Luật sư sắp có chỗ ngồi “tương xứng” trong phòng xử án

Ls Trần Hồng Phong - Blog Bình luận án

Hiện nay (tháng 2/2017), chỗ ngồi của luật sư (áo trắng, bên phải) được bố trí yếu thế hơn nhiều so với Kiểm sát viên (áo xanh phía trên, bên trái). Nguồn ảnh: Blog Bình luận án /Phapluatplus.
- Quảng Cáo -

Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đưa tin, ngày 8/2/2017 vừa qua, tại cuộc họp giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam và một số cơ quan khác, đã thông qua việc sẽ ban hành thông tư hướng dẫn hình thức bố trí phòng xử án với nội dung chính là Luật sư ngồi NGANG HÀNG với Kiểm sát viên. Như vậy, luật sư sắp có được chỗ ngồi “tương xứng” với vị trí và chức năng tố tụng của mình trong phòng xử án.

Trong một vụ án hình sự, về nguyên tắc, phán quyết của Hội đồng xét xử (bản án) phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa giữa bên kết tội (kiểm sát viên) và bên bào chữa/gỡ tội (luật sư). Điều này cho thấy vai trò của Kiểm sát viên và Luật sư là NGANG BẰNG trong việc truy tố, xét xử một con người. Cả hai cùng có ý nghĩa và quan trọng như nhau, hướng đến góp phần có được một bản án/phán quyết chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Thế nhưng hiện nay và suốt nhiều chục năm qua, trong phòng xét xử (hình sự, dân sự, …), vị trí ngồi của luật sư luôn bị “rẻ rúng”, xếp bên dưới, đặc biệt so với vị trí của công tố viên (kiểm sát viên).

Từ năm 2002, tôi, với tư cách là một phóng viên, một luật sư, đã có bài “Luật sư chưa có chỗ ngồi tương xứng” – phản ánh về vấn đề này trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tôi đề nghị “cần đưa vị trí (chỗ ngồi) của luật sư lên ngang bằng với vị trí của công tố viên như hầu hết các nước trên thế giới”.

- Quảng Cáo -

Xin nói rõ, quan điểm này không phải là “sáng tạo” của riêng tôi, mà tôi chỉ là người thể hiện ý chí và hiểu biết của nhiều người, nhiều đồng nghiệp. Với mong muốn góp thêm ý kiến, hướng đến một nền tư pháp văn minh, công bằng và tiến bộ. Hòa cùng cộng đồng quốc tế. (Xin xem bài viết “Luật sư chưa có chỗ ngồi tương xứng”, tôi không muốn nhắc lại ở đây).

Nói chung, một đất nước, mà quyền bào chữa – một trong những quyền con người cổ xưa và cơ bản nhất – mà luật sư chính là người đại diện, thực hành – mà bị rẻ rúng, thiếu tôn trọng, thì ở đó chỉ có sự độc ác và bất công lên ngôi.

Thực ra, trong hành nghề, có lẽ không vị luật sư nào muốn có vị trí ngồi trang trọng theo kiểu “làm cảnh”, hay vì chuyện “sỹ diện”. Mà mong muốn lớn hơn gấp nhiều lần, là vị trí ngồi của luật sư phải thể hiện được sự tôn trọng, sự hiểu biết đầy đủ của Nhà nước và giới quan chức có thẩm quyền – về vai trò, vị trí của nghề luật sư, của người luật sư trong xã hội và pháp luật. Từ đó, tôn trọng và lắng nghe ý kiến bào chữa của luật sư một cách THẬT SỰ, ĐÚNG LUẬT. Chứ không phải và không thể mỗi phiên tòa là một “vở kịch”, mà người luật sư chỉ là một “vai diễn”. Trong khi kết quả xét xử đã được “quyết” từ trước (án bỏ túi) một cách bảo thủ, hoặc theo sự chỉ đạo của ai đó. Bất chấp sự thật khách quan, bất chấp quan điểm bào chữa hợp lý, chặt chẽ của luật sư. Bất chấp có thể dẫn đến oan, sai.

Với việc luật sư sẽ có chỗ ngồi tương xứng trong phòng xử án, cá nhân tôi hoàn toàn không có gì là vui mừng hớn hở. Tôi chỉ thấy lẽ ra việc này cần phải được xem xét và thực hiện từ lâu. Thôi thì chậm còn hơn không.

Qua đây, cũng mong rằng ý kiến bào chữa của luật sư cũng sẽ được Hội đồng xét xử tôn trọng và đánh giá NGANG HÀNG với quan điểm kết tội của Kiểm sát viên – giống như chỗ ngồi vậy.

Ls Trần Hồng Phong – Blog Bình luận án

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Biết tôn trọng luật sư trong khi tranh tụng ở Tòa là biết tôn trọng thể chế xã hội XHCN. Và ngược lại nó chỉ là xã hội XHCN độc tài.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here