Café với Mặc Lâm RFA ở Eden Center, Virginia (*)

Hiệu Minh - Hiệu Minh Blog

Ký giả Mặc Lâm, RFA (phải) người dẫn chương trình trò chuyện cùng nhà báo/blogger Trương Duy Nhất tại phòng quay RFA. Ảnh: ScreenShot một chương trình của đài RFA
Ký giả Mặc Lâm, RFA (phải) người dẫn chương trình trò chuyện cùng nhà báo/blogger Trương Duy Nhất tại phòng quay RFA. Ảnh: ScreenShot một chương trình của đài RFA
- Quảng Cáo -

Lâu lắm dễ đến mấy năm không alo cho các anh Nguyễn Khanh và Mặc Lâm ở RFA, chả hiểu các ông “kễnh” sống làm việc ra sao. Hôm nay (17-1) inbox thì anh Mặc Lâm bảo, ra Eden đi, làm vài chai bia.

Tưởng chỉ có dân Hà Nội mới rủ nhau đi bia bọt, hóa ra dân RFA “đài địch” cũng bia như mình.

Theo quan niệm của người trong nước RFA là phản động số 1, số 2 là BBC, tiếp theo là RFI và cuối bảng là VOA. Mấy cái đài Việt hải ngoại khác không tính vì những đài trên được chính phủ và quốc hội chi tiền để “diễn biến hòa bình.”

Chỉ nghe tiếng mà chưa gặp mặt thì cứ nghĩ mấy ông hải ngoại ghê ghê. Nhưng gặp rồi thấy các lão cũng như người thường, nói tiếng Việt, tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, thấy gái đẹp cũng nhìn, nói chuyện tâm huyết với đất nước cũng muốn đóng góp gì đó.

- Quảng Cáo -

Hoa Kỳ là một quốc gia toàn di dân, người bản xứ chỉ có da đỏ gần như bị diệt chủng. Người Việt sang Mỹ cùng kiểu di dân nhưng đông nhất là sau năm 1975. Mặc Lâm nằm trong số đó.

Anh học nghề báo từ ngày còn rất trẻ, sau hòa bình thì giấu biệt tên tuổi. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn, cả nhà tìm đường ra đại dương. Đi 5 lần mất bao tiền bạc không thoát.

Số may lại đến. Chả là năm 1970 bà mẹ của anh vào bệnh viện có chuyện chi đó. Có một chị tới sinh ra một cô bé tóc vàng, vứt lại bệnh viện và bỏ trốn chắc do nghề đặc biệt của chị.

Bệnh viện bối rối đi tìm nhưng không biết mẹ cháu là ai. Bà mẹ của anh Mặc Lâm thương cháu bé nhận về nuôi.

Đứa con lai mang hai dòng máu Mỹ – Việt sống trong gia đình đó được mẹ coi như con đẻ. Hòa bình nhưng gia đình lại sợ có con lai nên cứ phải giấu nguồn gốc.

Mấy lần vượt biên không thoát, Mặc Lâm than thở với bạn bè. Một ông bạn gà cho, có con lai dễ được đi và bày cho cách làm giấy tờ. Lúc đó mới biết chìa khóa vàng ngay trong nhà mà không biết lại toàn giấu đi.

Sứ quán Mỹ chấp nhận dễ dàng, nửa năm sau (1990) cả gia đình theo con lai sang Mỹ. Anh bảo, bà mẹ có lòng nhân đã cứu cả nhà vụ đó.

Bay sang Philippines ở đó cả năm chờ đợi rồi sang Mỹ và cuộc đời Mặc Lâm bắt đầu nơi xứ người. Hơn 20 năm bươn chải cuối cùng đậu ở cái đài “phản động” RFA. Đã làm ở đây thì khó về nước.

Có lần được bên Ngoại giao VN xin cho anh đi thăm Trường Sa nhưng bên an ninh không cho vì lý do nào đó.

Phụ trách đài RFA cùng với anh Nguyễn Khanh, nhóm tiếng Việt không chịu sự quản lý của bất kỳ ai. Quốc hội Mỹ chi tiền hàng năm và tùy đài muốn viết bài đưa tin thế nào cũng OK.

Tự chủ như thế mới ngại, có ai chống lưng như báo trong nước lại đâm khỏe. Trong báo chí sợ nhất là đưa tin sai. Trong bối cảnh quan hệ với trong nước khó khăn, không có nguồn tin tại chỗ, RFA khó cạnh tranh nổi với BBC hay VOA tiếng Việt.

Bạn đọc ở hai bán cầu đâu phải trẻ con mà muốn viết gì cũng được. Đã là một tờ báo ở quốc gia văn minh như Mỹ thì phải theo chuẩn của nền báo chí gọi là tự do, khách quan và tránh thiên vị.

RFA vẫn có những phỏng vấn qua điện thoại với các nhân vật trong nước như tướng công an, tướng quân đội, quản lý thành phố, đại biểu quốc hội. Sự đa chiều này giúp cho RFA bớt đi tính “phản động một chiều” như Mặc Lâm đùa vui.

