Khi ‘công bộc của dân’ hành xử như côn đồ

Cao Huy Huân - Blog Cao Huy Huân - VOA

Cảnh sát cố ngăn chặn người biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, Hà Nội, ngày 1/5/2016.
- Quảng Cáo -

Dư luận đang xôn xao về chuyện nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị một nhân viên cảnh sát hình sự hành hung đến bị thương khi đang tác nghiệp. Trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện hai luồng dư luận: một phe bênh anh nhà báo và phe còn lại bênh anh cảnh sát. Sau khi xem lại đoạn clip hiện trường vụ việc, các thông tin từ phía báo Tuổi Trẻ và công an, tôi cho rằng anh công an đã hành xử sai trăm bề – không chỉ sai vì việc đánh người, mà còn sai vì thái độ làm việc rất thiếu chuyên nghiệp khi trực tiếp giải quyết một vụ việc hết sức đơn giản.

Facebooker Chung Nguyen có bài viết về “chuyện anh phóng viên bị ăn đấm” thu hút hơn 500 lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt like (thích) và comment (bình luận). Đây là một bài viết điển hình cho “phe” bênh vực hành động của công an, cho rằng “anh phóng viên lên cầu Nhật Tân để chụp ảnh một vụ chết người, cảnh sát hình sự đã có mặt từ trước đó rất sớm và đang tiến hành điều tra. Anh phóng viên cố vượt rào vào để chụp ảnh, bị nhắc nhở nhưng vẫn cố bon chen”. Tôi nghi ngờ tính khách quan và việc quan sát của anh Chung Nguyen, bởi nếu đã có mặt từ sớm thì tại sao cảnh sát không phong tỏa hiện trường? Tại hiện trường không có một phân giới nào cho thấy phạm vi hoạt động của cảnh sát và của báo chí. Cần lưu ý rằng, cảnh sát không phải muốn chỉ chỗ nào và bảo hiện trường thì chỗ đó là hiện trường. Phóng viên Quang Thế và nhiều phóng viên khác không sai khi tác nghiệp tại đây, bởi không có bản cấm chụp ảnh, ghi hình; không có rào che chắn. Luật tác nghiệp cho phép phóng viên tiếp cận hiện trường ở một phạm vi nhất định mà trong trường hợp này là tầm 30 mét như anh Quang Thế đã làm. Có lẽ hiểu được điều này nên lãnh đạo công an đã ngay lập tức gặp báo Tuổi Trẻ và đưa ra lời xin lỗi kịp thời trước khi xử lý vụ việc.

cong-an-danh-phong-vien-3Mặt khác, nhiều người cho rằng cầu Nhật Tân là nơi cấm dừng đỗ xe, cấm tụ tập và hàng ngàn lý do khác. Tôi cứ cho là đúng thì việc tác nghiệp của phóng viên trên cầu Nhật Tân khi có một vụ chết người cũng không sai, càng không thể bị xem là tội phạm để cảnh sát quát to “trấn áp đối tượng này” như trong đoạn video. Lẽ ra phía cảnh sát nên cử một người có thẩm quyền đứng ra cung cấp thông tin cho báo chí (để thỏa mãn nghiệp vụ khai thác thông tin vốn là nhiệm vụ của một nhà báo), để cả hai có thể phối hợp. Trong khi đó các vị cứ xưng danh công an (trong khi mặc thường phục) rồi dùng bạo lực để ngăn cản thì làm sao không gây bất bình. Tính chuyên nghiệp của cảnh sát trong việc giải quyết tình hình trong trường hợp này là rất yếu kém. Phải thấy rằng nhà báo cũng là một thành phần đóng góp vào việc giữ gìn trật tự an ninh cho xã hội không thua kém gì cảnh sát. Nếu phóng viên tác nghiệp trình bày thẻ nhà báo thì cảnh sát có nghĩa vụ phải lập ra những phạm vi đúng nguyên tắc, rõ ràng để giúp phóng viên làm nhiệm vụ chứ không phải muốn cấm chỗ nào là cấm.

- Quảng Cáo -

cong-an-danh-phong-vien-1Thêm nữa, việc đánh phóng viên và đập máy của họ là không thể chấp nhận. Tại sao? Bởi luật pháp không cho phép cảnh sát đánh đập và phá hoại tài sản của bất kỳ ai. Nếu là tội phạm nguy hiểm thì việc trấn áp là đúng, còn trong trường hợp này lại là một phóng viên cô thế. Đây không phải là lần đầu cảnh sát Việt Nam hành hung dân chúng. Nó vừa làm xấu đi hình ảnh của người cảnh sát, vừa làm mất niềm tin của người dân, vừa khiến người ta thấy cảnh sát chẳng khác gì những tên côn đồ. Tôi thất vọng đến mức bật cười chua chát khi chính anh cảnh sát mặc thường phục lại tự nhận mình là “dân thường”. Dân thường thì sao lại có thể xuất hiện tại hiện trường để phá máy quay và đánh đập người khác?

Con dại cái mang, nhân viên cảnh sát làm sai thì cả tập thể ngành cảnh sát phải cùng chịu trách nhiệm. Đây cũng là một bài học cho toàn ngành cảnh sát: phải cải thiện tính chuyên nghiệp. Mọi chuyện phải được giải quyết theo luật pháp, chứ không phải theo luật rừng. Cái mà người dân chờ đợi lúc này là ngành cảnh sát làm sao để lấy lại niềm tin từ phía dân chúng. Người ta lại sợ phải nghe cụm từ “điều chuyển công tác”, thay vì kỷ luật mạnh, thậm chí đuổi khỏi ngành nếu cần thiết. Tôi nhớ hoài, một anh dân thường hắt ly bia vào mặt một cán bộ thuế đã phải ngồi tù, thì việc cảnh sát (vốn tự xưng là công bộc của dân) đánh dân, không biết rồi lãnh đạo công an sẽ xử lý ra sao để ai cũng kính phục và để khôi phục niềm tin?

- Quảng Cáo -

8 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here