Nhung lụa phía bên kia bức tường

- Quảng Cáo -

Nguyễn Quốc Tấn Trung – Luật Khoa tạp chí|

Với ba gã khổng lồ Baidu, Alibaba và Tencent, các ngành nghề liên quan đến công nghệ và sáng tạo đang trở thành mũi nhọn của phát triển của Trung Quốc, có giá trị hơn 3,6 nghìn tỉ USD, tương đương với ⅓ GDP nền kinh tế nước này, theo thống kê của Cục Không gian mạng Trung Hoa.

Để tìm thêm những lời có cánh dành cho nền công nghệ mạng và các công ty mạng của quốc gia này, bạn đọc có thể tham khảo số lượng bài báo ngày càng nhiều trên VietNamNet như Tencent: Đế chế thầm lặng nhưng lớn hơn cả Facebook;  Tự đứng trên đôi chân mình, Trung Quốc dám thách thức Facebook, Google;  Vì sao thế hệ trẻ Trung Quốc không cần đến Facebook? hay Trung Quốc khuynh đảo “địa hạt số” bằng công nghệ nội địa.

Nếu đi qua hết những bài báo nói trên, chúng ta sẽ thấy hình tượng của một kinh đô công nghệ mới, nơi những doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài, vươn tay ra tầm thế giới, còn người dân được lựa chọn thoải mái các sản phẩm công nghệ tiêu dùng với những sản phẩm nội địa ưu việt.

- Quảng Cáo -

Nhưng có thật thế không? Liệu mô hình phát triển của Trung Quốc có thật sự trở thành “gương điển hình” để Việt Nam chúng ta học hỏi?

Độc quyền, độc quyền và độc quyền

Thị trường công nghệ nội địa của Trung Quốc là thị trường quá béo bở với hơn 700 triệu người dùng Internet và điện thoại di động thường xuyên. Chỉ cần có chỗ đứng nhất định tại đây thì số lượng thuê bao, doanh thu không hề thua kém việc giành được phần lớn thị trường tại Liên minh Châu Âu hay khu vực Đông Nam Á.

Để dễ tưởng tượng, chúng ta biết rằng Alibaba xử lý số lượng giao dịch hàng hóa nhiều hơn cả eBay và Amazon cộng lại, dù eBay và Amazon hoạt động tại hầu hết những vùng kinh tế tiêu dùng mạnh trên thế giới như Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc, trong khi thị phần chủ yếu của Alibaba chỉ ở Trung Quốc.

WeChat, ứng dụng mạng xã hội của Tencent được thông báo là sắp chạm đến ngưỡng một tỷ người dùng thường xuyên. Platform bán hàng online Taobao của Alibaba ghi nhận rằng họ đã sắp có 550 triệu khách hàng.

Tuy nhiên thị trường này chưa bao giờ được xem là mở hay bình đẳng (đến nay WTO vẫn chưa công nhận Trung Quốc có hệ thống kinh tế thị trường). Có nhiều định hướng chính sách khiến cho thị trường công nghệ, Internet nói riêng tại Trung Quốc gần như bất khả xâm phạm đối với những nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các công ty Trung Quốc được tự do “dương oai diễu võ” khắp thế giới (dẫu không được thế giới đón nhận cho lắm).

Trước tiên, và dễ dàng nhất, hàng loạt những công ty công nghệ phương Tây (và nước ngoài nói chung) bị cấm, chặn không cho sử dụng tại Trung Quốc mà không cần thiết phải giải thích hay đưa ra quan điểm pháp lý hợp lý cụ thể. “Vạn lý Tường lửa” của Trung Quốc được cho là hệ thống tường lửa thuộc loại hiệu quả nhất thế giới hiện nay.

Trong các bài viết của báo VietNamNet liên quan đến Trung Quốc dám thách thức Facebook, Google hay giới trẻ Trung Quốc không cần Facebook, Google; lý do đơn giản là vì Bắc Kinh đã cấm và chặn đường dẫn đến những trang web nói trên trên phạm vi toàn quốc. Cần nhớ rằng, trong năm 2009, Google là một trong những trình duyệt có thị phần lớn nhất Trung Quốc, đảm nhiệm ⅓ khối lượng tìm kiếm của người Trung Quốc (lên hơn 30%), hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tay đôi với Baidu thời điểm đó (đang có khoảng 65% thị phần). Tuy nhiên, sau việc các gợi ý tìm kiếm của Google cho phép người dùng tìm được hình ảnh cảnh sát Trung Quốc đánh đập người biểu tình ở Tây Tạng, Bắc Kinh bắt đầu can thiệp.

Bị chặn đường dẫn và tấn công an ninh liên tục, thị phần của Google giảm mạnh, nhưng tăng trở lại khoảng 11% sau khi họ chuyển máy chủ sang Hong Kong, với cơ chế quản lý thoáng hơn và người dùng Trung Quốc vẫn có thể truy cập. Đến khi cả đường dẫn sang máy chủ này cũng bị chặn và liên tục chịu những cuộc tấn công vào hệ thống dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc, Google chính thức tuyên bố rút lui khỏi thị trường này để bảo vệ uy tín của công ty mình.

Điều này xảy ra với nhiều dịch vụ Internet lừng danh thế giới khác như Twitter, Youtube hay Facebook, tạo điều kiện cho các phần mềm của những công ty có nguồn tài lực lớn của Trung Quốc tung ra các sản phẩm bắt chước nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa như WeChat, Weibo: hệ thống mạng xã hội dùng lại ý tưởng khởi đầu của Facebook, Twitter; hay Youku Tudou: được gọi Youtube của Trung Quốc; mà gần như không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nhiều quy định nhỏ lẻ ở các hệ thống pháp luật khác cũng khiến các công ty nước ngoài dè dặt khi tiếp cận thị trường này.

