‘Tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà’

- Quảng Cáo -

Nhóm PV (VNTB) 

Trong thời gian thực hiện loạt bài ghi nhận ý kiến người buôn gánh bán bưng, xe ôm trước việc họ phải đối mặt thêm sắc thuế khoán trong năm 2019, nhóm PV VNTB còn nhận ra chuyện người nghèo buôn bán không chỉ phải đóng các khoản hụi chết cho lực lượng quản lý đô thị nhằm mua lấy sự yên ổn buôn bán, mà người nghèo còn vướng vào bẫy nợ của tín dụng đen. Đây sẽ là khoản hao hụt sở hụi trong doanh thu mà ngành thuế khó thể tính khi muốn khoán thuế.

Cán bộ thuế thử nghèo đi thì mới hiểu…

Với cái mẹt bày hành, tỏi, ớt bán trước khoảng sân rộng của chợ Hanh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Tám Bảnh đã bất ngờ nổi nóng chửi đổng khi nhóm PV VNTB đi ghi nhận ý kiến của người buôn gánh bán bưng về việc nhà nước tính thu thuế khoán với họ trong năm 2019.

“Đ. con m. bà nó. Tao bán hành tỏi ế thấy mụ nội, đã vậy còn bị mấy thằng trật tự phường đuổi chạy muốn rả cặp giò, giờ lại đè tao ra mà oánh thuế nữa hả? Thằng con tao nói mấy trạm bốt gì đó (ý bà muốn nói đến trạm thu phí giao thông đường bộ BOT) ỷ có mấy thằng chống lưng, rồi tác oai tác quái. Cái gì, bộ tài chánh thu thuế hả? Tao già rồi, tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà… Đồ ch. chết!”. Bà Tám chửi khá thô tục.

- Quảng Cáo -

Ông Nguyễn Đức, bán quần áo sida trước cổng chợ Hanh Thông Tây, kể gia đình bà Tám Bảnh vốn đâu phải nghèo hèn gì. Hồi xưa, má của bà từng nuôi giấu cán bộ. Sau này khi đất đai quy hoạch, cả nhà bà Tám Bảnh bị đền bù giá rẻ mạt rồi tống ra đường. Con cái của bà tứ tán. Bà Tám bắt đầu chửi chế độ từ đó.

“Cán bộ thuế có ai nghèo đâu mà biết bà Tám hay tụi tui cực khổ buôn bán thế nào. Mà cũng đúng, nghèo thì làm sao có tiền để lo chạy một suất vào làm cán bộ thuế. Xóm tui có cậu kia kể để được nhận vào làm quản lý đô thị quận, cậu phải lo lót mấy chục triệu bạc mua cái bằng cấp về ngành xây dựng, sau đó là chung chi để vào làm nhân viên quản lý đô thị, chuyên đi rảo xóm để kiếm chuyện phạt…

Bán quần áo dạo như tui cũng bị mấy cậu đó bắt phạt. Muốn yên thì phải trà nước. Giờ nếu tụi tui đóng cho mấy ổng thêm thuế khoán gì đó như nhà báo hỏi, chắc đành bóp bụng chi thêm chút đỉnh nữa để khỏi đóng thuế…”. Ông Nguyễn Đức tâm sự.

Một cậu sinh viên bày hàng loa vi tính, quạt máy xài USB, con chuột, đèn, tai nghe, bàn phím…, góp chuyện rằng chính sách thuế hiện nay đang đánh đồng giữa “doanh thu” và “thu nhập” đối với người kinh doanh.

“Hầu hết các hộ kinh doanh đang sử dụng mặt bằng thuê lại, cơn sốt nhà đất đã đẩy giá thuê măt bằng tại thành phố lên cao. Một quán cóc bình thường thì giá thuê mặt bằng đã trên 10 triệu đồng/ tháng, giả sử doanh thu của họ ở mức 10 triệu đồng/ tháng, tức 120 triệu đồng/ năm, có nghĩa là đang chịu lỗ vì mới đủ tiền thuê, song theo quy định hiện nay vẫn phải đóng thuế như thường. Thế nên đa số các hộ kinh doanh cá thể phải lách thuế bằng nhiều cách, tiêu cực cũng phát sinh từ đó”. Cậu sinh viên tự giới thiệu tên Nguyễn Tùng, khoa công nghệ thông tin một trường đại học, nhận xét với nhóm PV VNTB.

Tín dụng đen: 10 triệu bạc doanh thu chỉ đủ đóng tiền lãi vay!

Ông N.H.Đ, một cựu sĩ quan, hiện làm bảo vệ một ngôi chợ gần doanh trại quân đội ở quận 12, Sài Gòn cho biết đừng nghĩ doanh thu một gánh bún riêu 10 triệu đồng/ tháng là cao.

