Nghĩ về nhất thể hóa

- Quảng Cáo -

Fb. Nguyễn Tiến Tường

Nếu nói về việc hợp nhất chức danh về mặt đảng và hành chính là nhất thể hoá, là một nhầm lẫn. Bởi vì trong bất kỳ một thể chế nào bao gồm tam quyền thì đảng lãnh đạo là tổ chức chính trị, chỉ có con người của đảng đó mới nằm trong tam quyền.

Trong các định chế độc đảng, quyền hành của đảng lãnh đạo lấn át tam quyền nên mới đặt ra vấn đề hợp nhất. Khái niệm này không có ở các nước tiên tiến vì tam quyền luôn đồng hành. Và ở cấp quản lý nhà nước, đảng phái không quan trọng. Nó giải thích vì sao nghi lễ quốc gia chỉ tiến hành với Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước (President) chứ không phải Tổng bí thư.

Thực tế VN trong thời gian qua, sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đã được thể hiện. Nhưng khi TBT kiêm chủ tịch nước, quyền lực ấy sẽ còn cao hơn nữa. Khi TBT trực tiếp nắm giữ quyền hành chính ở cấp quốc gia. Bổ quyết nhân sự hành chính, kể cả Thủ tướng (qua QH).

- Quảng Cáo -

Trên khía cạnh ngoại giao, TBT đảng sẽ có “tấm áo” chủ tịch nước để trực tiếp quyết định các vấn đề bang giao. Kể cả quyền hành cắt cử cán bộ ngoại giao.

Quyền lực hợp nhất này, cho phép người đứng đầu nhanh gọn trong các quyết sách và nắm sinh mệnh của toàn hệ thống chính trị lẫn hành chính. Quyền lực vô song.

Tốt hay xấu?

Khi ở vị trí siêu quyền lực, người điều hành sẽ ít vấp phải sự cản trở khi không có đối trọng. Điều này sẽ giúp xây dựng một hệ thống nhất quán về ý chí.

Tuy nhiên, một người giỏi chính trị chưa chắc đã giỏi kỹ trị. Thực tế lãnh đạo VN trau dồi về mặt chính trị nhiều hơn. Khi thống lĩnh, nghĩa là hệ thống phía dưới sẽ chăm chút sinh mệnh chính trị nhiều hơn nữa, thay vì năng lực điều hành.

Nhất thể hoá, người ta nói về việc chịu trách nhiệm một đầu mối. Điều này chưa chắc chắn. Lật dở lại vụ án ông Đinh La Thăng, khi ông này cho rằng Bộ Chính trị chỉ đạo đầu tư Nhiệt điện Thái Bình. BCT ra công văn phản bác.

Có nhiều luồng dư luận cho rằng thương vụ thua lỗ hơn nửa tỷ đô vào Venezuela ông Thăng có sự chỉ đạo của BCT. Thông tin này không được phủ bác (có lẽ nó không xuất hiện trên báo chính thống chăng).

Quy trách nhiệm là một việc nhưng chịu trách nhiệm là việc hoàn toàn khác. Nhất là về mặt thể chế, CTN có đối trọng là QH và đảng. Nhưng khi CTN sai, lại do TBT xử lý (về mặt chính trị) có nghĩa là tay phải xử tay trái. Và đối trọng khác rất khó xử lý CTN vì gặp phải… TBT.

Không cần phải úp mở thì TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm CTN. Điều này sẽ khiến ý chỉ của ông được thúc đẩy nhanh hơn. Việc sắp đặt nhân sự và xử lý sai phạm cũng nhanh hơn và chính danh.

Nếu TBT có quyết tâm sắt đá để cải tổ thể chế, ông đã có thêm công cụ. Nhưng nếu ham muốn quyền lực độc tôn, ông cũng sẽ có đũa thần.

Đặt cả thể chế vào một người để hy vọng sự công chính là điều tối kỵ. Vì ham muốn cá nhân là điều không ổn định khi quyền lực quá lớn và đặt trên cả quốc gia, dân tộc.

Quyền lực tuyệt đối dễ dẫn đến tha hoá tuyệt đối. Yêu cầu của thế chế là đối trọng giám sát chứ không phải độc tôn quyền bính.

Cho dù bản thân TBT Nguyễn Phú Trọng có công chính đến đâu thì mới chỉ tốt về mặt chính trị, còn năng lực kỹ trị là chuyện hoàn toàn khác.

Vả lại, không có gì đảm bảo khi định chế này được kế thừa bởi những người khác….

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here