Tiền hay đạo đức đảng viên

Blogger Người Buôn Gió

Bây giờ mới nói: Nếu không ngăn chặn và triệt tiêu, nhóm lợi ích có khả năng trở thành maphia!
- Quảng Cáo -

Việc Nguyễn Phú Trọng đích thân chỉ đạo các bộ, ngành của đảng lẫn chính phủ vào cuộc để điều tra vụ đi xe sang biển xanh tại Hậu Giang đang được báo chí ca ngợi.

Tờ báo Vietnamnet có đưa lên trang nhất bài phỏng vấn Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ Nhiệm Uỷ Ban Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội. Trong bài trả lời phỏng vấn, bà Thu ca ngợi hành động mới đây của Nguyễn Phú Trọng như một tiếng trống lệnh đánh vào nhóm quan chức lợi ích nhóm.
(http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/310773/tong-bi-thu-da-danh-trong-xin-hay-danh-lien-hoi.html)

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu ca ngợi Nguyễn Phú Trọng
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu ca ngợi Nguyễn Phú Trọng

Bà Hoài Thu so sánh nhóm lợi ích với một ví dụ khá bất ngờ với dư luận, bà nhắc đến cụm từ Maphia khi nói đến nhóm này.

Tôi thực sự lo lắng lợi ích nhóm đã vượt ra ngoài khuôn khổ nhóm người, không chỉ ăn lén ăn lút mà còn ngang nhiên lũng đoạn cả bộ máy, lũng đoạn các quy trình đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phục vụ cho mục tiêu riêng, hủy hoại những giá trị và lợi ích chung. Nếu không ngăn chặn và triệt tiêu, nhóm lợi ích có khả năng trở thành maphia!

- Quảng Cáo -

Trước đây, Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương Vũ Ngọc Hoàng đã từng lên án nhóm lợi ích và kêu gọi cần phải dẹp bỏ nhóm này.

Cựu Thứ Trưởng Lê Doãn Hợp nói rõ hơn về nguy cơ lợi ích nhóm mà Vũ Ngọc Hoàng đã nói đến qua bài trả lời phỏng vấn, có đoạn:

Vậy còn chệch hướng thứ ba thì sao, thưa ông?

– Cái chệch thứ ba là chệch sang “CNTB thân hữu”, như có lần ông Vũ Ngọc Hoàng đã đề cập, hay còn gọi là “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”…  Dù với tên gọi là gì đi chăng nữa thì đây cũng không phải là một giai đoạn của CNTB, mà là một khuyết tật, một sự tha hóa của CNTB. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các tổ chức, doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các tổ chức, doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.
(http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/310298/phai-loai-bo-nan-tran-lot-mem-va-benh-canh-hau-trong-dang.html)

Lê Doãn Hợp nói rõ hơn về nguy cơ lợi ích nhóm
Lê Doãn Hợp nói rõ hơn về nguy cơ lợi ích nhóm

Không nói rõ, nhưng hầu hết ai cũng hiểu cụm từ ” nhóm lợi ích ” là chỉ Nguyễn Tấn Dũng và tay chân của ông ta. Hai bài trả lời phỏng vấn của Lê Doãn Hợp và Hoài Thu cách nhau có một ngày, nội dung đều kích động cuộc cuộc tiễu trừ nhóm lợi ích cần phải nhanh, mạnh và triệt để.

Nó chứng tỏ rằng Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng huy động mọi sự quan tâm của dư luận vào công cuộc tiễu trừ nhóm lợi ích trong Đảng. Một trong những đòn quen thuộc của Trọng là dùng những cán bộ về hưu hay sắp về hưu lên tiếng mở dường dư luận, như đã dùng nhóm Trịnh Văn Lâu trước đại hội đảng 12.

Công bằng mà nói, những gì mà các ông bà Vũ Ngọc Hoàng, Lê Doãn Hợp, Nguyễn Thị Hoài Thu chỉ trích nhóm lợi ích là sự thật. Nhóm lợi ích đã mang vóc dáng của Maphia từ lâu, chuyện chêch hướng sang chủ nghĩa tư bản bè cánh, lũng đoạn hiển hiện rõ ràng. Nhiều kẻ chỉ cần có mối quan hệ lọt được vào nhóm lợi ích, sau một đêm tài sản đã có đến tiền tỷ. Đấy là thời mà Nguyễn Tấn Dũng khuân hàng bao tải USD vay được từ nước ngoài về và các dự án xây dựng hạ tầng nhiều như nấm sau mưa.

Nhưng bây giờ thì Nguyễn Tấn Dũng đã rời khỏi cái ghế thủ tướng mà ông ta từng làm mưa gió. Để lại một món nợ khổng lồ choàng lên mình đất nước, những món nợ công gần kề đến ngày phải thanh toán, tiền lãi phải khất từng ngày. Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quay cuồng điên đảo để tìm nguồn vay, nguồn đáo nợ, tìm nguồn tiền để duy trì bộ máy cồng kềnh… các nỗ lực của Phúc hầu như không mang lại kết quả nào khả quan để đáp ứng nhu cầu thiếu tiền trầm trọng mà đảng cộng sản Việt Nam đang cần.

Phúc đã gặp thất bại đầu tiên trong cương vị làm thủ tướng, đó là việc xoay tiền.