“Một tô bún riêu bình dân bán buổi chiều ở chợ dành cho người lao động nghèo chỉ có 15 ngàn đồng. Lời chừng 1.000 đồng/ tô. Để có doanh số 10 triệu bạc/ tháng, có nghĩa mỗi ngày phải bán đến hơn 300 tô. Không hề dễ. Số vốn ban đầu để sắm sửa ra nghề, nhiều khi là đi vay. Lãi vay này đâu có nhẹ…”. Ông N.H.Đ dè dặt kể.

Gánh bún riêu

“Tôi chính là một nạn nhân khi đứng ra vay dùm cho một gia đình nghèo khó muốn có gánh bún riêu mưu sinh. Lần đó, vay 10 triệu để sắm sửa nồi niêu, bàn ghế và những khoản tiền ban đầu trà nước cho địa phương. Lệ thường ở chợ, lãi suất chỗ nào quen thì khoảng 5.000 đồng/ triệu/ngày, chỗ không quen khoảng 7.000 đồng/ triệu/ngày. Mới đầu buôn bán thì làm sao lời được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Đứt vốn. Rốt cuộc số tiền đó lên gần 40 triệu…”. Ông N.H.Đ nói rằng bận ấy để mua lấy sự yên ổn, ông đành chạy vạy người thân để gom đủ số bạc 40 triệu trả dứt nợ một lần.

“Coi như mình làm phước cho bà bún riêu. Nhưng chắc cán bộ thuế thì không biết điều đó. Họ cứ xé biên lai hoa chi đều đặn. Giờ mà họ tính thu thuế khoán bà bán bún riêu, chắc tui đành treo nợ cho bả, chứ sao đành…”. Ông N.H.Đ thở dài cam chịu.

Ông Đ. tâm sự vợ của ông từng có một xe đẩy bề thế bán cơm cho công nhân. Để có vốn sắm sửa bàn ghế, chén dĩa và mướn mặt bằng rộng rãi hơn, ông đã chọn vay qua mối quan hệ quen biết hồi còn là sĩ quan quân đội.

“Ngặt còn ở chỗ lúc vay tiền mở mang chỗ bán, mấy ông thuế địa phương tưởng vợ tôi làm ăn khấm khá hơn nên đòi tăng tiền tháng…

Giờ nghe nhà báo hỏi vụ thuế khoán, nhớ hồi vay nợ đó, tôi thấy dường như mấy ông quan chức trên bộ tài chính không giống sĩ quan tụi tôi là phải đi dần từ thằng lính leo lên. Khoán thuế với người buôn gánh bán bưng, với xe ôm nơi đầu hẻm… cần nhớ rằng tiền vốn lận lưng ban đầu của họ cơ cực lắm. Nhiều khi đánh đổi bằng máu theo đúng nghĩa đen.

Nói nhà báo thương, tôi là đảng viên. Tôi thấy nhục khi đảng của mình giờ đây cứ chăm chăm tìm cách hút máu dân. Chuyện hăm he thuế khoán với dân nghèo khó mưu sinh, tôi nghĩ nếu thực sự vì lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chân chính, thì không chỉ miễn thuế cho họ, mà cần giúp đỡ họ đồng vốn cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.

Cũng thú thiệt với nhà báo, lần nào họp chi bộ, tôi cũng muốn nói thẳng rằng khi người yếu kém và thiếu trách nhiệm ngồi nhầm chỗ, cả một guồng máy sẽ đình trệ và người tài cũng rồi cũng hỏng hóc…”. Ông N.H.Đ chia sẻ đầy uất ức.

Tạm kết

Trong nỗi niềm dồn nén của người đã cùng nhóm PV VNTB thực hiện loạt bài ghi nhận chủ đề thuế khoán sẽ đánh vào người nghèo buôn gánh, bán bưng, nhà báo P.V.P đã đầy phẫn nộ chấp bút cho phần kết của bài viết này: Không ngày nào trong cả năm qua mà không đọc thấy một hay vài ba mẩu tin nào đó cho thấy họ len lỏi vào tâm trí chúng ta, đòi kiểm soát tư tưởng và phát biểu; họ nhòm ngó túi tiền của chúng ta, tính chuyện bóp nặn bòn rút; họ ngắm nghía đo lường tài nguyên để tính chuyện bán sỉ, bán lẻ chia nhau; họ bán sạch mọi tài sản mà họ nắm trong tay; khi hết cái để bán, họ bán nốt quyền xả thải gây ô nhiễm và bảo đảm cho doanh nghiệp ô nhiễm ấy không bị dân chúng phản đối.

“Họ là ai”?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here