Súng đạn và kinh tế

- Quảng Cáo -

Nguyễn Việt Nam|

Biển Đông 2019 sẽ tiếp tục là một đề tài nóng được đưa ra bàn luận, hành động. Chảo lửa Biển Đông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam mà còn là cả khu vực Châu Á. Và hai thành phần chủ chốt có thể đốt lửa ở đây không ai khác ngoài Trung Quốc -Mỹ cùng các đồng minh.

Tuy nhiên khả năng xảy ra đụng độ là rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra ở quy mô cảnh cáo, đe dọa lẫn nhau. Và nó là cơ sở nhen nhóm cho một cuộc đọ súng hạng nặng bởi vì lợi ích của Mỹ và đồng minh cũng không kém gì Trung Quốc ở vùng biển này.

Diễn biến:

- Quảng Cáo -

Hiện tại ASEAN đang đi nước đôi với Trung Quốc. Một mặt muốn làm ăn với Trung Quốc, một mặt muốn kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự ở Biển Đông qua COC (bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông). Tuy nhiên bộ quy tắc ứng xử này chưa hoàn thiện và Lý Khắc Cường, thủ thướng Trung Quốc muốn kéo dài thời gian hoàn thiện lên 3 năm nữa. Đây có thể là chiêu câu giờ để Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa toàn bộ Biển Đông. Và có thể 3 năm nữa họ vẫn cố tình chưa xong thì lại sẽ có 3 năm tiếp theo.

Về phía Trung Quốc thì vẫn tiếp tục quân sự hóa ở vùng biển này, nhất là ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định rằng năm nay Trung Quốc sẽ đưa chiến đấu cơ đến những căn cứ đã xây dựng ở hai quần đảo này vì họ đã xây dựng 72 nhà chứa chiến đấu cơ ở Trường Sa của Việt Nam. Mặt khác một thiếu tướng quân đội Trung Quốc đã lớn tiếng hăm dọa sẽ đánh chìm hai tàu sân bay của Mỹ gây thiệt hại khoảng 10000 người. Đây là phát ngôn của cá nhân nhưng lại đăng tải trên trang của quân đội Trung Quốc nên có vẻ đã có sự đồng thuận một phần nào đó từ quân đội nước này. Trung Quốc cũng lớn tiếng nói rằng quân đội nước này năm 2019 sẽ sẵn sàng chiến đấu. Tất nhiên là mục tiêu là nhắm vào Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có thể có cả Đài Loan. Khá nhiều tướng tá cũng đã được thăng hàm để chuẩn bị cho chiến lược chiến tranh do Tập Cận Bình thống lĩnh.

Về phía Mỹ: Mỹ cũng không hề có thái độ xuống thang nào ở khu vực này mà thay vào đó còn bổ sung thêm quân đến và hối thúc các đồng minh gia tăng sức ép lên Trung Quốc cả về quân sự, kinh tế và chính trị. Dự báo của nhiều chuyên gia trong năm nay sẽ có sự tăng cường tuần tra của Mỹ và các đồng minh với lý do tự do hàng hải ở Biển Đông. Rất có thể sẽ có đụng độ khí tài, tàu bè vì lần trước Trung Quốc khá hung hăng khi lao vào tàu Mỹ, nhưng tàu Mỹ đã kịp đổi hướng và đã không có đụng độ xảy ra.

Chiến tranh thương mại: Sắp tới đây sẽ có đàm phán thương mại Mỹ -Trung nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng có thể có một số thỏa thuận nho nhỏ vì Trung Quốc cũng xuống thang khá nhiều trong việc tăng cường nhập khẩu hàng Mỹ và giảm thuế cho một số hàng hóa của Mỹ như xe hơi…Tuy nhiên để chấm dứt chuyện này chưa phải một sớm một chiều mà vấn đề nó không còn chỉ là “thương mại” nữa. Cuộc chiến này kéo dài nó sẽ là nguyên nhân, cái cớ cho một cuộc chiến toàn diện và lan sang các nước đồng minh như Canada vừa rồi cũng dính vào mối quan hệ Mỹ -Trung và một số nước như Nhật Bản cũng đã tỏ rõ thái độ đối đầu với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự.

Có thể nói rằng không thể lường được. Nhất là ông Trump lại là một tổng thống nay mưa mai nắng. Chính điều này cũng khiến các nước khác, nhất là Trung Quốc rơi vào thế bị động. Ông Trump luôn mang đến những cái giật mình cho thế giới. Đang ôm súng mà giật mình thì dễ có khả năng bóp cò lắm. Tuy nhiên các bên vẫn rất thận trọng và coi đọ súng là biện pháp cuối cùng để phân tranh.

Nếu khách quan mà nói thì năm 2019 này, khả năng chiến sự xảy ra ở khu vực Châu Á là rất nhỏ. Nên Việt Nam năm nay vẫn còn an toàn. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải xét đến viễn cảnh rủi ro khi có đọ súng. Nếu có va quẹt nhỏ mà hai bên không kiềm chế, đi vào đàm phán thì rõ răng bạo lực sẽ gia tăng. Trong cơn nóng giận thì một que diêm thôi là đốt cả cây xăng.

Nếu có biến: Kinh tế Việt Nam sẽ tan tành. Sự sụp đổ này không đến từ khu vực kinh tế trong nước mà là đến từ nước ngoài. Khối doanh nghiệp FDI và nguồn vốn ngoại trên sàn chứng khoán sẽ tháo chạy vì đây là dòng vốn rất nhạy cảm, nó có thể ra đi trong thời gian nửa năm đến một năm là sạch bong kin kít. Vốn ngoại trên sàn chứng khoán mà rút đi thì khỏi nói rồi. Cộng với dự báo năm 2019 này chỉ số VN Index có thể ở mức 600 điểm nữa thì còn nguy to. Còn đội FDI kia đang chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thì họ mà rút đi thì thôi coi như là vốn liếng, thành tựu, việc làm, tăng trưởng …là ra bãi tha ma hết. Nhất là năm nay Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn nhiều từ các FTA khi các FTA cũ thuế dần trở về mức thấp nhất và FTA mới lại sắp thực thi. Ngay cả trong CPTPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn là hạng bét, số lượng nhiều, giá trị thấp. Nguy cơ ăn thuế phòng vệ thương mại vì nguồn gốc xuất xứ cũng đang gia tăng. Và thường là họ sẽ đánh thuế lên cả những mặt hàng cùng loại với những mặt hàng vi phạm. Đây là một khó khăn rất lớn cho sản xuất và xuất khẩu.

Với những nguy cơ, sức ép đến từ chính trị, quân sự và kinh tế như thế thì khả năng rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam là không thể ngồi rung đùi được. Bài viết này chỉ là phân tích một mẩu nhỏ trong bức tranh toàn cầu. Còn rất nhiều yếu tố, hoàn cảnh khác nhau ở mọi lĩnh vực trên toàn cầu đều gây ảnh hưởng gián tiếp cho Việt Nam. Nếu chính phủ của anh Phúc không nâng cao khả năng tự chủ kinh tế, sức chống chịu kinh tế mà cứ lao theo đà phụ thuộc thế này thì vui lắm. Ngày đổi thay cũng không còn xa nữa đâu. Chỉ cần có biến là sẽ có những cuộc đình công lớn nổ ra trong năm nay nhắm vào các doanh nghiệp FDI. FDI hiện đang là tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam và cũng là tử huyệt của chế độ cộng sản. Căng đấy. Nhưng không căng lắm vì khả năng xảy ra những điều trên vẫn ở mức thấp nhưng không có nghĩa là không xảy ra nhé./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here