“Phản động” và quan chức trước toà!

Lê Thanh Hải
- Quảng Cáo -
Song Chi – RFA

Ngoài những vụ án tội phạm xã hội thông thường, những năm gần đây, các phiên tòa ở VN thường xuyên có hai loại bị cáo: “bị cáo” trong những vụ án chính trị và bị cáo trong những vụ án tham nhũng lớn, đa số là quan chức “có máu mặt”.

Với những vụ có yếu tố chính trị, bảo là xử công khai nhưng thực chất, công an chặn đường từ xa chung quanh tòa án, không cho người thân, bạn bè của người bị xử được tham dự, bên ngoài và bên trong phòng xử án dày đặc công an, “bị cáo” – một người hoặc vài người lẻ loi, lọt thỏm giữa vòng vây công an đó. Phiên tòa thường diễn ra nhanh chóng trong vòng một ngày, những lời kết tội đao to búa lớn, nào là “bôi nhọ, tung tin sai lệch về đảng và nhà nước”, “kích động tuần hành, gây rối, phá hoại trật tự trị an xã hội”, “cấu kết và nhận tiền của các tổ chức phản động khủng bố lưu vong ở nước ngoài để đánh phá chính quyền nhân dân”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” v.v…

Nhưng bằng chứng thì lại nhẹ hều, thường là nằm trong phạm vi biểu tình ôn hòa, bày tỏ chính kiến, sử dụng quyền tự do ngôn luận … hoàn toàn không có bạo lực, vũ trang để có thể “lật đổ chính quyền” như tội danh bị ghép vào.

Chân dung của các “bị cáo” rất đa dạng, từ sinh viên như Nguyễn Phương Uyên (đã ra tù, hiện đang du học ở Mỹ), Đinh Nguyên Kha (đã ra tù), những người phụ nữ, người mẹ đơn thân đang phải nuôi con nhỏ như blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (“được” nhà cầm quyền thả ra và phóng thích sang Mỹ từ tháng 10.2018), nhà hoạt động Trần Thị Nga, dân oan Cấn Thị Thêu (đã ra tù), dân oan Lê Thị Kim Thu (đã ra tù)…; những nhà hoạt động tôn giáo như mục sư Nguyễn Công Chính thuộc Giáo hội Tin Lành Lutheran Việt Nam (đã “được” nhà cầm quyền thả ra và phóng thích sang Mỹ năm 2017), mục sư Đinh Diêm thuộc Hội thánh Tin lành Lutheran Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Lý, một tù nhân lương tâm nổi tiếng “được” tạm cho ra tù sớm vì lý do sức khỏe…; trí thức như bác sĩ Hồ Văn Hải tức blogger Hồ Hải, nhà báo Trương Duy Nhất (đã ra tù), luật sư Lê Công Định (đã ra tù), thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung (đã ra tù), kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, bác sĩ trẻ Nguyễn Đình Thành…; cho tới những người từng là cựu binh, hoặc từng nằm trong bộ máy nhà nước CSVN như cựu binh Nguyễn Văn Hải tức nhà báo tự do Điếu Cày (“được” nhà cầm quyền thả ra và phóng thích sang Mỹ từ năm 2014), nhà báo tự do Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh, từng là công an và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu binh Lê Đình Lượng, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Anh Kim v.v…

- Quảng Cáo -

Lý lịch, nhân thân khác nhau, nhưng điểm chung giữa những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị là hoạt động, bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, xuất phát từ lòng yêu nước, đau đáu trước hiện trạng xã hội và vận mệnh đất nước trong tương lai, nhưng lại bị ghép tội và bị xử rất nặng. Càng ngày, mức án càng nặng hơn, cho đến gần đây thì ông Lê Đình Lượng, trong phiên tòa xử vào tháng 8.2018, phải nhận 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam!

Nhưng cũng càng ngày thái độ của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị càng bình thản, hiên ngang. Nỗi sợ hãi, nếu có, ở thời kỳ đầu đã biến mất. Trước tòa, thái độ của những người bị kết tội “phản động”, dù là một thanh niên, một người nội trợ, một bà mẹ đơn thân hay một cựu binh già 60 tuổi đều đàng hoàng, ung dung, can trường, không chút khiếp nhược trước cường quyền! Thậm chí ông Lê Đình Lượng còn cười rất tươi, ông Nguyễn Văn Túc, một tù nhân lương tâm, khi tòa án CSVN tại Thái Bình y án tù 13 năm, 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm vào tháng 9.2018, ông không thèm nói một lời nào để biện bác hoặc xin xỏ cho mình, mà chỉ nhếch mép: “Địt mẹ tòa”.

Ngược lại, quan chức cộng sản, đặc biệt những năm gần đây không thiếu quan chức cấp tá, cấp tướng ngành công an, khi ra tòa, thái độ, tư cách khác hẳn. Người nào cũng kể lể hoàn cảnh cha mẹ già, vợ dại con thơ, xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Người thì mếu máo xin lỗi bác Trọng, mong bác tha thứ coi như con cháu trong nhà, như Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp – thương mại Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang , Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) (“Bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin lỗi “bác Tổng Bí thư” rồi òa khóc”, (Người Lao Động).

Ông Đinh La Thăng, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, Bí thư thành ủy TP.HCM, xin được “ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, với bạn bè, với người thân”. (“Ông Thăng ‘xin về nhà ăn Tết’, ông Thanh ‘xin bác Trọng tha’, BBC). Ông Thăng còn bày tỏ sợ không biết có còn sống không để ra tù, muốn “nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù” (“Bị cáo Đinh La Thăng khóc mong muốn không phải làm ‘ma tù’, Báo Mới).

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an VN, một trong 92 bị can tại vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia, thì hoảng sợ lo lắng đến nỗi phải nhập viện trước ngày xét xử.

