếu Việt Nam không kịp phản công thì nguy cơ mất hầu hết các đảo trong khu vực Trường Sa là tồn tại.

Tuy vậy, khả năng này là khó xảy ra do các căn cứ này không thể đủ sức duy trì cuộc chiến có khả năng bị kéo dài và Trung Quốc sẽ bộc lộ lực lượng khi phải huy động một số lượng lớn tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ – vận tải vào tác chiến. Nhưng nhìn lại lịch sử các cuộc chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 thì kịch bản này cần phải được lưu ý.

Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ trên Biển Đông để gia tăng sức ép với Việt Nam, Philippines và các nước có yêu cầu chủ quyền

Nếu như khả năng xảy ra một cuộc chiến chớp nhoáng, cục bộ là tương đối thấp thì khả năng Trung Quốc sử dụng các căn cứ trên Biển Đông để gia tăng sức ép đối với các nước tranh chấp khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này đã thấy đối với trường hợp tàu vận tải tiếp tế Hải Đăng 05[24] hay các trường hợp tàu đánh cá của Việt Nam bị uy hiếp trong các vùng biển (số lượng tàu bị cắt lưới[25], đâm chìm[26] hay ngư dân bị bắn chết[27] ngày càng tăng). Với lợi thế phương tiện và trang bị, Trung Quốc có thể:

  • Hạn chế ra vào hoặc thậm chí cô lập tiếp cận bằng đường biển đối với các đảo do Việt Nam quản lí. Với số lượng lính hải quân hạn chế, trang bị khí tài, hỏa lực kém uy lực và dự trữ hậu cần hạn chế, các đảo sẽ khó trụ vững và lâu dài nếu bị bao vây và hạn chế tiếp tế.
  • Hạn chế, cô lập tiếp cận bằng đường không. Nói cách khác, Trung Quốc thiết lập một vùng cấm bay dựa trên hệ thống radar, tên lửa và tác chiến điện tử từ các căn cứ trên đảo nhân tạo. Hoặc về mặt dân sự, Trung Quốc đề nghị lập một vùng thông tin bay (FIR) trên Biển Đông tách ra khỏi vùng FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam.
  • Chiến tranh điện tử. Các hệ thống tác chiến điện tử của Trung Quốc có thể phá sóng, gây nhiễu, chặn thu, phá hoại hệ thống thông tin liên lạc.

Đây là cách đánh tiêu hao, kéo dài và có tác dụng cả về tâm lí lẫn thực tế chiến trường. Đối phó lại với việc ngăn chặn tiếp cận bằng đường không, đường biển và thông tin liên lạc là điều tương đối khó khăn do diện tích căn cứ của Việt Nam trong khu vực Trường Sa là rất nhỏ. Ngoài ra trang bị hiện tại của Việt Nam có lẽ chưa thích hợp để chống lại các cuộc tấn công kéo dài dạng này.

Các cam kết của Trung Quốc và triển vọng của một Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông

Năm 2002, Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN kí Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC)[28]. Theo đó, Trung Quốc và các nước ASEAN cam kết “tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu của Liên Hợp Quốc (LHQ), công ước LHQ về luật biển 1982, hiệp định về hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về quan hệ giữa các quốc gia” và “xây dựng lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Trung Quốc và ASEAN cam kết “kiềm chế các hành vi có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Tuy nhiên trên thực tế, từ 2002, Trung Quốc sử dụng các lực lượng bảo vệ pháp luật và các tàu cá đâm húc, đâm chìm tàu cá Việt Nam[29],[30],[31], bắn ngư dân[32], cắt cáp tàu thăm dò dầu khí[33], kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nguy hiểm nhất là việc xây dựng đồng loạt 7 đảo nhân tạo. Việc huy động các lực lượng hải quân từ tàu hộ vệ (lớp 056), tàu khu trục (lớp 052D) đến tàu vận tải – tiếp tế hạng nặng (ví dụ tàu Sansha I, lượng giãn nước 7800 tấn, sức chở 546 người và 20 containers) là những bước vi phạm nghiêm trọng cam kết trong khuôn khổ DOC.

Trong tuyên bố DOC, Trung Quốc và ASEAN khẳng định sẽ “xây dựng quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm củng cố hòa bình và ổn định”. Nhưng dựa trên những gì xảy ra trên thực địa thì đây là điều còn rất xa mới có thể đạt tới.

Một vài đề nghị nhằm củng cố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, hạn chế những khó khăn do Trung Quốc gây ra và chủ động đối phó, không để bất ngờ trong mọi tình huống

(Các đề xuất dưới đây chỉ là tóm tắt ý chính. Cần phát triển chi tiết và đầy đủ khi cần thiết).

  1. Đối với các lực lượng tác chiến trên Biển Đông
  • Quy định, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Phối hợp hoạt động trên các khu vực địa lí (khu vực lãnh hải, khu vực đặc quyền kinh tế, khu vực tranh chấp).

Hiện nay quy định phạm vi hoạt động của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư và Cảnh sát biển cho thấy các lực lượng này có không gian hoạt động rất rộng, từ vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế đến các vùng có tranh chấp. Trong khi trang bị chưa đủ thì việc phân vùng hoạt động hoặc/và phân công nhiệm vụ là cần thiết.

  • Tối ưu hóa và có chiến lược phát triển hệ thống trang bị: nguồn lực của Việt Nam có hạn. Cần tối ưu và chiến lược, lộ trình phát triển hệ thống trang bị nhằm phục vụ tốt việc đảm bảo an ninh trên biển và đảm bảo môi trường hòa bình.

