Tóm lược Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc

Ảnh: PCA
- Quảng Cáo -

Vào lúc 11 giờ ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc tại La Hague đã ra phán quyết về đơn kiện của Phi Luật Tân liên quan đến “Đường-Chín-Đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đây là phần tóm lược của Bản Phán Quyết này.

BBT CTM Media

*

Phán quyết được nhất trí thông qua và ban hành hôm nay của Tòa Trọng Tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (gọi tắt là Công Ước) trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc.

- Quảng Cáo -

Vụ phân xử này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác nhận quyền hưởng lợi biển tại Biển Đông, quy chế của một số thực thể trên biển và quyền hưởng lợi có thể tạo ra, tính hợp pháp của một số hành vi của Trung Quốc mà Phi Luật Tân cho là vi phạm Công Ước. Với những giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà đã nhấn mạnh là sẽ không phán quyết các vấn đề nào liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đất liền và sẽ không phân định ranh giới giữa các bên.

Bãi cạn Scarborough là một trong những thực thể tranh chấp giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân. Ảnh: PBS.
Bãi cạn Scarborough là một trong những thực thể tranh chấp giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân. Ảnh: PBS.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “không chấp nhận cũng như không tham gia vào việc phân xử do Phi Luật Tân đơn phương khởi xướng”. Tuy nhiên, Phụ lục VII quy định rằng “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không lo biện hộ sẽ không là rào cản cho tiến trình”. Phụ lục VII cũng quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia vào tiến trình phân xử, tòa “phải tự chứng minh rằng tòa có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế”. Do đó, trong suốt tiến trình phân xử, Tòa đã lấy các biện pháp cần thiết để kiểm tra độ chính xác của những điều Phi Luật Tân đòi hỏi, bao gồm cả việc yêu cầu Phi Luật Tân cung cấp thêm dữ kiện, chất vấn Phi Luật Tân trước và trong hai phiên tòa, chỉ định các chuyên gia độc lập báo cáo cho Tòa về các vấn đề kỹ thuật và thu thập các bằng chứng lịch sử liên quan đến các thực thể tại Biển Đông và chuyển đến đôi bên để bình phẩm.

Trung Quốc, qua Bản Văn Lập Trường vào tháng 12 năm 2014 cũng như các tuyên bố chính thức khác, cũng nói rõ rằng theo quan điểm của họ, Tòa Trọng Tài không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Điều 288 của Công Ước quy định: ‘Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về việc liệu rằng tòa hay một cơ cấu trọng tài có thẩm quyền hay không, vấn đề này sẽ do chính tòa hoặc cơ cấu trọng tài đó quyết định’. Do đó, Tòa Trọng tài đã tổ chức một phiên tòa để xác định thẩm quyền vào tháng Bảy năm 2015 và ban hành phán quyết về thẩm quyền vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, và sẽ xem xét các vấn đề còn lại sau đó.

Phán quyết ban hành ngày hôm nay là để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Phán quyết này là chung kết và có tính ràng buộc pháp lý, theo quy định của Điều 296 của Công Ước và Điều 11 của Phụ Lục VII.

Quyền lịch sử và “Đường Chín-Đoạn”: Tòa Trọng Tài xét thấy có thẩm quyền để cứu xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn xác nhận quyền hưởng lợi biển tại Biển Đông. Về mặt giá trị, Tòa kết luận rằng Công Ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền hiện hữu trước đó được cứu xét, nhưng không được chấp thuận trong Công Ước. Do đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng Biển Đông, quyền này bị hủy bỏ do chúng không phù hợp với quy định về vùng đặc quyền kinh tế trong Công Ước. Tòa cũng ghi nhận là dầu trong lịch sử, những người đi biển và ngư dân của Trung Quốc cũng như của các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy Trung Quốc độc quyền kiểm soát vùng biển này cũng như tài nguyên tại đây. Tòa kết luận vì thế không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên nhận quyền lịch sử đối với tài nguyên trong vùng biển bên trong “đường chín-đoạn.”