Nhà báo Huy Đức tức Trương Huy San viết trên facebook của mình:

“Cơ quan phòng chống tội phạm làm “bình phong”, tội phạm suýt nữa thống lĩnh không gian mạng.

Chỉ sau một ngày thẩm vấn, dân chúng đủ thấy rõ rằng, CNC không phải là “công ty bình phong” cho C50 mà C50 – Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – là bình phong cho CNC. Tội phạm (đánh bạc nghìn tỷ) cũng không diễn ra bởi sự tha hoá của các cá nhân đơn lẻ. Nó được “báo cáo”, “bút phê” từ người lãnh đạo cao nhất của Ngành lúc đó.

Điều mà nếu như “cả hệ thống chính trị” suy nghĩ một cách có trách nhiệm sẽ phải rất giật mình là, chính nhà tổ chức sới bạc nghìn tỷ Nguyễn Văn Dương đồng thời lại là người lên “kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.

Kế hoạch này đã được thông qua hoặc “bút phê” từ Cục trưởng Nguyễn Thanh Hoá, cho tới Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh… và cả Bộ trưởng Trần Đại Quang.”…

Chỉ một chi tiết: ông Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch CNC, khai đã đưa cho ông Vĩnh hàng chục tỷ đồng và hàng triệu đô la, đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỷ đồng, lẽ ra phải bị buộc thêm tội hối lộ nhưng tòa lại bỏ lọt tội danh này, còn ông Vĩnh thì khai rằng đã bán cây cảnh trị giá 1,1 tỷ đồng để trả cho ông Dương tiền mua đồng hồ. Báo chí VN đưa tin, hình ảnh về ngôi nhà và khu vườn cây “khủng”, có cây cả 10 tỷ đồng của ông Vĩnh mà người dân phải choáng! Không hối lộ, tham nhũng, tiền đâu cho họ xây biệt thự, biệt phủ, chơi cây cảnh, đồng hồ ngoại, bao gái, đi du lịch, cho con ăn học ở các xứ “tư bổn giãy chết”, chưa kể bao nhiêu bất động sản, tải khoản bí mật ở nước ngoài?

Vụ án của trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ là một trong muôn vàn ví dụ về những vụ án tham nhũng lớn và về đời sống xa hoa của quan chức, lãnh đạo đảng cộng sản VN.

Còn Nguyễn Văn Hóa, nguyên Thiếu tướng, nguyên là cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50, Bộ Công an, nhưng “Theo luật sư bào chữa cho cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, bối cảnh dẫn đến việc ông Hóa phạm tội là do khi ấy ông Hóa không biết sử dụng máy tính, không hiểu biết gì về mạng viễn thông, internet, thiết bị số”(“Cựu Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa phạm tội do ‘không biết sử dụng máy tính’, Báo Mới)

Những ông quan ông tướng ở VN, khi tại vị thì hung hăng hách dịch, hành hạ xách nhiễu dân đen, hùng hổ túm cổ đòi tiêu diệt bè lũ “phản động”, ngồi xổm lên luật pháp, coi mạng người như cỏ rác, lúc sa cơ thì rúm ró bạc nhược. Có lẽ lúc đó họ vừa tiếc của, vừa mới thấm thía thấy luật pháp nước này ra sao, mới thấy tình đồng chí, đảng viên đối với nhau thế nào…Những ai còn chưa tới lượt liệu đã biết sợ mà dừng tay bớt lòng tham, bớt gây tội ác cho dân cho nước?

Nhà cầm quyền luôn kết án những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị là phá hoại đất nước, phá hoại “sự ổn định, bình yên” của xã hội. Nhưng thật ra, ai-các tù nhân lương tâm hay quan chức tham nhũng, mới chính là những người không chỉ làm tổn hại uy tín của đảng cộng sản trước mắt dân chúng, làm mất lòng tin của người dân vào nhà nước VN mà còn làm hại cho đất nước, dân tộc vì “ăn không từ một thứ gì”, làm thì ít mà phá thì nhiều, và sẵn sàng ký tuốt, bán tuốt, miễn là có TIỀN?

Câu nói của ông Nguyễn Văn Hóa “Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người…” (“Cựu cục trưởng C50: “Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn…”). Câu nói đó không chỉ đúng với riêng ông Hòa mà với đa số quan chức, chính khách, lãnh đạo đảng CSVN từ bao nhiêu năm nay, đó là không có năng lực, trình độ, kiến thức chuyên môn nhưng vẫn được giao những vị trí cao “ngất ngưỡng” cuối cùng là làm hỏng tất cả, chưa kể lòng tham vô đáy và luật pháp co dãn, không nghiêm như ở VN khiến họ tha hồ tác yêu tác quái.

Còn từ cách đối xử, mức án, cho tới hoàn cảnh giam trong tù thì lại càng cách biệt một trời một vực giữa hai loại tù. Hối lộ, bảo kê đường dây đánh bạc xuyên quốc gia như ông Phan Văn Vĩnh mà chỉ bị 7 năm 6 tháng tù, Đinh La Thăng-vốn là “đệ tử” ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là cái gai trong mắt ông Nguyễn Phú Trọng, nên bị án nặng hơn, tổng cộng 30 năm tù cho 2 vụ án lớn làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó chỉ vì yêu nước, bất đồng chính kiến mà kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù, cựu binh Lê Đình Lượng bị 20 năm tù, nhà hoạt động Trần Thị Nga dù đang phải nuôi hai con nhỏ vẫn bị 9 năm tù!

Chế độ độc tài do đảng cộng sản còn tồn tại, thì 2 loại tù nhân trên sẽ còn, ngày càng nhiều hơn mà thôi!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here