Vì sao nghi vấn bà Nguyễn Thanh Phượng trong cú áp phe Mobifone ‘mua mão’ AVG?

- Quảng Cáo -

Trúc Giang (VNTB)

Cuối giờ chiều ngày 8-3, báo chí đưa tin trong cuộc họp ngày 8-3 của Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải sớm công bố kết luận thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG theo quy định của pháp luật.

Vì sao họ im lặng?

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, thì Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này từ tháng 9-2016. Trước đó, vào tháng 4-2016, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ.

- Quảng Cáo -

Như vậy, có thể nói việc “thanh tra toàn diện” vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, hoàn toàn trong thời gian ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng. Cũng từ tháng 4-2016, thứ trưởng Trương Minh Tuấn được chỉ định là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (từ tháng 7/2016).

Những dẫn chứng về mốc thời gian kể trên để cho thấy từ ông Trương Minh Tuấn đến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có thời gian dài là quan chức chính phủ. Hai vị này không thể nào không biết cú áp phe Mobifone ‘mua mão’ AVG. Thế nhưng vì sao họ lại làm thinh lâu đến độ ông Nguyễn Phú Trọng phải sốt ruột đánh tiếng hối thúc?

Và cũng lạ là bằng quyền lực của mình, tại sao ông Tổng Bí thư không công khai yêu cầu cơ quan kiểm sát rà soát lại hết toàn bộ vụ mua bán này từ hồ sơ có được? Lưu ý, vị tân Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng từng có thời gian dài làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Trả lời cho những thắc mắc “vì sao” đó, dư luận đang đồn đoán rằng liên quan trong cú áp phe này là ái nữ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Bà đỡ” của hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) “hàng khủng”?

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC-mã VCI) thời kỳ bà Nguyễn Thanh Phượng là chủ tịch HĐQT, được cho là “bà đỡ” của hàng loạt các thương vụ M&A “hàng khủng”. Trong đó có thương vụ MobiFone mua AVG.

Một nguồn tin cho biết tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)… nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Kết quả thì VCSC đã “hạ gục” cả 9 “người khổng lồ”.

Khi ấy, giới tài chính đặt ra 3 câu hỏi ngờ vực ở cú áp phe này: Một, từ yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG? Hai, giá đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu? Ba, từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua hay không?

Tuy nhiên ngay sau khi bà Nguyễn Thanh Phượng thoái vốn, phía VCSC nhanh chóng lên tiếng rằng mình không liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mà chính là Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) mới là đơn vị “thầy dùi”. Một số chuyên gia truyền thông cho rằng sở dĩ một số cơ quan báo chí và dân mạng bị nhầm lẫn thông tin như trên, có lẽ là do tên viết tắt của 2 công ty chứng khoán tên tuổi: VCSC và VCBS.

Thoái vốn, rút lui theo kịch bản soạn trước?

Có ý kiến cho rằng không phải chờ đến ngày ông Nguyễn Tấn Dũng thất thế rời ghế thủ tướng, bà Nguyễn Thanh Phượng mới vội vã thoái vốn rút lui. Có người cha là thủ tướng, song dường như bà Phượng hiểu rằng trong nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, rủi ro tăng gấp bội phần khi quyền lực chỉ tập trung vào một nhóm người của duy nhất một đảng chính trị cầm quyền.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt được bà Nguyễn Thanh Phượng sáng lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng. Chỉ ba năm sau, VCSC đã lọt vào Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất 6 tháng cuối năm 2010 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và 10 năm sau, đã đứng vào Top 3 công ty chứng khoán có thị phần giá trị giao dịch môi giới lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2017.

Khi bản cáo bạch của VCSC được công bố, giới đầu tư xôn xao với thông tin bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCSC chỉ còn nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 4,84% vốn điều lệ. Qua đó, bà không còn là cổ đông lớn VCSC.

Tuy nhiên, nếu đặt trong cả tiến trình, động thái này lại không quá lạ. Bởi từ lúc thành lập VCSC với tổng sở hữu cổ phần lên đến 58% (trực tiếp 41% và gián tiếp thông qua Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt – Nguồn: Vietnam Finance), báo cáo tình hình quản trị 2012 cho thấy số lượng cổ phiếu bà Phượng và Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) nắm giữ đã giảm xuống lần lượt là 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 11,48% và 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,96%.

Theo Báo cáo Quản trị 2015, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VCSC từ 7% xuống còn 0% sau hai năm liên tục thoái vốn.

MobiFone nói gì?

Việc mua AVG được mô tả là để Mobifone nhanh chóng đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh, trong khi là doanh nghiệp mới hình thành, chuyển từ kinh doanh viễn thông thuần tuý sang các dịch vụ giá trị gia tăng, đa phương tiện và đặc biệt là chen chân vào lĩnh vực truyền hình vốn đã có quá nhiều đối thủ nặng ký, MobiFone không còn con đường nào khác là phải “đi tắt, đón đầu”.

MobiFone đã nhắm đến việc mua AVG theo một lộ trình đã được định sẵn. Theo đó, từ tháng 8/2015, Tổng Giám đốc MobiFone đã có công văn về việc lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trong đó MobiFone đề cập tới phương án mua lại 90,1% cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG).

