Chữ nghĩa một thời: Thằng Kên và cán binh Tuân

Người Việt tỏ lòng kính trọng McCain tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và tại đài tưởng niệm được xây dựng, nơi ông bị bắt làm tù binh – nguồn news.immitate.com
- Quảng Cáo -
 
Khi Thượng Nghị sĩ John McCain qua đời, có hai văn bản được những người Việt quan tâm đem ra đọc lại. Một, tùy bút “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” của Nguyễn Tuân; và hai, hồi ký của John McCain về năm năm rưỡi là tù binh chiến tranh tại Hỏa Lò, Hà Nội. Tùy bút của Nguyễn Tuân viết cuối năm 1967, đăng lần đầu trong tuần báo Văn nghệ số 250 ra ngày 25/2/1968, sau đó in trong tập tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, do Hội Nhà văn Hà Nội xuất bản cuối năm 1972, một số trích đoạn gần đây được đăng lại trên báo chí trong nước. Hồi ký của John McCain đăng trên tuần tin US News & World Report ngày 14/5/1973bản dịch tiếng Việt được phổ biến trên báo chí hải ngoại.
Tùy bút của Nguyễn Tuân
Tác phẩm này nằm trong loạt ký sự gồm những bài tương tự về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ của Hà Nội trong chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam. Nếu không phải là McCain – tức “thằng quan tư Mích Kên” theo cách gọi của Nguyễn Tuân – người sau này thành một chính khách Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn và từ vị trí đó tác động nhiều mặt đến quan hệ Việt-Mỹ, mà là “thằng quan ba Nin Giôn tội phạm”, “thằng tù quan hai Cờ Lác” hay những thằng “giặc bay”, “giặc lái” khác mà nhà văn danh tiếng đều phỏng vấn, thì tùy bút “Đèn điện” chắc chắn không được đặc biệt chú ý.
Nó không phải là một ngoại lệ, càng không phải một bài viết bất đắc dĩ, viết theo lệnh tuyên huấn, khom lưng luồn háng vì hèn vì sợ hay vì miếng cơm manh áo gì đó, như người đời sau sẵn lòng phỏng đoán để thông cảm hay chê bai tùy góc nhìn. Ở tất cả các bài khác và không chỉ trong loạt ký sự này, tác giả của Chùa Đàn huyền thoại đều hăng say chống Mỹ, đều bừng bừng khí thế nhằm thẳng đầu thù mà bắn, đều dạt dào tin tưởng vào sức mạnh tất thắng của cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”. Trong dàn anh hùng ca chống Mỹ của “toàn dân tộc” – trừ những người bị cách ly khỏi cũng dân tộc ấy – Nguyễn Tuân không xung phong lĩnh xướng, nhưng cống hiến một giọng rất riêng: giọng cụ Nguyễn.
Bây giờ, khi loạt tác phẩm này của cụ rõ ràng đã hết hạn sử dụng, mùi đặc trưng của giọng văn ấy vẫn còn đó, giọng văn từng khiến nhiều thế hệ độc giả và đồng nghiệp mê mệt hay thậm chí khiếp phục. Chỉ khác với trước 1945: thay vì tung hoành trong một chủ nghĩa duy mỹ cá nhân khinh bạc đậm màu hoài cổ, Nguyễn Tuân từ thuở “lột xác”, đi tìm “những định thức để rung động cho đúng nhịp với đời sống cao rộng” đã sốt sắng trút tất cả tài hoa ở độ chín muồi của mình vào một mỹ học của “xây đập, mở đường xã hội chủ nghĩa” và của “hoa nở trên đầu súng, nhạc reo trong lửa đốt đồn” hướng về tương lai.
