Linh-hồn người tuẫn-đạo

- Quảng Cáo -

Phạm Minh-Tâm – Diễn Đàn Giáo Dân

Điện-biên-phủ thất-thủ vào ngày 07-5-1954 đã là lợi-thế cho Việt-minh hợp cùng Trung-cộng dồn phía Quốc-gia vào trong tình-thế lưỡng-nan khi thấy vận-mệnh của Quê-hương Việt-Nam như rơi vào ngõ cụt. Quân-đội Pháp bắt đầu triệt-thoái dần khỏi Bắc Việt. Cả nước gần như bị tê-liệt trong hoàn-cảnh chỉ còn biết thụ-động ngồi chờ kết-cuộc về tương-lai của Đất Nước được giải-quyết từ những cuộc họp bàn ở Genève.

Vào lúc bí lối cùng đường này của Chính-phủ Quốc-gia, vua Bảo-đại đã nghĩ đến ông Ngô Đình Diệm để trao quyền lãnh-đạo. Nghĩa là nghĩ đến việc phải có một ai đó có thể đương đầu với hoàn-cảnh ngặt-nghèo trước mắt và ngoài người này thì không còn ai khác đảm-đương được. Vì vậy, với vua Bảo-đại, đây là một quyết-định sinh tử vì không còn giải-pháp nào khác. Bởi vì, nhìn vào hoàn cảnh bấp-bênh với nhiều rối loạn về chính-trị, quân-sự, kinh-tế, xã-hội vào thời điểm ấy, nhiều người chỉ mong sao ổn-định được tình-thế trước mắt cũng đã là cứu-tinh rồi, còn nói gì đến vãn-hồi và xây-dựng một Đất Nước ở tương-lai.

Căn-cứ vào những lời chính vua Bảo-đại đã ghi lại trong hồi-ký Con Rồng An-nam thì trong lần gặp ở Cannes, ông đã vừa thuyết-phục vừa kêu gọi lòng ái-quốc của ông Ngô-Đình Diệm. Có thể đây là một sự an-bài của định-mệnh mà vua Bảo-đại và ông Ngô-Đình Diệm cuối cùng lại phải liên-hợp khi cả hai đều đứng trước cơn quốc-biến “tổ-quốc lâm nguy”.

- Quảng Cáo -

Hãy đọc kỹ những dòng hồi-ký vua Bảo-đại ghi lại.…Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ… Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy…Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp: Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà ngài trao phó…Rồi việc trao quyền và nhận chức đã diễn ra như nguyên văn vua Bảo-đại kể tiếp..“Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây Thánh-giá. Trước Thánh-giá, tôi bảo ông ta: Đây, Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là gìữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn cộng-sản và nếu cần chống luôn cả người Pháp nữa. Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh-gíá, ông nói với giọng nghẹn-ngào “Tôi xin thề”… Trước khi ra đi, tôi trao cho Diệm một đạo dụ, ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự..” (Con Rồng Việt Nam. Trang 515)

Như vậy là có thể nói bằng vào niềm tin của một Ki-tô hữu dấn-thân và trách-nhiệm của một sĩ-phu trí-thức Việt-Nam, ông Ngô-Đình Diệm đã giao trắng thân-phận mình cho vận-mệnh Đất Nước trong ba tiếng “Tôi xin thề” dưới cây Thánh-giá và trước vua Bảo-đại. Đã gánh trên vai hai bổn-phận cùng thiêng-liêng như nhau đối với Thiên Chúa và Tổ-quốc. Deus et Patria.

Và hôm nay, trong tâm-tình một tín-hữu tin vào tín-điều Các thánh cùng thông-công và với tâm-thức một người Việt-Nam đang xốn-xang với đại-hoạ mất nước, người viết muốn cùng quý độc-giả ôn lại đôi ba điều trong muôn vàn điều Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và các cộng-sự thời Đệ-nhất Cộng-hoà đã cùng đồng-hành với ông suốt chín năm chìm nổi trên dòng sông lịch-sử. Đây là một giai-đoạn phức-tạp mà cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đã là viên đá đỉnh vòm đứng chống đỡ ngôi nhà Việt-Nam. Cùng một lúc, bài viết này chính là lời cầu nguyện của một tín-hữu trong tháng Phụng-vụ dành cho Các-đẳng linh-hồn và là nén tâm-hương của một người dân, tưởng-niệm Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và bào-đệ  Ngô-Đình Nhu, các người cộng-sự tiêu-biểu như các ông Đại-tá Hồ Tấn Quyền, hai anh em Đại-tá Lê Quang Tung, Thiếu-tá Lê Quang Triệu và không biết bao nhiêu quân, dân, cán chính thời Đệ-nhất Cộng-hoà đã cùng chung định-mệnh trong ngày 02-11-1963. Một định-mệnh mà như tác-giả Geoffrey Shaw gọi là The Lost Mandate of Heaven, đã có người dịch là Thiên-mệnh bị đánh mất. Song với hành-trạng và nỗ-lực trong chín năm gian-nan giữa cả thù trong lẫn giặc ngoài của các người đã nhận chịu thì theo thiển-ý, người viết nghĩ thiên-mệnh này không mất mà chỉ là còn dở-dang. Và điều vừa hùng-tráng, vừa bi-ai chìm trong một vũng lầy mỉa-mai và cay đắng –  không phải cho cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, cho người em Ngô-Đình Nhu của ông và những người đã cùng  hy-sinh –  mà cho tập-thể người quốc-gia là ông và những oan-hồn uổng tử này đã không phải bị thảm-sát do tay những người cộng-sản Miền Bắc nhưng lại chính những huynh-đệ chi binh của mình, đã hùa nhau dựa vào cơn biến-loạn chính-trị do ngoại-nhân Hoa-kỳ dàn-dựng để quay mũi súng bắn anh em thật tàn độc.