Để xây dựng giá mua phù hợp, MobiFone đã tham khảo và căn cứ vào ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để định giá AVG. VCBS đã kết hợp với cơ quan chức năng thẩm định giá và đưa ra nhiều mức giá khác nhau.

Theo báo cáo số 142 MobiFone gửi Tổng Giám đốc MobiFone, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá AVG và cho ra kết quả: AVG giá 33.299,49 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.

Trên cơ sở định giá của AASA, VCBS đã tư vấn thêm cho MobiFone về cách định giá thận trọng hơn, kết quả giá trị của AVG giảm xuống còn 24.548,19 tỷ đồng, tương đương 1,124 tỷ USD. Tuy nhiên, để thận trọng hơn, VCBS cũng tiếp tục thuê thêm Công ty TNHH định giá Hà Nội – TP.HCM để định giá theo phương pháp tài sản. Theo cách tính của công ty này, giá trị của AVG chỉ còn 18.520 tỉ đồng, tương đương 847,6 triệu USD.

Cuối cùng để cho chắc chắn, MobiFone đã thuê thêm một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép xác định giá trị của AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng, theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng. Nghĩa là AVG đã được “định giá” ở 4 mức khác nhau, dao động từ 33.299 tỷ xuống thấp nhất là 16.565 tỷ đồng.

Trên cơ sở định giá, MobiFone đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch kinh doanh của AVG sau khi MobiFone mua lại cổ phần. Theo đó, nếu việc mua bán hoàn thành trong 2016 thì doanh thu thuần của AVG đạt 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng. Cho đến năm 2020, dự kiến doanh thu thuần của AVG sẽ là trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.876 tỷ đồng.

Tháng 1/2016, MobiFone hoàn tất thương vụ mua AVG. Tuy nhiên, phía MobiFone chỉ xác nhận là mua 95% cổ phần của AVG còn giá trị bao nhiêu thì hai bên không tiết lộ.

Trước khi thuộc về MobiFone, AVG chưa có lãi bởi đầu tư ban đầu lớn (vốn điều lệ 1.800 tỷ) cũng như việc phát triển thuê bao cũng chỉ dừng lại khoảng 450.000 thuê bao – con số quá khiêm tốn so với gần 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền thời điểm đó.

Trong Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/6/2016 khi được báo chí hỏi về thông tin cho rằng Mobifone đã mua 95% AVG với giá hơn 8.900 tỉ đồng, ông Lê Nam Trà – Chủ tịch HĐTV MobiFone đã chính thức từ chối trả lời câu hỏi này vì “điều khoản bảo mật giữa 2 bên, MobiFone không thể tiết lộ được”. Tại hội nghị này, thương vụ MobiFone – AVG còn được giải thích là “theo cơ chế đặc thù”.

Có phải nhầm lẫn VCSC và VCBS?

Tiền thân Viet Capital Bank là Ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank). GiaDinhBank từng phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là công ty tư vấn phát hành.

Sau đó, một nhóm cổ đông đã mua với tỷ lệ tối thiểu là 30% vốn điều lệ Gia Định từ tay Vietcombank, cổ đông lớn nhất của Ngân hàng. Trong khoảng thời gian này, Ngân hàng TMCP Gia Định được đổi tên thành ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và bà Nguyễn Thanh Phượng, lúc đó là Chủ tịch HĐQT VCSC, được bầu làm thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2010 – 2014 vào đầu năm 2012. Ngay trong tháng 2 cùng năm, bà đã nhanh chóng trở thành Chủ tịch HĐQT Viet Capital Bank.

Bà Phượng và chồng – ông Nguyễn Bảo Hoàng

Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCAM). Được biết, vào tháng 11/2011, ông Trần Bảo Toàn đã chuyển nhượng số cổ phần chiếm hơn 16% vốn điều lệ của công ty cho bà Phượng. Qua đó, bà đã nắm gần 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 43% cổ phần VCAM. Cho đến tháng 8/2013, bà đã chuyển nhượng 1,65 triệu cổ phần, tương ứng 11% cổ phần tại VCAM sang Viet Capital Bank. Chồng bà Nguyễn Thanh Phượng là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry) cũng là Thành viên HĐQT VCAM.

Liệu có sự nhầm lẫn VCSC và VCBS trong việc đưa tin liên quan đến thương vụ M&A MobiFone mua AVG? Cá nhân người viết bài này cho rằng nếu báo chí đưa tin nhầm lẫn, vì sao VCSC không lên tiếng ngay từ đầu, vì nó còn liên quan đến giá giao dịch cổ phiếu trên sàn OTC…

- Quảng Cáo -

19 CÁC GÓP Ý

  1. Nghe đâu chúng bỏ tiền ra hoàn trả để mua sự bình yên và im lặng . Nhưng nếu có phapf luật thật sự thì không thể được và nộp tiền chỉ là mọt chi tiết giảm nhẹ thôi chứ không thì mạng mỗi người cũng bị quy ra tiền , chúng có tiền thì tha hồ cướp giết sao …?

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here