Ông cũng bàn giao tất cả các ngón sở trường của một lãng tử phiêu du văn hóa bằng tiền túi tự xưng Nguyễn thuở trước cho một văn công miệt mài đi thực tế bằng ngân sách nhà nước tự xưng “đồng chí Tuân” sau này. Như chàng Nguyễn trong cảm hứng trữ tình của một cái Tôi tinh hoa sang chảnh, đồng chí Tuân cũng lên đồng, cũng đê mê, phởn chí, đầy ngông nghênh trong cảm hứng sử thi của một cái Ta đại chúng kiêu hãnh. Thậm chí đầy hưởng thụ. Hưởng thụ sự hả hê khi hạ nhục một tù binh bị thương nặng và đem “cả lò nhà mày, cả họ nhà mày” ra rỉa rói rồi bồi thêm lời rủa tuyệt tự. Hưởng thụ sự đắc chí khi bố thí lòng nhân đạo bằng cách “cắm một điếu thuốc Điện Biên vào mồm thằng giặc”. Cắm thuốc, rồi “bật diêm châm vào mặt nó”, rồi “đặt cái gạt tàn thuốc lá lên ngực nó đầy lông rậm dầy như cái ức một con thú dữ”. Bốn lần cắm thuốc, khi ra về “không quên vứt lên ngực thằng giặc bay Kên cả chỗ thuốc lá còn lại”. Hưởng thụ cả cái sáng kiến bất ngờ khi kết thúc bài viết bằng ẩn dụ Sở thú: “Qua một buổi mơ chưa cất cơn trước Sở thú Hà Nội, tôi như thấy hầu hết phi công Hoa Kỳ đang gau gáu xì xụp ngay trong một dãy nhà sắt mà người ta chỉ dành riêng cho những con vật dữ nhất. Tất thảy phi công tù Hoa Kỳ, kể cả mấy thằng đánh trộm nhà máy điện đèn ta bắt sống trên hồ Trúc, tất cả chúng nó tôi đều muốn cho chuyển hết vào Sở thú Hà Nội. Thằng Pi Tơ, thằng Đơ Vít, rồi En Tơ Ni, Ri Sa, Ơ Lơ, Ê Lân, rồi Mích, Sác, Giôn, Gim, vân vân, tất cả những con thú ấy, nay nên đưa chúng vào cái ‘Khách sạn Hin Tơn Bách thú’ này này.”
Đại Tá Tôn Tuấn, tùy viên quân sự Tòa đại sứ Mỹ, chào tiễn đưa John McCain tại tượng đài kỷ niệm ông bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội.
Nguyễn Tuân đã theo sát tinh thần của thời đại ông tới mức không vượt lên trước một ly nào. Bây giờ, với độ lùi hay bước tiến của 50 năm, trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi, nhất là khi “thằng Kên” thuở ấy vừa ra đi như một anh hùng, một biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp nhất của một nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc, đồng thời như hiện thân của nỗ lực hàn gắn quá khứ Việt-Mỹ đau thương, bài “Đèn điện” dĩ nhiên gây sốc. Nhưng cú sốc đó là dấu hiệu tốt, dấu hiệu của một ngôn ngữ đã tỉnh lại sau một cơn say dài đẫm máu.
Nguyễn Tuân không phải là nhà văn đầu tiên và cuối cùng, ở phía nào của cuộc chiến nào cũng vậy, hân hoan vung bút cho phép tu từ khủng khiếp của chiến tranh. Những tên tuổi lừng lẫy hơn nhiều trên văn đàn thế giới cũng từng như vậy, tới mức Karl Kraus – nhà văn Áo, thuộc một thiểu số những trí thức hoài nghi chiến tranh như Franz Kafka và Albert Einstein – kinh hãi trước sự tham chiến hùng hổ trên mặt giấy của các đồng nghiệp trong Thế chiến I, phải ước ao khi hòa bình lập lại sẽ dồn hết đám văn sĩ say chiến đó vào một chỗ, rồi mời thương phế binh của cuộc chiến đến nện cho một trận nhừ tử.
Song một ngôn ngữ vừa tỉnh cơn mê sảng này hoàn toàn có thể rơi ngay vào một cơn mê sảng khác. Tu từ chiến tranh lại chưa bao giờ thôi tiềm ẩn trong tư duy và ngôn ngữ của người Việt, dân tộc dường như vẫn tự định vị không phải bằng thành tựu mà bằng chiến thắng hay khát khao chiến thắng.
