Quảng Cáo

Bản chất của toàn trị và cuộc đấu tranh giữa sự thật và dối trá

Quảng Cáo

Như một sự tất yếu của giai đoạn lịch sử hiện tại, phong trào đấu tranh đòi Nhân quyền hình thành, bắt đầu bằng những người vẫn được gọi là “bất đồng chính kiến”. Với muôn vàn lý do, chế độ không thể dựa vào quyền lực độc đoán để đàn áp một cách trắng trợn nhằm tiêu diệt mọi sự bất phục tùng như trước được nữa. Đó là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện những sinh hoạt chính trị mới trong xã hội. Những cán bộ an ninh mà tôi có dịp tiếp xúc cũng đều phải công nhận thực tế này, đại diện cho lực lượng bảo vệ chế độ cũng thấy sự cần thiết phải “đổi mới” nhưng với điều kiện “phải ổn định chính trị”. Một mục tiêu bất khả thi. Họ muốn đất nước thành công về mặt kinh tế nhưng chế độ vẫn giữ nguyên, trong khi kết quả thì không khó đoán, sự “ổn định chính trị” sẽ phải trả giá bằng thất bại kinh tế hoặc ngược lại thành công về kinh tế chỉ đạt được khi có sự thay đổi thể chế chính trị.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy ? Lý do lớn nhất là hệ thống này đã trở nên xơ cứng về mặt chính trị đến nỗi nó không thể chấp nhận bất cứ một sự bất phục tùng nào trong những cơ cấu “hợp pháp” của nó. Phân tích những hoàn cảnh lịch sử, nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị này có sức mạnh và dần trở thành xơ cứng có thể trả lời được câu hỏi :
“Liệu những cá nhân, bất kể là ai, thậm chí những người đang ở trong hệ thống quyền lực hoặc những nhóm nhỏ không hoàn toàn vì chính trị, thậm chí không có mục đích chính trị có thể làm nên sự thay đổi một cách hòa bình được không ? Và họ làm điều đó như thế nào ? Khi mà với đặc thù của hệ thống toàn trị, mọi tổ chức đối lập dù có quy mô bé nhỏ cũng bị bóp chết từ trong trứng”.

Khác với các chế độ độc tài chuyên chế cổ điển thường không có “gốc gác lịch sử”, không cần đến một ý thức hệ để xây dựng tính chính danh và hoàn toàn dựa vào sức mạnh bạo lực và nó thường bị tiêu diệt bởi một lực lượng khác có sức mạnh lớn hơn. Chủ nghĩa cộng sản có nguồn gốc lịch sử từ những cuộc đấu tranh xã hội của giai cấp công nhân ở thế kỷ 19, dù rằng từ lâu nó đã quay lưng lại với những lý tưởng tốt đẹp ban đầu đó.

Marx cho rằng một hạ tầng cơ sở tốt sẽ sinh ra một thượng tầng kiến trúc tốt và ông kết luận : “CNXH sẽ chỉ thành công ở các nước tư bản đã có một nền kinh tế phát triển”. Ông tổ của toàn trị là Lenin đã làm điều ngược lại. Không cần úp mở Lenin tuyên bố nước Nga chưa chín mùi cho một nền dân chủ xã hội và CNXH sẽ được xây dựng “từ bên trên” và được thực hiện bằng giai cấp vô sản. Nhưng cũng theo Lenin, giai cấp vô sản Nga chưa sẵn sàng về mặt chính trị để nắm quyền do vậy cần một “đảng tiền phong” hiểu rõ sứ mệnh lịch sử là gì và được chuẩn bị để trở thành những người bảo vệ sứ mệnh đó. Một sự tiếm quyền “ngọt ngào”. Chúng ta thấy ông HCM và cộng sự cũng đã “cướp chính quyền” một cách ngoạn mục như vậy.

Lenin đã xây dựng một mô hình nhà nước có hai nét nổi bật là tập trung quyền lực vào một đảng và hành động dựa trên sự khủng bố. Áp đặt học thuyết, lấy mục đích tư tưởng để biện minh cho mọi phương tiện kể cả phương tiện tàn bạo nhất, đó là” chuyên chính vô sản”. Ông ta viết :
“ Định nghĩa khoa học về chuyên chính là : Một quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào và trực tiếp dựa vào sức mạnh”. Và “ Khi chúng ta bị chê trách là đã thực hành sự chuyên chính của một đảng, chúng ta nói : Đúng, sự chuyên chính của một đảng. Chúng ta đứng vững nhờ có nó và chúng ta không thể hành động mà không có nó”.

