Tổng biểu tình 10/6: phép thử của lòng yêu nước (1,2,3,4 và hết)

Hàng ngàn người dân Sài Gòn biểu tình chống luật đặc khu vào ngày 10/6/2018, trước khi luật an ninh mạng được thông qua ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

Nguyễn Vũ Bình – RFA

(1)

Cuộc tổng biểu tình của người dân vào ngày 10/6/2018 vừa qua là một sự kiện chấn động trong lịch sử 43 năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Những nghiên cứu và đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này sẽ còn được nhiều người thực hiện. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng cần có cái nhìn toàn diện và rút ra những bài học cho bước đường tương lai. Một cách cô đọng nhất, cuộc tổng biểu tình này chính là phép thử của lòng yêu nước khi mà những giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền chưa trở thành mối quan tâm và động lực chung của người dân.

Năm 2014, trong một cuộc hội luận trên đài SBTN Úc châu, có người đã đặt câu hỏi cho người viết bài này, khi chế độ cộng sản Việt Nam cạn kiệt nguồn lực, nếu như có sự trợ giúp của phía Trung cộng cho việc duy trì chế độ, thì tình hình sẽ ra sao? Tôi đã trả lời, đại ý là, Trung cộng và Việt cộng tuy có quan hệ đồng minh ý thức hệ, nhưng cả hai đều không tin tưởng gì nhau. Nếu như Trung cộng có giúp đỡ Việt cộng thì họ cũng sẽ đòi hỏi một sự cam kết nào đó, ví dụ về chủ quyền, tức là phải nhượng lại hoặc bán lại chủ quyền ở đâu đó cho Trung cộng.

- Quảng Cáo -

Nếu điều đó xảy ra, tức là phía Việt Nam bán chủ quyền thật, thì người dân sẽ nổi dậy và chế độ sẽ sụp nhanh hơn sự sụp đổ do khó khăn về kinh tế. Có nghĩa là, khi chế độ động tới điều thiêng liêng nhất, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc thì người dân không còn có thể ngồi yên được nữa. Dự luật đặc khu hành chính – kinh tế và cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 vừa qua, có thể là một minh chứng cho nhận định đó.

I/ Căn nguyên của cuộc tổng biểu tình 10/6

Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 15/6/2018 xem xét và thông qua 8 dự luật. Trong đó có hai dự luật được người dân đặc biệt quan tâm, đó là dự luật Đơn vị Hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Dự luật Đặc khu) và dự luật An ninh mạng. Dư luận bắt đầu tìm hiểu và phân tích về dự luật Đặc khu và lên tiếng phản đối. Ban đầu người ta phản đối thời hạn cho thuê 99 năm trong Dự luật. Sau đó người dân phản đối việc cho người Trung Quốc thuê đất ở Đặc khu. Theo thời gian, các điều khoản của Dự luật cũng được tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ càng. Đồng thời, có một luồng dư luận về việc các quan chức cao cấp của đảng và nhà nước đã tập trung thu gom đất ở các đặc khu đó trước, để khi luật Đặc khu được thông qua sẽ bán cho người Trung Quốc với giá cao hơn nhiều lần, trục lợi.

Một dòng dư luận khác, không được tập trung và quyết liệt như dự luật Đặc khu, lên tiếng cảnh báo về dự luật An ninh mạng, về các điều khoản bịt miệng người dân trong dự luật. Người dân sục sôi trước hai dự luật, hẹn hò nhau xuống đường để phản đối. Nhà cầm quyền thấy sức nóng của nhân dân, đã ra quyết định lùi việc thông qua dự luật Đặc khu vào kỳ họp sau của Quốc Hội, đồng thời xem xét việc giảm thời hạn thuê đất từ 99 năm xuống còn 70 năm (ngày 08/6).

