Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam: nhân sự và hạn điền

Quang cảnh một hội nghị trung ương của đảng CSVN. Ảnh Internet
- Quảng Cáo -

Thảo VyViệt Nam Thời Báo |

“Đề án Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ” được cho là nội dung chính của Hội nghị Trung ương sắp diễn ra vào tháng 5-2018. Chuyện “quy hoạch nhân sự” vẫn chưa thấy có gì mới, vẫn tiếp tục kiểu bó buộc của “hạn điền”, bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, diễn ra vào thượng tuần tháng 10-2017, là “đổi mới phát triển xã hội, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế”.

Gom 2.800 héc ta đất ngư nghiệp để làm du lịch

Trong một trò chuyện với người viết hôm 17-3-2018, một cựu quan chức ở huyện Cần Giờ, Sài Gòn cho biết có tới 2.800 héc ta đất ngư nghiệp ven biển, ngay trung tâm thị trấn Cần Thạnh đã được đại gia Phạm Nhật Vượng của Vingroup và Đào Hồng Tuyển của tập đoàn Tuần Châu, mua và trả tiền sòng phẳng cho các hộ dân nơi đây.

Tuy nhiên hai vị đại gia này vẫn để cho người dân kinh doanh mua bán, nuôi nghêu như bình thường. Tham vọng của liên danh Vingroup và Tuần Châu là sẽ xây dựng nơi đây thành một thiên đường du lịch biển, bất chấp chuyện cát biển nơi đây có màu đen, không bắt mắt du khách như biển Nha Trang hay Vũng Tàu.

TBT tái nhiệm Nguyễn Phú Trọng và tân Bí thư Hồ thành Đinh La Thăng sánh bước. Ảnh: FB Nhà Văn (Người Buôn Gió)
TBT tái nhiệm Nguyễn Phú Trọng và tân Bí thư Hồ thành Đinh La Thăng sánh bước. Ảnh: FB Nhà Văn (Người Buôn Gió)
- Quảng Cáo -

Việc chuyển đổi công năng như nói trên đã nhận được sự ủng hộ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Trong buổi gặp gỡ với giới trí thức vào năm ngoái, ông Nguyễn Thiện Nhân nói TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp song cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Năm 2015, TP có hơn 118.000 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ đem lại giá trị 6.494 tỉ đồng (chiếm 0,89% tỷ trọng GDP), giá trị gia tăng (GTGT) trên mỗi héc ta đất nông nghiệp là 55 triệu đồng. Trong khi đó, đất công nghiệp, dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đem lại giá trị 726.978 tỉ đồng, GTGT mỗi héc ta đất đạt gần 51 tỉ đồng, gấp 926 lần so với giá trị đất nông nghiệp.

Từ những con số đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, nên chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Bởi chỉ cần chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ sẽ tạo tiền đề có thể tăng GDP cho TP thêm 2,73 lần.

Vì sao không bỏ hạn điền?

Câu chuyện 2.800 héc ta đất ngư nghiệp ở Cần Giờ đã được Vingroup và Tuần Châu sở hữu, đặt ra câu hỏi là vì sao có thể mua không giới hạn đất nông nghiệp để làm du lịch, nhưng lại không thể mua như vậy nếu dùng để canh tác nông ngư lâm nghiệp?

Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước chỉ giao tối đa 3 ha đất cho nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và tối đa 2 ha ở các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, thực tế đất Nhà nước giao cho nông dân canh tác hầu hết thấp hơn giới hạn này.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định mỗi hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 30 ha đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 20 ha tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Bên cạnh đó, đất nông nghiệp do cấp xã cho thuê chỉ có thời hạn tối đa 5 năm, nên không ai muốn đầu tư lớn sản xuất lớn vì nhiều rủi ro.

Trung tuần tháng 3 năm ngoái, tại An Giang có hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của trên 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL. Cam kết với các đại biểu tham dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ của ông sẽ mở rộng hạn điền để phát triển nông ngư nghiệp.

“Một thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là dân Đồng Tháp đã nói với tôi rằng cụm từ “bỏ hạn điền” là nhạy cảm đối với các cụ trên Bộ Chính trị. Ông Thủ tướng không phải muốn bỏ là bỏ!”. Vị cựu quan chức ở huyện Cần Giờ kể như vậy. Theo vị cựu quan chức này, chuyện hạn điền của Việt Nam là làm theo mô hình cải cách ruộng đất của Trung Quốc từ những năm thập niên 50 thế kỷ trước.

