Sự sụp đổ của Trật Tự Thế Giới Tự Do

Stephen M. Walt - Foreign Policy

Hình vẽ trên tường một tòa nhà bỏ phế ở thành phố Bristol, Anh Quốc, cho thấy ông Donald Trump ôm hôn cựu thị trưởng thành phố London Boris Johnson. Ảnh: Matt Cardy/Getty Images
- Quảng Cáo -

Cách đây không lâu, thời thập niên 90, nhiều người nghĩ rằng thể chế tự do là làn sóng tương lai và rồi sẽ bao trùm khắp toàn cầu. Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ đã đánh bại phát-xít và cộng sản sau đó. Khối Liên Âu có vẻ là một cuộc thử nghiệm táo bạo để chia sẻ chủ quyền và xua đuổi chiến tranh ra khỏi Châu Âu. Thực vậy, nhiều người Châu Âu tin rằng sự kết hợp đặc thù của các định chế dân chủ, thị trường hội nhập, pháp quyền, và biên giới mở rộng đã biến “quyền lực dân sự” của Châu Âu ngang bằng hoặc tốt hơn “quyền lực cứng” của Hoa Kỳ. Về phần của Hoa Kỳ thì nỗ lực để “mở rộng khu vực dân chủ, loại bỏ giới chuyên quyền, củng cố “nền hòa bình dân chủ” và từ đó dẫn đến một trật tự thế giới nhân ái và bền vững.

Nếu độc giả lưu ý thì sẽ thấy niềm lạc quan say mê của thời 90 đã nhường chỗ cho cảm giác bi quan đang gia tăng về trật tự tự do hiện thời. Báo The New York Times viết, “các lực gây tan rã đang tiến tới … nền tảng của thế giới hậu chiến đang run rẩy”. Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới cảnh báo trật tự thế giới tự do “đang bị thách thức bởi nhiều quyền lực – từ các chính quyền chuyên chế và phong trào cơ yếu chống tự do”. Báo New York Magazine cảnh cáo rằng ngay chính Hoa Kỳ có thể gặp nguy hiểm vì “quá dân chủ”.

Các nỗi lo đó dễ hiểu. Ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập – và ngay cả tại Hoa Kỳ, người ta thấy sự chuyên quyền trổi dậy hoặc mong chờ một “lãnh tụ cứng cỏi” có hành động quả quyết để quét sạch sự bất mãn. Theo chuyên gia về dân chủ Larry Diamond, “từ 2000 đến 2015, nền dân chủ đổ vỡ tại 27 quốc gia,” trong khi đó “nhiều chế độ chuyên chính càng trở nên không minh bạch, không mở rộng, không đáp ứng với người dân.” Anh Quốc biểu quyết rời bỏ khối Liên Âu; Ba Lan, Hungary và Do Thái đang đi về hướng giới hạn tự do; và một trong hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ sắp sửa đề cử một ứng viên tổng thống, một người khinh thường ra mặt sự dung dị căn bản cần có của một xã hội tự do, liên tục biểu lộ sự kỳ thị và các giả thuyết mưu đồ vô căn cứ, và ngay cả chất vấn ý niệm độc lập về tư pháp.

Đối với những người tin tưởng vào các lý tưởng tự do cốt lõi, thời buổi này không vui chút nào cả.

- Quảng Cáo -

Điều quan trọng là tìm hiểu xem tại sao.

Vấn đề thứ nhất là giới cổ võ tự do rao hàng quá mức. Người ta cứ bảo là nếu độc tài tan rã và nhiều quốc gia có bầu cử tự do, có tự do ngôn luận, thực thi pháp quyền, và theo kinh tế thị trường, gia nhập vào khối EU và/hoặc NATO, thì một “khu vực hòa bình” rộng lớn sẽ được thiết lập, thịnh vượng sẽ lan ra, và những bất đồng chính trị sẽ được giải quyết dễ dàng trong khuôn khổ của trật tự tự do.

Khi cuộc đời không diễn ra suôn sẻ, và khi một số thành phần xã hội bị tổn hại vì những diễn tiến này, thì phản ứng ngược sẽ xảy ra. Cộng vào đó là những lỗi lầm của giới lãnh đạo gây ra, bao gồm việc lập ra tiền euro, xâm lăng Iraq, nỗ lực xây dựng quốc gia Afghanistan, và cơn khủng hoảng tài chính 2008. Những sai lầm này giúp làm xói mòn tính chính đáng của trật tự sau thời chiến tranh lạnh, mở cửa cho các lực phản tự do, và khiến cho một số thành phần xã hội bị các thế lực biệt lập lôi cuốn.

 Trung Quốc và Nga cảm thấy bị đe dọa bởi những giá trị “tự do” từ Tây phương.

Trung Quốc và Nga cảm thấy bị đe dọa bởi những giá trị “tự do” từ Tây phương.

Nỗ lực để trải trật tự thế giới tự do ra đồng thời gặp phải sự chống đối dễ hiểu của giới lãnh đạo và các nhóm cảm thấy bị đe dọa bởi nỗ lực này. Không có gì ngạc nhiên khi Iran và Syria tìm cách cản trở nỗ lực của Hoa Kỳ tại Iraq vì chính quyền tổng thống George W. Bush nói rõ là những chế độ đó cũng trong tầm nhắm của Hoa Kỳ. Tương tự vậy, không có gì khó hiểu khi giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga cảm thấy đe dọa bởi nỗ lực của Phương Tây truyền bá các giá trị “tự do”, và tìm cách chận trước.