Nhưng ngày 10/6, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đăc khu và dự luật An ninh mạng. Có khoảng 10 tỉnh thành trong cả nước đã có người dân tham gia xuống đường biểu tình phản đối hai dự luật. Đó là Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, Vĩnh Long, Kiên Giang (Phú Quốc), Đắc Lắc… Cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 09/6 (công nhân công ty PouYuen Vietnam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn), tập trung cao nhất vào ngày 10/6, và kéo dài tới ngày 11/6 ở một số nơi. Ở Bình Thuận đã xảy ra xô xát giữa người dân và cảnh sát, đốt phá trụ sở công quyền, ô tô, xe máy…

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội đều có đưa ra chung một ý. Đó là dự luật Đặc khu đã lùi thời hạn thông qua, và xem xét giảm thời gian cho thuê đất từ 99 năm xuống còn 70 năm theo luật đất đai hiện hành, nhưng người dân vẫn xuống đường biểu tình. Điều đó chứng tỏ người dân biểu tình vì mục đích khác. Ý của hai vị này muốn nói, phản đối dự luật Đặc khu chỉ là cái cớ, chứ mục đích thật của người dân là phá rối, phá hoại…

Vậy căn nguyên của cuộc tổng biểu tình 10/6 là gì?…

(2)

Thứ nhất, với tất cả các kinh nghiệm của người dân sống trong lòng chế độ cộng sản, qua rất nhiều lần bị lừa dối, và chịu nhiều đau khổ, người dân đã có kết luận ngay cho mình, việc thông qua dự luật Đặc khu chính là hành vi bán nước. Dù văn bản Dự luật được soạn thảo như thế nào, câu chữ được che chắn ra sao, người dân không còn quan tâm nữa. Bởi vì, với cùng những văn bản kiểu như vậy, những địa điểm được người Trung Quốc thuê như Vũng Áng (Formosa), Bô xít Tây Nguyên, Nhiệt Điện Vĩnh Tân II, Dung Quất…vv… đã quá đủ để người dân thấu hiểu việc nhà cầm quyền cho Trung Quốc thuê đất là như thế nào, hậu quả ra sao.

Thời hạn 99 năm chỉ là một yếu tố, và không phải là yếu tố quan trọng nhất. Có rất nhiều người nói rằng, đối với Trung Quốc, một ngày cũng không cho thuê đất của Việt Nam. Những kẻ bưng bô cho chế độ nói rằng, trong dự luật không có chữ nào nói đến việc cho Trung Quốc thuê đất. Nhưng người Việt Nam đã quá hiểu cộng sản, không chấp nhận việc giải thích như vậy và họ đã đúng. Những thông tin được tìm hiểu sau này cho thấy những cuộc hội thảo, thảo luận giữa Trung Quốc và Việt Nam về việc xây dựng đặc khu đã diễn ra từ mấy năm trước.

Thông qua sự việc này, chúng ta có thể hiểu thêm rằng, thực ra người dân biết và hiểu rất rõ những chiêu trò, những sự bịp bợm của nhà cầm quyền trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động. Nhưng họ vẫn chịu đựng và chỉ đến khi có sự việc động chạm tới tình cảm thiêng liêng của mình, họ mới thực sự phản ứng, thể hiện thái độ. Một chi tiết thú vị là, trước cuộc tổng biểu tình 10/6, khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam đều bàn tán xôn xao việc nhà cầm quyền bán đất cho Trung Quốc, và họ xuống đường là để phản đối hành vi bán đất đó.

Thứ hai, lùi thời điểm thông qua Dự luật Đặc khu không có nghĩa là hủy Dự luật. Giảm thời gian cho thuê đất không có nghĩa là không cho người Trung Quốc thuê nữa. Mặt khác, người dân thừa biết nhà cầm quyền chỉ dùng kế hoãn binh, sau đó sẽ lại tìm cách để thông qua Dự luật, đạt mục đích của mình. Chính vì vậy cuộc tổng biểu tình đã nổ ra.

Thứ ba, phản đối Dự luật Đặc khu vừa là nguyên nhân, nhưng cũng là ngòi nổ. Bao nhiêu sự dồn nén của người dân trong nhiều năm qua đã tích tụ lại, việc đưa ra Dự luật Đặc khu đã chạm vào điều thiêng liêng nhất của người dân, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Khi cảm xúc thiêng liêng bùng nổ, cũng là lúc mà những dồn nén bao năm bùng nổ theo, và điều tất yếu đã xảy ra, người dân đồng loạt xuống đường để phản đối nhà cầm quyền.

II/ Những diễn biến chính của cuộc tổng biểu tình 10/6 và phản ứng, hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam.

1/ Những diễn biến chính của cuộc tổng biểu tình 10/6

Ngày 07/6/2018, tại thị trấn Phan Rí Cửa, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã có một cuộc diễu hành nhỏ, khoảng vài ba trăm người, vừa đi bộ vừa đi xe máy để phản đối Dự luật Đặc khu. Tiếp đến, ngày 09/6, hàng chục ngàn công nhân công ty PouYuen Vietnam thuộc khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn đã đình công phản đối Dự luật Đặc khu mà họ cho rằng đó là bán đất đai cho Trung Quốc.

