Vì sao Quốc hội vừa khai mạc lại bầu ‘tân chủ tịch nước’?

Đám tang ông Trần Đại Quang.
- Quảng Cáo -

Blogger Phạm Chí Dũng|

Bất thường và trái thông lệ

Chỉ ba tuần sau cái chết bất ngờ và đáng nghi vấn của quan chức mới ngồi ghế chủ tịch nước được hơn hai năm là Trần Đại Quang, chưa đầy mười ngày sau Hội nghị trung ương 8 với kết quả ‘nhất thể hóa hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước’ nhưng được chính Tổng bí thư Trọng biện lý với cử tri rằng đó chỉ là giải pháp ‘tình huống’ – bất chấp khái niệm này không nằm trong quy định nào của hiến pháp Việt Nam, lại có thêm một tin tức thuộc loại ‘nhân sự thần tốc’ khiến cả chính trường quan chức và dư luận xã hội đặc biệt xôn xao: khai mạc vào ngày 22/10/2018, nhưng kỳ họp quốc hội sẽ bàn ngay ‘công tác nhân sự’ cùng động tác bỏ phiếu kín, để sang ngày hôm sau – 23/10 – sẽ công bố ‘tân chủ tịch nước’.

Vì sao ‘tân chủ tịch nước’ – từ quá trình chuẩn bị đến bầu bán và công bố – phải cập rập đến thế?

Động thái chính trị trên là bất thường so với một thông lệ bình thường đã diễn ra tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào năm 2016. Khi đó, Quốc hội khai mạc kỳ họp vào ngày 21/3/2016, trong đó có nội dung ‘bầu chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ’. Nhưng phải đến ngày 2/4/2018 – tức hơn mười ngày sau – Trần Đại Quang mới chính thức ra mắt và mới được chính thức nhận cái ghế chủ tịch nước.

- Quảng Cáo -

Còn vào lúc này, đà tiến công ‘thần tốc, thần tốc, đại thần tốc; thành công, thành công, đại thành công’ cho chức danh tân chủ tịch nước cũng khiến người ta không thể không nhớ lại việc chưa đầy một tuần sau khi Trần Đại Quang từ giã cõi đời, tuổi thọ ngồi ghế thực tế của Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chỉ ngang bằng với số ngày ngắn ngủi đó, khi một cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị vào cuối tháng Chín năm 2018 đã ‘nhất trí cao’ đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước, để ngay sau đó là ‘100% Ban chấp hành trung ương’ giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng ra kỳ họp quốc hội để bầu chức danh chủ tịch nước’. Kể từ đó, bà Thịnh gần như ‘biến mất’ – hiện tượng khá tương đồng với hai lần ‘biến mất’ của Trần Đại Quang khi còn sống, vào tháng Tám năm 2017 và tháng Tư năm 2018 khi ông Quang bị đồn đoán quá nhiều về mối quan hệ hữu cơ với ‘sân sau’ Vũ ‘Nhôm’ và cả vài chuyện động trời khác.

Những câu hỏi về ‘tân chủ tịch nước’

Vì sao trường hợp Đặng Thị Ngọc Thịnh được Bộ Chính trị ‘phân công’ làm Quyền chủ tịch nước lại không thể kéo dài tối thiểu 6 tháng hay một năm rồi mới thay bằng ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’?

Vì sao ‘tập thể Bộ Chính trị’ và cả Ban chấp hành trung ương không thể kiên nhẫn chờ sau 100 ngày chết hay tối thiểu cũng là đám giỗ 49 ngày của quan chức vắn số Trần Đại Quang rồi hẵng bàn chuyện bầu bán tân chủ tịch nước mới?

Phải chăng có một lý do đặc biệt hay quá nhạy cảm nào đó mà đã khiến ngay tại thời điểm Trần Đại Quang vừa về cõi âm, giới cận thần của Tổng bí thư Trọng như Vũ Mão – cựu chánh văn phòng quốc hội, Nguyễn Đình Hương – cựu phó trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, cựu tướng quân đội Nguyễn Quốc Thước, và một người trong giới blogger – Huy Đức – … phải ngay lập tức ồn ào và ráo riết vận động cho phương án ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ và tìm cách định hướng ‘gật’ cho cả 200 ủy viên trung ương cùng 500 đại biểu quốc hội?

Và phải chăng Nguyễn Phú Trọng – phương án nhân sự duy nhất cho chức danh chủ tịch nước đến giờ phút này, chứ không phải những ‘chân gỗ’ hay thủ thuật nghi binh nhân sự như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị phóng, Ngô Xuân Lịch – đang khẩn cấp cần đến tính ‘chính danh’ (từ ngữ của blogger Huy Đức), tức trở thành ‘nguyên thủ quốc gia’ để trở nên một cái gì đó trong các chuyến công du đối ngoại?

