Bỏ tù một tổng thống

Cưu Tổng thống Ba Tây Lula Da Silva. Ảnh: AFP/licensors
Cưu Tổng thống Ba Tây Lula Da Silva. Ảnh: AFP/licensors
- Quảng Cáo -

Ngô Nhân DụngNgười Việt |

Một vị cựu tổng thống Brazil mới vào ngủ trong tù, ngôi nhà tù mà chính ông tới cắt băng khánh thành vào năm 2007. Lòng tin tưởng của dân Brazil vào chế độ dân chủ tự do có thể tăng lên sau khi tòa án tối cao bác bỏ đơn của ông Luiz Inácio Lula da Silva xin “tại ngoại” vì ông còn đang kháng án hay không?

Chế độ dân chủ dựa trên lòng tin của người dân vào việc thi hành luật pháp công minh. Khi nào luật pháp được áp dụng cho tất cả mọi người như nhau, không phân biệt địa vị, thì người dân cũng sẵn sàng tuân thủ pháp luật.

Một cựu tổng thống tự ý đến ngồi tù, sau khi biết đơn xin tại ngoại của mình bị bác bỏ, đó là một tấm gương tốt. Ông Lula da Silva lại là một nhà chính trị được nhiều người ngưỡng mộ nhất nước, với hy vọng ra tranh cử và thắng cử lần nữa! Việc ông vào tù ngồi coi đá banh trên ti vi càng có ý nghĩa, trong lúc mấy trăm người ủng hộ ông vẫn đang đi biểu tình ngoài cửa nhà tù phản đối Tối Cao Pháp Viện!

- Quảng Cáo -

Ngoài ông da Silva, cựu thống đốc thủ đô Rio de Janeiro, Sérgio Cabral, và cựu chủ tịch Hạ Viện Eduardo Cunha cũng đang ngồi tù! Họ đều bị truy tố trong một chiến dịch chống tham nhũng mang tên là “Lava Jato,” tức Rửa Xe!

Nước Brazil mới chấm dứt chế độ quân phiệt từ năm 1985, sau hơn hai chục năm sống dưới quyền các tướng lãnh. Có thể nói thể chế dân chủ Brazil còn rất trẻ! Nghĩa là không biết chắc chế độ này có bền vững hay không. Năm 2016, số người dân Brazil tin tưởng vào thể chế dân chủ đã giảm từ 54% xuống chỉ còn 32%. Năm nay, có cuộc nghiên cứu dư luận cho biết tỷ số đó tụt xuống 6%!

Lula da Silva, đảng Lao Động, làm tổng thống từ năm 2003 đến 2011 và trong thời gian đó kinh tế phát triển tốt đẹp. Người kế nhiệm cùng đảng, bà Dilma Rousseff đắc cử năm 2011, rồi tái đắc cử năm 2014, nhờ thành tính kinh tế đó. Trước năm 2003, tốc độ tăng trưởng của Brazil chỉ đạt được trung bình 0,2% suốt 20 năm.

Trong thời da Silva nắm quyền, 30 triệu người Brazil thoát ra khỏi “cảnh nghèo;” 21 triệu người được vào giới trung lưu. Cho tới năm 2014, số thất nghiệp xuống thấp nhất, lương bổng trung bình tăng thêm 35%, cảnh nghèo được giảm bớt 55%. Và cảnh chênh lệch giầu nghèo, một đặc điểm tại các nước Châu Mỹ La Tinh, đã giảm bớt ở Brazil.

Nhưng kinh tế bắt đầu xuống từ năm 2014. Năm đó, bà Rousseff tái đắc cử với một tỷ số mong manh, giữa năm 2015, chỉ còn dưới 10% dân chúng tín nhiệm bà. Kinh tế tụt dốc thảm hại nhất so với 30 năm trước. Từ năm 2012 đến 2016, kinh tế toàn cầu tăng trưởng trung bình 3,4% một năm, còn kinh tế Brazil “giảm bớt” mỗi năm 0,4%!

Các đảng đối lập trong Quốc Hội đã bắt đầu mở cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại công ty dầu khí quốc gia Petrobras (giống như Petro Việt Nam) trong thời ông da Silva làm tổng thống còn bà Dilma Rousseff là một thành viên hội đồng quản trị! Các cuộc điều ta cho thấy rất nhiều quan chức đã nhận hối lộ từ công ty Petrobras và các công ty liên hệ.

Trong chiến dịch “Rửa Xe,” ông Lula da Silva bị truy tố vì đã được một nhà thầu xây cất của Petrobas tặng cho một căn hộ (apartment) trị giá 2,2 triệu đồng Real, tương đương với $690.000. Ông bác bỏ các lời truy tố và nhiều người cho rằng các chứng cớ đưa ra không đủ để kết án ông 12 năm tù.

Năm 2016, bà Dilma Rousseff đã bị Quốc Hội Brazil bỏ phiếu đàn hạch và kết án, buộc bà phải từ chức. Đặc biệt, bà Rousseff không bị truy tố về tội tham nhũng nào cả, mà bà mất chức vì tội đã giả mạo kế toán quốc gia để che đậy tình trạng khiếm hụt ngân sách – một tội lỗi có thể được bỏ qua nếu coi chỉ là lầm lẫn kỹ thuật!

Chính ông Lula da Silva và đảng Lao Động của ông được dư luận coi là đã mở cửa cho nền tư pháp xứ Brazil được đóng vai trò độc lập hơn. Bây giờ, chính guồng máy tư pháp ý thức vai trò độc lập của mình đang đưa ông cựu tổng thống vào tù.

