Bí ẩn Đồng Tâm

Mạc Văn Trang - Fb. Mạc Văn Trang

- Quảng Cáo -

Sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (nhất là từ ngày 15 đến 22/4/2017), chắc chắn còn tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu, bình luận. Riêng tôi, theo dõi rất sát tin tức về sự kiện Đồng Tâm, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa hiểu được nhiều điều bí ẩn.

1. Chuyện đất đai chỉ trực tiếp liên quan đến một số hộ canh tác trên cánh đồng Sênh, thế thì làm sao cả xã Đồng Tâm hơn 6000 người lại đoàn kết đến mức dám tuyên bố sẽ giữ đất đến chết?

2. Làm sao có một lực lượng lãnh đạo đoàn kết, thống nhất về chủ trương, chiến lược, chiến thuật đấu tranh nhất quán, với mục tiêu trước sau như một, nhưng sách lược đối nội, đối ngọai rất linh hoạt, khi cương, khi nhu, ứng phó với mọi tình huống một cách sáng suốt. Lúc thì cho nhà báo, luật sư vào tiếp xúc; lúc thì cấm tiệt, nội bất xuất, ngoại bất nhập; không đối thoại với cán bộ huyện, phó bí thư thành ủy về cũng không nên cơm cháo gì, chỉ chọn mỗi ông Chung. Nhưng ông Chung về UB huyện, cho 3 xe ca mời 100 người dân lên đối thoại, nhất định không lên… Tất cả những ứng phó ấy lại xảy ra lúc Cụ Kỉnh “lãnh tụ” và mấy người chủ chốt bị CA lừa bắt đi. CA rất “cao tay”, lừa bắt mấy thủ lĩnh, tưởng dân sẽ như rắn không đầu, nhưng “phong trào” không hề nao núng. Thậm chí, chị Phó bí thư Đảng ủy xã còn tuyên bố trước dân: “Bây giờ tôi là Cụ Kỉnh”! Làm sao có một bộ chỉ huy có tâm, có tầm, có bản lĩnh, không mắc vào mưu thâm, kế hiểm của đối phương, hoàn toàn không manh động…

3. Nhưng bí ẩn nhất, là làm sao người dân có thể “tay không bắt giặc”, một lúc bắt 38 cán bộ, CSCĐ nhốt vào Nhà văn hóa? Kỳ lạ? Nếu “binh vận” thì bằng cách nào mà hiệu quả vậy? Nếu dùng vũ lực thì tổ chức lực lượng “dân quân” như thế nào mà thắng nổi ngần ấy CSCĐ được trang bị đầy người, võ nghệ điêu luyện?

- Quảng Cáo -

4. Bắt rồi cũng chết dở, làm sao canh gác, nuôi dưỡng được 38 anh chàng lực lưỡng (ngày 22/4 còn 19 người). Điều bí ẩn là các CSCĐ không bị còng chân, xích tay; họ được tự do trong nhà văn hóa, chỉ có cửa kính mong manh, rất dễ phá; họ được ra ngoài đi vệ sinh, thay quần áo… thế thì sao họ không nổi dậy, phá “nhà giam”, tự giải thoát? (Nghe nói có 3 CSCĐ tự giải thoát trong ngày 22/4 cùng với 15 người được thả về). Trong những ngày bị giam giữ, người dân đã “tuyên truyên, binh vận” thế nào để lúc ra về anh em thiện cảm với dân, có người cúi đầu vái bà con?…

5. Việc đấu tranh để ông Chung tự tay viết Bản cam kết 3 điểm đáp ứng đúng yêu cầu của dân, lại còn tự tay điểm chỉ vào, cũng là điều chưa từng có dưới chế độ này. Đọc “chuyện bên lề vụ Đồng Tâm” mới thấy đấu tranh để ông Chung chấp nhận viết Bản Cam kết đòi hỏi người dân rất khôn khéo, kiên cường, thậm chí quyết tử! Nhưng cũng khen ông Chung biết lắng nghe, thấu hiểu và can đảm…

Vẫn còn nhiều bí ẩn nữa, nhưng với 5 điều ấy, đã bái phục nhân dân Đồng Tâm lắm rồi. Cái tên Đồng Tâm, Mỹ Đức thật đẹp, xứng với người dân nơi đây, đã nêu tấm gương về đấu tranh cho quyền dân sinh, dân chủ một cách ôn hòa và đã thành công bước đầu. Với những tố chất như đã thể hiện, tôi tin nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục đấu tranh thắng lợi, để có cuộc sống dân chủ, tiến bộ hơn nhiều làng quê khác.

Nguồn: Fb. Mạc Văn Trang

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here