Tham bát bỏ mâm?

- Quảng Cáo -

Fb. Bạch Hoàn|

Trong khi Bộ Giao thông vận tải của anh Thể đã rất mềm mại, uyển chuyển trong việc thu tiền cho BOT, đổi cách gọi thu phí thành thu giá, thì Bộ Y tế của chị Tiến lại cứng hơn trứng, dự định đẻ thêm phí để thu.

Quỹ bảo trì đường bộ chi sai mục đích. Quỹ bảo vệ rừng bị chi sai mục đích. Quỹ vì người nghèo chi sai mục đích…. Có quá nhiều loại quỹ đang tồn tại. Và một thực tế không thể phủ nhận là hiện tượng chi khống, chi sai mục đích, hiện tượng rút ruột quỹ đang vô cùng phổ biến. Tiền nuôi quỹ là của dân, nhưng thủ phạm phá quỹ lại là cán bộ.

Thú thực là niềm tin trong tôi về các quỹ, từ việc thu phí cho đến giữ quỹ và vận hành quỹ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm, hiện giờ không còn nhiều nhặn gì. Vì thế, tôi không có bất kì sự tin tưởng nào vào cái gọi là Quỹ nâng cao sức khoẻ mà Bộ Y tế đang ôm ấp ý đồ lập ra, theo đê xuất tại dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Quảng Cáo -

Trong bối cảnh loạn quỹ như hiện nay, có nên lập ra và lại thu tiền người tiêu dùng, tức tiền của người dân để nuôi một cái quỹ còn gây nhiều tranh cãi hay không? Cá nhân tôi thấy rõ ràng là không. Tôi không tin vận hành quỹ ấy sẽ thực sự mang lại điều tốt đẹp như cái tên mĩ miều của nó – Quỹ nâng cao sức khỏe.

Quỹ nâng cao sức khỏe là gì? Theo đề xuất trong dự thảo Luật hiện nay, quỹ này do Bộ Y tế quản lý. Tiền nuôi quỹ là do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đóng góp. Tuy nhiên, xét về bản chất vẫn là tiền của người tiêu dùng. Hiểu nôm na, nếu được thông qua, mỗi lần uống một chai bia mát lạnh, hay một ly rượu vang chát nồng nàn, là tất cả các anh chị đều phải rót ra một phần để mời Quỹ uống trước! Lộ trình đóng Quỹ là từ 0,5-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ khi có hiệu lực cho đến 2030. Tức là khi Quỹ đi vào hoạt động thì tính toán sơ bộ, mỗi năm các anh chị sẽ phải nộp cho Quỹ từ 360 tỉ đồng và tăng dần lên đến mức 1.068 tỉ đồng.

Tôi không biết uống rượu bia. Tôi cũng chưa từng có ý niệm ủng hộ, khuyến khích bất kì ai uống quá nhiều bia, rượu. Nhưng, cần thiết phải khẳng định ngay rằng, điều đó không đồng nghĩa là tôi sẽ ủng hộ đẻ ra thêm một quỹ mà người tiêu dùng không thể giám sát. Tôi không tìm thấy cơ sở đảm bảo việc nộp tiền vào quỹ có thể nâng cao sức khoẻ. Nói đúng hơn là tôi nghi ngờ tính hiệu quả của nó.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã từng lập ra kiểu quỹ tương tự và trong số đó, quốc gia thất bại cũng có nhiều. Thái Lan là một ví dụ. Họ thành lập quỹ, thu về mỗi năm gần 90 triệu USD. Cả núi tiền ấy được phóng tay chi tiêu đến mức thủng quỹ. Ngược lại, lượng tiêu thụ bia rượu vẫn không được hạn chế. Tôi cho rằng, lượng tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam cũng sẽ không giảm, dù người tiêu dùng phải nôn ra hàng ngàn tỉ đồng nạp quỹ. Chính phủ thu rất nhiều thuế môi trường. Nhưng thực tế là những hàng hoá bị thu thuế môi trường vẫn tiêu thụ bình thường. Thu thuế môi trường không phải dành để bảo vệ môi trường. Không có gì đảm bảo thu tiền của dân đưa vào quỹ nâng cao sức khoẻ sẽ góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Muốn đảm bảo thậm chí nâng cao sức khoẻ người dân, việc làm cần phải ưu tiên số 1, đó là kiểm soát và chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu lậu, rượu nấu bằng men Trung Quốc có thể biến cả cơm thiu thành rượu. Đây là thứ khiến sức khoẻ và trí tuệ một bộ phận không nhỏ người Việt bị bào mòn, thậm chí là tàn phá, huỷ diệt giống nòi. Không những thế, việc buông lỏng quản lý cho những lò nấu rượu thủ công không chỉ tàn phá sức khoẻ giống nòi người Việt mà còn khiến ngân sách thất thu hơn 400 triệu USD, tức 9.120 tỉ đồng.

Ngân sách cần thêm tiền? Sức khoẻ của người dân cần được bảo vệ? Vậy thì trước mắt hãy dẹp ngay những cơ sở chui, những cơ sở sản xuất không ai có thể kiểm soát được chất lượng và đo lường được rủi ro với người tiêu dùng. Chừng nào còn buông lỏng, để sức khoẻ người dân bị suy kiệt, thất thoát tới 9.120 tỉ đồng, thì việc đẻ ra thêm bất kì quỹ nào khác, dù khoác cho nó chiếc áo đẹp đẽ cỡ nào thì cũng đều vô nghĩa. Ngay cả khi mục tiêu chỉ vì muốn có thêm tiền, thì việc nhòm ngó, muốn thò tay vào túi của người tiêu dùng moi ra hơn một ngàn tỉ đồng, trong khi buông lơ nguồn thu tới hơn 9.000 tỉ đồng, rõ là tham bát bỏ mâm./.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here