Ảnh: UNCLOS
Ảnh: UNCLOS

Quy chế của các thực thể: Tòa Trọng Tài xem xét kế tiếp đến quyền hưởng lợi biển và quy chế của các thực thể. Trước tiên Tòa tiến hành đánh giá liệu một số bãi san hô mà Trung Quốc tuyên nhận có ở trên mặt nước khi thủy triều lên hay không. Các thực thể ở trên mặt nước khi thủy triều lên cao sẽ cho ra quyền hưởng lợi ít nhất là một hải phận 12 hải lý trong khi các thực thể chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên cao sẽ không cho ra các quyền đó. Tòa thấy rằng các bãi san hô này đã được biến đổi rất nhiều qua việc bồi đắp, xây dựng, trong khi đó Công Ước phân loại các thực thể dựa vào điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào tài liệu lịch sử để đánh giá các thực thể này. Kế tiếp Tòa cứu xét xem liệu rằng các thực thể mà Trung Quốc tuyên nhận có thể tạo ra hải phận xa hơn 12 hải lý không. Theo Công Ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng “hòn đá không thể nuôi sống con người hoặc có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”

Tòa lưu ý là sự hiện diện của các nhân sự trên các thực thể này phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài để nuôi sống và không phản ảnh khả năng của các thực thể này. Tòa tìm thấy các chứng cứ lịch sử xác đáng hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được một số nhóm nhỏ ngư dân sử dụng và một số dịch vụ đánh cá và khai thác phân chim của Nhật Bản. Tòa kết luận rằng việc sử dụng ngắn hạn như thế không cấu thành sự cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử mang tính khai thác. Do đó, Tòa kết luận rằng không có đảo Trường Sa nào có thể tạo ra hải phận. Tòa cũng cho rằng nguyên nhóm đảo Trường Sa cũng không thể tạo ra hải phận. Sau khi thấy không có thực thể nào mà Trung Quốc tuyên nhận có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Tòa thấy rằng không cần phải xác định lằn ranh, Tòa vẫn có thể tuyên bố một số vùng biển thuộc về đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, vì những vùng đó không trùng lập với bất cứ quyền hưởng lợi nào của Trung Quốc.

Tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc: Tiếp theo, Tòa xem xét về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau khi thấy rằng một số vùng nhất định thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này qua việc (a) gây trở ngại cho việc đánh cá và thăm dò dầu hỏa của Phi Luật Tân, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh cá trong vùng này. Toà cũng cho rằng ngư dân từ Phi Luật Tân (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough và Trung Quốc đã gây trở ngại cho các quyền này khi chận không cho vào vùng này. Tòa cũng cho rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây rủi ro đụng tàu nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ cản trở tàu bè Phi Luật Tân.

Gây hại cho môi trường biển: Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên bảy thực thể của quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và thấy rằng Trung Quốc đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái yếu ớt và môi trường sống của các loài vật đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt. Tòa cũng thấy rằng nhà chức trách Trung Quốc có biết đến việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt hàng loạt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Biển Đông (dùng những cách gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không hoàn thành bổn phận chấm dứt các hoạt động này.

Hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc hủy hoại môi trường. Ảnh: Internet
Hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc hủy hoại môi trường. Ảnh: Internet

Làm trầm trọng thêm tranh chấp: Cuối cùng, Tòa xem xét liệu các hoạt động của Trung Quốc kể từ khi Tòa bắt đầu phân xử có làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên hay không. Toà thấy rằng Tòa thiếu thẩm quyền để cứu xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Phi Luật Tân và tàu hải quân và cảnh sát biển của Trung Quốc ở Bãi cạn Second Thomas, cho rằng tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự và do vậy, nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tuy nhiên, Tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong phạm vi mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể cứu chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông đang là một phần của tranh chấp giữa các Bên.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here