Người nô lệ da vàng

- Quảng Cáo -

Bình An

Hắn ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc phả từng ngụm khói đặc quánh, mắt nhìn về một cõi xa xăm. Thỉnh thoảng hắn gãi xoa cái chân cụt tới gối như nuối tiếc lắm.

Quay lại 45 năm trước, hắn là một thanh niên mới lớn, 14 tuổi đầu phải bỏ làng quê lên đường nhập ngũ đi lính để “giải phóng” miền Nam khỏi “ách nô lệ Mỹ-Ngụy”. Lúc đó, hắn hề chưa phân biệt tờ giấy và sắt thép là như thế nào, chỉ biết ngồi nghe gã chính trị viên huyên thuyên như gã là một nhà bác học lỗi lạc mà sau này hắn mới biết gã chẳng hơn cái trí tuệ hắn là bao. Sau vài tháng học quân sự vội vã, hắn và những đứa trẻ khác khoác ba lô, súng lên đường làm “nhiệm vụ cao cả”.

Cuộc đời quân ngũ của hắn chẳng kéo dài được bao lâu khi hắn và đồng đội giáp mặt với một trận đấu ác liệt, hắn và đám tân binh đi đầu hứng đạn và bom lần lượt nằm lại trên chiến trường, hắn được đưa về hậu cứ với tấm thân rũ rượi, cụt mất một chân, để chữa trị.

- Quảng Cáo -

Khi nằm ở bệnh viện, hắn được biết nhiều chuyện hơn, hắn dần dần hiểu rõ hơn cuộc chiến ý thức hệ này nhưng…hắn vẫn tự hào cho bản thân đã cống hiến một phần thân thể cho đất nước…

Sau năm 1975, khi đã “giải phóng” được miền Nam, hắn được cấp cho một mảnh đất, một cái bằng “Tổ quốc ghi công”. Hắn rất hãnh diện, treo một nơi trang trọng nhất để cho mọi người chiêm ngưỡng, tất nhiên chẳng thiếu được ảnh ông Hồ chí Minh mà hắn đặt trên cao hơn cả bố mẹ hắn nơi bàn thờ. Cuộc đời hắn có lẽ sẽ an nhàn hơn nếu như không có chuyện lũ quan quyền chưa biết mùi súng đạn là gì tranh nhau cướp đất của dân mà trong đó cũng có cả một phần đất mà hắn đã được cấp để an hưởng tuổi già.

Nhiều lần, hắn đã đi khiếu kiện khắp nơi, khi thì ôm cái bằng ghi công, lúc thì ôm ảnh ông Hồ mà chẳng có thằng quan chức nào quan tâm. Giả như hắn lành lặn thì chả nói làm gì, với cái chân còn lại, hắn không thể đối đầu với đám trẻ ranh mặt mũi bặm trợn, đầu gấu mà lũ quan chức ăn hại thuê về đàn áp dân mà chính hắn cũng đã từng bị chúng cho ăn dùi cui, đấm đá vài ba lần. Hắn bất lực trước lũ cường quyền bá đạo địa phương, hắn thầm ước giá như hắn không cụt chân, giả như đây là trong thời chiến, thì hắn sẽ cho lũ óc trâu này một bài học nhớ đời dù hậu quả có như thế nào…

Sau nhiều năm vác đơn kiện khắp nơi, hắn vô vọng nhìn đám đất của hắn bị ăn mòn quá nửa. Và trong bao nhiêu năm đó, hắn cũng được nghe nhiều, biết nhiều hơn về cái chế độ thổ tả này. Những gì hắn được nhồi sọ khi trước đều ngược lại những gì mà cái đảng của hắn rêu rao, lừa bịp về cái sự “no ấm”. Miếng bánh vẽ mà hắn phải gặm nhấm qua bao nhiêu năm nay đã làm hắn sáng mắt, sáng lòng. Càng tìm hiểu hắn càng căm hận trong lòng, hắn hối hận vì đã không trốn vào Nam sinh sống như những người cùng quê, nếu thế có lẽ cuộc đời hắn đâu có tàn tạ như vậy với một niềm tin đầy ảo tưởng vì bị lừa bịp. Nào là thuế má, nào là nợ công… những khoản tham nhũng của lũ quan lại từ thấp đến cao mà chính thân xác hắn đã què cụt mà vẫn không được miễn trừ đóng góp.

Nhìn chúng xây biệt phủ trên phần đất mà chúng âm mưu cướp được mà hắn cảm thấy xót xa cho những người đồng cảnh với hắn. Một phần chúng dành riêng những khu đất vàng cho giòng họ, một phần chúng bán cho bọn tàu cộng để chúng đem bao nhiêu tai họa đến cho bà con, dân tộc hắn. Hắn nuối tiếc vì đã cầm súng chống lại đồng bào mình để bây giờ giặc Tàu âm mưu cướp lại những gì mà hắn đã xả thân vì quê hương. Hắn cay đắng nhận ra rằng, rồi đây người dân An Nam sẽ phải nô lệ giặc Tàu thêm một lần nữa bởi chính sách ngu, hèn của lũ bán nước.

Hắn vất điếu thuốc, chống nạng đi xiêu vẹo lò dò đến nhìn cái bằng ghi công. Hắn đứng nhìn thật lâu như thể tiếc nuối rồi cầm cái nạng hất cho nó rơi xuống đất làm mặt kính mỏng trên cái bằng ấy vỡ từng mảnh. Hắn ngồi xuống gỡ những mảnh vỡ ấy và lôi cái bằng mỏng tanh ấy ra, bật máy quẹt và đốt tấm bằng đó, hắn bỗng bật cười như nắc nẻ và nhủ rằng, sau tràng cười là những giọt nước mắt của dân Việt sẽ làm nô lệ cho ngoại bang, cho dù dân tộc này có hàng triệu tấm bằng này đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng giúp gì cho tổ quốc được.

Ngày 26/7/2018

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here