CSVN lại dự trù tăng tuổi hưu

Nâng tuổi hưu là một trong những giải pháp của Lao Động, Bộ Thương Binh và Xã Hội nhằm cứu nguy cho quỹ bảo hiểm xã hội đang phá sản. Ảnh: cafef.vn
- Quảng Cáo -

Ngô Đồng – Việt Tân

Tranh luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam đã gây sôi nổi trong thời gian qua, nhưng lần nào Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội đề nghị cũng bị dư luận chống đối gay gắt. Đầu năm nay, câu chuyện này tiếp tục dậy sóng khi ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho Bộ này tính toán lại tuổi nghỉ hưu để đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi.

Trước đây, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội đã ban hành dự thảo Luật Lao động sửa đổi, trong đó tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo hai phương án. Một là giữ nguyên như hiện hành nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Hai là tăng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Bộ nghiêng về phương án 2 với lý do là tuổi thọ bình quân của người Việt tăng, nên thời gian hưởng lương hưu dài. Đồng thời, nâng tuổi hưu để ứng phó xu hướng già hóa dân số. Và quan trọng nhất là cứu nguy cho quỹ bảo hiểm xã hội đang phá sản.

Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) cho biết là từ năm 2023 trở đi, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Nguyên nhân là do nhà cầm quyền CSVN đã sử dụng quỹ này cho những mục đích khác.

- Quảng Cáo -

Theo Báo Kinh tế Việt Nam, Hà Nội đang “vay” Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội khoảng 324,000 tỷ đồng, chiếm 74,46% tổng quỹ. Nhưng nhiều dự án chính phủ đầu tư lại làm ăn thua lỗ, không có điều kiện để hoàn trả lại, tiền nợ gốc và lãi đã lên đến gần 16.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng ngàn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tìm cách trốn đóng bảo hiểm.

Một nguyên nhân khác nữa khiến thâm thụt Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội là do nhiều người dân từ bỏ tham gia bảo hiểm y tế do thủ tục thanh toán phức tạp, mất thời gian, bất hợp lý trong khi chất lượng dịch vụ quá kém.

Ngoài sự lo ngại về tình trạng phá sản của Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội nói trên, việc đề nghị tăng tuổi hưu cũng có nhiều bất cập. Đầu tiên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam theo số liệu năm 2015 với nam là 70,7 tuổi, nữ là 76,1 tuổi. Với quy định nâng thời gian nghỉ hưu như đề xuất thì nam được hưởng trung bình là 8,7 năm và nữ là 16,1 năm. Như vậy thời gian nghỉ hưu rất ngắn đối với nam và không dài đối với nữ. Vì vậy, nhiều dư luận cho rằng chỉ nên khuyến khích, chứ không nên cứng nhắc đưa vào luật. Ai còn sức khỏe, có nhu cầu tiếp tục làm việc, ai không muốn cũng để họ về hưu đúng tuổi. Như ở Nhật và một số nước tiến tiến khác họ đang áp dụng mô hình linh hoạt này.

Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam trong những năm qua luôn cao hơn so với tỉ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Theo thống kê, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên hiện nay là hơn 237 ngàn người. Ngoài ra, hiện đang còn hàng vạn, hàng triệu lao động trẻ được đào tạo qua trường lớp nhưng phải chịu cảnh lao động phổ thông hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây. Nếu cứ quy định nghỉ hưu tuổi 62 và 60 có thể làm mất cơ hội việc làm của thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, lao động tay chân tại Việt Nam chiếm đa số. Do đó giới lao động này đa số thu nhập thấp, sức khỏe, năng suất và tuổi thọ sẽ giảm nhanh chóng cùng với thời gian. Trong khi đó, điều kiện phúc lợi và an sinh xã hội của Việt Nam còn quá thấp, dẫn đến người lao động lớn tuổi có nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao hơn và hậu quả sẽ là gánh nặng cho xã hội. Nhiều chủ doanh nghiệp rất ngại sử dụng những lao động lớn tuổi. Thực tế, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt sa thải lao động nữ chỉ sau 35 tuổi bởi không đáp ứng được sức khỏe theo yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp đã và đang hướng tới ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc, robot sẽ thay thế con người. Liệu có cơ hội cho lao động làm việc đến 60 – 62 tuổi?

Nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Cụ thể, khác với công việc văn phòng, những ngành nghề lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc, nếu kéo dài công việc sẽ nhanh suy kiệt sức khỏe. Vì vậy đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề.

Ngoài ra, dư luận cũng bày tỏ nghi ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu còn tạo thêm kẽ hở cho cán bộ, công chức, các nhóm lợi ích duy trì quyền lợi và bổng lộc, tham quyền cố vị. Và việc kéo dài tuổi nghỉ hưu liệu có tác dụng khi mà bộ máy còn quá cồng kềnh, có tới 30% cán bộ công chức “có cũng được, không có cũng không sao”. Như thế, tăng tuổi hưu, đồng nghĩa với việc tiếp tục nuôi dưỡng bộ phận cán bộ công chức yếu kém này.

Thế giới có 2 xu hướng, một xu hướng là kéo dài tuổi lao động như các nước công nghiệp (Đức, Mỹ,…), nhưng lại có một xu hướng khác là vẫn giữ tuổi lao động, giảm giờ làm như ở Bắc Âu. Hai xu hướng phát triển song song. Cho nên, phải tính toán cụ thể chứ không phải lấy lý do sợ vỡ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội để tăng tuổi nghỉ hưu là không thuyết phục.

Bên cạnh những lí do đã nêu ở trên, sở dĩ kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu luôn gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận là vì còn quá nhiều điều vướng mắc như: việc sử dụng quỹ, cân đối quỹ, kế toán thu chi từ trước đến nay chưa bao giờ được nhà nước công khai cho người dân nắm rõ. Chính cơ chế thiếu minh bạch đã khiến người dân mất dần niềm tin, chuyển sang nghi ngờ và không ủng hộ những quyết sách của nhà nước.

Tóm lại, giải pháp lâu dài nhằm tránh phá sản Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội là cần chuyển đổi từ hệ thống hưu trí sang hệ thống tài khoản tích lũy cá nhân nhằm giảm bớt rủi ro do quá trình lão hóa dân số và tạo sự công bằng giữa các thế hệ. Đồng thời Quỹ phải được quản lý một cách độc lập với các công ty và cơ quan nhà nước, cũng như cấm không được dùng để đầu tư vào những loại dịch vụ ăn xối ở thì, đầy rủi do như hiện nay. Cuối cùng là cần xây dựng một cơ chế luật pháp mạnh, nhằm ngăn chận những hành vi gian lận bảo hiểm của cán bộ đảng và nhà nước CSVN.

Cùng tác giả:

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. dúng là : cà cuống chết dến dít ” còn cay” .hết tiền nói
    mẹ hết tiền còn ” xạooooo”.
    sợ lão hóa lao dộng ,không
    người dóng thuế nuôi dám
    báo cô …..

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here