Quan – Dân – Chính quyền, từ chuyện nhỏ thấy chuyện lớn

Mạc Văn Trang - Fb. Mạc Văn Trang

Vợ chồng ông Thương, bà Lệ bị ức hiếp. Ảnh:Tiền Phong
- Quảng Cáo -

Đọc bài báo “Bí thư Huyện ủy muốn “đi đêm” với nạn nhân” của Nguyễn Tiến Hưng, đăng trên Tiền Phong online, ngày 09 tháng 03 năm 2017, tôi cứ nghĩ mãi, sao chuyện đơn giản vậy mà để người dân oan khiên, đi khiếu kiện suốt 9 năm trời đằng đẵng với bao uất hận, khổ đau và gây nên nỗi nhức nhối lương tri xã hội? Xin tóm lược câu chuyện và thử lý giải.

Chuyện thật nhỏ và đơn giản

Nhà ông Việt – ông bà Thương. Ảnh: Lao Động

Ông Phan Hùng Việt-Bí thư Huyện ủy Đông Hải mua mảnh đất của ông Hân, liền kề với mảnh đất của vợ chồng ông Thương và bà Lê (số A15/114, đường 23/8, khóm Trà Kha A, phường 8, thành phố Bạc Liêu). Ông Việt căng bờ rào thẳng trên mảnh đất mới mua, lấn sang một phần đất của vợ chồng ông Thương. Vợ chồng ông Thương đòi bồi thường… Chuyện rất nhỏ, nếu theo lẽ thông thường của dân ta, thì ông Việt thương lượng với gia đình ông Thương, theo tình làng nghĩa xóm sao cho ổn thỏa là xong, rồi xin chính quyền cấp lại sổ đỏ cho 2 nhà theo diện tích đất mới. Với tiền của và vai vế bí thư huyện ủy, ông Việt xử lý chuyện này như vậy quá dễ dàng và thể hiện là người tử tế, đàng hoàng, được dân tin tưởng, quý mến… Tại sao ông bí thư Viêt đã không ứng xử như vậy? Qua đây cho phép ta suy ra chuyện lớn.

Chuyện lớn:
  1. Từ chuyện này ta thấy, sự tham lam, ích kỷ, vô cảm, cậy quyền đến tàn nhẫn của tầng lớp có quan chức, trước nỗi đau của người dân, ghê sợ đến mức nào. Tôi thường có cảm nhận, tầng lớp cán bộ cơ sở ở trong Nam chân thật, gần dân hơn, đỡ đểu hơn; số này ở Thanh Hóa vào miền Trung là trắng trợn, thô bạo nhất; ở miền bắc thì tham lam nhưng mưu mẹo, kín đáo hơn… Thì ra cơ chế này, đã “đào luyện” nên tầng lớp quan chức hầu như đâu cũng thế cả.
  1. Chính quyền “nhân dân” nhưng chỉ bênh che cho quan với nhau làm bậy, bất chấp pháp luật, khinh dân như cỏ rác! Trong chuyện này, bà Lê đem sổ đỏ đi kiện ông Việt, liền bị chính quyền thu, hủy luôn sổ đỏ của bà Lê, đẩy gia đình bà vào cảnh khốn đốn, phải đi khiếu kiện 9 năm với bao uất hận, khổ đau. Qua đây cho ta thấy các tranh chấp với chính quyền hay với người được chính quyền chống lưng, thì phần người dân phải hứng chịu mọi thiệt thòi, oan ức. Thảo nào đội ngũ dân oan khắp mọi miền cứ đông lên mãi! Khi người dân đi kiện thì chính quyền vô cảm, đùn đẩy, xử tệ và có lẽ họ nghĩ: “Xem chúng mày có đi khiếu kiện được mãi không”? Vậy mà bao nhiêu dân oan cứ đi khiếu kiện 10 – 15 – 20 năm, vẫn mỏi mòn hy vọng nhìn thấy công lý!
  1. Ông Phan Hùng Việt-Bí thư Huyện ủy Đông Hải. Ảnh: Thái Đào

