Chiến Dịch Trưng Cầu Dân Ý năm 2020: Chính người dân phải tự nói lên nguyện vọng của mình

- Quảng Cáo -

Vào ngày 7 tháng 6 năm 2016, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã phát động một chiến dịch mang tên “CHIẾN DỊCH TRƯNG CẦU DÂN Ý NĂM 2020”, kéo dài 3 năm, cho đến ngày 7 tháng 6 năm 2019, với danh sách tiên khởi gồm 50 trí thức và các nhà hoạt động nhân quyền trên các miền đất nước.

Để tìm hiểu thêm về những bước cụ thể của chiến dịch cũng như những ý niệm trong tuyên bố, xin mới quý vị theo dõi phần trao đổi sau đây của phóng viên Paulus Lê Sơn với Linh Mục Phan Văn Lợi.

Chân Trời Mới Media (Paulus Lê Sơn):  Kính chào Cha. Trước hết xin Cha cho biết là tại sao phải kéo dài đến năm 2020, khi mà chính bản nhận định của chiến dịch này cũng nhấn mạnh rằng: “Vấn đề tồn vong của dân tộc Việt Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trước nghịch cảnh chế độ độc tài Cộng sản ngày càng hèn với giặc, ác với dân, gây ra bao khủng hoảng, thảm trạng và tệ nạn”?

Lm. Phan Văn Lợi: Trước hết, đây là một trong nhiều biện pháp để gây ý thức cho quần chúng về bản chất của chế độ, một chế độ đã tự áp đặt lên đất nước mà không có sự đồng ý của nhân dân. Và tiếp theo việc gây ý thức là vận dụng sức mạnh của quần chúng, quyền lực nhân dân để tạo nên một biến đổi thật sự về mặt chính trị.

- Quảng Cáo -

Vì thế, đây là một chiến dịch dài hơi. Như trong lời tuyên bố, nó có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là phát động chiến dịch, do Ban Phát Động Chiến Dịch Trưng Cầu Dân Ý xuất phát từ Hội Cựu Tù nhân Lương Tâm Việt Nam. Hội sẽ liên lạc, nối kết, cộng tác với các tổ chức xã hội dân sự khác trong thời gian tới để hình thành Ủy Ban Vận Động Trưng Cầu Dân Ý. Ban phát động sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau khi thành lập ủy ban vận động này. Theo dự tính, Ủy Ban Vận Động Trưng Cầu Dân Ý sẽ ra mắt ngày 7-9-2016, bao gồm đại diện từ các tỉnh thành và các thành phần xã hội. Ủy Ban Vận Động Trưng Cầu Dân Ý sẽ chuyển giao công việc và giải tán sau khi thành lập Hội Đồng Tổ Chức Trưng Cầu Dân Ý, bao gồm nhiều đại diện cử tri, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế vào ngày 7 tháng 6 năm 2019.

Nói tóm, phải kéo dài cho đến năm 2020, vì cần phải có được sự tham gia không phải là vài ngàn, vài chục ngàn hay vài trăm ngàn người mà chúng tôi gọi là cử tri, nhưng là vài triệu người. Đây là công việc không đơn giản, vì phải phá tan sự vô tri, sự dửng dưng, sự ù lì và sự sợ hãi của quần chúng, để lôi kéo mọi người dân trong nước bày tỏ thái độ trước chế độ Cộng sản.

Paulus Lê Sơn: Thưa Cha, trong bài phát động chiến dịch này, sau phần một nhận định về thực tại lụn bại của đất nước cũng như về quyền con người bị chà đạp khốc liệt tại Việt Nam và sự tranh đấu không ngừng nghỉ để đòi lại những quyền đó; sang phần hai bài phát động chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2020 đã kêu gọi mọi người ý thức về quyền dân tộc tự quyết của mình, và tin tưởng vào sức mạnh dân tộc trong việc lựa chọn thể chế chính trị cai quản đất nước.

Nói một cách khác, đây cũng là lời kêu gọi hãy lấy sức mạnh của dân tộc làm nền tảng để giải quyết vấn nạn độc tài của đất nước. Ý niệm “Lấy sức mạnh của dân tộc làm nền tảng” trong cuộc đấu tranh này không phải là ý niệm mới, mà đã được đưa ra từ những năm đầu thập niên 1980, khi mà cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài còn phôi thai, và ý niệm đó cũng bàng bạc trong kêu gọi của Cao Trào Nhân Bản từ năm 1990, rồi trong Tuyên Ngôn Dân Chủ của Khối 8406, v.v… như bài phát động chiến dịch đã nhận định.

 Nay chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2020 cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng nay đã đến lúc mà ý niệm nền tảng đó có cơ hội nảy nở và thăng hoa trong đại khối dân tộc? Liệu đã có bằng chứng nào về những cơ hội như vậy?

