Hà Nội, thành phố ô nhiễm khói bụi

Ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội ở mức trầm trọng và tác hại không chừa một ai.
Ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội ở mức trầm trọng và tác hại không chừa một ai. Ảnh: Dân Trí
- Quảng Cáo -

Mỹ LanRFA |

Theo báo cáo của các tổ chức về môi trường quốc tế, Hà Nội liên tục nằm trong top các thành phố đáng báo động nhất thế giới về mức độ ô nhiễm khói bụi. Nghiên cứu hồi tháng 1/2018 của tổ chức phi chính phủ Phát triển xanh GreenID cho thấy, năm 2017, người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành.

Đường Phạm Văn Đồng, một trong những tuyến đường bị đánh giá nhiều bụi và ô nhiễm nhất tại thủ đô Hà Nội.

Theo người dân sống dọc hai bên đường này thì tình trạng ô nhiễm do các công trình xây dựng xung quanh khu vực gây ra như việc mở rộng mặt bằng, san phủ, đào lấp hè đường, rồi lượng xe cộ ngày một nhiều thải khói vào không khí.

- Quảng Cáo -

Khói xe, bụi bẩn liên tục ở ngưỡng quá mức cho phép tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người dân theo như trình bày của một người sống tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội:

“Tối ngủ ai cũng khò khè, điều đó có nghĩa là phổi đã bị nặng quá rồi. Không một thành viên nào trong gia đình là không bị cả. Cây cối thì không có, bây giờ trong nhà cũng như ở ngoài đường vậy.”

Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch tổ chức Viet Ecology có trụ sở tại Mỹ thì ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu hoá học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 microgram, bằng 3% đường kính sợi tóc và nhỏ/ nhẹ như khói, lơ lửng lâu trong không khí. Vì quá nhỏ, nhẹ và gần như vô hình  nên bụi khói PM 2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí là cả tim, mạch. Ông Long cho biết thêm:

“Nguy hiểm của nó ghê gớm ở chỗ đây là một sát thủ thầm lặng vì nó không chừa một nạn nhân nào, già trẻ lớn bé đều không thể nín thở được. Khi nồng độ bụi khói PM 2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các loại bệnh cũng tăng theo, cụ thể là 4% đối với các loại bệnh thông thường, 6% đối với bệnh tim và 8% đối với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi”.

Trên thực tế, cư dân Hà Nội đang hàng ngày phải hít thở khói bụi mịn PM 2.5 ở nồng độ 44 microgram/m3 so với chuẩn bụi khói trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3. Nồng độ ô nhiễm này tương đương với việc mỗi người dân bất kể lớn nhỏ, khoẻ mạnh hay bệnh tật đều đã hút vào phổi 2 điếu thuốc là mỗi ngày tương đương 730 điếu thuốc mỗi năm.

Tuy nhiên, do thiếu hình thức tuyên truyền và lý giải một cách đơn giản, dễ hiểu các chỉ số ô nhiễm nên người dân thực sự vẫn không nhận thức được đầy đủ về mức độ nguy hại của ô nhiễm khói bụi đối với sức khoẻ của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, cũng không có chế tài hay các tổ chức đứng ra kêu gọi các cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường, điều này đã khiến cho thực trang ô nhiễm tại Hà Nội không hề giảm mà còn có xu hướng ngày một tăng thêm.

Cùng quan điểm trên, GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho rằng việc thiếu quyết liệt trong quản lý đã dẫn đến thực trạng tỷ lệ các bệnh về đường hô hấp của người dân Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các thành phố khác.

“Đã có rất nhiều biện pháp đã bàn rồi nhưng mà hầu như ai cũng biết rõ là chưa quyết liệt. Ngoài ra quan trọng hơn nữa là ý thức của người dân cũng như là trách nhiệm của các nhà quản lý là chưa tròn.”

Giáo sư Đăng cũng cho rằng cần tiếp tục các biện pháp cải thiện môi trường một cách triệt để hơn liên quan đến vấn đề quản lý về xây dựng cơ bản và phát triển hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra cần chú trọng đến vấn đề vệ sinh đường phố cũng như là hoạt động sinh hoạt của nhân dân.

“Hiện nay dân Hà Nội còn đun nấu bằng than tổ ong, nó thoát ra rất nhiều chất độc hại, kể cả bụi SO2, CO … Nếu như tất cả người dân Hà Nội đều sử dụng khí thiên nhiên như ga chẳng hạn thì sẽ giảm bớt được tình trạng ô nhiễm”.

Kỹ sư Phạm Phan Long thì cho rằng, việc giảm số người hút thuốc hiện nay là một trong số những ưu tiên hàng đầu trong việc cải thiện chất lượng môi trường và sức khoẻ người dân:

“Hiện giờ mình có đến gần 18 triệu người hút thuốc và khoảng 46 triệu người hút khói thuốc của 18 triệu người kia. Có nghĩa là một nửa dân số của Việt Nam đang chịu đựng hậu quả tác động của khói thuốc. Vấn nạn đó còn chưa giải quyết nổi mà bây giờ chồng lên trên vấn nạn đó là vấn nạn 2 điếu thuốc/ngày của dân Hà Nội thì tác động đó sẽ tích luỹ lên rất nhiều.”

Ông Phạm Phan Long cũng dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Việt Phú, Đại học Fulbright Vietnam cho biết hàng năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người chết do ô nhiễm không khí.

Nguồn: RFA

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

  1. Khi hau va khong khi bi o nhiem va thuc pham trai cay thi day chat hoa hoc ( doc hai) Doi song cua nguoi Dan ngheo roi se ra sao ? Suc khoe cua Gia Dinh nguoi Dan se nhu the nao? Khong may lam ( benh) vo nha thuong benh vien thay bang Hieu Qui Dinh nhu the nay la Xong Doi luon.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here