Đơn kháng án 12 năm tù của ông da Silva bị một tòa phúc thẩm bác bỏ. Ông tiếp tục kiện lên tòa trên và xin được tại ngoại trong khi chờ tái thẩm. Nhưng Tối Cao Pháp Viện Brazil đã bác bỏ đơn xin tại ngoại này, viện lý do là, theo đúng luật pháp Brazil, khi đơn kháng án đã bị một tòa phúc thẩm bác bỏ thì tội nhân phải thi hành án tù ngay lập tức! Hai ngày sau, ông da Silva vào tù. Ông không yêu cầu nhưng được ở một phòng giam rộng hơn bình thường, có máy ti vi để ông coi đá banh (đội ông ủng hộ thắng!).

Đá banh và tham nhũng là hai “môn thể thao” phổ biến nhất ở Brazil! Nói đến Brazil là nói đến các cầu thủ nổi tiếng và các vụ tham nhũng gây ồn ào không kém. Nhưng người ta có thể thấy dấu hiệu thay đổi, khi các quan tòa bắt đầu ý thức vai trò độc lập của họ, và các nhà chính trị chịu chấp nhận tuân theo luật pháp!

Những cuộc điều tra tham nhũng trong chiến dịch rửa xe “Lava Jato” được Quốc Hội phát động đã mở một trang sử mới. Quan tòa Sérgio Moro, người xử án ông da Silva cũng phụ trách việc điều tra tham nhũng, đã theo khẩu hiệu: Không chừa một hòn đá nào mà không lật lên coi!

Ông Moro bị những người thuộc phe đảng Lao Động tố cáo là lạm dụng quyền tư pháp để chống lại họ, làm lợi cho các đảng đối lập. Nhưng chính ông tổng thống mới, ông Temer lên thay bà Rousseff, cũng mới bị tố cáo là ăn hối lộ khoảng $150.000 của một hãng chế biến thịt bò! Tối Cao Pháp Viện đã cho mở cuộc điều tra về lời tố cáo này.

Khi nghe tới những con số tiền hối lộ, như $690.000 cho ông da Silva hoặc $150.000 cho ông Temer, người Việt Nam sẽ bật cười, vì thấy dân Brazil… nghèo quá! Một ông tổng thống mà chỉ “ăn” có bấy nhiêu thôi sao? Hãy coi Petro Việt Nam kia! Người Việt mình tính bạc tỷ đô la không à!

Những con số nho nhỏ trên đây, không biết chắc có phải là tiền hối lộ không, cho thấy nạn tham nhũng ở Brazil vẫn còn nhỏ, so với nước Việt Nam con rồng cháu tiên! Nhưng hiện tượng truy tố các quan chức ra tòa, từ ông chủ tịch Quốc Hội đến tổng thống, cho thấy chiến dịch “Rửa Xe” là có thật.

Hành động tự ý đến trình diện nhà tù (mà ngoài cửa còn tấm bảng ghi tên Lula da Silva đến khánh thành), cho thấy ông da Silva đã “giao đấu thẳng thắn” trong cuộc chơi đá banh dân chủ. Một cựu tổng thống vào ngồi tù, bình thản coi đá banh, cho thấy ông da Silva chấp nhận và tôn trọng luật chơi dân chủ.

Khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ đơn xin tại ngoại của da Silva, họ đã xác nhận quyền tư pháp độc lập. Việc ông da Silva vào tù có thể nuôi lại niềm tin của dân Brazil vào thể chế dân chủ tự do. Lãnh tụ đảng Lao Động, Nghị Sĩ Gleisi Hoffmann tuyên bố rằng ông da Silva sẽ đại diện đảng ra tranh cử tổng thống năm nay! Không biết ông sẽ làm cách nào thoát cảnh tù để tranh cử?

Trong mấy chục năm qua, tại Châu Mỹ La Tinh, niềm tin của người dân vào thể chế tự do dân chủ đang xuống thấp. Brazil là nước dân mất tin tưởng nhiều nhất. Nhưng vụ xử án ông da Silva cho thấy nền tư pháp Brazil có vẻ đứng vững trước thử thách.

Khi nào các định chế quốc gia như tòa án giữ được vai trò độc lập đối với chính trị, thì nền dân chủ còn vững vàng. Công việc quốc gia sẽ được chia sẻ, giải quyết qua các định chế phân quyền tự do dân chủ, chứ không theo quyền lợi phe phái, chia chác tài sản công bỏ túi!

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. vIỆT nAM BÂY GIỜ CŨNG DÂN CHỦ LẤM . ủY VIÊN TRUNG ƯƠNG ,ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ CŨNG GƯƠNG MẪU VÀO TÙ RỒI .cÁC TƯỚNG TÁ CŨNG HỌC TẬP TÙ THEO . nGAY ĐẾN TỔNG BÍ THƯ MÀ AI PHÁT HIỆN RA ÔNG THAM NHŨNG ÔNG CŨNG GƯƠNG MẪU ĐI TÙ . vIỆT nAM “DÂN CHỦ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG ” RỒI

  2. Tấn Dũng, Đức Mạn tự soi mình. Rồi tự nguyện như ông này xem nào . Xã hội nghiêm minh , trong sạch ngay lập tức. Không cần bồi bút tuyên truyền, kẻ vẽ… Hữu sạ tự nhiên hương. Chờ./,

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here