Thẩm phán vu khống luật sư ngay tại phiên xét xử?

Thẩm phán Bùi Quang Sơn
- Quảng Cáo -
Trần Thành – Trúc Giang (VNTB) Với lý do luật sư đã ‘vỗ bàn’ khi tranh tụng nên thẩm phán – chủ tọa phiên tòa đã ‘đuổi’ và cấm không cho luật sư này tiếp tục bào chữa trong vụ án diễn ra từ ngày 26-6 đến 3-7-2018.
***
Phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp (!?)
Ngày 26-6-2018, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đã mở phiên xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Hữu Kiển về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án tỉnh Bến Tre thông báo là phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử” được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật tố tụng hiện hành.
Thẩm phán Bùi Quang Sơn

Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Bùi Quang Sơn nói với báo chí rằng: “Đây là lần đầu tiên tại Bến Tre mở phiên tòa xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Vụ án có nhiều tình tiết khá rắc rối, người phạm tội lại là luật sư. Quan điểm của chúng tôi là đảm bảo tính khách quan, công khai, dân chủ, đúng người, đúng tội. Riêng bản thân tôi không bị sức ép từ bất kỳ phía nào”.

Ông Bùi Quang Sơn hiện là phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre.
Cáo trạng cho biết bị cáo Trần Hữu Kiển, sinh năm 1981 là Trưởng Văn phòng luật Bến Tre có trụ sở tại phường 2, TP. Bến Tre, bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bến Tre truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Trần Hữu Kiển, nguyên Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư BT- Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. Ảnh: H.Đức
Theo Cáo trạng số 01/CT-VKS-P3 ngày 11-5-2018 của VKSND tỉnh Bến Tre, bà Trương Thị Thu Thủy, sinh năm 1957, ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, là một trong những người đồng thừa kế di sản trị giá 6 tỷ đồng tại TP.HCM, theo Bản án phúc thẩm số 122 ngày 11-4-2013 của TAND tối cao tại TP.HCM. Ngày 18-4-2014, bà Thủy có ký Hợp đồng dịch vụ số 268 với luật sư (LS) Trần Hữu Kiển, ủy quyền cho LS Kiển tham gia thương lượng và nhận tiền thừa kế. LS Kiển trực tiếp thương lượng với ông Trần Quang Thuần, người đại diện theo ủy quyền của gia đình ông Nguyễn Thơ (người được chia số tiền thừa kế theo Bản án phúc thẩm số 122 của TAND tối cao).
Sau khi đã thương lượng xong, ngày 29-12-2014, LS Kiển đã nhận số tiền 1,394 tỷ đồng của bà Thủy được hưởng thừa kế rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng do mình đứng tên. Tuy nhiên, LS Kiển không giao tiền cho bà Thủy theo như hợp đồng đã ký và dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền của bà Thủy là 1 tỷ đồng.
Đại diện VKSND tỉnh Bến Tre đề nghị hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Kiển từ 13 – 15 năm tù. Đồng thời, bị cáo có trách nhiệm phải hoàn trả lại cho bị hại Thủy số tiền 1 tỷ đồng và lãi suất theo quy định với thời gian 39 tháng (khoảng 230 triệu đồng).
Vụ án có bốn LS tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra: LS Vũ Phi Long (cựu Thẩm phán, Phó chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM); LS Đồng Hữu Pháp (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế) và hai LS Đỗ Thị Hoàng Yến, Đàm Thị Thùy Trang (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Kiển kêu oan từ khi bị khởi tố bắt giam.
Chiều ngày 26-6, khi LS Đồng Hữu Pháp tham gia phần thẩm vấn tại phiên tòa thì bị Chủ tọa, Thẩm phán Bùi Quang Sơn ra lệnh cho Cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ phiên tòa áp giải LS Đồng Hữu Pháp ra khỏi phòng xử án vì vị chủ tọa cho rằng: “Luật sư Đồng Hữu Pháp có hành vi vỗ bàn khi thẩm vấn”. Qua các ngày sau đó, Thẩm phán Bùi Quang Sơn vẫn không chấp nhận cho LS Đồng Hữu Pháp tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Kiển.
LS Đồng Hữu Pháp tại Bến Tre. Ảnh: nhân vật cung cấp
Thế nào là ‘vỗ bàn’?