Trong xã hội toàn trị người ta thấy chính quyền quan liêu hành dân thì được gọi là chính quyền nhân dân, giai cấp bị bóc lột tàn tệ như nông dân và công nhân được gọi là giai cấp tiên phong của đảng, bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin có định hướng, cấp thẻ nhà báo chỉ để cho một số người được phép hành nghề được gọi là tự do báo chí, bầu cử lố bịch trở thành hình thức “dân chủ vạn lần hơn” vv…và còn vô số thí dụ khác.

Cái Luận cương Lenin đó đã trở thành “ánh sáng soi đường” và cẩm nang hành động cho một số nhà hoạt động chính trị ở các nước lạc hậu mà Việt Nam cũng phải hứng chịu như một sự trừng phạt bởi lịch sử. Hồ Chí Minh từng kể về sự xúc động vô bờ của ông khi tìm thấy tư tưởng của Lenin.

Cách nhìn hoang tưởng đó đã sản sinh ra một chế độ chưa từng có, sự cai trị tách ra ngoài xã hội. Sự tập trung quyền lực và các tư liệu sản xuất của toàn xã hội vào trong tay một đảng duy nhất (cũng là nhà nước) làm cho nó có một sức mạnh khủng khiếp không thể kiểm soát nổi trong việc đầu tư cho chính nó (như bộ máy quan liêu và cảnh sát chẳng hạn) với mục đích tiêu diệt không phải nhà nước mà là sự tiêu vong của toàn thể xã hội. Xã hội phải bị chà đạp nếu nó không chịu hợp tác, phải tan ra và tiếp nhận sự thống trị của quyền lực cộng sản. Xây dựng lại một xã hội mới trên đống hoang tàn đổ nát được dẫn dắt bởi ý thức hệ.

Một đặc trưng rất lớn của hệ thống này làm nó khác hẳn với các chế độ độc tài trong lịch sử là nó được xây dựng và điều hành xã hội bằng một công cụ nghiêm ngặt nhưng lại mềm dẻo, đó là Ý thức hệ.

Tại sao một thứ tưởng như không có sức mạnh, một thứ tưởng như siêu hình như ý thức hệ lại trở thành một quyền lực vật chất thậm chí còn vượt cả khía cạnh vật chất, trở thành cột trụ bảo vệ quyền lực cho toàn trị ? Tại sao nó lại trở thành một sức mạnh “bất khả chiến bại” (cả trong chiến tranh) ? Và tại sao nó lại có thể sụp đổ dễ dàng đến bất ngờ không thể dự đoán trước một cách chính xác ?

Mục tiêu của hệ thống toàn trị và mục tiêu của đời sống quá khác nhau. Trong khi về bản chất đời sống của mỗi cá nhân hay xã hội luôn hướng tới mục tiêu đa dạng, đa nguyên, tự tổ chức và tự thiết chế tức là tản quyền và hướng tới Tự Do (hệ thống chính trị Liên bang và Tiểu bang của nước Mỹ hay sơ khai hơn là hệ thống làng xã và triều đình trong xã hội phong kiến của Việt Nam là minh chứng cho sự tiến tới các mục tiêu này) thì hệ thống toàn trị đòi hỏi sự phục tùng, thống nhất, đoàn kết và kỷ luật. Hệ thống chỉ phục vụ người dân trong chừng mực đảm bảo rằng người dân phải phục vụ lại nó. Bất cứ điều gì làm cho người dân bước qua vai trò mà họ được định trước đều bị coi như sự vi phạm nghiêm trọng.

Ban đầu ý thức hệ là một hình thức của những mối liên hệ với thế giới, nó cung cấp cho người ta về phẩm giá, đạo đức, những mục tiêu cao cả trong khi đó lại tạo điều kiện dễ dàng để từ bỏ nó, từ bỏ đạo đức, từ bỏ phẩm giá con người, sẵn sàng tham nhũng, ăn cắp hay thực hiện tội ác nhưng được biện minh bằng những lời lẽ đẹp đẽ. Nó là sự bào chữa cho sự xung đột giữa mục tiêu của xã hội với mục tiêu của hệ thống, nó tạo ra cảm tưởng rằng các mục tiêu của hệ thống đều bắt nguồn từ đời sống. Hay nói theo cách của những người mác- xít là “thượng tầng kiến trúc được sinh ra từ hạ tầng cơ sở” hay như ở Việt Nam đảng thường nói “ Đảng được sinh ra từ trong lòng nhân dân”. Một sự đánh tráo khái niệm khốn nạn.

