Quảng Cáo

Khi “hàng khẩn cấp” gian nan tìm đến người dân

Hàng hóa do Nga viện trợ cho Việt Nam cứu trợ bão lụt ở Miền Trung. Ảnh Tuổi Trẻ online

Quảng Cáo

Kỳ LâmViệt Nam Thời Báo |

Khi Việt Nam trở thành chủ nhà APEC 2017, đồng thời khu vực Trung trung bộ (Việt Nam) cũng gánh chịu những trận bão lụt dữ dội.

Liên Bang Nga cũng như nhiều nước khác đã tiến hành viện trợ nhân đạo, nếu Nhật lại bình lọc nước thì Nga hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết (gạo, thịt, cá đóng hộp,…)

Tinh thần hỗ trợ quốc tế được người dân Việt Nam hoan nghênh, nhưng tinh thần tương trợ đồng bào của “cán bộ Việt Nam” lại bị nghi ngờ.

Không đâu xa, nếu chú ý các phản hồi của độc giả trên báo Nhà nước, sẽ không thấy hiếm những phản hồi như:

“Hàng cứu trợ đến tay người dân có lẽ vài tháng nữa mới đến được tay người dân”

“Mong rằng hàng cứu trợ này sẽ đến tay người dan chứ đừng ra siêu thị”

“Hy vọng các quan tham đừng ăn chặn tiền cứu trợ, hàng hoá viện trợ của nguời dân họ khổ lắm. 6 đồng nguời ta ủg hộ đừng chỉ đến tay dân còn 0,1 đồng nhé”.

Người dân các tỉnh ngoài thì lo lắng số phận của hàng viện trợ nhân đạo một thì, người dân các tỉnh bị bão lụt lại lo mười.

Câu chuyện gạo mốc, mì tôm bốc mùi vì quá hạn sử dụng vẫn ám ảnh tâm trí của không ít người. Hay câu chuyện “cán bộ Việt Nam” kê khai tên cha mẹ, con cái, họ hàng vào nhóm những người cần được viện trợ ưu tiên không phải là hiếm.

Ngoài ra, việc ngâm hàng viện trợ khẩn cấp cả năm trời cũng là một hiện tượng được coi là “thường xuyên diễn ra”.

Câu chuyện của những năm đói nghèo, giành giật nhau từng chút một thời đói kém tiếp tục hiện hữu trong đời sống hiện nay dưới lớp vỏ “hành chính quan liêu”.

Mới đây nhất, ông Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng thủ tục nhận viện trợ từ các tổ chức chậm chạp khiến việc đó không còn ý nghĩa đối với người dân chịu hậu quả thiên tai.

Thực tế cho thấy, một món hàng viện trợ khẩn cấp quốc tế tại Việt Nam khi đến tay người dân thường mất độ 3 tháng. Từ việc mở tờ khai Hải quan (Bộ Tài Chính) cho đến kiểm tra chuyên ngành (Bộ Y tế, Bộ Công Thương,…).

Thế nên mới có câu chuyện, Thủ tướng Putin ký quyết định trợ cấp sau 48 tiếng là máy bay vận tải Nga đã đáp xuống sân bay Cam Ranh, còn Việt Nam thì cần vài tháng để tiếp nhận 40 tấn hàng viện trợ. Sự chậm chạp đầy quan liêu trên mạng sống, sức khỏe, sự ổn định của người dân diễn ra đến mức, vào ngày 12/11 – UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải ra công văn khẩn đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm phân phối 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo của Nga cho người dân sau bão số 12.

Nhưng ngay khi “giải ngân” được nhóm  hàng viện trợ khẩn cấp thì người dân lại lo “cán bộ nẫng quà lũ lụt”. Không đâu xa, bởi mới đây nhất, một nhóm “cán bộ” từ trưởng thôn, Bí thư, đến công an xóm thuộc xã Thiệu Dương (Tp. Thanh Hóa) đã tự lập danh sách để vợ và một số cán bộ thôn nhận quà cứu trợ trong khi nhiều hộ nghèo, neo đơn không được nhận. Đáng chú ý, danh sách “cán bộ được cứu trợ” lại đến từ Mặt trận Tổ quốc xã Thiệu Dương.

Điều đó cho thấy, niềm tin trong dân đối với hệ thống cứu trợ nhân đạo hay hỗ trợ khẩn cấp vì mục đích nhân đạo tiếp tục khủng hoảng bởi lòng tham vô đáy của “cán bộ Việt Nam” và thói quan liêu đến trì trệ của hệ thống hành chính nhà nước.

Chính vì sự quan liêu và tham nhũng này, mà người dân mất hoàn toàn niềm tin vào các cơ quan có liên quan đến tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ nhân đạo.

Một sự mất mát niềm tin rộng lớn trên bình diện xã hội.

Bài liên quan:
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux