Thầy cô sử dụng những biện pháp phản giáo dục với học trò-đâu là gốc rễ của vấn đề?

Bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh bìa phải và Phó hiệu trưởng chủ trương lấy lời khai học sinh như hỏi cung mà không có phụ huynh hay người giám hộ
- Quảng Cáo -

Những câu chuyện về sự bạo hành hay cách ứng xử phản giáo dục của các thầy cô giáo, bảo mẫu, dành cho các em học sinh của mình, kể cả lứa tuổi mầm non bé bỏng, đã không còn là chuyện mới mẻ gì nữa trong xã hội VN những năm gần đây. Nhưng càng ngày, dường như mức độ phản giáo dục, thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu vắng tính nhân bản trong chính những con người được mệnh danh là nhà giáo càng gia tăng!

Mới hồi tháng Tư năm nay, dư luận sửng sốt, phẫn nộ trước câu chuyện một cô giáo Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng), chủ nhiệm lớp 3A5, bắt một em học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp! Hãy nghe em học sinh kể lại với bà hành vi của cô giáo: “Con bé kể, lúc đầu, cháu không uống nhưng cô đếm 1, 2, 3 bắt cháu uống, nếu không uống thì cô đổ vào mồm nên sợ cháu phải uống. (“Vụ học sinh lớp 3 bị ép uống nước giặt giẻ lau bảng: “Cô đếm 1,2,3 bắt uống, nếu không sẽ đổ vào mồm”, Trí Thức Trẻ).

Ngày 19.11, một em học sinh lớp 6 ở trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vì chửi tục trong lớp nên bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng cách để cả lớp mỗi bạn tát 10 cái, tổng cộng 231 cái, trong đó cái tát bồi cuối cùng là của cô giáo, đến nỗi “mặt mũi tím sưng, tinh thần hoảng loạn, không nói được nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu!” Điều đáng nói thêm là đây không phải lần đầu cô giáo này có cách dạy dỗ bạo lực, phản giáo dục như vậy: “Không chỉ N. mà trước đó, gần 10 bạn cùng lớp cũng bị giáo viên chủ nhiệm trừng phạt bằng cách ép cả lớp tát vào má bạn hàng trăm cái nảy lửa.”, “Được biết, trước đây, lúc còn dạy ở trường THCS Hải Ninh, cô Thủy cũng có cách “giáo dục mạnh tay” khiến phụ huynh bức xúc và vừa chuyển về công tác tại Trường THCS Duy Ninh được vài tháng lại xảy ra vụ việc đau lòng nói trên” (“Ba tháng làm chủ nhiệm lớp, cô giáo “tặng” học trò hơn 900 bạt tai?”)

Câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì ngày 3.12, “tại trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội khi một cô giáo xử phạt học sinh bằng cách cho bạn cùng lớp tát 50 cái. Sau khi bị tát 20 cái, em P. khóc lên vì quá đau thì cô giáo chủ nhiệm mới cho dừng lại.” (“Nóng: Học sinh lớp 2 bị cô giáo cho bạn tát 50 cái vì nói bậy”, Tin Tức online).

- Quảng Cáo -

Đây chỉ là một vài trong vô số câu chuyện về cách hành xử phản giáo dục của thầy cô giáo dưới mái trường XHCN VN như bắt học trò liếm ghế, nuốt phấn, chửi mắng, cho các em học sinh tát bạn như một cách trừng phạt…Kể cả thầy đánh trò, cô giáo chửi đánh học trò…cũng không thiếu! Chỉ cần google cụm từ “thầy giáo đánh học trò, cô giáo đánh chửi học trò” là sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Tương tự với “bảo mẫu đánh trẻ”. Và trong trường hợp thứ hai, đã từng có bảo mẫu giữ trẻ tại nhà đánh trẻ tới tử vong, có nhiều vụ cô giữ trẻ phải ra tòa lãnh án vì bạo hành trẻ v.v…

Từ những câu chuyện trên, có những vấn đề cần lưu ý:

1. Vai trò, vị trí của nghề giáo trong xã hội chưa được thực sự được đánh giáo cao, đồng lương lại không thỏa đáng khiến cho trong nhiều năm qua, sư phạm thường không phải là sự ưu tiên chọn lựa đối với phần lớn học sinh khi chọn ngành học. Thậm chí những năm trước, khi phải thi vào Đại học, điểm số một số ngành như Y, Dược, Kinh tế, Bách khoa…luôn cao hơn Sư phạm, khiến cho “đầu vào” của ngành Sư phạm có khá nhiều sinh viên có học lực yếu. Điều này rất khác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt như Phần Lan, các thầy cô giáo được trả lương rất cao và yêu cầu tuyển chọn vào ngành giáo rất khó nên những người theo học ngành này phải giỏi.