    Qua mẩu đối thoại ngắn giữa ông bí thư Việt và bà Lê cho thấy “Quan đức” của ông Việt quá thấp kém; còn “Dân đức” của bà Lê khiến ta cảm động, thật đáng trân trọng. Tổn hại về vật chất do mất sổ đỏ không bán nhượng được đất, phải đi vay mấy trăm triệu với lãi suất cao và đặc biệt tổn hại về tinh thần do oan ức, lo nghĩ, bức xúc, đau khổ dòng dã 9 năm trời, mà nói chuyện với kẻ gây họa cho gia đình mình, bà Lê vẫn bình tĩnh, chân thành, tử tế, muốn mọi chuyên minh bạch, đàng hoàng, không muốn nhận đền bù dấm dúi… Người dân ở “dưới đáy xã hội” vẫn cho ta niềm niềm tin vào sự tử tế của con người…

  1. Báo chí được độc lập, tự do dám phanh phui sự thật sẽ có sức mạnh bảo vệ công lý, hỗ trợ những người dân yếu thế, lên án bất công, ngăn chặn bớt cường quyền áp bức. Qua vụ việc này ta thấy, suốt 9 năm, chính quyền Bạc Liêu không hề giải quyết khiếu kiện cho bà Lê, và ông Việt cũng chả thèm bận tâm. Nhưng khi báo Tiền Phong nêu lên sự thật, ông Việt vội vàng “tử tế” với bà Lê, bí mật “đi đêm” hứa hẹn đền bù, mong bà Lê giữ bí mật, im lặng… Còn UBND các cấp từ trước tới nay hổng biết ở đâu, nay thấy báo đăng, PV hỏi chuyện, ông Lưu Hoàng Ly – Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu liền lên tiếng: “Tôi sẽ cho Phòng Tài nguyên – Môi trường rà soát lại vụ tranh chấp, quá trình giải quyết. Khi thỏa thuận được, cán bộ chuyên môn hỗ trợ làm sổ đỏ theo pháp luật”. Nếu không có báo chí vào cuộc thì chính quyền sẽ cứ im lặng, mặc người dân mỏi mòn khiếu kiện! Báo chí quan trọng là thế, nhưng Việt Nam bao giờ mới có báo chí tự do, độc lập để thành “quyền lực thứ tư” cho dân được nhờ?
  1. Cũng bởi người dân ngu dôt, yếu hèn nên mới bị quan bắt nạt quá đáng. Xin lỗi ông Thương và bà Lê, ông bà và các con quá yếu hèn, khóc lóc hoài 9 năm, đâu họ có động lòng. Nếu gia đình ông bà kêu gọi bà con làng xóm chứng kiến sự bất công, gây dư luận mạnh mẽ, chắc ông Việt cũng sợ. Nếu chưa được thì chụp hình hiện trạng thửa đất bị lấn đối chiếu với hình trong sổ đỏ, làm đơn gửi lên chính quyền không được thì gửi báo chí, đăng lên mạng xã hội, kêu gọi giúp đỡ, chắc ông Việt cũng phải sợ mà sớm thương lượng, chứ đâu đến 9 năm! Cho nên khi người dân giác ngộ quyền công dân, hiểu luật pháp, biết đoàn kết hỗ trợ nhau đấu tranh thì quan chức mới bớt cậy quyền làm xằng bậy. Nhà thơ Tản Đà 90 năm trước (1927) đã viết: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan”.
- Quảng Cáo -

Có thể kết luận rằng, xã hội sẽ bớt đi oan ức, bất công, trở nên tốt đẹp hơn, khi quan hay dân đều bình đẳng, công khai trước pháp luật theo cơ chế tam quyền phân lập, báo chí được tự do và mỗi người dân giác ngộ quyền công dân, quyền con người, dám lên tiếng trước các bất công, phi lý…

10/3/2017

MVT

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here