Từ loa phường đến hộ khẩu

Trung Điền - Web Việt Tân

- Quảng Cáo -

Vào cuối năm 1986, để cứu nguy nền kinh tế đang đứng bên bờ khủng hoảng sau 10 năm tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa (1975 – 1985), đảng CSVN đã tung ra chính sách “đổi mới”.

Mệnh lệnh đầu tiên của chủ trương đổi mới vào lúc đó, chính là giải thể các trạm kiểm soát hàng hóa trên những tuyến đường nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa vào đầu tháng 3 năm 1987. Nói một cách ngắn gọn là bãi bỏ chính sách “ngăn sông cấm chợ” nhằm bần cùng hóa toàn dân.

30 năm sau, hai thành phố ở hai đầu đất nước lại mang hai di sản của thời bao cấp ra đặt lại vấn đề. Ở Hà Nội thì đề nghị xét lại sự “hiệu quả” của loa phường trong thời đại bùng nổ mạng xã hội. Ở Sài Gòn thì đề nghị xét lại “giá trị” của hộ khẩu trong vấn đề tuyển dụng nhân tài.

Cả ba di sản: Trạm kiểm soát hàng hóa, loa phường, hộ khẩu đã là những phương tiện giúp cho đảng CSVN kiểm soát và khống chế người dân một cách chặt chẽ; nhưng cũng chính nó đã kéo đời sống của người dân giật lùi theo hướng lạc hậu.

- Quảng Cáo -

Dựng “trạm kiểm soát hàng hóa”, lãnh đạo CSVN muốn kiểm soát mọi thứ hàng hóa vào trong tay đảng; nhưng do tình trạng sản xuất thủ công nghệ và không theo nhu cầu thị trường, nên hàng hóa bị thiếu thốn quanh năm và phân bố không đồng đều giữa các miền, các thành phố, đã tạo ra nạn chợ đen. Chủ trương này không những làm khốn khổ người dân mà còn kéo toàn bộ đất nước rơi vào thảm cảnh thiếu đói triền miên.

Từ ngày bãi bỏ “trạm kiểm soát”, hàng hóa được tự do lưu thông, đời sống người dân không những thay đổi, mà đất nước thật sự chuyển mình ở mức 30 năm trước đây khó có ai ngờ đến. Cụ thể là từ một nước thiếu đói trầm trọng trong các năm 1978 đến năm 1990, Việt Nam bây giờ đã trở thành nước có lượng xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan.

Loa phường, lãnh đạo CSVN muốn dùng nó để thông báo tin tức trong một xã hội bưng bít thông tin, nhưng trong thực tế, loa phường đã tạo ra cho cả nước một chứng bệnh tâm lý rất nguy hiểm. Đó là sợ những âm thanh thô kệch, khó nghe, nội dung nhàm chán, đáng ghét vì mang tính nhồi sọ. Nó là vũ khí mà chế độ dùng để “tra tấn” giấc ngủ của dân vào mỗi buổi sáng, đặc biệt làm tổn thọ những vị cao niên và tổn thương con trẻ.

Từ ngày ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội đề nghị coi lại sự hiệu quả của loa phường, đề nghị đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân. Ngược lại, bộ máy công an và nhất là bộ máy tuyên giáo thì chống đối việc dẹp loa phường. Hai bộ phận này không dám đề cập về thủ đoạn trấn áp của loa phường; nhưng lại liệt kê về các nhu cầu lợi ích mà loa phường mang lại: nào là thông báo ngày giờ đi bầu, hướng dẫn bầu ai cho đúng, những quan điểm về chống diễn biến hòa bình, bảo vệ Biển Đông vân, vân…

Những nhu cầu của loa phường nói trên hoàn toàn là để đáp ứng chủ trương của chế độ trong việc “nhồi sọ” và “trấn áp” suy nghĩ của người dân. Nó chẳng qua là một loại vũ khí lạc hậu của chế độ, vẫn còn “tơ tưởng” kiểm soát được suy nghĩ của người dân trong thời kỳ bùng nổ của tin học.