Trong đời sống, toàn trị động chạm đến con người trong tất cả các hoạt động, nhưng bàn tay sắt đó được bao bởi cái găng tay nhung ý thức hệ, chính bởi thế cái siêu hình trong cả một thời gian dài đã trở thành một thực thể hay nói một cách khác là nó trở thành một cỗ máy tự động mạnh hơn bất kỳ ý chí một cá nhân nào từ người dân thường đến ông tổng bí thư. Nó trở thành một quy luật bên trong của hệ thống đồng thời cũng là một sức ỳ vĩ đại.
Như trên đã nói hệ thống chính trị toàn trị là một hình thức cai trị hoàn toàn tách rời khỏi xã hội, hay nói một cách khác nó hoàn toàn thoát ly khỏi hiện thực, điều đó gây ra bởi ý thức hệ được xây dựng bằng sự dối trá, lâu ngày người ta chấp nhận sự dối trá đó và thậm chí nó trở thành thực hơn cả thực. Vì thế trong xã hội toàn trị người ta thấy chính quyền quan liêu hành dân thì được gọi là chính quyền nhân dân, giai cấp bị bóc lột tàn tệ như nông dân và công nhân được gọi là giai cấp tiên phong của đảng, bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin có định hướng, cấp thẻ nhà báo chỉ để cho một số người được phép hành nghề được gọi là tự do báo chí, bầu cử lố bịch trở thành hình thức “dân chủ vạn lần hơn” vv…và còn vô số thí dụ khác. Vì không thể dừng được bộ máy tự động đó, hệ thống toàn trị phải xuyên tạc quá khứ, bóp méo hiện tại và bịa đặt tương lai.

Nhân dân không cần phải tin hay chấp nhận những điều đó, chỉ cần họ giả vờ tin, chấp nhận sống cùng dối trá là đủ. Cỗ máy sẽ tự động làm nốt phần việc còn lại. Cá nhân thừa nhận hệ thống, xây dựng bồi đắp cho hệ thống và trở thành chính hệ thống. Họ là nạn nhân và cũng là thủ phạm. Vì sao ?

Khi cá nhân bước lên cây cầu ý thức hệ (nối giữa cá nhân và hệ thống) anh ta đã mặc nhiên trở thành một bộ phận của ý thức hệ dù rằng ban đầu ý thức hệ chỉ như một sự biện minh về mặt tâm lý (ví dụ : tôi vào đảng vì mục đích cao cả đã ghi trong điều lệ) để anh ta có thể tham gia vào quyền lực, chỉ cần cá nhân đó chấp nhận sự biện minh ấy, thì ý thức hệ từ giây phút đó đã trở thành một công cụ truyền đạt nghi thức nội bộ của hệ thống quyền lực. Do đó, đáng lẽ lý thuyết (ý thức hệ) phải phục vụ quyền lực thì ngược lại quyền lực bắt đầu phục vụ lại lý thuyết. Chúng ta thấy một hiện tượng kỳ lạ :

Ý thức hệ trở thành người đảm bảo cho sự liên tục của quyền lực. Từ một người đảng viên thường cho đến lúc bước lên từng nấc thang quyền lực, anh ta luôn phải bày tỏ công khai sự phục tùng cho lý tưởng cao đẹp, nhưng trong thực tế hành động của anh ta thì hoàn toàn ngược lại.

Quyền lực được chuyển từ người này sang người khác hay từ nhóm này sang nhóm khác không phải do tài năng hay ý chí của cá nhân mà nó phải đảm bảo nền tảng được giữ nguyên. Ai thay ai không thành vấn đề và sự kế vị ấy phải diễn theo kịch bản và trong khuôn khổ nghi thức chung tức là sự vẹn toàn của ý thức hệ. Cùng lắm nó chỉ gây ra một sự xáo động nhỏ trong hệ thống. Mọi bản sắc cá nhân bị triệt tiêu, hình như có một cỗ máy kỳ quái nào đó ra lệnh đặt những cá nhân nhạt nhòa chỉ biết sử dụng những ngôn từ đao to búa lớn, trống rỗng được đặt vào vị trí để đảm bảo rằng cái ý thức hệ ấy vẫn tiếp tục hành động.
Do vậy, ta mới thấy chỉ ở chế độ toàn trị mới có những ông tổng bí thư bất tài, lú lẫn ngoài việc nói trôi chảy những điều rỗng tuếch bằng ngôn ngữ “quái đản” lại ở vào vị trí quyền lực cao nhất.

