Các doanh nghiệp Việt ‘ngại lớn’?

- Quảng Cáo -

Ngô Đồng – Web Việt Tân

Thanh tra, kiểm tra là cơ quan theo dõi những hoạt động, nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, nhiều công chức ngành thanh tra đang dựa vào “rừng” giấy phép con do lãnh đạo vẽ ra để tiến hành sách nhiễu, tống tiền các doanh nghiệp. Chính cỗ máy thanh tra này đã làm cho các doanh nghiệp không thể lớn lên nổi.

Trong buổi tọa đàm về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở doanh nghiệp hôm 17 Tháng Chín, ông Trần Ngọc Liêm, phó giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết qua kết quả khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp Việt Nam thì có đến 52% doanh nghiệp thừa nhận đã phải chi trả chi phí “bôi trơn” cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó còn có 79% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức để được hoạt động.

Chi phí không chính thức, hay bôi trơn, lót tay, trong thực tế chính là đưa hối lộ dưới nhiều hình thức. Tình trạng quan chức từ kiểm toán, môi trường cho đến thuế vụ vân, vân… đều tìm đủ mọi cách để moi tiền của giới kinh doanh ở địa phương lẫn trung ương. Nếu chưa hoặc “bôi trơn” chưa đủ, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng bị nhũng nhiễu, gây khó dễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp đành phải đút lót để giảm phiền hà, duy trì quan hệ.

- Quảng Cáo -

Dù tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, không đúng nhưng các doanh nghiệp cũng không dám kêu ca vì sợ bị hành hạ theo kiểu “hội đồng”. Không ít doanh nghiệp chịu sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra khiến cho hoạt động sản xuất gặp rất nhiều trở ngại.

Chỉ riêng việc tiếp đón các đoàn đã hết năm, còn đâu ra thời gian làm ăn. Năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra Chỉ Thị 20 với thông báo rằng: “Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm”. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24 Tháng Năm, 2018, thuật lại cho thấy, kết quả khảo sát năm 2017, có doanh nghiệp bị thanh tra 10 lần, còn doanh nghiệp khác bị thanh tra 9 lần. Trước năm 2017, nhiều doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 6 – 7 lần/năm; có trường hợp quận đã kiểm tra, thành phố cũng kiểm tra, chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành và các đợt kiểm tra không chính thức khác.

Số liệu khảo sát cũng cho thấy những doanh nghiệp mới thành lập có mức độ lo ngại càng cao nếu họ không chi các khoản chi phí không chính thức. Hiện có khoảng 42% doanh nghiệp thành lập từ năm 2010 trở lại đây cho rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chịu “lót tay”.

Những nội dung gây nhiều phiền hà nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục trả thuế là biểu mẫu hay thay đổi (63%), thời gian giải quyết thủ tục quá dài (33%) và doanh nghiệp thường bị yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ (33%).

Ngoài ra, doanh nghiệp còn than phiền về thái độ kém văn minh, thiếu lịch sự của cán bộ thuế. Không ít doanh nghiệp cho rằng thanh tra, kiểm tra thuế không phải là hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành tốt hơn thủ tục, chính sách thuế mà là để bắt lỗi, hoặc suy diễn theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Và trong những lần đón tiếp đoàn thanh tra thì không tránh khỏi chi phí “trà nước”.

Nền kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng ở mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Nhưng nghịch lý ở chỗ, các doanh nghiệp này rất “ngại lớn”. Nói cách khác là đa số không muốn bị nhà nước chiếu cố.

Bởi các doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Cụ thể, ba cuộc điều tra quy mô lớn của VCCI tiến hành năm 2015 tại Việt Nam cho thấy thực trạng không thay đổi: “Các doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.’’

Con số 52% phí bôi trơn đang trực tiếp góp phần bóp chết sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản là điều tất yếu nếu chi phí bôi trơn không ngừng gia tăng.

Trong 8 tháng năm 2018, cả nước có 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 41.660 doanh nghiệp ấy, không biết có bao nhiêu cái chết tức tưởi bởi “bôi trơn”, và do “cung đón” các đoàn thanh tra?

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ với chính quyền thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp nói đây là luật bất thành văn, không làm cũng không được. Tình trạng trên đang có xu hướng gia tăng muôn hình vạn trạng, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, nản chí trong kinh doanh; bào mòn, giảm sút năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nền kinh tế.

Tóm lại, lối ăn bám vào phí “bôi trơn” của các quan chức cộng sản Việt Nam đang làm cho các doanh nghiệp điêu đứng và hậu quả của nó là khiến cho nền kinh tế nói chung và các vấn đề của đất nước trở nên thui chột. Đó là lý do khiến cho doanh nghiệp Việt Nam rất ngại lớn là vì vậy.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here