Gót chân Achilles của chế độ Putin

Anders Åslund - Phạm Nguyên Trường dịch, Blog Phạm Nguyên Trường

Vladimir Putin, Tổng thống Nga.
Vladimir Putin, Tổng thống Nga.
- Quảng Cáo -

Quyền lực của Tổng thống Nga, Vladimir Putin, yếu hơn là người ta tưởng. Trên thực tế, cơ sở quyền lực ông ta – nền kinh tế mang tính ô dù mà ông ta cố gắng củng cố trong mấy chục năm qua – đã trở thành lực lượng đe dọa chính đối với sự sống còn về chính trị của ông ta. Lý do rất đơn giản: Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Putin không thiết lập được quyền sở hữu tài sản đáng tin cậy, đã buộc các quan chức cao cấp và các đầu sỏ chính trị Nga phải gửi tiền ra nước ngoài, chủ yếu nằm trong các khu vực tài phán của các chính phủ phương Tây, đối tượng chống báng của Putin.

Với sự giúp đỡ của những người trung thành được lựa chọn cẩn thận, Putin đã thiết lập được ba nhóm quyền lực: nhà nước, các công ty quốc doanh, và các công ty “tư nhân” trung thành với ông ta. Quá trình này bắt đầu ngay khi ông là lãnh đạo Cục An ninh Liên bang, từ năm 1998 đến năm 1999, khi ông nắm được quyền kiểm soát cảnh sát mật.

Nhưng nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, từ năm 2000 đến năm 2004, mới chính là giai đoạn củng cố quyền lực của nhà cầm quyền độc tài đang thăng hoa. Trước hết, hè năm 2000, ông ta giành quyền kiểm soát hãng truyền hình Nga. Tiếp theo, ông thành lập “quyền lực theo chiều dọc” trong bộ máy quản lý nhà nước và chính quyền các khu vực, cũng như “chế độ pháp trị độc đoán” trong hệ thống tư pháp. Sau đó, trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2003, Putin đã giành được quyền kiểm soát chặt chẽ cả Duma Quốc gia (Hạ viện) lẫn Hội đồng Liên bang (Thượng viện) của cơ quan lập pháp Nga. Ông đưa ba viên tướng KGB: Sergei Ivanov, Nikolai Patrushev, và Aleksandr Bortnikov vào Hội đồng An ninh, tức cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Để củng cố nhóm quyền lực thứ hai, Putin lần lượt giành quyền kiểm soát các tập đoàn nhà nước, bắt đầu với Gazprom, tháng 5 năm 2001, bằng cách chỉ định những người trung thành với mình làm giám đốc điều hành và chủ tịch tập đoàn. Ba nhà quản lý hàng đầu các công ty nhà nước là Igor Sechin phụ trách Rosneft, Aleksei Miller phụ trách Gazprom, và Sergei Chemezov phụ trách Rostec.

- Quảng Cáo -

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Putin đã giành được quyền hành khu vực kinh tế nhà nước, bằng cách thành lập các tập đoàn khổng lồ và từ đó đến nay còn bành trướng mạnh hơn nữa, với những khoản vay với lãi suất thấp do chính phủ cung cấp, bảo đảm khả năng độc quyền trong các ngành của họ. Vì các công ty này được coi là nguồn gốc của quyền lực và đặc lợi, hơn là tăng trưởng kinh tế, họ không quan tâm tới cạnh tranh, đổi mới, kinh doanh và năng suất. Tiêu chuẩn duy nhất của quản trị doanh nghiệp là trung thành với Putin.

Rồi đến nhóm quyền lực thứ ba, bao gồm những người bạn có quyền lực nhất của Putin. Bốn người đứng đầu là Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg, Yuri Kovalchuk và Nikolai Shamalov – và các công ty của họ. Hành vi của họ thường được coi là bất lương, mặc dù Putin đã sử dụng cơ quan lập pháp của mình để đảm bảo rằng nhiều hoạt động đáng ngờ của họ là hợp pháp về mặt kỹ thuật. Ví dụ, nhóm thân hữu có quyền mua tài sản của các công ty nhà nước theo giá linh hoạt và thực hiện các đơn hàng mua sắm của chính phủ mà không phải cạnh tranh.