Điều này còn dẫn đến không ít trường hợp vì không học được ngành khác, phải vào ngành giáo trong khi chưa chắc đã yêu thích nghề này. Ví dụ như trong trường hợp cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng, trước đó ngành học chính thức là ngành kinh tế.

2. Trong một môi trường xã hội mà chuyện con ông cháu cha hay chuyện nhờ có những mối quan hệ nào đó, nhờ “chạy chọt” để kiếm được một việc làm là chuyện…bình thường, ngành giáo cũng không là ngoại lệ. Cô giáo cho học trò uống nước giặt giẻ lau bảng có nhân thân, kinh nghiệm sau: “là con gái của bà Tạ Thị Ng., Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Dương, TP Hải Phòng”, “Sau khi tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, cô Minh Hương học thêm văn bằng của trường sư phạm, ra trường là về Trường Tiểu học An Đồng dạy học, đến nay mới được 7 tháng” (“Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng là con phó Phòng Giáo dục huyện”, Người Lao Động). Cô giáo cho bạn học đánh một học sinh lớp Hai 50 cái là L.H.Trang , con gái của bà H.T.L.Nhung, Phó chủ tịch Quận Đống Đa. Đến khi xảy ra chuyện thì gia đình, nhà trường hay bản thân cô giáo đó lại bao biện là do còn trẻ, nông nổi, chưa có kinh nghiệm ứng xử với học trò, mong mọi người thông cảm (!).

Nghề nào cũng vậy, muốn làm được tốt thì ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, còn phải có những phẩm chất, tính cách phù hợp. Với nghề giáo đó là tính kiên nhẫn, chu đáo, yêu thương học trò, yêu thương trẻ con, hiểu tâm lý học trò v.v…Nếu vì một lý do nào đó mà chọn nghề giáo hoặc nếu vì con ông cháu cha mà được phân công đi dạy khi chưa có đủ kinh nghiệm cũng không có những tính cách, phẩm chất phù hợp thì sẽ dễ có những hành vi, cách dạy dỗ không đúng mực, thậm chí phản giáo dục. Trong cả 3 trường hợp trên, từ hai cô giáo còn trẻ chưa có kinh nghiệm đứng lớp bao lâu cho đến cô giáo cho học sinh tát bạn 230 cái từng đi dạy nhiều năm đều thiếu hẳn những phẩm chất, tính cách cần thiết trên, họ không chỉ thiếu kiên nhẫn mà còn tàn ác với những đứa học trò bé nhỏ của mình.

3. Căn bệnh chạy theo thành tích. Một “căn bệnh” rất nặng trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề ở VN, trong đó có nghề giáo. “Sau khi sự việc bị phanh phui, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, người chỉ đạo gây ra 231 cái tát kia (chưa kể cả 670 cái tát dành cho 10 học sinh (HS) khác trước đó), bao biện rằng tất cả chỉ vì cô lo lắng cho xếp hạng thi đua của lớp cô chủ nhiệm. Còn bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường, thì xin báo chí đừng lên tiếng vụ việc vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ II.” (“Vụ 231 cái tát: Sự vô cảm đáng sợ từ bệnh thành tích”,Pháp Luật TP.HCM). Bài báo cũng đưa ra ý kiến của một số cá nhân gắn bó với ngành giáo dục về “căn bệnh thành tích mì ăn liền” này.

Đã từng có những câu chuyện khác, không liên quan, khi một học sinh bị lạm dụng tình dục bởi thầy cô hoặc nhân viên, bảo vệ của nhà trường thì thay vì đứng về phía đứa trẻ là nạn nhân đáng thương, thì tại một vài trường, nhà trường đã tìm cách ém nhẹm câu chuyện, bất hợp tác với phóng viên, vô cảm với nỗi đau của trẻ và phụ huynh…chỉ vì sợ nếu làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà trường!

4. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, hoàn toàn không ý thức được là mình đã làm sai, một điều đáng kinh ngạc ở những con người đã qua tuổi trưởng thành, hoạt động trong môi trường giáo dục, là thầy cô, là Hiệu trưởng, Ban Giám Hiệu…này. Khi dư luận, báo chí lên tiếng, thì các cô giáo kia mới hoảng loạn! “Khi phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cô giáo chỉ nghĩ đó là một hành động nửa đùa nửa thật chứ không ngờ lại gây hậu quả nghiêm trọng như vậy… Sau khi sự việc bị lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nữ giáo viên này đã bị sốc tâm lý” (“Cô giáo bị sốc tâm lý sau khi phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng”, Báo Mới). Cô giáo trừng phạt học sinh bằng cách cho cả lớp tát 230 cái, thì đập đầu vào tường, toan tự tử.

Có nghĩa là trước đó họ không hề ý thức được rằng hành động của mình là sai, cho đến khi dư luận phản ứng! Hãy đặt câu hỏi nếu dư luận không phản ứng thì sao, nhất là cô giáo Thủy vụ 230 cái tát kia đã từng sử dụng biện pháp bạo lực, mạnh tay với học sinh nhiều lần, ở cả trường cũ lẫn trường mới?

Nhân vật còn đáng trách hơn nữa là bà Hiệu trưởng nơi cô giáo cho học trò tát bạn 230 cái (và trước đó là hàng trăm cái tát, với 10 học sinh khác) đã không phản ứng những lần trước, lần này khi câu chuyện lan truyền thì lại xin báo chí đừng lên tiếng, sau đó lại tiến hành lấy “phiếu điều tra” các em học sinh đã tát bạn với mục đích làm giảm nhẹ sự việc.

Facebooker Chau Doan (Đoàn Bảo Châu) viết:

Hết thuốc

Sự việc cô hiệu trưởng “hỏi cung” 23 đứa trẻ khi chúng bị cách ly, không có người giám hộ với mục đích vớt vát danh dự của nhà trường hoàn toàn theo logic của những con người giả dối.

Thay vì nhìn sự việc 231 cái tát là một tội lỗi không thể tha thứ với những đứa trẻ, hiệu trưởng chỉ nhìn thấy đấy là một rủi ro mất điểm thi đua.

Việc coi trọng thành tích cộng với sự ngu dốt của một con người làm nghề giáo dục nhưng không hề hiểu về tâm hồn con trẻ, không hiểu điều gì tạo nên nhân cách con người, tức là thực sự không hiểu hai chữ Giáo Dục đã khiến cô ta mù loà và tiếp tục hành động ngu xuẩn.

Logic tâm lý này y như sự việc hiệu trưởng đi xe đâm gẫy chân học sinh rồi bắt cả trường nói dối để lấp liếm tội.

Họ giống nhau bởi họ là nhũng con người có tâm độc ác, thèm khát thành tích và danh vọng đến mức bất chấp quyền lợi và sự tổn thương cuả những đứa trẻ.

….

Và tôi tin rằng, sau thảm hoạ này thì sự ngu và bất lương của hiệu trưởng và giáo viên vẫn y nguyên thôi.

Họ không nhìn được những gì người khác nhìn thấy.

Tóm lại là hết thuốc!”

Cái đáng sợ nhất là “Họ không nhìn được những gì người khác nhìn thấy”.Nên kết quả có ngay thôi, câu chuyện cô giáo cho học sinh tát bạn 231 cái chưa kịp lắng xuống, thì đã có cô giáo khác cho học sinh tát bạn, chỉ mới học lớp Hai, 50 cái.

5. Và cuối cùng: Thiếu hiểu biết về Quyền Con Người, Quyền Trẻ em nên mới hành xử như thế. Bởi trong một xã hội như xã hội VN, Quyền Con Người, Quyền Trẻ em và vô số quyền khác là những khái niệm vô cùng xa xỉ!

Và tôi cũng không nghĩ rằng những câu chuyện tương tự sẽ chấm dứt, trong xã hội VN, khi những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn còn đó.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here