‘Chính danh’

Có thể lý giải cho chiến dịch ‘thần tốc nhân sự chủ tịch nước’ theo cách: nếu không tổ chức ngay việc bầu bán người thay thế Trần Đại Quang tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, sẽ phải chờ đến kỳ họp quốc hội tới vào đầu năm 2019.

Nhưng từ tháng Chín năm 2018 đã loáng thoáng có tin về việc Nguyễn Phú Trọng muốn có một chuyến đi Mỹ vào cuối tháng Mười Một cùng năm để gặp Tổng thống Donald Trump, với hai mục đích thương thảo về thương mại song phương và điều đình về quân sự Biển Đông. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với chuyến đi này chính là việc Trump khác hẳn với người tiền nhiệm là Obama – vị tổng thống đã đặc cách tiếp đón ông Trọng tại Phòng Bầu Dục với các nghi thức dành cho một nguyên thủ quốc gia: Trump lại chẳng cần quan tâm đến đảng trưởng của bất kỳ đảng phái chính trị nào, kể cả đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ cần biết người mà ông ta tiếp có ‘chính danh’ hay không.

Bằng chứng gần gũi nhất về tính nguyên tắc và thực dụng của Tổng thống Trump là tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) vào tháng Mười Một năm 2017 tại Đà Nẵng, Trump đã đến dự nhưng chỉ có cuộc gặp chính thức với nhân vật được xem là số hai (trên danh nghĩa) về quyền lực trong thể chế nhà nước cộng sản ở Việt Nam là Trần Đại Quang, chứ không hề tiếp xúc chính thức với Tổng bí thư Trọng, khiến ngay sau đó tờ báo Nhân Dân – “cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam” và được xem là ‘báo ruột’ của ông Trọng – đã đăng một bản tin với tựa đề thật sự kỳ quặc: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.

Tựa đề trên đã làm cho người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia “quyền lực” rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của “tứ trụ” trong việc tiếp “Trăm” (phiên sang tiếng Anh là Trump).

‘Cơ hội không đến lần thứ hai’

Ngoài động cơ ‘chính danh’ cho chức danh chủ tịch nước, có thể còn một lý do khác không kém quan trọng mà ông Trọng đã nhất quán và quyết liệt tiến hành kể từ sự kiện ông ‘tự cơ cấu’ vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương ương vào cuối năm 2016. Đó là việc âm thầm lên kế hoạch về nhân sự cao cấp trong một số vụ việc và tình huống, và triển khai rất nhanh chóng những ý đồ đó: vụ thay Đinh La Thăng bằng Nguyễn Thiện Nhân vào tháng Năm năm 2017, vụ thay Đinh Thế Huynh bằng Trần Quốc Vượng vào tháng Tám năm 2017, và cả vụ ‘tự thay’ vừa diễn ra.

Bài học xương máu đối với giới chính trị gia luôn kèn cựa lục đục và tranh đấu không mệt mỏi với nhau là bàn cờ chính trị sẽ ‘gặp thời một tốt cũng thành công’, nhưng nếu không biết tận dụng, lợi dụng cơ hội và lợi thế để ‘ngồi ngay vào ghế trống’ thì có khi ‘lạc nước hai xe đành bỏ phí’.

Trước khi ‘trở về làm người tử tế’, một Nguyễn Tấn Dũng ‘mạnh vì gạo bạo vì tiền’ cùng quyền thế không khác gì thời ‘Chúa Trịnh, Vua Lê’ đã có quá nhiều cơ hội để cho dù bị xem là ‘tổ sư tham nhũng’ nhưng nếu lá gan của ông ta lớn hơn và biết mị dân hơn, Dũng đã có thể ngồi vào ghế tổng bí thư chứ không phải là một Nguyễn Phú Trọng – trừ chuyện ‘tương đối sạch sẽ’ – vẫn bị coi là lép về về nhiều mặt vào khoảng thời gian đó.

Xem ra ông Trọng đã rút được một phần nào đó bài học sai lầm một đi không trở lại của ông Dũng.

Còn sau Dũng là Quang…

Trong một nền chính trị ‘đâm dao sau lưng’ và một chính trường sắc lẻm tia mắt giết người, cơ hội không đến lần thứ hai. Chẳng có gì bảo đảm là thời thế và cơ hội vẫn như cũ sau mỗi 3 tháng hay nửa năm.

Việc làm được hôm nay không để đến ngày mai”./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here