Lm. Phan Văn Lợi: Trước hết, chúng ta đang có nhiều cơ hội thuận lợi. Về phía nhà cầm quyền cộng sản, đó là sự thất bại toàn diện trong đối nội và đối ngoại.

Đối nội, đó là sự hỗn loạn và nghẹt thở ngày càng dâng cao về chính trị. Người dân càng lúc càng thấy rõ chế độ cộng sản chỉ làm cho bầu khí xã hội ngày một thêm ngột ngạt. Nhiều người vẫn tiếp tục rời bỏ hay muốn rời bỏ đất nước, mà lý do chính không phải vì kinh tế. Trong đảng CS thì có sự chia rẽ sâu sắc, tranh giành sống mái mà ngày càng lộ liễu.

Về kinh tế thì bộ máy quản lý đất nước, do tham nhũng và bất tài, gian dối và tàn bạo, đã làm cho đất nước ngày càng chồng chất nợ nần, nợ công lên tới 100% GDP theo tin mới nhất (29tr/đầu người), làm cho đồng tiền ngày càng mất giá, cuộc sống người dân mỗi ngày thêm điêu linh khốn khổ.

Về văn hóa, cộng sản đã khiến cho gian trá và bạo lực ngày càng hoành hành, con người trong xã hội chỉ biết giành giật nhau mà sống, nhất là những kẻ có quyền lực càng lúc càng hành xử một cách vô lương tâm đối với dân lành. Giáo dục thì xuống cấp, đạo đức thì lụn bại, những giá trị văn hóa mai một dần và những tác phẩm văn hóa ngày càng hiếm hoi, mà đây chính là hồn sống của xã hội. Về môi trường sống và an sinh xã hội, cộng sản đã gây ra hoặc để cho xảy ra những thảm họa như rừng bị tàn phá, sông ngòi ô nhiễm, và nay thì biển chết, cá chết và rồi dân sẽ chết.

Đối ngoại, một mặt nhà cầm quyền CS ngày càng mất uy tín trước cộng đồng các quốc gia dân chủ vì chuyện vi phạm nhân quyền, luôn luôn bị xếp vào hạng cuối của thế giới về thái độ tôn trọng con người và công dân; ngày càng mất uy tín trước các tổ chức tài chánh quốc tế vì chuyện tham nhũng các khoản cho vay, các tiền viện trợ, đi mượn tiền của thiên hạ mà về bỏ túi chia nhau nhiều hơn là xây dựng đất nước, để lại những núi nợ khổng lồ bắt người dân nhiều thế hệ phải nai lưng ra trả.

Mặt khác, nhà cầm quyền CSVN càng lúc càng tỏ ra khiếp nhược trước Tàu cộng, do bị Tàu cộng trói buộc bằng nhiều sợi dây: dây ý thức hệ cộng sản và tình đồng chí vô sản, dây nợ nần chiến phí quá khứ từ cuộc xâm lăng VNCH, dây nợ nần tài chánh hiện tại do quản lý ngu dốt và tham nhũng táo tợn, và nhất là dây hồ sơ tội ác của các đảng viên cao cấp của Hà Nội mà Bắc Kinh đang nắm giữ, và cuối cùng là sợi dây “ôm nhau mà sống kẻo chết chùm cả đám”.

Thứ đến, loạt cơ hội thuận lợi thứ hai, đó là ngày càng xuất hiện các lực lượng quần chúng đòi thay đổi chế độ.

– Đầu tiên là phong trào đấu tranh dân chủ, biểu hiện qua các xã hội dân sự độc lập mà ngày càng nhiều và qua nhiều nhóm trí thức, kể cả những trí thức từng phục vụ chế độ hay đang là quan chức nhà nước.

– Thứ đến là các lực lượng quần chúng đông đảo với con số hàng triệu: (1) nông dân mất đất mất nhà đang đi khiếu kiện từ nam chí bắc; (2) công nhân bị bóc lột sức lao động đang đòi phải được trả lương xứng công sức, sinh sống xứng nhân phẩm, đang rục rịch thành lập công đoàn riêng cho mình; (3) tín đồ bị cướp đoạt tài sản vật chất và tinh thần, bị đàn áp niềm tin không được tự do hành đạo và truyền đạo; (4) và nay là lực lượng ngư dân đang thất nghiệp, đói khổ, thậm chí bị đàn áp sau khi xảy ra thảm họa cá chết và biển nhiễm độc. Tất cả như là những con sóng có thể dâng cao bất ngờ để cuốn trôi tất cả.

