Chiến tranh biên giới Việt-Trung 2019?

- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Bài học lịch sử 40 năm 1979 – 2019

Người Trung Hoa thường coi trọng những bài học lịch sử và đối với họ 17/2/1979 là ngày gợi rất nhiều “hứng thú” cho giới chóp bu Trung cộng. Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung vào tháng 2/1979 được Đặng Tiểu Bình phát động với mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học” khi Lê Duẩn có khuynh hướng gần hơn với Liên Xô, tỏ lập trường chống ảnh hưởng bá quyền của Bắc Kinh và tiến hành cuộc chiến tranh ở Campuchia. Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung tàn khốc đã hủy hoại nền kinh tế của Việt Nam, gây tổn thất to lớn về nhân lực và sự ổn định an ninh ở sáu tỉnh biên giới trong thời gian 10 năm sau đó.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến tranh 1979 là một “chiến thắng chiến lược” của đảng Cộng sản Trung Quốc và âm hưởng của nó còn kéo dài cho tới năm 1988 với sự kiện Gạc Ma Cô Lin.

Người bạn “16 vàng – 4 tốt” đã gây một cuộc binh đao núi xương sông máu với hàng trăm ngàn sinh mạng người Việt để “làm quà” với người Mỹ và đổi lại “tối huệ quốc” với rất nhiều ưu ái thương mại, đầu tư, kỹ thuật. Trong suốt 3 thập kỷ “một mình múa gậy vườn hoang” ở biển Đông, Bắc Kinh đã tiến sâu xuống phía Nam trên những quần đảo chiếm được của Việt Nam, xây dựng “vạn lý hỏa thành”, bao trọn vùng biển chiến lược Đông Nam Á.

Sự kiện lịch sử 40 năm 2/1979 – 2/2019 tới đây sẽ là một sự kiện trọng đại và hẳn nhiên việc tái hiện lại “chiến thắng lịch sử” là điều mà Bắc Kinh rất mong muốn. Tập cận Bình cũng nóng lòng cần một sự khẳng định vị thế cũng như thành tựu của tham vọng “một vành đai, một con đường”. Trong đó, Việt Nam và “đường lưỡi bò” là một cấu thành quan trọng bậc nhất.

- Quảng Cáo -

Và cuộc chiến hôm nay

Trong khi quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày thành lập 22/12 – một sự kiện thường niên vốn được nhiều sự quan tâm của bộ máy chính trị CSVN thì phía bên kia biên giới, người “láng giềng tốt” đang có cuộc điều động một lực lượng quân sự lớn với sự tham gia của những tập đoàn quân chủ lực của Bộ tư lệnh chiến trường miền Nam Trung Quốc. Cần chú ý sự có mặt tập đoàn quân khét tiếng tàn ác đã tham chiến trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 như tập đoàn quân 75.

Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng điều hành tác chiến, hiệp đồng trên địa hình chiến trường sát biên giới Việt Trung giáp các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam, đánh giá hiệu quả tác chiến điện tử, thiết xa vận, các loại tăng và pháo mới nhất của quân đội PLA [Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc] như tăng lớp Type 15, pháo tự hành 07A và pháo phản lực thế hệ mới bên cạnh những lực lượng khí tài quân sự chủ lực khác…

Trong những ngày qua, mạng xã hội FB Việt Nam tràn ngập tin tức và hình ảnh của hai quả ngư lôi mà ngư dân Việt Nam vớt được ở khu vực sát bờ biển Phú Yên và Bình Định có chữ Trung Quốc. Báo lề Đảng thì đăng những tin tức rất mập mờ “vật thể lạ hình trụ”. Trong khi, rất nhanh chóng, cư dân mạng đã tra ra chủng loại của một trong hai quả ngư lôi này được cho là loại ngư lôi thử nghiệm không gắn đầu nổ, có điều khiển, có tên định danh Yu-6 của Trung Quốc, tầm bắn 50 km. Quả còn lại nhỏ hơn đã bị ngư dân “xẻ thịt”. Những quả ngư lôi này đã được bắn đi trong khu vực rất gần bờ biển miền Trung Nam bộ Việt Nam với mục đích “diễn tập”?

Phía quân đội Việt Nam hoàn toàn im lặng và chỉ làm công tác xuống hiện trường ghi nhận và cắm biển “cấm lại gần”. Như vậy, nếu không phải do tầu ngầm Việt Nam thử nghiệm ngư lôi mà là các “tàu nước lạ” thực hành diễn tập tác chiến trong vùng ven bờ biển Phú Yên thì đây là sự kiện cực kỳ nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa, lực lượng hải quân và biên phòng Việt Nam đã hoàn toàn vô dụng, không phát hiện hay ngăn cản được các lực lượng tàu chiến nước ngoài hoạt động hay thậm chí tác chiến ngay trong lãnh hải Việt Nam.

Các cơ cấu phòng thủ bờ biển và hải không quân của Việt Nam đã là thứ phế vật. Nếu xung đột xảy ra, mọi cửa ngõ ra biển, cảng dân sự và quân sự Việt Nam sẽ dễ dàng bị khống chế như thế nào? Trong trường hợp suy đoán khác, rằng mọi cơ cấu này đã hoàn toàn bỏ ngỏ thì có nghĩa kịch bản bán nước toàn diện của CSVN đã sẵn sàng?