Một chút quá-khứ xa-xưa. Năm 1933, khi mới 32 tuổi, ông Ngô-Đình Diệm đệ đơn từ-chức Thương-thư Bộ Lại, tương-đương như Thủ-tướng ngày nay, để phản-đối chính-sách của người Pháp và cùng lúc chống cả Việt-minh. Như vậy là ông đã tự chọn cho mình con đường nhiều gai-góc và hiểm-nguy. Vậy phải chăng ngày 24-6-1954, khi ông Ngô-Đình Diệm mang lời thề lên đường về nước ở tuổi 52 chính là bắt đầu con đường tuẫn-đạo. Đạo làm người, một con người Việt-Nam yêu nước.

Ông Ngô-Đình Diệm đến Sài-gòn vào ngày 26-6-1954, để nhận một di-sản cay đắng và đầy thử-thách trong  bối cảnh chính-trị phức tạp và rối-ren của Đất Nước. Để bị quay cuồng liên-tục với những quyết-định phải nhanh chóng cần có theo tình-hình chính-trị khiến người ta chóng mặt.

Ngày 30-6-1954, chưa đầy một tuần sau khi về đến, ông Ngô-Đình Diệm ra Hà-nội gặp dân-chúng thủ-đô và lên làm Thủ-tướng ngày 07-7-1954, thay thế Hoàng-thân Bửu Lộc. Vì khi đó, lập-trường của Chính-phủ Quốc-gia vẫn là chống lại việc chia cắt lãnh-thổ nên ngày 09-7-1954, tân Thủ-tướng quyết-định thành-lập Ủy-ban Bảo-vệ Bắc Việt, có toàn quyền trong trách-nhiệm giải-quyết mọi vấn-đề về quốc-phòng và hành-chính trên các phần đất thuộc phía quốc-gia tại Miền Bắc. Ủy-ban này  bắt đầu hoạt-động từ ngày 12-7-1954.

Ngày 16-7-1954, Chính-phủ Quốc-gia đã ra tuyên-cáo phủ-nhận giá-trị của Hội-nghị Genève cũng như  phản-đối giải-pháp chia cắt Đất Nước. Để tỏ rõ thái-độ của phía Quốc-gia không chấp-nhận việc chia cắt Đất Nước, nên ngay sau khi Hội-nghị Genève kết-thúc, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm ra lệnh trên các vùng lãnh-thổ thuộc quyền Chính-phủ Quốc-gia treo cờ rủ để tang, ngày 22-7-1954.

Đầu tháng 8-1954, Chính-phủ Quốc-gia chính-thức loan báo chương-trình di-cư. Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm ra Hà-nội nói chuyện với đồng-bào Miền Bắc về việc di-cư. Trong một bài diễn-văn đọc tại Hà-nội ngày 03-8-1954, Thủ-tướng kêu gọi các giới đồng-bào, nhất là giới trẻ học-sinh, sinh-viên, trí-thức, văn nghệ sĩ…hãy vào Nam để cùng ông xây-dựng Đất Nước và chống cộng-sản.

Ngày 06-8-1954, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm giải-tán Ủy-ban Bảo-vệ Bắc Việt. Việc di-tản cho đồng-bào miền Bắc muốn ra đi tránh nạn cộng-sản do Văn-phòng Toà Đại-biểu Chính-phủ tại Miền Bắc đặc-trách.

Ngày 07-9-1954, dinh Toàn-quyền Norodom được trả lại Việt-Nam, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm đổi tên là Dinh Độc Lập.