Ngày 10/6, cuộc tổng biểu tình đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ở Hà Nội, chỉ có khảng mấy chục người diễu hành từ phố cổ, chưa ra tới trung tâm Bờ Hồ đã bị bắt. Một số người dân túc trực quanh Hồ Gươm nhưng do không thấy những gương mặt biểu tình quen thuộc, lại nhìn thấy lực lượng công an, an ninh quá hùng hậu nên đã không thể khởi phát biểu tình. Ở Nghệ An, hàng ngàn giáo dân thuộc giáo phận Vinh đã xuống đường. Cùng lúc đó là các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… Trong cuộc tổng biểu tình 10/6, có hai địa phương mà các cuộc biểu tình cần được trình bày đầy đủ, đó là Sài Gòn và Bình Thuận.

Cuộc biểu tình ở Sài Gòn đã huy động được hàng chục ngàn người xuống đường phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Ban đầu khi số lượng người tham gia còn ít, chưa tập hợp lại được, đã có sự đàn áp của công an, cảnh sát. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, lượng người tập trung quá đông, cảnh sát đã không thể đàn áp và ngăn chặn được cuộc biểu tình. Đã có hai đến ba địa điểm đoàn người biểu tình thành công, đi thành một khối người đông đảo, cảnh sát, an ninh và mật vụ đã không ngăn cản được đoàn người. Cuộc biểu tình ở Sài Gòn có những nơi đã kéo dài tới tận đêm khuya. Một khác biệt so với các lần biểu tình trước là người dân sử dụng cả phương tiện, tức là xe máy đi cùng với dòng người đi bộ.

Việc có một số người đi xe máy để thăm dò các tuyến đường tránh các lực lượng cảnh sát, công an tập trung đông đảo để giăng bẫy hoặc ngăn chặn, cắt xé đoàn biểu tình là một sáng kiến hay của người dân. Trong cuộc biểu tình lần này, ngoài việc lượng người tham gia đông đảo thì thành phần có đủ nam, phụ, lão, ấu. Điều này chứng tỏ sự đồng thuận của người dân trong cả gia đình, chứ không chỉ là những người trưởng thành, có trách nhiệm như những cuộc biểu tình trước đây. Có thể nói, cuộc tổng biểu tình ở Sài Gòn đã bùng phát và thành công bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của nhà cầm quyền và những người quan tâm.

Cuộc biểu tình ở Bình Thuận, leo thang thành cuộc xung đột giữa cảnh sát và người dân bắt đầu từ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cuộc biểu tình ban đầu là ôn hòa, nhưng cảnh sát đã dùng hơi cay, vòi rồng, đánh đập và bắt đi một số người dân. Những người biểu tình đã tấn công lại cảnh sát và kéo đi đòi người. Theo một số nguồn tin, người dân đã không đòi được người lại bị lực lượng cảnh sát cơ động đánh tiếp. Chính vì vậy bạo động đã bùng nổ khi một số đông người bị kích động. Những người biểu tình tức giận đập phá, đốt xe và các trụ sở công quyền của tình Bình Thuận ở thành phố Phan Thiết và thị trấn Phan Rí Cửa.

Có địa điểm, lực lượng cảnh sát cơ động sau mấy tiếng xung đột với người dân, thấy lực lượng chênh lệch, đã đầu hàng, cởi bỏ trang phục và được người dân phóng thích khỏi khu vực đang bị bao vậy. Cuộc biểu tình ở Bình Thuận kéo dài tới tận đêm khuya và sang ngày 11/6. Sau đó, lực lượng cảnh sát được tăng cường, người dân cũng đã giải tán. Bắt đầu một cuộc vây ráp, bắt bớ, tra tấn những người đã tham gia cuộc biểu tình biến thành bạo động ở Bình Thuận. Theo báo chí nhà nước, con số người bị bắt giữ ở Bình Thuận là trên 200 người, số người bị truy tố là gần 10 người…

(3)