Paulus Lê Sơn: Thưa Cha, trong lời tuyên bố khẳng định rằng (xin trích) “quyền tự quyết của một dân tộc trong việc lựa chọn thể chế chính trị mà không có sự can thiệp của nước ngoài cũng chính là quyền tự quyết của công dân trong việc lựa chọn thể chế chính trị cai quản đất nước của chính họ.” (hết trích). Thưa Cha, quyền của một dân tộc lựa chọn thể chế chính trị cho mình mà không có sự can thiệp của nước ngoài vốn đã được quy định trong các công ước quốc tế liên hệ mà nhà cầm quyền CSVN đã ký kết.

Nay chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2020 khẳng định lại điều này phải chăng là sự phủ nhận tính chính đáng của chính thể hiện nay bên cạnh những bản chất phi chính đáng mà họ đã thể hiện từ trước đến nay? Đặc biệt là trong định nghĩa một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” thì ngoài việc nhà nước đó phải được người dân lựa chọn qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng còn có thêm điều kiện là nhà nước đó không được trù dập những người đối lập?

Lm. Phan Văn Lợi: Cuộc trưng cầu dân ý này tự nó đã nói lên tính bất chính đáng của chế độ cộng sản hiện hành tại Việt Nam. Nếu nó chính đáng thì ai đòi trưng cầu dân ý làm gì. Tính bất chính đáng này, xưa nay ai cũng thấy. Nhưng qua cuộc trưng cầu dân ý, với sự minh danh tên tuổi, người dân công khai khẳng định đảng và chế độ CS không hề có căn bản pháp lý và sự chính danh, không phải là kết quả sự chọn lựa của dân chúng qua những cuộc bầu cử đúng nghĩa. Và nếu cuộc trưng cầu dân ý này, vào năm 2020, được tổ chức đúng đắn, người dân chắc chắn sẽ chọn lựa chế độ dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Việc hân hoan chào đón Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, lãnh đạo cường quốc dân chủ số một của thế giới, cách đây mấy tuần là một bằng chứng. Mọi sự tuyên truyền của cộng sản rằng chế độ tư bản là bóc lột, chế độ xã hội chủ nghĩa là nhân đạo ưu việt đã vỡ tan như bong bóng. Bằng chứng thứ hai là bầu khí ảm đạm của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và thái độ dửng dưng, thậm chí tẩy chay chống bầu cử của rất nhiều cử tri.

Dĩ nhiên, ngoài tính chất là “của dân, do dân và vì dân”, một tính chất thể hiện trên thực tế chứ không chỉ nói ra trên môi miệng, nhà nước chính danh phải luôn tôn trọng các ý kiến đối lập, lực lượng đối lập, chứ không được trù dập những ai nói khác, nói ngược với mình. Nói theo kiểu ví von tượng hình, mọi cuộc đối đầu trong quốc gia phải giải quyết bằng mực chứ không phải bằng máu, nghĩa là bằng tranh luận cách công minh để cùng nhau rút ra sự thật và lẽ phải. Đó là điều chúng ta thấy tại các nước dân chủ văn minh. Nhưng Cộng sản từ xưa đến nay đã tỏ ra bất chính, đầu tiên là bằng cách cướp chính quyền với vũ khí, bạo lực, thứ đến bằng cách giữ chính quyền cũng với bạo lực, vũ khí, nghĩa là đàn áp đối lập, tất cả chỉ để thực hiện mục tiêu nhà nước “của đảng, do đảng và vì đảng”.

Paulus Lê Sơn: Thưa Cha, trong các điều khoản về cách thức tham gia, ở điểm thứ 6 có đề cập đến cụm từ “Công dân đã đăng ký cử tri trưng cầu dân ý”. Theo khoảng 10 định nghĩa của từ ngữ “công dân” thì ít nhiều đều có liên quan hoặc ràng buộc với chính quyền sở tại. Như vậy những công dân gốc Việt ở nước ngoài, tức là những người không bị ràng buộc với thể chế CSVN, có quyền tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý này không?

Lm. Phan Văn Lợi: Đây là cuộc trưng cầu dân ý của những ai đang sống dưới ách độc tài, đang phải chịu đựng sự cai trị bất nhân và bất lực, hà khắc và thất bại của cộng sản. Chính họ phải tự nói lên nguyện vọng của mình và nỗ lực thực hiện nguyện vọng đó qua sự liên kết cùng nhau. Những đồng bào ở ngoài nước có thể hỗ trợ cho cuộc trưng cầu dân ý này bằng nhiều cách: phổ biến thông tin cho nhau và cho quốc tế, vận động thân nhân của mình ở quê nhà tích cực tham gia chiến dịch, lên tiếng bênh vực cho những cá nhân, tổ chức tham gia chiến dịch mà bị nhà cầm quyền sách nhiễu, bách hại. Đó là những gì mà đồng bào hải ngoại có thể làm đối với đồng bào quốc nội trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý quan trọng này.

Paulus Lê Sơn: Xin cám ơn Cha đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here