Khắc Phục Sợ Hãi Bạo Lực trong Đấu Tranh

- Quảng Cáo -

CTM Media xin giới thiệu với Quý Bạn Đọc bài viết của Tiến Sĩ Trần Diệu Chân.

***

Trần Diệu Chân

Bản chất của sự sợ hãi

  • Sợ hãi là điều tự nhiên đến từ nhu cầu sinh tồn của con người, không có gì phải xấu hổ hay phải chối bỏ cảm nhận sợ hãi.
  • Biết sợ đôi khi là điều cần thiết để bảo vệ sinh mạng chính mình, như biết sợ lửa nóng, sợ làm hại sức khỏe, sợ thú dữ … để tìm các biện pháp bảo vệ mình. Đây là những sự sợ hãi “tích cực”.
  • Nhưng sự sợ hãi cũng có thể làm tê liệt nhận thức và phản ứng, ngăn chặn việc thực hiện điều cần thiết để bảo vệ bản thân và tha nhân, hủy diệt hạnh phúc và giam cầm con người trong ngục tù của lo âu hoặc đói nghèo và bạo lực. Do đó, vượt qua sự sợ hãi “tiêu cực” là điều thiết yếu để đem lại sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn cũng như đời sống của con người.
- Quảng Cáo -

Các loại sợ hãi tiêu cực

  • Sợ hãi mang tính đặc thù của cá nhân: thí dụ sợ nước vì đã có lần suýt chết đuối, sợ mầu đỏ, sợ ăn trái cây có nhiều hột, sợ bóng tối, sợ chiều cao … – thường do bẩm sinh hoặc kinh nghiệm xấu, hoặc xáo trộn tâm lý/tinh thần đưa đến.
  • Sự sợ hãi mà nhiều người cùng chia sẻ: như sợ chết, sợ rắn, sợ rớt máy bay, sợ đau, sợ bị đánh đập … Hầu hết con người đều sợ cái đau thể chất, vì vậy mà việc sợ hãi bạo lực là điều rất tự nhiên.

Cách khắc phục sự sợ hãi “bạo lực”

Mục tiêu bài viết này chỉ đơn cử phương pháp khắc phục bạo lực từ các chế độ độc tài/độc ác, nhất là trong công cuộc đấu tranh để giải thể những chế độ hà khắc này. Tuy nhiên, có những điểm trong bài cũng có thể áp dụng để vượt qua các sự sợ hãi khác trong đời sống.

  1. Tìm đến những người cùng chí hướng, cùng quan điểm đấu tranh; tham gia hay thành lập nhóm/tổ chức. Sức mạnh của tập thể sẽ giúp cá nhân vượt qua sự sợ hãi. Đặc biệt, những hành động chung của tập thể – có huấn luyện, có kỷ luật – sẽ giúp gia tăng lòng tự tin và vượt qua sợ hãi.
  2. Nghiên cứu, lên kế hoạch kỹ càng trước khi hành động cũng giúp cho chúng ta khắc phục được sự sợ hãi khi thực hiện.
  3. Tìm hiểu và thu thập kinh nghiệm của những người đã từng trải nghiệm việc bị bắt, bị cầm tù, cách đương đầu của họ (thí dụ nuôi dưỡng hình ảnh ngày đoàn tụ với gia đình hoặc ngày vinh quang của đất nước để vượt qua sợ hãi khi bị bắt hay bị hỏi cung). Lên kế hoạch ứng phó để vô hiệu hóa hay giảm thiểu bạo lực cũng là một cách để tăng tự tin và vượt qua sự sợ hãi.
  4. Trực diện, đương đầu với những đe dọa của bạo lực – sau một lần bị bắt, bị tù hay bị đánh thì sẽ hết sợ.
  5. Lòng can đảm có khi là một bản chất tự nhiên, nhưng đa phần là nhờ sự tôi luyện, tự nhủ và khi có cơ hội, được ứng dụng để vượt qua sự sợ hãi.
  6. Biết rõ về đối thủ – thí dụ họ sử dụng bạo lực vì chính họ cũng sợ hãi, hoặc họ cũng có con cháu trong hàng ngũ biểu tình – sẽ giúp chúng ta bớt/hết sợ hãi, và tìm được những phương thức hóa giải phản ứng bạo lực của đối thủ.
  7. Tìm đến nguồn tin tôn giáo – sự cầu nguyện và tin tưởng có Đấng Trên phù hộ sẽ giúp con người vượt qua cơn sợ hãi.
  8. Tạo sự tự tin cá nhân qua những thành tựu nhỏ trong đời sống, như việc làm, việc học, mối giao hảo với những người xung quanh … Từ đó, ta sẽ tự tin hơn trong đời sống và cũng vững chãi hơn trước thách thức của bạo lực.
  9. Tạo niềm lạc quan trong đời sống, tin tưởng những điều tốt sẽ xảy ra, chân lý sẽ chiến thắng, ngày mai sẽ tươi sáng, có nhiều người tốt hơn kẻ xấu trong đời sống …
  10. Nung nấu ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng phục vụ và chính nghĩa đấu tranh, biết việc mình làm là lẽ phải, là ước nguyện của toàn dân. Hãy:

a/nhìn vào những điểm tích cực và những gương sáng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới – những chế độ độc tài thường mang tính tự hủy, đồng thời trước sau gì cũng bị sức mạnh của dân tộc/của chính nghĩa hủy diệt, đào thải.

b/nhìn vào những điểm tích cực, những thành quả và các gương sáng trong công cuộc đấu tranh hiện tại, thay vì xoáy rọi vào những thất bại hay khó khăn.

11. Chẻ nhỏ các việc làm và ăn mừng thành quả của từng bước nhỏ. Dùng những bước nhỏ này làm nấc thang để đi lên, để tiến tới thành quả sau cùng. Cách suy nghĩ và hành xử này sẽ giúp chúng ta thêm tự tin và lạc quan. Đồng thời, là cơ hội để từng bước thao dợt bản lãnh vượt qua sự sợ hãi và gia tăng lòng can đảm. (thí dụ, bước đầu đăng một bài viết ca tụng tự do báo chí. Việc này sẽ giúp tăng lòng can đảm cho bước kế tiếp là trao đổi về nhu cầu tự do báo chí tại Việt Nam trên Facebook, kế đến là tham dự/chia sẻ trong những buổi hội thảo tại quê nhà).

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here