Suy cho cùng bạn đọc là người quyết định uy tín của tờ báo. Nếu đưa tin mang tính bôi nhọ hay bóp méo, bạn đọc sẽ nhận ra ngay. Trách nhiệm của báo chí không hề đơn giản.

Hỏi về nhân tình thế thái của Việt Nam và ĐCS, anh thận trọng: Nếu Việt Nam thay đổi, hội nhập và biến thành một lực lượng đi theo xu hướng thời đại xem quyền lợi quốc gia là tối thượng, phát triển đất nước hợp lý, có vai trò trong khu vực, đủ đồng minh để cân bằng quyền lực với các nước lớn, thì tồn tại dễ thở hơn và phục vụ đất nước như bất cứ một thể chế nào. Và họ đang vật lộn với chữ “nếu” này.

Dân chủ nhân quyền là những giá trị chung của nhân loại công nhận. Nhờ vào đó mà nhiều quốc gia phát triển hơn người. Nếu ĐCS nhìn vào thực tế này sẽ giúp họ vững vàng trong việc điều hành đất nước. Tại sao lại làm khác người để vác trên vai những bất cập do chính mình mang lạị bởi dân bất bình?

Hỏi về chuyến đi Bắc Kinh của TBT Trọng, Mặc Lâm cho rằng, đó là điều phải làm vì Việt Nam quá bé và Hà Nội đã chọn sự cân bằng khá nguy hiểm nhưng không thể khác.

Nhật cho vay ODA, giúp đóng tầu tuần tra, rồi đang khởi động TPP dù Trump phản đối, nhưng ai mà biết 4 năm tới, Trump có còn? Nhật và Úc cứ hợp tác là tốt, Việt Nam tham gia sẽ thắng canh bạc viễn kiến.

Exxon Mobil vừa ký hợp đồng 20 tỷ đô khai thác dầu khí trên biển Đông chắc chắn làm Trung Quốc không hài lòng. Và Rex Tillerson, cựu chủ tịch Exxon, đang ngắm chức ngoại trưởng Hoa Kỳ, sẽ không để Trung Quốc tự tung tự tác trên đường lưỡi bò.

Ấn Độ lại bán vũ khí cho Việt Nam cho dù loại Brahmos do Nga sản xuất bị Putin ngáng đường do chuyển giao công nghệ.

TBT Trọng sang Bắc Kinh nhằm trấn an người đồng nhiệm. Họ bắn 21 phát đại bác so với thời giàn khoan khủng vào biển Đông mà ông Trọng alo Tập Cận Bình không thèm trả lời, thì cũng là một thái độ “nhũn nhặn” trong lúc Trump hùng hổ phía bên kia bán cầu, Mặc Lâm dí dỏm.

Nghe anh bàn luận về khu vực thấy Mặc Lâm khá am hiểu tình hình Việt Nam và có lẽ RFA sắp tới có những động thái khác để hòa nhập với thời đại Trump.

Trà dư tửu hậu, hỏi anh sẽ làm gì khi về hưu. Anh chị có mấy cháu đã có gia đình yên ổn rồi, chẳng phải lo gì. Anh thích nghề nấu ăn và rất chuyên nghiệp. Dự định chuyển về California nấu ăn theo “đơn đặt hàng” cho các bạn thích hiểu về ẩm thực, loại ẩm thực đầy ắp văn hóa và nghệ thuật trên từng món mà anh gọi là “Fusion food”.

Món Việt nào ưa thích nhất. Đó là món gỏi cá miền Trung vì biết làm sẽ như một món dâng vua.

Anh kể vui, người Nam bộ có món kho quẹt (nước mắm kho quến lại ăn với cơm). Trong những ngày mưa gió, cá mú hết mùa chằng có gì ăn nên kho nước mắm với chút đường trong nồi và lấy cơm chấm thấy ngon hơn cao lương mỹ vị. Ngày nay biết trình diễn nó sẽ thành món cho đại gia.

Anh bảo, người tuyệt vời, có hiểu biết chính là người biết ăn, biết gọi món. Nhìn nhà hàng bưng cái đĩa ra biết ngay cửa hàng này có sống với thời gian hay không. Ăn ở đâu, ăn cái gì, ăn với ai, ăn lúc nào, giống mấy chữ W trong làng báo (When, Where, What, Who…)

Hóa ra ngoài báo chí, Mặc Lâm còn là người hiểu cả ẩm thực. Mà ẩm thực là đời, hiểu đời chính là hiểu người.

Chúng tôi chia tay nhau và hẹn gặp lại. Anh đùa, không sợ gặp “cộm cán, phản động” ư? Tôi cười và bảo, nói chuyện với anh tôi thấy mình như cái slogan của Hiệu Minh Blog “Càng đi xa càng thấy mình nhỏ bé”.

Và còn hẹn, nếu về Hà Nội, sẽ anh rủ đi ăn các món của Vũ Bằng, người đi xa nhớ quá nên phải thổi hồn vào cuốn sách “Thương nhớ mười hai”.

Còn chuyện về nước thì tin tôi đi, anh đi bằng máy bay qua chương trình đoàn tụ thì về cũng bằng cách đó. Đất nước sẽ đổi thay nhiều.

HM. Eden Center 17-1-2017

(*) Tựa do CTM Media đặt

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here