Trong khi vừa phải tiếp-tục chương-trình di-cư vẫn tiếp-diễn vừa lo ổn-định nửa miền Đất Nước còn ngổn-ngang trong cái tàn-cuộc của thực-dân Pháp để lại thì  lời hứa của vua Bảo-đại mấy tháng trước tại Cannes không còn nữa.    Ông Bảo-đại vẫn vì tham-vọng riêng hơn là ý-thức về trách-nhiệm của minh trên một nửa giang-sơn đang chuyển mình bước từ một quá-khứ thuộc-địa sang một Đất Nước Độc-lập Tự-do.Với sự tiếp tay của ngưòi Pháp chưa cam lòng bỏ Việt-Nam ra đi, vua Bảo-đại  bắt đầu mưu-sự muốn giải-nhiệm Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm nên liên-tục tạo ra những khó-khăn, những rắc-rối về chính-trị

Ngày 10-9-1954, tướng Nguyễn Văn Hinh được Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm cử đi công-cán sáu tháng tại Pháp nhưng không tuân lệnh và bắt đầu tạo ra cơn khủng-hoảng trầm-trọng bằng cách cùng với một số tướng tá trong Quân-đội được người Pháp đỡ đầu gây cuộc nổi loạn. Người dân Sài-gòn nhiều đêm chứng-kiến xe thiết-giáp của tướng Nguyễn Văn Hinh vừa chạy trên đường phố thị-uy vừa dùng loa phóng-thanh chửi bới thô-bạo…Ngô-Đình Diệm phải cút đi…Tình-trạng này kéo dài cả tháng. Rồi tiếp đến là lực-lượng Bình-xuyên gây bạo-loạn khi Chính-phủ quyết định đóng cửa các khu Bình-khang, Kim-chung, Đại-thế-giới của họ. Ngay cả tướng Collins là đặc-sứ của Tổng-thống Eisenhower được gửi qua để xác-nhận thái-độ mới của Hoa-kỳ là ủng-hộ Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm cũng bị tướng Paul Ély chi-phối mà thay đổi thái-độ để ủng-hộ quan-điểm của Pháp là “Diem must go…”

Trong cương-vị một người lãnh-đạo quốc-gia, vua Bảo-đại đã chối bỏ trách-nhiệm của mình đối với Đất Nước, mà chỉ đứng từ xa dùng quyền-hạn một Quốc-trưởng để quậy phá. Chính vua Bảo-đại đã dựa theo thực-dân Pháp để hỗ-trợ cho tướng Nguyễn Văn Hinh, cho Bình-xuyên gây bạo-loạn chống lại Chính-phủ Ngô-Đình Diệm. Vua Bảo-đại đã đẩy ông Ngô-Đình Diệm – là người mà mới vài ba tháng trước đó ông đã nài-ép phải nhận chức Thủ-tướng – cùng với chính-trường Miền Nam vừa mới phôi-thai, vào cơn phong-ba, như một kiếp-nạn mưa máu gió tanh của chốn giang-hồ.

Ngày 01-01-1955, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm quyết-định thành lập Ngân-hàng Quốc-gia Việt-Nam và Viện Hối-đoái; cũng đồng-thời, phát-hành các loại giấy bạc mới từ đơn-vị “một đồng” đến “năm trăm đồng” để thay thế tiền Đông-dương đang lưu-hành. Giờ này không ai dám nghĩ là vào thời đó, người Miền Nam đã sử-dụng giấy bạc này như hiện nay đang tiêu đồng Mỹ-kim và Euro.

Ngày 03-3-1955, do đã manh-nha từ trước và có Pháp làm hậu-thuẫn, vua Bảo-đại mời Hộ-pháp Phạm Công Tắc của Cao-đài lãnh-đạo ..Mặt-trận Thống-nhất toàn lực Quốc-gia…thêm một số nhân-sự thuộc Hoà-hảo, Cao-đài; bác-sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đảng Đại Việt; ông Phan Quang Đán đảng Dân-chủ. Phe Bình-xuyên có các ông Hồ Hữu Tường, Trịnh Khánh Vàng. Mặt-trận Thống-nhất toàn lực Quốc-gia…áp-lực đòi Chính-phủ phải cải-tổ Nội-các với thành-phần nhân-sự do họ chỉ-định…Và rất nhiều những mưu-toan thời-thế khác.

Cuối cùng thì trật-tự cũng được vãn-hồi; uy-quyền Quốc-gia được phục-hoạt và các lực-lượng quân-sự cũng hợp nhất trong lý-tưởng chống cộng-sản.

Ngày 18-5-1955, nghi-thức long-trọng đón tiếp hộp đựng đất của Miền Bắc, có phủ Quốc-kỳ, do ông Lê Quang Luật, đại-biểu Chính-phủ đem vào bằng tầu “Ville de Hải-phòng” và đặt tại Đài Tưởng-niệm trong Thảo-cầm-viên.