Khi có một cá nhân nào đó giành được vị trí quyền lực mà lại cố gắng thực hiện hoài bão của mình thì cái cỗ máy ấy sẽ đè bẹp anh ta. Hoặc anh ta bị đào thải hoặc phải từ bỏ bản sắc của mình để trở thành nô lệ cho cỗ máy.

Và oái ăm thay chính sức ỳ của cỗ máy cũng làm cho hệ thống chính trị bị xơ cứng vì không có được sự tươi mới của hiện thực xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trong cuộc tranh luận công khai về những di sản toàn trị được phát động ở Liên Xô năm 1988, nhà sử học Leonid Batkin viết :
“ Hoạt động chính trị đã biến mất khỏi đời sống xã hội của chúng ta từ cuối những năm 20…. Hoạt động chính trị đã thôi không còn là một lĩnh vực hoạt động hiện đại đặc biệt của con người, trong đó những khác biệt về giai cấp và lợi ích của các nhóm biểu lộ và va chạm nhau, trong đó có sự so sánh trực tiếp, công khai các lập trường và những phương pháp được tìm kiếm để đưa chúng đến một SỰ THỎA HIỆP NĂNG ĐỘNG nào đó. Hoạt động chính trị biến mất và thế là MỌI CÁI ĐỀU TRỞ THÀNH CHÍNH TRỊ”.

Leonid Batkin

Như vậy, toàn xã hội bị chính trị hóa nhưng hoạt động chính trị thực sự chỉ diễn ra trong nhóm quyền lực cao nhất, cái giá của nó chắc chắn sẽ là sự trơ lỳ, xơ cứng.

Trong hệ thống toàn trị ý thức hệ đóng một vai trò tối quan trọng, nó đảm bảo sự cấu kết, sự liên tục của quyền lực, nó vượt lên trên những khía cạnh vật chất của quyền lực. Nó là cây cột chính trong ngôi nhà quyền lực, nhưng cột trụ này lại được xây dựng trên một nền móng yếu : Sự dối trá. Nó chỉ đứng được khi người ta chấp nhận sống trong dối trá mà thôi.
Nhiều người cho rằng xã hội Việt Nam đang suy đồi đến mức tận cùng, đang ngập chìm trong dối trá. Tôi không nghĩ vậy khi chỉ so nó với xã hội của vài năm trước. Việt Nam đang cựa mình, từ những trí thức bày tỏ quan điểm chính trị đến những nhà thơ, nhạc sỹ với những câu thơ, bài hát nói lên sự thật và phải trả giá bằng những án tù nặng nề. Từ những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xân lược Hoàng Sa, Trường Sa đến những cuộc diễu hành bảo vệ cây xanh, những cuộc biểu dương sức mạnh của bà con miền Trung đòi sự sống vì biển bị đầu độc. Thậm chí từ những phát ngôn trơ tráo và ngu ngơ của các ông bà bộ trưởng, đại biểu quốc hội đến những lời lẽ tục tĩu vô văn hóa của đám dư luận viên trên facebook. Hay cả những cãi lộn “tố cáo” những kẻ cơ hội bị gọi là “dân chủ cuội” có cơ sở và cả vu khống, bịa đặt vv… tất, tất cả những hoạt động đó đều có một tác dụng là làm cho sự thật phát lộ.
Sự thật luôn tồn tại quanh ta như không khí, có điều chúng ta có muốn tìm kiếm nó hay không ?

Tôi rất thích một câu nói của Havel đại ý : “Để kiếm tìm sự thật, đôi khi ta phải lặn sâu xuống tận đáy giếng tăm tối bẩn thỉu và ngoi lên miệng giếng, dưới mặt trời nhìn ngắm ánh sáng của những ngôi sao ban ngày”.

“Sự thật sẽ giải thoát anh em !”- Kinh Thánh.

Nguồn: Fb. Ngô Nhật Đăng

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux