Vì sao Tổng Trọng chọn gặp Putin và Orbán?

- Quảng Cáo -
Đây là lần thứ hai ông Tổng đi Tây trong năm nay.
Hồi tháng 3 ông Tổng đã đến Pháp theo lời mời của Tổng Thống Pháp Macron. Hà Nội đã bỏ tiền tỷ ra tbao hẳn hai trang quảng cáo trên báo Le Monde để có bài ngợi ca ông để lăng xê cho chuyến đi này. Tuy được cho là đi theo lời mời của Macron, nhưng việc đón tiếp ông Tổng bí thư độc đảng cầm quyền tại Việt Nam lai diễn ra hết sức lạnh nhạt. Chuyến đi của ông Tổng có mục đích không gì khác hơn là vận động Pháp ủng hộ thúc đẩy hiệp định thương mại song phương Việt Nam EU (EVFTA) sớm được thông qua và có hiệu lực.
Tuy nhiên để có thể xúc tiến được việc này, Việt Nam cần phải tuân thủ Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA): yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức và rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người. Việt Nam có thể ráng để phê chuẩn các hiệp ước về lao động nhưng hồ sơ nhân quyền thì lại trở nên ngày càng tồi tệ dù Hà Nội vẫn lên tiếng chỉ trích phương Tây không đánh giá đúng thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Chuyến đi của ông Tổng đã được truyền thông nhà nước giữ kín cho đến tận những ngày cuối và điểm đến lần này là Nga – một quốc gia đã từng có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam trong thời chính quyền cộng sản còn nắm quyền ở Liên Bang Sô Viết và một quốc gia không liên quan gì đến việc vận động Quốc Hội Châu Âu phê chuẩn EVFTA vào năm tới.
Sau đó phái đoàn của ông Trọng sẽ tiếp tục đến Hungary- một thành viên trong khối EU – theo lời mời của thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Hồi cuối tháng 5 rồi, trong chuyến công du của ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, báo chí Việt Nam mô tả “lãnh đạo Hungary đã cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc sớm ký chính thức, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ EVFTA”. Chuyến đi đến Budapest này của ông Tổng cũng không ngoài mục đích vận động Hungary lên tiếng ủng hộ Hà Nội vào EVFTA như đã hứa. Thế nhưng Hungary không phải là một quốc gia có tiếng nói nặng ký ở Liên Âu như Đức hay là Pháp.
Vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh đã làm cho Việt Nam trong mắt các quốc gia Âu Châu trở thành một quốc gia không tôn trọng luật pháp và đã gây ra sứt mẻ ngoại giao không chỉ với một mà đến cả bốn quốc gia trong Liên Âu. Trong đó Đức đã chấm dứt quan hệ chiến lược với Việt Nam, Slovakia vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ mới tại Việt Nam, Cộng Hoà Séc ngừng cấp thị thực cho lao động Việt Nam và Cộng Hoà Pháp đáp lễ bằng buổi đón tiếp ông Trọng một cách thờ ơ hồi tháng 3 rồi.
Chưa dừng ở đó, cuộc khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh giờ đã lan sang đến Ba Lan khi Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng dính dáng đến việc cấp phép cho chuyến bay của phái đoàn Việt nam trên chuyên cơ của Slovakia được bay qua không phận Ba Lan để vào Nga.
Nước Đức đã đặt ra nghi vấn Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Vietnam Airlines tiếp tay cho Tô Lâm áp tải Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam sau khi bị bắt cóc ở Đức nhưng chưa có thông tin gì thêm về việc điều tra đã lan đến Nga. Còn Hungary thì không dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thế cho nên lần này ông Tổng chọn nước đi an toàn.
Một điều chắc chắn là trong chuyến công du đến Nga và cả Hungary lần này ông Trọng sẽ yên ổn vì không gặp cảnh người Việt hải ngoại biểu tình phản đối người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt nam như khi các phái đoàn chính phủ cao cấp Việt Nam gặp phải như cơm bữa mỗi lần đặt chân đến các quốc gia Âu Châu, Mỹ, Úc.
Thêm vào đó, ông Tổng sẽ không phải đối mặt với việc Putin hay Orbán hối thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền, tự do báo chí và nhà nước pháp quyền vốn là những vấn đề luôn được các chính khách cấp cao ở các quốc gia dân chủ phương Tây nhắc đến trong các cuộc hội đàm với Hà Nội làm cho các chính khách Việt Nam phải ráng gượng cười.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Hãng thống tấn Nga TASS về chuyến thăm cũng như quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga, ông Tổng đã ca ngợi thành tựu của Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu khi kim ngạch thương mai tăng lên 30% chỉ sau một năm ký kết từ tháng 10 năm 2016 và bày tỏ mong muốn tăng cường phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này. Thật mỉa mai, thoả thuận thương mại này lại do chính cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt bút ký vào năm 2015.
Chuyến đi này, có lẽ sẽ đạt được các hợp đồng kinh tế như kỳ vọng. Ông Tổng có lẽ sẽ lại tìm được cảm giác được đón tiếp nồng hậu từ chính phủ Nga và Hungary. Với Nga, nơi ông Tổng từng theo học, Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và đó là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy; với Hungary cũng là tìm về lại mối quan hệ thân thiết của anh em cộng sản từ hồi thế kỷ trước.
Thủ Tướng Đức Angela Merkel
Ông Tổng ắt hẳn cũng mong sẽ có một thành quả quan trọng để lại. Cho là có bỏ túi được thêm cái phiếu ủng hộ EVFTA của Hungary đi nữa, nhưng dù có cố tới đâu mà thiếu một tiếng “Ja” của thiên thần Merkel, EVFTA vẫn còn ngoài tầm với của Hà Nội./.
- Quảng Cáo -

8 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here