Khi loa phường bị dẹp bỏ, chứng bệnh tâm lý “sợ hãi” sẽ không còn, người dân sẽ phục hồi sự tự chủ trong đời sống để góp phần đáng kể vào những thay đổi xã hội trong chiều hướng phục vụ con người.

Hộ khẩu chỉ tồn tại ở một vài quốc gia Á Châu như Trung Quốc, CSVN, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản nhằm kiểm soát nhân khẩu và nhất là xác định nơi cư trú của người dân. Tuy trên danh nghĩa hộ khẩu để giúp chứng minh việc cư trú hợp pháp của một người nào đó, nhưng cũng được sử dụng làm địa chỉ cho các dịch vụ và cư dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cũng như hưởng các quyền lợi của mình tại địa phương đăng ký. Tuy nhiên trong thực tế hộ khẩu dưới các chế độ cộng sản là nhằm vào 3 mục tiêu: 1/ kiểm soát an ninh trật tự; 2/ quản lý sự di chuyển của người dân; 3/ kế hoạch hóa kinh tế.

Với mục đích chính là kiểm soát người dân, hộ khẩu ở Việt Nam còn là biện pháp để cho bộ máy công an theo dõi người dân, trong đó có giấy thông hành khi di chuyển ra khỏi địa phương hộ khẩu, sổ tạm trú khi tá túc tạm thời tại một địa phương không có hộ khẩu.

Với chính sách hộ khẩu nói trên, hiện có hàng triệu cư dân từ nông thôn ra những đô thị lớn làm việc hay sinh sống như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng đang gặp phải sự rắc rối về hộ khẩu. Rất nhiều trẻ em sinh ra và lớn lên tại các thành phố này đã không được nhập hộ khẩu do bố mẹ chưa có hộ khẩu tại đây. Và khi lớn lên các trẻ em này không được đi học gần nhà, mà phải xin học tại một trường ở xa nào đó do sự quen biết hay đút lót.

Ngoài ra, hộ khẩu còn ngăn cản những người có khả năng xin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước do không có hộ khẩu nơi xin việc. Mới đây, trong buổi làm việc với Sở khoa học Công nghệ của đoàn công tác Thành phố Sài Gòn, ông Đinh La Thăng, Bí thư thành ủy đã cho rằng “Hà cớ gì, nhà khoa học giỏi trong cùng một đất nước mà lại đưa ra chính sách hộ khẩu để cứu xét”. Ông Thăng cho rằng nếu cứ đòi hộ khẩu thì làm sao thu hút Việt kiều, chuyên gia, người giỏi vào làm việc cho nhà nước.

Cuộc tranh luận dẫn đến một đề xuất rằng Giám đốc Sở nội vụ của thành phố sẽ bỏ điều kiện hộ khẩu trong việc tuyển công chức, viên chức. Tuy chỉ mới là bước đầu của sự thay đổi nhưng đã cho thấy chính sách hộ khẩu đã không chỉ ngăn cản bước tiến của người dân mà còn vi phạm quyền con người. Đó là sự phân biệt đối xử giữa những người công dân trong một nước khi có hay không có mảnh giấy gọi là hộ khẩu.

Rõ ràng là hai di sản loa phường và hộ khẩu đã và đang trở thành một cản trở rất lớn cho sự vươn lên của đất nước, nó không khác gì “trạm kiểm soát hàng hóa” mà lãnh đạo CSVN đã phải xóa bỏ cách nay 30 năm.

Nếu sự dẹp bỏ “trạm kiểm soát hàng hóa” đã giúp cho xã hội thoát khỏi tình trạng thiếu đói vào các năm đầu thập niên 90 thì việc bãi bỏ loa phường và hộ khẩu chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển đổi rất lớn cho đất nước, đó là người dân không còn phải sợ hãi, bị ám ảnh bởi những âm thanh không muốn nghe, phục hồi tính tự chủ, quyền di chuyển và sinh sống trên đất nước của mình, chứ không còn cảnh “xin – cho” từ chế độ cực quyền.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here