2/ Phản ứng và hành xử của nhà cầm quyền trong và sau cuộc tổng biểu tình 10/6

Trong tất cả các cuộc biểu tình xảy ra dưới chế độ cộng sản Việt Nam, ngoại trừ một vài cuộc biểu tình chống Trung Quốc ban đầu được nhà cầm quyền Việt Nam bật đèn xanh, đều có một công thức chung để xử lý. Trước thời điểm các cuộc biểu tình diễn ra, an ninh đã ngăn chặn, canh nhà những người hoạt động dân chủ, những người hoạt động xã hội và những gương mặt thường tham gia vào các cuộc biểu tình. Sau đó, an ninh tung lực lượng đón sẵn ở những địa điểm được thông báo trong các lời kêu gọi biểu tình để bắt giữ nốt những người trong giới đấu tranh chưa bị canh giữ hoặc đã tự thoát khỏi nhà trước đó.

Nếu các cuộc biểu tình nổ ra, với số lượng người tham gia ít, an ninh sẽ ngay lập tức ra tay đàn áp, bắt giữ tất cả. Nếu cuộc biểu tình số lượng người lớn hơn số người của nhà cầm quyền (bao gồm công an, cảnh sát cơ động, an ninh, mật vụ, dân phòng và người của các đoàn thể được huy động), thì an ninh sẽ theo dõi và đánh tỉa những người cầm đầu, nổi trội. Trường hợp quá đông người biểu tình thì nhà cầm quyền không thể ngăn chặn nổi và đành quan sát, theo dõi cuộc diễu hành của người dân. Sau khi các cuộc biểu tình kết thúc, an ninh sẽ chắt lọc từ những camera, từ những clip quay được (số này rất nhiều vì an ninh bố trí người quay bằng điện thoại rất đông) về các đoàn biểu tình để tìm hiểu từng đối tượng, những người có biểu hiện nhiệt tình, chủ động, nổi trội hoặc chỉ đạo trong các cuộc biểu tình. Tất cả những người như vậy sẽ được đưa vào hồ sơ để nghiên cứu và tìm những đối sách thích hợp trong việc đàn áp hoặc cài cắm vào phong trào dân chủ.

Cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 vừa qua, khi người dân bắt đầu manh nha tập trung lại, tức là mới có ít người, nhà cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, bắt giữ và đánh đập người dân nhằm dập tắt cuộc biểu tình ngay từ đầu. Hàng loạt những hình ảnh công an, an ninh đánh đập người dân xuất hiện trên các video, trên mạng xã hội facebook. Nhưng khoảng gần 10 giờ, khi người dân tập hợp thành một khối, thì việc đàn áp đã giảm bớt và hầu như không xảy ra nữa. Do không ngăn cản và dập tắt được cuộc biểu tình ở Sài Gòn, nhà cầm quyền đã sử dụng vũ khí âm thanh, một loại vũ khí dùng cho việc tranh chấp trên biển để tấn công người dân biểu tình. Đây là hành vi vô nhân, cần lên án. Những diễn biến trên là tình hình tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang, Biên Hòa…

Ở Bình Thuận, cảnh sát đã dùng hơi cay, vòi rồng để giải tán đoàn biểu tình, rồi bắt giữ, đánh đập một số người. Người dân đã bùng nổ và ném đất đá chống lại cảnh sát cơ động. Khi ít người và yếu thế hơn, cảnh sát cơ động đã đầu hàng và xin người dân tha thứ. Nhưng khi được tăng cường lực lượng, việc đàn áp và trả thù dã man đã diễn ra ở Bình Thuận.

Trong và sau cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 vừa qua, nhà cầm quyền đã bắt giữ, đánh đập gần 1000 người ở tất cả các địa phương (Sài Gòn 310 người, Bình Thuận 208 người, Đồng Nai 52 người…), khởi tố và tạm giam gần 20 người. Đồng thời, vẫn kịch bản quen thuộc của nhà cầm quyền Việt Nam, họ đã rêu rao việc người dân đi biểu tình do sự xúi giục, kích động của kẻ xấu; đi biểu tình được nhận 300 nghìn đồng/ngày; người dân đóng giả công an để vu cho công an đàn áp… Điều đáng lên án nhất lại là một cuộc đàn áp khác xảy ra sau cuộc tổng biểu tình đúng một tuần, tức ngày 17/6. Ngày hôm đó, đã có các thông tin trên mạng xã hội kêu gọi người dân xuống đường tiếp tục cuôc biểu tình phản đối dư luật Đặc khu và luật An ninh mạng. Lần này thì nhà cầm quyền đã chuẩn bị một lực lượng chưa từng có để đối phó với cuộc biểu tình này. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã không nổ ra, chỉ có một số nhóm nhỏ, cá nhân chuẩn bị tinh thần xuống đường mà thôi. Cảnh sát, an ninh, mật vụ tràn ngập các địa điểm được kêu gọi tập trung biểu tình.