Cuộc tấn công hay còn gọi là tiếng trống lệnh của Trọng bỗng vang rền ầm ĩ trong mấy ngày qua, những ngày mà đất nước như đang lâm vào cảnh hoang tàn của thảm hoạ cá chết, khô hạn miền Tây Nguyên, ngập mặn Tây Nam Bộ, cá chết miền Trung và tứ bề đất nước nguy nan bởi sự thay đổi quan điểm từ các nước anh em bấy lâu là Lào, Căm Pu Chia, khiến người ta ngẩn ngơ đặt câu hỏi.

Tại sao Trọng bỏ qua những thứ cấp thiết, nguy nan của đất nước như vậy để xoáy vào việc đánh lợi ích nhóm?

Bởi vì đảng của Trọng đang gặp phải sự nguy khó hơn, đó là việc Phúc không xoay được tiền về.

Các chính sách lấy tiền từ dân qua những việc cướp đất, thu phí, tăng giá được triển khai ráo riết hơn. Nhưng nó chưa làm thoả mãn ngay được việc thiếu tiền của lớp lãnh đạo mới. Nguyễn Phú Trọng trong tình thế đó, đã giở bài trong sạch đảng để tấn công vào những nhân tố thuộc nhóm lợi ích còn lại. Mục đích là để nhóm này phải nhả ra những tài sản đang nắm giữ.

Vụ phó chủ tịch Hậu Giang đi xe sang biển xanh bỗng chuyển hướng sang việc điều tra bổ nhiệm ông này do bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng liên quan. Rồi từ Vũ Huy Hoàng lần đến việc bổ nhiệm con trai mình là Vũ Quang Hải làm phó tổng giám đốc Sabeco.

Một mớ dắt dây về nhân sự bổ nhiệm sai trái lộ ra, người ta hào hứng và tưởng chừng như đó là một cuộc thanh lọc trong sạch đảng mà Trọng đang phát động đã có dấu hiệu tích cực. Nhưng ít ai để ý đến chi tiết rất lạ lùng, là khi nhân sự Sabeco phải gồng mình đối phó với luồng tấn công từ dư luận và phe của Trọng, bất ngờ một sức ép khác xuất hiện đòi Sabeco phải bán cổ phần, để lấy tiền làm đường sắt cho Hà Nội.
(http://dantri.com.vn/su-kien/nguyen-chu-tich-sabeco-muc-dich-ep-sabeco-len-san-la-gi-20160616002938082.htm)

Trich từ bài báo:
” Hiệp hội này ước tính, số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD, đủ tiền để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội.”

Bán cổ phần công ty nước giải khát phía Nam để lấy tiền xây đường sắt phía Bắc, thật lạ.

Nhưng đến đây thì cái lạ ấy làm mọi việc hé lộ rõ ràng hơn, nó cũng lý giải vì sao đất nước đang tứ bề lâm nạn mà Nguyễn Phú Trọng chỉ nhăm nhăm đi giải quyết vấn đề nhân sự trong Đảng. Nguyên nhân của việc này chỉ là Phúc không xoay được tiền, trong khi các thế lực mới lên khát tiền cuồng loạn, dẫn đến Nguyễn Phú Trọng đánh vào thành trì nhóm lợi ích, muốn buộc nhóm này phải nhả tiền ra hoặc nhả những phần vốn nhà nước mà nhóm này đang kiểm soát. Số tiền đó sẽ làm thoả mãn tạm thời những đói khát trước mắt của nhóm lợi ích mới đang bám theo chân Trọng.

Nếu các thành viên của nhóm lợi ích cứ nhả tiền cá nhân,  hoặc nhả những phần kiểm soát kinh tế lại cho phe Nguyễn Phú Trọng. Cuộc thanh trừng những đảng viên, quan chức lợi ích nhóm  do Trọng phát động cũng sẽ dừng lại ở mức độ khiển trách, chuyển công tác. Không có cảnh đầu rơi, máu chảy, tù tội triệt để như Trung Quốc đang làm với Giang Trạch Dân,  Chu Vĩnh Khang…

Không có cái gọi là chiến dịch trong sạch đảng nào qua việc truy tìm sai sót bổ nhiệm con trai của Vũ Huy Hoàng hay Trịnh Xuân Thanh cả, đó chỉ là bức màn che đậy việc đoạt các nguồn tiền giữa phe mới và phe cũ mà thôi. Nếu thực sự lần mò việc bổ nhiệm sai trái, có lẽ phải mò đến việc chủ tịch nước Trần Đại Quang hồ sơ về tuổi tác có vấn đề, việc em ông ta  là Trần Quốc Tỏ tài cán gì mà từ sĩ quan công an leo lên làm bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên, hay tay bưng bê thuốc nước cho Trần Đại Quang giờ lãnh chức giám đốc công an Hà Nội.

Và nhiều hơn nữa là Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị …rồi con của các ông Trần Đức Lương, Lê Đức Anh…..

Đây là cuộc chiến vì tiền, đó là điều chắc chắn. Có điều nó núp dưới cái mác mỹ miều đạo đức là trong sạch đảng, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Mục đích của nó chỉ đơn giản có vây thôi. Bản chất của Đảng cộng sản VN chỉ có vì tiền và vì quyền lực mà cắn xé nhau. Không bao giờ có chuyện vì làm trong sạch đảng, vì đạo đức đảng viên, vì cái dân, vì nước mà đảng cộng sản hại nhau cả.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here