Hồi ký của John McCain
Nổi tiếng là một diều hâu can đảm và nhiệt thành phụng sự lý tưởng chống độc tài, bảo vệ thế giới tự do, trong Chiến tranh Lạnh ông McCain là người kiên định chống cộng. Tất nhiên ông căm thù những giám ngục đã hành hạ ông và các tù binh Mỹ khác ở Hỏa Lò, điều đó ông còn nhắc lại trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, khi ông lại dùng từ gook – mọi vàng, chỉ người châu Á, tương đương với nigger, mọi đen, chỉ người da đen – như trong hồi ký Hỏa Lò. Trong văn bản này, tròn hai tháng sau ngày được trao trả về Mỹ, không có gì đáng ngạc nhiên là cựu tù binh McCain giữ quan điểm cứng rắn chống Hà Nội, phê phán phong trào phản chiến ở Mỹ và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với Tổng thống Nixon dù ông này đang vướng vào vụ Watergate. Đoạn hồi ức của McCain thở ra mùi máu lửa chiến trường và mùi chiến tuyến ý thức hệ. Song dù như vậy và bất chấp từ gook xuất hiện 12 lần, nó là một văn bản tiếng Anh với hệ thống đại từ nhân xưng trung lập mà bản tiếng Việt đã diễn giải bằng hệ thống đại từ nhân xưng đầy chủ quan của mình.
Rất có thể, nếu được dùng tiếng Việt, như Nguyễn Tuân đã dùng, viên quản giáo bị tù binh tặng biệt hiệu Con Rệp sẽ bảo “thằng Kên” rằng, “Cha mày là một đô đốc gộc. Bây giờ bọn tao sẽ đưa mày đến bịnh viện”, đúng như trong bản dịch. Nhưng ông ta nói tiếng Anh, và lời tường thuật cũng bằng tiếng Anh không có vẻ gì là “mày-tao” của McCain như sau: “Your father is a big admiral; now we take you to the hospital”. Rất có thể, nếu dịch câu này thành: “Cha anh là một đô đốc cao cấp; bây giờ chúng tôi sẽ đưa anh vào bệnh viện”, thì chân dung Con Rệp trong tiếng Việt sẽ đổi khác. Một kẻ hành hạ tinh thần biết nói tiếng Anh mà thô lỗ hạ cấp, hay cũng kẻ đó mà nham hiểm lịch thiệp thì đáng sợ hơn?
Tôi không biết chân dung nào trong tiếng Việt thì đúng với bản gốc và đúng với sự thực hơn. Đại từ nhân xưng luôn là một thách thức hầu như không thể vượt qua trong dịch thuật, và phần lớn các tác phẩm dịch văn học nước ngoài đều phải khoác một bản sắc ông-bà-anh-chị-em-chú-bác, chàng-nàng và cả đồng chí không thể tránh của tiếng Việt, song tôi quả thật đã khó ở với những “mày-tao” như trên, những “hắn”, những “gã” dịch từ he, những “chúng, bọn chúng” dịch từ they, những “tên lính canh” dịch từ the guard, những “tay cộng sản” dịch từ a communist… và đặc biệt, với “cán binh Bắc Việt” dịch từ North Vietnamese.
Cả hai, “cán binh” và “Bắc Việt” đều thuộc từ vựng của phía nam vĩ tuyến 17 trước kia và của cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại sau này. Tuy không hàm nghĩa mạt sát như “ngụy quân, ngụy quyền” của phía bên kia, nhưng “cán binh” cũng vạch một chiến tuyến rõ rệt. Như nhiều người miền Bắc khi ra sống ở nước ngoài, một thời gian dài nếu không được thân ái tặng danh hiệu “cộng cái”, tôi cũng bị những người Việt chống cộng cực đoan ở hải ngoại gọi là “nữ cán binh”. Chỉ thiếu pha chiêu hồi là tôi sẽ rơi ngon lành vào bối cảnh của cuộc chiến hơn bốn mươi năm trước.
Người trực tiếp trải qua những kinh nghiệm ác nghiệt nhất của cuộc chiến ấy, cố Thượng Nghị sĩ John McCain, đã làm rất nhiều để vượt qua làn ranh chiến tuyến; trong khi chúng ta, ở cả hai phía, còn chưa tính đến việc thu dọn những trầm tích của nó trong ngôn ngữ. Một ngôn ngữ mà chúng ta không thể chia cắt và canh gác giới tuyến, một ngôn ngữ mà khả năng hàn gắn chắc chắn mạnh mẽ hơn khả năng phân ly. Tôi mong có một bản dịch mới cho hồi ký Hỏa Lò của McCain. Vì “thằng Kên” và “cán binh” Tuân vĩnh viễn thuộc về quá khứ, là chuyện của chữ nghĩa một thời, dù một thời vang bóng.
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here