Đã có hơn 200 người bị bắt khi họ chưa hề thực hiện một động tác nào của việc biểu tình. Có người đang ngồi quán café, có người đang đi trên đường, có người đang đi xe máy… Trong số hơn 200 người bị bắt tập trung về công viên Tao Đàn, có khoảng 1/3, tức là hơn 70 người là những người dân thường, không biết gì, không liên quan gì đến đến biểu tình. Tất cả đều bị đối xử thô bạo, bị đánh đập, quát nạt, bị bắt mở mật khẩu điện thoại để kiểm tra facebook, tin nhắn. Những người có liên quan ít nhiều tới việc cổ vũ hoặc ủng hộ biểu tình đều bị đánh đập hết sức dã man. Đã có rất nhiều tường thuật của những người trong cuộc cho thấy sự dã man, tàn bạo, phi nhân của lực lượng công an, an ninh đàn áp biểu tình ngày 17/6. Điều đáng nói là việc biểu tình chưa diễn ra, và rất nhiều người không liên quan bị bắt. Việc đàn áp của nhà cầm quyền ngày 17/6 đã chứng tỏ sự hoảng loạn của lực lượng an ninh và sự trả thù man rợ, hèn hạ của họ cho việc người dân biểu tình thành công ngày 10/6 vừa qua…

(4 và hết)

III/ Vài điều cần lý giải và thông điệp của cuộc tổng biểu tình 10/6

Trong cuộc tổng biểu tình 10/6 vừa qua, có rất nhiều vấn đề và khía cạnh cần tìm hiểu để rút tỉa kinh nghiệm và lý giải sự vận động của thực tiễn. Nhưng có ba vấn đề lớn cần đặc biệt lưu tâm.

Một là, chúng ta có thể giải thích được số lượng người tham gia đông đảo vào cuộc biểu tình (hàng chục ngàn người) nhưng toàn bộ diễn biến cuộc biểu tình, từ việc tập hợp, phối hợp, diễu hành, đương đầu với cảnh sát tại sao người dân làm được trong khi không hề có một tổ chức, một sự điều phối chung, tổng thể nào? Nói cách khác, điều gì, cái gì đã điều khiển thành công một cuộc biểu tình trong khi không hề có tổ chức điều phối chung và người dân không hề được tập dượt? Chúng ta đều biết rằng, nhà cầm quyền đã phong tỏa hầu như toàn bộ những người hoạt động trong phong trào dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự cũng như những người thường xuyên tham gia biểu tình. Nếu như có hạt nhân và tổ chức lãnh đạo, điều khiển thì sẽ là những người trong số người bị phong tỏa đó. Như vậy, tuyệt đại bộ phận người tham gia cuộc tổng biểu tình là  những người dân thường.

Nếu như có nhóm nào đó, có sự bàn bạc trước với nhau, thì số lượng này cũng rất hạn chế, và họ chỉ có thể điều phối được trong nhóm của mình mà thôi. Nhưng toàn bộ cuộc tổng biểu tình ở Sài Gòn, hàng chục ngàn người tại mấy điểm nóng đều thành công, đó là một kỳ tích không thể lý giải nổi!!! Chính vì nghĩ rằng, những hạt nhân, những nhóm biểu tình thường xuyên, có kinh nghiệm đã bị phong tỏa thì các cuộc biểu tình không thể xảy ra, hoặc có xảy ra cũng như rắn mất đầu, không thể tập hợp và biểu tình thành công được, mà lực lượng an ninh, nhà cầm quyền đã vô cùng sửng sốt và hoang mang khi cuộc tổng biểu tình đã diễn ra thành công như vậy. Không chỉ an ninh và nhà cầm quyền, ngay cả những người quan sát, nghiên cứu tình hình Việt Nam cũng bị sốc khi cuộc tổng biểu tình với quy mô và sự thành công ngoài sức tưởng tượng này. Chỉ có thể giải thích được, hồn thiêng sông núi, một bàn tay vô hình, một lực lượng tâm linh đã dẫn dắt và điều phối chung cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 mà thôi.