Khi lòng dân không an

“Theo tôi thì cái “bí” của sản xuất nông nghiệp vừa qua và hiện nay nằm ở tầm vĩ mô thuộc quản lý Nhà nước đã không bảo đảm các cân đối lớn chủ yếu về sản xuất – thị trường, sự an lòng của người dân về quyền tài sản đối với đất đai; và, về một nền giáo dục phổ thông lành mạnh – vì con người – do con người chưa được đáp ứng…”. Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định như vậy.

Vẫn theo ông Nhị, tại sao thời hạn ghi trong thủ tục hành chính về đất đai chỉ là 50 năm, mặc dù đất đai này là của người dân bỏ tiền ra mua? Điều này đã gây lo lắng, hoài nghi trong dân nhưng không ai nói ra. Đó cũng có thể là nguyên nhân sâu xa vì sao dân không mạnh dạn, hứng thú đầu tư vào nông nghiệp như chính phủ kỳ vọng!

“Đề nghị đất trong hạn điền không ghi thời hạn sử dụng, không thu thuế trực canh hoặc thuế cho thuê lại; không dùng khái niệm “thu hồi đất” mà dùng từ “mua lại”, “trưng mua”, “trưng dụng có thời hạn”, “trưng thu”… Hạn điền là “chiếc giày” do chế độ này đóng cho nông dân. Nay cũng nên tháo nó ra!”. Ông Nhị kiến nghị.

Bỏ hạn điền thì phải minh bạch: có phải đó là điều e ngại của Bộ Chính trị?

Luật đất đai năm 2013 dù làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội, nhưng phạm vi quy định vẫn quá rộng. Khoản 3d của điều 62, trao cho cơ quan hành chính nhà nước quyền thu hồi đất của người dân ở lĩnh vực: thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Như vậy, nếu một khi mở cánh cửa hạn điền thì cũng đồng nghĩa phải thu hẹp lại “cánh cửa thu hồi đất”, bởi nếu không thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh: Thứ nhất, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những DN lớn, DN thân hữu, sẽ tìm cách vận động chính quyền tỉnh, lập dự án nông nghiệp và mượn “bàn tay” nhà nước để đứng ra thu hồi đất. Cách làm này vừa nhanh chóng cho DN, lại giúp họ giảm đáng kể chi phí bởi không phải mua lại đất từ chủ sử dụng hiện tại theo giá thị trường.

Hệ quả thứ hai và thứ ba cũng là một phần xuất phát hệ quả của điều thứ nhất. Đó là DN thân hữu sẽ “mượn tay” chính quyền thu hồi đất với giá rẻ thông qua vỏ bọc là đầu tư dự án nông nghiệp, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại và nhà ở. Việc quy hoạch không minh bạch và tình trạng tuân thủ quy hoạch kém như hiện nay, không khó để DN “phù phép” chuyển đất nông nghiệp sang đất thương mại.

Nói cách khác, một khi bỏ hạn điền thì tiên quyết phải chấm dứt chuyện “thu hồi đất” bằng mệnh lệnh hành chính. Nếu không thì đây sẽ là chuyện “mở toang” cánh cửa cho các DN thân hữu lấy đất một cách “hợp pháp”, và người nông dân sẽ thiệt thòi, chính quyền địa phương thêm gánh nặng. Hơn thế, một hệ quả không tích cực khác: DN thân hữu chuyển nhượng đất giá rẻ, sau đó bán trao tay lại cho các DN khác thực sự có nhu cầu làm nông nghiệp.

Kinh doanh “quan hệ” một cách “siêu lợi nhuận” này hoàn toàn có thể xảy ra, nhờ lợi dụng việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội. Đó là tiến trình “đầu cơ đất giá rẻ” dựa vào quan hệ thân hữu với người, cơ quan quyền lực nhà nước, trong lúc đó người có nhu cầu đất thực lại mất đi cơ hội tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường.

Một thể chế độc đảng, và sắp tới đây là “nhất thể hóa” để danh chính ngôn thuận chuyện độc đảng toàn trị, cho thấy ngay trong cơ cấu nhân sự vào tháng 5 này, có lẽ vẫn tiếp tục là những rào chắn kiểu như “hạn điền”, khi thiếu sự cạnh tranh và giám sát của xã hội dân sự. Bởi dù có giỏi dang đến đâu mà nếu không là đảng viên, thì đừng mơ được ‘cơ cấu’…

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here