Giới yêu chuộng tự do còn quên rằng các xã hội tự do thành công cần có các định chế dân chủ và hơn thế nữa. Họ cần có cam kết vào những giá trị nền tảng của một xã hội tự do, nhất là lòng khoan dung. Sự kiện tại Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác cho thấy rõ là soạn hiến pháp, lập đảng chính trị, tổ chức bầu cử “tự do và công bằng” sẽ không đủ để nảy sinh ra một chế độ tự do, trừ phi các cá nhân và nhóm trong xã hội cũng ôm lấy các giá trị tự do cơ bản.  Cam kết vào những chuẩn mực và văn hóa này không thể nào phát triển qua đêm hoặc từ bên ngoài nhồi nhét vào, và chắc chắn là không thể thực hiện bằng vũ lực, bằng drones, bằng lực lượng đặc biệt.

Ngoài ra cũng thấy rõ là giới yêu chuộng tự do hậu chiến tranh lạnh đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa quốc gia, hay chủ nghĩa tự ái dân tộc, và những thể dạng khác của bản sắc địa phương, kể cả hệ phái, sắc tộc, bộ lạc, v.v… Họ cho rằng những gắn bó đó rồi sẽ tan biến đi, hạn chế lại trong sự biểu đạt mà thôi, hoặc có thể được quản lý và quân bằng khéo léo bởi các định chế dân chủ.

Nhưng hóa ra nhiều người tại nhiều nơi lại quan tâm nhiều đến bản sắc quốc gia, thù hằn lịch sử, biểu hiện lãnh thổ, và giá trị văn hóa truyền thống hơn là quan tâm đến sự “tự do” như giới chuộng tự do định nghĩa. Qua cuộc bỏ phiếu của dân Anh rời bỏ khối Liên Âu, cho chúng ta thấy là một số người (hầu hết lớn tuổi) dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những lôi cuốn đó hơn là cân nhắc có lý lẻ kinh tế (cho đến khi họ hứng chịu hệ quả).

Hình: Globaltake.com
Hình: Globaltake.com

Chúng ta có thể nghĩ rằng các giá trị tự do là chính đáng trên toàn cầu nhưng đôi lúc có những giá trị khác quan trọng hơn. Những cảm nghĩ đó sẽ bật ra khi có những thay đổi chóng mặt bất ngờ trong xã hội và nhất là khi xã hội một thời từng đồng nhất bị buộc phải sát nhập và đồng hóa những thành phần quần chúng có văn hóa khác biệt, và phải làm trong một thời gian ngắn. Giới yêu chuộng tự do có thể tán tụng tầm quan trọng của lòng khoan dung và các đặc tính tốt của đa văn hóa, nhưng thực tế là pha trộn nhiều văn hóa trong một chính thể ít khi nào suôn sẻ hay đơn giản. Căng thẳng dẫn đến sẽ là lý cớ để các lãnh tụ mỵ dân hứa hẹn bảo vệ các giá trị “truyền thống” (hay đưa quốc gia trở lại thời vàng son).

Quan trọng hơn hết, các xã hội tự do ngày nay bất an bởi vì chúng có nguy cơ bị cướp đoạt bởi các cá nhân hay nhóm lợi dụng chính sự tự do của xã hội. Đơn cử là các nhân vật Donald Trump tại Hoa Kỳ, Jean-Marie Le Pen tại Pháp, Recep Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Geert Wilders tại Hà Lan.

Tôi nghĩ điều này giải thích tại sao có nhiều người ở Mỹ và Châu Âu mong mỏi Hoa Kỳ gắn bó hết mình với Châu Âu. Không phải vì e ngại Nga và e ngại cho chính Châu Âu. Giới yêu chuộng tự do muốn Châu Âu được hòa bình, khoan dung, dân chủ và gắn chặt vào khuôn khổ của khối Liên Âu, và họ cuối cùng muốn lôi kéo các quốc gia như Georgia hay Ukraine vào vòng đai dân chủ của Châu Âu. Nhưng trong thâm tâm, họ không tin là dân Châu Âu có thể kiềm chế được tình thế này, và họ ngại là mọi chuyện xấu đi nếu yếu tố “Hoa Kỳ bình định” bị rút đi. Họ nghi ngờ là phiên bản tự do của Châu Âu rất mong manh đến độ cần có sự hỗ trợ thường trực của Hoa Kỳ. Không biết được? Có thể đúng vậy. Nhưng trừ khi Hoa Kỳ có nguồn tài nguyên vô tận và sốt sắng vô hạn để bảo vệ các quốc gia giàu có, thì câu hỏi sẽ là: những ưu tiên nào của thế giới mà giới yêu chuộng tự do sẵn sàng hy sinh để gìn giữ những gì còn lại của một trật tự Châu Âu.

Stephen M. Walt
26-06-2016

Stephen M.Walt là giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

Hoàng Thuyên lược dịch

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here