Hai là, tại sao cuộc tổng biểu tình 10/6 đã nổ ra ở nhiều địa phương ở miền Nam, với số lượng lớn người tham gia mà Hà Nội và miền Bắc lại hầu như không nổ ra, ngoại trừ giáo phận Vinh của Nghệ An? Đây là câu hỏi nhức nhối nhưng vẫn phải đi tìm câu trả lời. Nói gì thì nói, người dân Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, có tinh thần vì nghĩa lớn hi sinh. Nguời dân miền Bắc cũng có tinh thần hi sinh vì nghĩa lớn, nhưng đôi lúc còn cân nhắc thiệt hơn. Quan trọng hơn, người dân miền Bắc có sự gắn bó hơn với hệ thống cầm quyền, theo nghĩa đen là gia đình nào cũng có những người đang trong guồng máy, hệ thống hiện hành dù nhiều dù ít. Người dân miền Bắc phần lớn chỉ coi nhà cầm quyền là sai lầm, thậm chí xấu xa nhưng không coi nhà cầm quyền hiện nay như một lực lượng chiếm đóng như người dân miền Nam. Chính vì ít nhiều có sự gắn bó và không coi nhà cầm quyền là lực lượng chiếm đóng nên khi chính phủ thông báo hoãn thời gian thông qua dự luật Đặc khu, người dân miền Bắc đã bị phân tâm, lưỡng lự. Cộng thêm việc một số người thuộc những nhóm biểu tình và thường phát động biểu tình công khai việc không đi biểu tình và khuyên người khác không nên đi biểu tình mà Hà Nội hầu như không thể khởi phát được cuộc biểu tình. Có người đã nói rằng, đã có rất đông người dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ chờ cuộc biểu tình khởi phát của những gương mặt quen thuộc là tham gia, nhập cuộc. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Việc không xảy ra biểu tình ngày 10/6 vừa qua ở Hà Nội và miền Bắc chưa chắc đã là điều đáng mừng đối với nhà cầm quyền. Bởi vì điều đó chỉ thể hiện rằng, người dân miền Bắc có sức chịu đựng cao hơn người dân miền Nam. Đồng nghĩa với việc, sức nén càng cao thì sức bật càng khủng khiếp.

Ba là, chúng ta tham gia vào phong trào dân chủ, trong một chế độ độc tài toàn trị, dùng mọi nguồn lực và thủ đoạn để ngăn chặn sự phát triển và ảnh hưởng của phong trào. Nếu chỉ nhìn vào những tính toán tương quan lực lượng đơn thuần, chúng ta không có một hi vọng nào để có thể xóa bỏ chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay. Nhưng thông qua cuộc biểu tình ngày 01/5/2016, và nhất là cuộc tổng biểu tình 10/6 vừa qua, chúng ta đã nhận được thông điệp vô cùng quan trọng mà hồn thiêng sông núi đã gửi gắm. Hãy tiếp tục công việc của chúng ta một cách bền bỉ, kết quả sẽ đến trong một tương lai không xa và có thể hoàn toàn bất ngờ.

Cuộc tổng biểu tình 10/6 vừa qua cũng gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam một thông điệp vô cùng nghiêm khắc và rõ ràng. Không có một chế độ phi nhân nào (dù có cả vũ khí nguyên tử) có thể ngăn cản được sức mạnh của hồn thiêng sông núi, của sự vận hành các lực lượng tâm linh khi mà chu kỳ tồn tại của chế độ cộng sản đã thực sự kết thúc. Với một lực lượng hùng hậu, phong tỏa hầu như toàn bộ phong trào dân chủ, mà một cuộc tổng biểu tình với lượng người tham gia cực lớn, lại diễn ra bất ngờ và thành công như vậy thì không điều gì là không thể xảy ra. Hãy dừng lại và trao trả quyền con người cho nhân dân, dân chủ cho đất nước khi còn có thể./.

     (hết)

Hà Nội, ngày 26/6/2018

N.V.B

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. Cong san du biet la nguoi dan rat yeu nuoc ,cam ghet cong san va khinh bi Trung cong..Cho nen dang co gang dan ap ,canh me khong cho nguoi dan xuong duong de bay to thai do chong doi viec ban nuoc cho ke thu …Tui no se lam duoc bao lau va se khong bao gio thay doi duoc quan duem cua nguoi dan doi voi Tau cong

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here