Kết cục nào cho Việt Nam

Cuộc chiến tranh Việt-Trung nếu tái hiện vào thời gian “kỷ niệm” 40 năm cuộc chiến tranh biên giới 1979 – 2019 thì kết cục lại hoàn toàn khác trước. Bàn cờ địa chính trị khu vực và thế giới đã thay đổi từ lâu. Việt Nam không còn nằm trong liên minh quân sự với bất cứ cường quốc nào. Nếu xảy ra chiến tranh Việt-Trung trong thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn đơn độc, không có sự hỗ trợ to lớn cuả Liên Xô như trong quá khứ.

Chính sách “đu dây” về chính trị nhưng lại “3 không” trong quân sự khiến cho Hà Nội trở thành “miếng mồi ngon” nếu xảy ra chiến tranh với người bạn vàng “4 tốt”. Thậm chí, để làm hài lòng Bắc Kinh, vừa qua, Hà Nội đã lặng lẽ rút khỏi chương trình giao lưu quốc phòng với Mỹ dự định sẽ diễn ra trong năm 2019 cũng như lời đề nghị được mua vũ khí, khí tài quân sự của Hoa Kỳ.

Trong rất nhiều xung đột ở biên giới phía Bắc và trên biển Đông suốt từ 1988 tới nay, CSVN luôn thúc thủ cầu hòa và chấp nhận mọi yêu sách của Bắc Kinh cắt nhượng các cao điểm chiến lược nằm sâu nội địa, cùng nhiều biển, đảo ở biển Đông và vịnh Bắc Bộ. Tuy đứng ở thứ hạng khá cao trong khu vực Châu Á, nhưng quân đội Việt Nam thực chất chỉ là một đội quân lạc hậu về kỹ thuật quân sự, thiếu khả năng thực chiến và bị tha hóa nghiêm trọng bởi nạn tham nhũng, mua quan bán tước phổ biến trong thời gian dài. Một đội quân hoàn toàn bất lực trước nguy cơ chiến tranh và không có khả năng bảo vệ tổ quốc.

Còn nhớ, năm 2016, liên tiếp những chiến đấu cơ hiện đại nhất của binh chủng không quân như Su30MK2, Su22, Casa 212 liên tục bị “tai nạn không rõ nguyên nhân” trên vùng biển Việt Nam khiến cho các đơn vị không quân chỉ còn diễn tập trong đất liền mà không còn dám bay trên biển Đông. Còn giờ đây, lực lượng “tàu lạ” đã vào sát bờ biển Phú Yên, diễn tập với ngư lôi Yu-6 mà “quân đội anh hùng” không hề hay biết? Đội quân suốt hơn 30 năm qua chỉ biết làm kinh tế, buôn lậu, bán đất và xăng dầu, cũng như ăn cắp kinh hoàng thông qua các chương trình mua sắm vũ khí và xây dựng hạ tầng trong quân đội. Nếu cuộc chiến biên giới 1979 tái hiện, chắn chắn thứ quân đội “ăn hại nhân dân” này không đủ sức cầm cự trong vòng 2 tuần lễ. Thậm chí cái “dũng khí” dám tự vệ cũng hoàn toàn không còn nằm trong não trạng của những cấp chỉ huy cao nhất vốn đều là những tỷ phú đô la và “đồng chí tốt” của Trung Quốc.

Trong hàng chục hiệp định và thỏa thuận “hợp tác” giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung mà ông Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với người đồng nhiệm Tập Cận Bình vào cuối năm 2017, cần lưu ý nội dung Văn kiện số 12: Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Văn bản hợp tác số 1: Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước đó, những thỏa thuận hỗ trợ an ninh của hai đảng cộng sản trước đại hội 12 đồng ý cho phép quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể can thiệp hỗ trợ đảng cộng sản Việt Nam trong trường hợp có lật đổ chế độ giống như các hiệp định an ninh trong khối Warsaw trước đây. Như thế có nghĩa, là bất cứ lúc nào quân đội Trung Quốc cũng có thể có mặt ở Hà Nội để “bảo vệ” cho đảng cộng sản anh em khi xảy ra biến loạn.

Trong một bản tin trên tờ Quốc Phòng ngày 20/12 đăng tin “Đoàn đại biểu Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu Trung Quốc khảo sát cảng quốc tế Cái Mép và Thị Vải”. Cảng Cái Mép, Thị Vải là cảng container quan trọng của Đông Nam Bộ. Nếu so về vị trí chiến lược thì cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải khá giống với cảng Hải Phòng về địa kinh tế, quân sự. Việc lực lượng biên phòng tiếp đón một đoàn đại biểu Trung Quốc có chức năng quản lý cửa khẩu với nội dung “khảo sát” ở thời điểm này làm cho nhiều nghi ngại rằng một cuộc bàn giao cảng biển quan trọng bậc nhất Nam Việt Nam cho người “anh em tốt” bằng phương thức “hợp tác cùng khai thác” nhiều khả năng có thể xảy ra trong tương lai không xa.

Nếu nghi vấn này thành sự thực thì cửa ngõ của miền Nam đã hoàn toàn bỏ ngỏ và dân tộc Việt sẽ chứng kiến cuộc chiến tranh 1979 sẽ được tái hiện sau 40 năm nhưng trên qui mô, phương thức hoàn toàn khác. Kết cục của nó sẽ bi thảm hơn muôn phần so với cuộc chiến tranh biên giới 1979.

22/12/2018
Tân Phong

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here