Khi nào thì ‘nhục quốc thể’?

- Quảng Cáo -

Mặc Lâm – VOA|

Khi còn trên ghế nhà trường mấy ai trong chúng ta chưa từng ngủ gật?

Vào nơi làm việc, những lúc họp hành liên miên về một vấn đề đơn điệu nào đó kéo dài, mấy ai chống lại cơn cám dỗ khó cưỡng nổi của giấc ngủ ngắn ngủi nhưng quyến rũ khôn cùng. Tâm lý con người vẫn thế, bất cứ ai và bất cứ đất nước, chủng tộc nào.
Tuy nhiên cơn buồn ngủ “giết người” ấy cũng biết chừa người ra, đó là lãnh đạo của buổi họp hay thầy cô trong lớp học.

Học sinh ngủ gật sẽ được bạn bè âu yếm nhéo tai, hay chí ít thầy cô cũng cho vài viên phấn vào đầu…cho tỉnh ngủ. Cảnh cáo không cần nói ra nhưng sự kính trọng thầy cô làm học sinh chú tâm hơn mỗi lần … buồn ngủ. Còn trong buổi họp, lơ là không phát biểu đã bị “sếp” để ý rồi huống chi là ngủ gật, thế nhưng một nhân viên ngủ gật trong giờ họp không thể nào bị đuổi việc vì sai phạm của anh hay chị ta, cảnh cáo, trừ lương, mất ngày phép….có thể được áp dụng nhưng sa thải thì không.

- Quảng Cáo -

Nhưng hành động ngủ gà ngủ gật ấy không ai cho phép xảy ra tại nơi công cộng khi có nhiều người đang im lặng theo dõi một kỳ họp, một biến cố trọng đại hay một nghi lễ cấp quốc gia, và nhất là tại các cuộc hội nghị quốc tế mà tầm quan trọng của nó lên hàng thế giới.

Khi cơn buồn ngủ ập tới phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ 73, trong phòng họp không ít người buồn ngủ nhất là bị nghe bài phát biểu của những quốc gia nói dài, lê thê, rỗng tuếch những sáo ngữ, không mục tiêu, chỉ cốt quảng cáo cho chính phủ mình thì sự quyến rũ của cái chợp mắt không từ nan một ai, ngoại trừ người đang say mê phát biểu.
Vậy mà trong căn phòng họp hoành tráng nhất thế giới ấy chỉ có một thành viên duy nhất ngủ gật, mà ngủ rất ngon, thâm chí người ta có quyền nghĩ rằng nếu ai ở gần có thể nghe anh ấy ngáy nữa.

Anh ấy là nhân viên Ngoại giao Việt Nam, được nhiều tờ báo ngoại quốc lên trang nhất. Và tấm hình anh ngủ gục được Getty Images bán với giá 499 Dollars cho tờ báo hay cá nhân nào muốn mua quyền sử dụng.

Quốc tế cười cợt công khai bức hình này với giòng chữ: “A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018.”

(Một thành viên của đoàn Việt Nam ngủ gục trong cuộc tranh luận chung của phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York ngày 25 tháng 9 năm 2018. (Ảnh của Don EMMERT hãng AFP)

https://www.gettyimages.no/detail/news-photo/member-of-vietnamese-delegation-naps-during-the-general-news-photo/1040080004

Và ngay lập tức, một làn sóng chỉ trích và diễu cợt tràn vào Facebook của người Việt khắp thế giới. Người ta cho rằng đây là hành vi làm nhục quốc thể chứ không phải là một sự ngủ gật thông thường. Giận dữ đôi lúc biến thành hài hước, cay đắng, biếm nhẽ lẫn khinh bỉ.
Đã từng xảy ra những vụ “nhục quốc thể” từ nhiều năm qua nhưng chưa lần nào câu chuyện trở thành mũi nhọn như lần này. Người ta còn nhớ vụ ông Nguyễn Văn Bàng đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc bắt sò bất hợp pháp ở East Hampton’s Hog Creek – New York.

Vụ cô Kiều Trinh hai lần bị bắt vì cầm nhầm hàng trong siêu thị tại Thụy Điển và Anh Quốc.

Vụ buôn lậu sừng tê giác của bà Mộc Anh cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi.

Vụ phơi vi cá mập trên mái nhà của Đại sứ Việt Nam tại Chi Lê … đó là những vụ nhục quốc thể rõ nét, điển hình nhưng cộng đồng chỉ lướt qua, phê phán như một vụ … buôn lậu.

Lần này gay cấn hơn nhiều mặc dù hình ảnh giấc ngủ ngoẹo đầu không phải là buôn lậu hay phá hoại đất nước. Có lẽ bởi sự phát hiện đầu tiên từ một tờ báo danh tiếng của Pháp qua bức ảnh của AFP khiến mọi sự không thể che đậy, lấp liếm như trước cho nên câu chuyện mới bùng lên dữ dội.

Tuy nhiên bên cạnh những phê phán gay gắt lại xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc ngủ gật của các lãnh đạo nhiều nước trên thế giới và câu hỏi được đặt ra về sự lên án gay gắt của dư luận trước một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam có quá đáng hay không?

Không biết người ta nghĩ sao về lý luận bênh vực có vẻ hợp lý này nhưng cứ nhìn thật kỹ vào câu chuyện thì sẽ thấy rằng không thể nào tha thứ, bỏ qua một hành vi sai trái mặc dù trước đó cũng có những hành vi sai trái tương tự từ những nước khác, người khác. Lý trí con người luôn phân biệt được giữa sai và đúng nhưng yếu tố cám dỗ của cái sai luôn thuyết phục lý trí rằng nếu A sai thì B cũng có thể sai trong cùng một hành vi vì vậy không thể nhắm mắt kết án B một cách nặng nề.

Sự ngụy biện của chính lý trí làm không ít người phân tâm nhưng cũng chính lý trí khi tiếp cận nhiều tư tưởng, lập luận khác hợp logic hơn, sẽ tự nó thấy sự cố gắng bênh vực cho việc làm sai trái của B là ngụy biện.

Con người là động vật duy nhất biết kềm chế những hành động mà xã hội không chấp nhận. Sự kềm chế ấy là văn minh, văn hóa ứng xử, là trình độ sống cũng như tư cách riêng của mỗi cá nhân. Sự kềm chế bản thân bắt đầu từ gia đình với những sinh hoạt thường nhật. Nhà trường tiếp tục dạy dỗ và trao dồi nhân cách ấy cho đến khi vào làm việc cho một tổ chức, cơ quan lại phải thích nghi với những kỷ luật, chính sách riêng mà cơ quan, tổ chức đó đặt ra.

Chắc chắn Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho phép cán bộ của mình làm điều ngược lại với thông lệ tối thiểu của ngoại giao thế giới, ngoại trừ Ban nghi lễ của Bộ “quên” không nhắc nhở cho cán bộ biết rằng mặt trận dư luận không bao giờ bỏ qua những tệ hại mà một nhân viên của Bộ mang tên Ngoại giao phạm phải ở nước ngoài.

Bởi hai chữ Ngoại giao bản thân nó đã là “quốc thể”./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here