Bài ghi nhận này tạm không luận bàn đến quan điểm bào chữa cùng những cáo buộc từ phía giữ quyền công tố. Vấn đề muốn đặt ra ở đây là khi nào luật sư bị tước quyền bào chữa trong một phiên tòa đang diễn ra?
Chiều 26-6, LS Đồng Hữu Pháp đã bị Chủ tọa phiên tòa “mời” ra khỏi phòng xử án, không cho tiếp tục tham gia phiên tòa. Sau đó, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa đã yêu cầu luật sư Pháp rời bàn làm việc, ra khỏi phòng xử án. Lý do, chủ tọa cho rằng LS đã vi phạm nội quy phòng xử án là đã ‘vỗ bàn’ khi đang xét hỏi. Sáng hôm sau 27-6, LS Đỗ Thị Hoàng Yến đã đề nghị Hội đồng xét xử cho LS Pháp trở lại phiên tòa để tham gia phần tranh luận bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, lời đề nghị này của LS Yến đã không được chủ tọa phiên tòa chấp nhận, với lý do LS Pháp đã vi phạm nội quy phiên tòa là ‘vỗ bàn’ trong khi đang xét hỏi và đã bị tòa không cho tiếp tục tham gia phiên tòa.
Sở dĩ phải đặt câu hỏi đặt ra: thế nào là ‘vỗ bàn’, vì LS Đồng Hữu Pháp nói rằng ông không có hành vi đó trong quá trình thực hiện quyền bào chữa. LS Pháp đã yêu cầu trích xuất camera để chứng minh sự vô lý ở cáo buộc của Chủ tọa phiên tòa, tuy nhiên đề nghị này của LS Đồng Hữu Pháp không được sự đồng ý của Thẩm phán Bùi Quang Sơn.
“Khi bị buộc khỏi phòng xử án, Kiểm sát viên hoạt động chấp hành pháp luật và giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng không có ý kiến gì, Chủ tọa cũng không lập biên bản về sự việc này. Hôm sau Chủ tọa cũng không ban hành thông báo hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo khoản 7, Điều 78 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015”, LS Đồng Hữu Pháp cho biết.
Theo LS Phạm Công Hùng (cựu thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Đoàn LS TP.HCM), thông thường khi diễn đạt ngoài lời nói, thì người hùng biện còn sử dụng thêm “ngôn ngữ cơ thể” của mình để làm cho người nghe dễ hiểu hơn và thuyết phục hơn. Và cái “vỗ bàn” nhẹ nhàng nếu có của luật sư khi tranh tụng, là biểu hiện sự nhấn mạnh về một vấn đề quan trọng nào đó trong bài bào chữa. Sở dĩ gọi là ‘nếu có’, vì ngay cả vị LS ngồi bên cạnh LS Đồng Hữu Pháp khi ấy cũng không cảm nhận được thì đó chỉ là sự diễn đạt ngôn ngữ cơ thể, chứ không phải là hành vi vi phạm nội quy phiên toà.
Vì vậy, theo LS Hùng, LS Pháp không vi phạm nội quy phiên toà, việc chủ tọa buộc LS rời khỏi phòng xử án là sai. Và nghiêm trọng hơn khi chủ toạ sử dụng lực lượng cảnh sát để cưỡng chế đưa LS đang trên bục tranh tụng ra khỏi phòng xử án là rất phản cảm, vì vị LS đó không hề có thái độ chống đối đến mức phải cưỡng chế.
Ngoài ra, xét về tính khách quan thì trong trường hợp này Chủ tọa phiên tòa cần có chứng cứ cụ thể bằng cách trích xuất camera trong phòng xét xử, hoặc phải có người làm chứng, chứng kiến (đối với hành vi vi phạm nội quy một cách rõ ràng). Và đặc biệt, hành vi vi phạm nội quy phải được lập biên bản với chữ ký xác nhận của Chủ tọa, người vi phạm và người làm chứng, như vậy mới đảm bảo tính khách quan, trung thực, tôn trong pháp luật và chỉ giải quyết theo đúng trình tự pháp luật mà Bộ Luật Tố tụng hình sự đã cụ thể hóa.
Việc chủ tọa “truất quyền bào chữa” của luật sư trong giai đoạn thẩm vấn, tranh luật mà không có biên bản vi phạm, không có thông báo bằng văn bản theo quy định tại Điều 72, 78 Bộ Luật Tố tụng hình sự cho thấy chủ tọa đã vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, cản trở đối với quyển bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của luật sư và bị cáo.
Nhắc lại, như thông báo trước đó, đây là vụ án mà tỉnh Bến Tre cho biết là phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử” được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật tố tụng hiện hành.
Tiền lệ xấu trong việc tham gia tố tụng tại phiên tòa của luật sư, cũng như uy tín của giới luật sư cả nước nói chung đã được bắt đầu từ Bến Tre, quê hương của bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here