Chèn ép công ty nước ngoài

Vào năm 2015, một quy định về quản lý ngân hàng và hệ thống thông tin được đề xuất (và thông qua sau đó), yêu cầu tất cả những công ty cung cấp phần cứng cho các ngân hàng hoạt động tại Trung Quốc phải cung cấp mã nguồn của hệ thống (source code), cũng như tạo ra các lỗ hổng bảo mật sẵn (back doors) để chính phủ có thể xâm nhập vào cả phần cứng lẫn phần mềm khi họ thấy cần.

Quy chế này cũng đòi hỏi 75% sản phẩm công nghệ được sử dụng bởi các định chế tài chính hoạt động tại Trung Quốc phải “an toàn và có thể kiểm soát” (secure and controllable) theo lộ trình đến năm 2019. Dù thuật ngữ “an toàn và có thể kiểm soát” chỉ vừa được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Trung Quốc thời gian gần đây, nhiều nhà quan sát khẳng định chúng được đặt ra để bảo đảm rằng các công ty nước ngoài không có đường sống trong thị trường công nghệ nội địa Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Matthew Cheung, thuộc công ty thống kê nổi tiếng Gartner, bình luận rằng nhiều quy định pháp luật hiện nay của Trung Quốc đang nhắm thẳng vào các công ty nước ngoài vì những công ty này không thể hy sinh toàn bộ mô hình và bí mật công nghệ của mình đang được sử dụng trên toàn thế giới chỉ để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Hay Mark Natkin, giám đốc của Marbridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh từng nói: “Miễn là chính phủ nuôi được các công ty Trung Quốc bằng thế độc quyền tại thị trường nội địa, họ sẽ còn nuôi tham vọng thống trị thị trường thế giới bằng những dòng chảy tài chính có được từ thị trường nội địa”.

Mặt khác, các công ty Trung Quốc cũng ít khi phải đối mặt với các phong trào dân sự và các chính trị gia lắm chuyện lo ngại về thông tin và bảo mật của người dùng, cũng như vấn đề chống độc quyền, điều thường xảy ra với các thị trường phương Tây. Trong khi người dân Trung Quốc có thái độ khá hời hợt với quyền riêng tư và pháp luật độc quyền, chính phủ Trung Quốc (cũng như Việt Nam) không hề có động thái phản đối hay kiểm soát việc thu thập thông tin người dùng khối lượng lớn của các công ty công nghệ, miễn là họ chấp thuận chia sẻ với chính phủ khi được yêu cầu.

Vậy nên, khi Tencent và Alibaba đã trở nên lớn mạnh và biến thành lực cản cho quá trình cạnh tranh lành mạnh của các công ty nội địa, những gã khổng lồ công nghệ cũng được tự do thu thập một lượng thông tin khổng lồ từ người dùng; từ đó lưu trữ, sử dụng và phân tích nó để tìm hiểu về cuộc sống, sở thích, người thân – quen, thói quen sử dụng công nghệ, thói quen đọc hay kể cả xu hướng chính trị của các cá nhân một cách không giới hạn.

Cá trên thớt

Đến cuối cùng, khi được nuôi đủ béo, những chàng khổng lồ này như cá nằm trên thớt. Bắc Kinh nuôi lớn họ đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể đưa họ vào lò mổ tại bất kỳ thời điểm nào, dưới bất kỳ hình thức gì. Tập Cận Bình đã tỏ rõ chủ ý rằng kể cả những nhà tài phiệt thân hữu nhất cũng có thể bị xử chém.

Vừa năm nay, ông Wu Xiaohui (Ngô Tiểu Huy), cháu rể Đặng Tiểu Bình, một trong những nhà tài phiệt giàu có và nổi tiếng nhất Trung Quốc, là nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tài chính An Bang, đã bị kết án 18 năm tù. An Bang là một trong những tập đoàn thân hữu đầy quyền lực và có chính sách đầu tư, mua lại các công ty ngoại quốc.

Vậy nên không khó để lý giải vì sao các công ty công nghệ Trung Quốc cực kỳ ngoan ngoãn và phục tùng quyền lực của Bắc Kinh.

Ông Pony Ma (Ma Huateng – hay Mã Hóa Đằng), nhà sáng lập và quản trị của Tencent, là một thành viên rất được chào đón nhưng không làm gì cả trong Quốc hội Trung Quốc.

Jack Ma (Ma Yun – Mã Vân) thì luôn khẳng định bản thân và tôn chỉ của công ty mình là trở thành đại diện cho quyền lực mềm của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Mặt khác, hiện nay hầu hết các công ty công nghệ lớn của nước này, dù mang danh là tư nhân, nhưng đều có đảng đoàn, chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động với mục tiêu xây dựng đảng trong các hoạt động công nghệ. Trong ban giám đốc của các công ty công nghệ cũng có người được Đảng Cộng sản gửi qua để đảm bảo sự thống nhất chỉ đạo hoạt động và sự gần gũi với các cơ quan quản lý địa phương./.

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

  1. Dúng là láo cá chó. hãnh diện mẹ gì toàn
    ăn cắp cũa Nga với Mỹ và các nước tư bản
    thôi. Chuyến nầy Trump và các nước dồng
    minh dập cho vỡ mặt ,cái tội ăn cắp.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here