Các lực lượng dân sự hoặc bán quân sự (Cảnh sát biển, Kiểm ngư) có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi quốc gia, thi hành và bảo vệ pháp luật và hợp tác quốc tế.

  1. Đối với ngành công nghiệp trang bị quốc phòng
  • Hợp tác quốc tế để phát triển thực lực, đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ và công nghiệp
    • Việt Nam cần định hướng để phát triển thực lực, tự chủ 1 số trang bị chiến lược nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và độc lập chính trị, đặc biệt là trong tình hình đấu tranh “bất đối xứng”.
    • Hiện đại hóa quân đội có thể đi theo hướng: bắt đầu từ trang bị, công nghiệp quốc phòng (đơn giản hơn do ít liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau trong khi ảnh hưởng của phương tiện, khí tài hiện đại lại lớn).
  • Hợp tác quốc tế để phát triển hợp tác chính trị: hợp tác công nghiệp quốc phòng ngoài giúp Việt Nam phát triển trình độ và khả năng tự chủ còn giúp Việt Nam phát triển hợp tác chính trị ở mức sâu hơn.
  1. Đối với lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế
  • Đối với các đối tác song phương: lựa chọn phát triển sâu về hợp tác thực tế (chính trị, công nghiệp quốc phòng và hành động thực địa) với một số quốc gia giúp tập trung nguồn lực và có ảnh hưởng tích cực. Trong vấn đề Biển Đông, cần đẩy mạnh hợp tác với những đối tác có thể tham gia vào chương trình tự do hàng hải và hàng không.
  • Đối với các đối tác đa phương: hợp tác chủ động trong Cộng đồng ASEAN, xây dựng các khung làm việc, diễn đàn và hành động thực tế nhằm củng cố trụ cột “chính trị và an ninh”. Một ví dụ là việc phát triển một dự án đảm bảo tự do hàng hải và hàng không quốc tế.
  • Kênh 2 – trao đổi học giả, nghiên cứu
    • Các nghiên cứu được chuẩn bị tốt sẽ giúp ứng phó tốt với các tình huống. Không bị bị động, vội vã khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
    • Các hướng nghiên cứu cần tập trung vào các giải pháp thực tế cho tương lai.
  • Phong trào ủng hộ từ bên ngoài:
    • Các phong trào Việt kiều, người Việt Nam ở nước ngoài cần được thông tin liên tục để có thể huy động, động viên tham gia ủng hộ.

Tác giả: Trần Bình

Tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/282322/trung-quoc-xam-pham-nghiem-trong-chu-quyen-viet-nam.html

[2] http://www.philstar.com:8080/headlines/2016/01/04/1539187/philippines-protest-chinas-flight-test-over-spratlys

[3] http://english.kyodonews.jp/news/2016/01/391276.html

[4] http://china.org.cn/business/2015-12/16/content_37328575.htm

[5] http://www.china.org.cn/china/2015-01/05/content_34481476.htm

[6] http://en.people.cn/n3/2016/0111/c98649-9001860.html

[7] http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2012/08/29/2003541468

[8] http://english.chinamil.com.cn/news-channels/2015-12/14/content_6815729.htm

[9] http://www.chinadaily.com.cn/china/2014-09/25/content_18658922.htm

[10] http://www.chinadaily.com.cn/xinhua/2012-11-10/content_7474924.html

[11]http://english.chinamil.com.cn/news-channels/china-military-news/2016-01/11/content_6852723.htm

[12] http://amti.csis.org/fiery-cross-reef-tracker/

[13] http://english.vietnamnet.vn/fms/special-reports/106490/the-road-to-the-gac-ma-reef-event.html

[14] http://thediplomat.com/2014/05/chinas-oil-rig-gambit-south-china-sea-game-changer/

[15] http://amti.csis.org/island-tracker/

[16] http://mil.eastday.com/eastday/mil1/m/20120604/u1a6599839.html

[17] http://www.spacewar.com/reports/Analysis_Chinas_air-sea_buildup_999.html

[18] http://usa.chinadaily.com.cn/epaper/2012-12/25/content_16052212.htm

[19] http://www.chinadailyasia.com/nation/2016-01/07/content_15368688.html

[20] http://english.cntv.cn/2015/05/22/VIDE1432270576628425.shtml

[21] http://www.chinadaily.com.cn/world/2015xivisitvs/2015-11/07/content_22395996.htm

[22] http://thediplomat.com/2015/04/revelations-on-chinas-maritime-modernization/

[23] http://www.china.org.cn/china/2015-12/31/content_37433610.htm

[24] http://thanhnien.vn/thoi-su/tau-chien-trung-quoc-chia-sung-tau-hai-dang-05-dam-bao-an-toan-cho-tau-tiep-te-639290.html

[25] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hang-tram-tau-ghi-chu-trung-quoc-pha-luoi-ngu-dan-da-nang-3313292.html

[26] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ngu-dan-quang-ngai-tau-cua-toi-bi-dam-don-dap-den-khi-chim-han-3336826.html

[27] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tau-doat-sung-doi-mat-nhom-ban-chet-ngu-dan-o-truong-sa-3321322.html

[28]http://www.asean.org/asean/external-relations/china/item/declaration-on-the-conduct-of-parties-in-the-south-china-sea

[29]http://www.japantoday.com/category/world/view/vietnamese-fishing-boat-rammed-sunk-by-chinese-ship

[30]http://www.voanews.com/content/vietnam-accuses-china-of-sinking-fishing-boat-near-disputed-islands/3007152.html

[31]http://foreignpolicyblogs.com/2014/12/08/another-vietnamese-fishing-boat-attacked/

[32]http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-01/23/content_411445.htm

[33]http://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2011/05/30/2003504508

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here