Hệ thống mà Putin tạo ra chẳng khác gì hệ thống của Sa hoàng, từng giữ thế thượng phong trước khi diễn ra “Cuộc Cải cách vĩ đại” trong những năm 1860. Thật vậy, Putin thường được người ta gọi là Sa hoàng mới, vì ông ta có quyền lực vô giới hạn (ông ta quan tâm tới các các cuộc thăm dò dư luận, chứng tỏ rằng tình cảm của công chúng là quan trọng). Không những không thúc đẩy phát triển thiết chế, mà ông còn tiến hành việc phi thiết chế hóa trên diện rộng, với mục đích là tập trung cả hành pháp, lập pháp và tư pháp vào trong tay mình.

Nhưng vì không có quyền sở hữu tài sản đáng tin cậy, những người Nga giàu có, trong đó có cả những người bạn thân của Putin, biết rằng phải để tài sản ở nước ngoài thì mới an toàn. Và, nhờ sự kiện là đồng rúp là đồng tiền chuyển đổi được và không có những hạn chế đối với dòng vốn đi ra, người ta có thể chuyển lợi nhuận của mình sang các thiên đường thuế khóa ở hải ngoại.

Hiện tượng này tạo ra nhóm quyền lực thứ tư, mà Putin không thể kiểm soát nổi: Các thiên đường thuế khóa hải ngoại. Và những thiên đường thuế khóa này cũng không còn an toàn như trước nữa.


Bài liên quan:
Phải chăng Việt Nam đang theo Chủ nghĩa tư bản thân hữu?


Sau khi Nhóm soạn thảo những biện pháp tài chính nhằm đấu tranh với việc rửa tiền (FATF) hạ bớt bí mật ngân hàng ở Thụy Sĩ và dọn dẹp nhiều thiên đường thuế khóa trên những hòn đảo nhỏ, chỉ còn hai điểm đến chính là Mỹ và Anh, cả hai nước này đều cho dòng tiền vô danh chảy vào và cho phép chủ tài sản giữ bí mật tên tuổi, địa chỉ của mình. Ở Mỹ, mỗi năm có hàng chục tỷ USD được chuyển qua các tài khoản không rõ ràng của các công ty luật, tạo điều kiện cho việc rửa tiền.

Nói chung, các chính phủ phương Tây không cố gắng kiểm soát những hoạt động như vậy trong vùng lãnh thổ của mình. Trên thực tế, trong khi tài sản của bạn bè của Putin ở Mỹ và Liên minh châu Âu được cho là bị đóng băng – theo các biện pháp trừng phạt, sau khi Nga sáp nhập Crimea, năm 2014 – người ta hầu như không tìm thấy bất cứ món tiền nào.

Đã đến lúc phải thay đổi, bằng cách bắt đầu điều tra toàn diện tài sản của những người bị trừng phạt. Mỹ và Anh, được cho là đang giữ phần lớn tài sản mà người Nga gửi ở nước ngoài, cũng phải làm như các đối tác của họ ở hầu hết các nước châu Âu khác, bằng cách cấm những người chủ sở hữu sử dụng tên giả. Mỹ cũng phải cấm đặc quyến trong quan hệ luật sư-khách hàng để chuyển những khoản tiền nặc danh hay tiền bẩn vào trong nước.

Có một tin tốt là đã thấy tiến trình ở phía xa xa. Dự luật mới, mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump, ký ngày 2 tháng 8, kêu gọi tiến hành điều tra sâu về “các nhân vật chính trị cao cấp của nước ngoài và các đầu sỏ chính trị ở Liên bang Nga” – trong đó có “vợ chồng, con, cha mẹ và anh chị em” – và tài sản của họ trong vòng 180 ngày.

Như chính trị gia theo đường lối tự do lão luyện của Nga, Leonid Gozman, đã chỉ ra: “Theo tuyên bố của các cán bộ tuyên truyền của chúng ta, nhà nước Nga có giá trị rất cao, nhưng đồng thời cũng là cơ cấu rất dễ vỡ, có thể bị sụp đổ bởi bất cứ chuyện gì”, bắt đầu từ cuộc chiến chống tham nhũng tới những cố gắng nhằm lật đổ các quan chức bất lương. Khi nguồn vốn lớn của của Nga đang chảy về New York, London và những nơi khác, phương Tây đang ở vị trí lý tưởng, có thể lợi dụng cơ cấu dễ sụp đổ này.

Nguyên bản Anh ngữ: The Achilles Heel of Putin’s Regime

Anders Åslund là cộng sự viên cao cấp tại Hội đồng Atlantic ở Washington. Ông là tác giả cuốn: Ukraine: What Went Wrong and How to Fix It, và tác phẩm mới xuất bản gần đây: Europe’s Growth Challenge (đồng tác giả với Simeon Djankov). Hiện đang viết tác phẩm về chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Nga.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here