Toà Đại-biểu Chính-phủ tại Miền Bắc chính-thức đóng cửa ngày 05-7-1955. Tiếp đến, ngày 16-8-1954, chuyến tầu cuối cùng chở người di- cư cập bến Sài-gòn để rổi ba ngày sau, 19-8-1955, thời-hạn quy-định về việc di-tản giữa hai miền chấm-dứt và Bắc Nam đứt đoạn.

Và tất cả đã không ngờ chỉ một năm sau ngày bị chia cắt thì nền Cộng-hoà đã được thành-lập tại Miền Nam trong sự ổn-định cả chính-trị lẫn xã-hội với một hoàn-cảnh phức-tạp và khắc-nghiệt chưa từng có của lịch-sử. Nửa miền Đất Nước phía nam đã vươn vai Phù-đổng để thành nuớc Việt-Nam Cộng-hoà với sự công-nhận của hàng trăm các quốc-gia tự-do trên thế-giới. Một chế-độ Cộng-hoà mở đường cho giai-đoạn hai mươi năm Miền Nam tự-do.

Vậy mà vẫn có những người không vừa lòng, không thoả dạ riêng tư.  Một mặt, họ vẫn xưng mình là người quốc-gia nhưng không bao giờ chịu góp sức cùng anh em đồng-bào mình chống kẻ thù chung là cộng-sản, mà ngược lại chỉ tạo ra những kẽ hở cho cộng-sản chen chân.

Cuốn sổ kết-toán hai mươi năm Miền Nam, từ trang đầu đến trang cuối cùng, về mặt xây-dựng thì không thấy ghi nhận được sự nỗ-lực của phe nhóm nào trong việc góp sức tài-bồi cho quốc-gia vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Ngược lại, phần phá-hoại và quấy rối thì lại quá nhiều. Hết phe này đến nhóm nọ, kể cả các tôn-giáo, đã không ngừng tận-dụng mọi khả-năng, mọi chiêu-bài để phá, để đạp đổ cho bằng được nền Đệ-nhất Cộng-hoà rồi kéo dây-dưa đến các chính-quyền chuyển tiếp sang thời Đệ-nhị Cộng-hoà. Cuối cùng, chính những cá-nhân, những tập-thể hay đảng phái, những người lãnh-đạo tôn-giáo chỉ thích gây chuyện này cũng không thoát được cái kết-cuộc cùng cả nước chung nhau kiếp-nạn cộng-sản. Người bỏ nước ra đi tỵ-nạn thì sống kiếp lưu-vong xứ lạ; người ở lại làm thân bị-trị còn tệ hơn thời thực-dân nô-lệ.

Giờ đây, đã 55 năm trôi qua. Linh-hồn người tuẫn-đạo đã đi vào cõi thiên-thu thanh-thản, song những oan-khiên thì vẫn còn đấy. Và hậu-quả là cả nước đang chênh-vênh trên bờ-vực diệt-vong. Biết nói sao khi có nhiều nhận-định chua cay rằng người Việt-Nam mình có tính xấu khó chừa là hay ghen ăn tức ở, nên nhiều khi chỉ làm theo tham-vọng riêng mà không cần dùng đầu óc để tìm hiểu, để suy-luận, để nghĩ đến việc chung của dân của nước. Thậm chí còn quá đáng hơn, là có rất nhiều người, quanh năm suốt tháng chỉ ngồi “bàn-loạn” rất ư là hăng-hái; rồi ai làm thì phá, thì “đặt vấn-đề”. Nhược-điểm này của người Việt-Nam hiện nay ở cả trong lẫn ngoài nước chỉ giúp cho các phe này nhóm nọ lợi-dụng để chế-tác ra nhiều loại thành-kiến hợp theo từng thời-điểm thuận-lợi của cộng-sản muốn khai-thác. Tuyệt-đại dân-tình cứ nhẩn-nha tin theo như hiện nay vẫn còn và vẫn đang đang phát-tác mạnh vì cộng-sản Việt-Nam có bao giờ ngừng nghỉ tuyên-truyền và xuyên-tạc. Rồi chung cuộc thì chẳng ai được gì ngoài việc tạo thêm lợi-khí cho người cộng-sản.

Cho nên, bằng hy-vọng vào lịch-sử có thăng có trầm và trong niềm tôn-kính anh-linh liệt-vị anh-hùng ái-quốc trải qua từng thế-hệ đã vì nước vong-thân, đã vì tiết-tháo làm người con dân đất Việt mà như Trần Bình Trọng…thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất bắc…chỉ lấy cái chết để báo đền ơn nước, xin cùng với hồn thiêng sông núi mở lòng soi trí cho đám trăm triệu con dân Việt-Nam hiện nay được càng ngày càng thêm đông số những con người trung-thực trong tấm  lòng  tha-thiết với Quê-hương.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here