Choáng với quy định công xa

Hình minh họa: Đoàn xe thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rầm rộ kéo vào phố cổ Hội An, bất chấp bảng cấm xe cơ giới.
- Quảng Cáo -

Trân Văn – VOA

Nghị định về “tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô” (Nghị định 04/2019) mà chính phủ Việt Nam vừa ban hành, sẽ có hiệu lực vào cuối tháng tới (25 tháng 2 năm 2019) làm nhiều người chưng hửng.

Theo nghị định này thì các Tổng Bí thư, các Chủ tịch Nhà nước, các Chủ tích Quốc hội, các Thủ tướng, bất kể đương nhiệm hay đã nghỉ hưu đều được cấp công xa, không khống chế giá trị (muốn dùng công xa loại nào, giá bao nhiêu cũng được) để sử dụng… suốt đời.

Các Ủy viên Bộ Chính trị, các Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN), các Phó Chủ tịch Nhà nước, các Phó Thủ tướng, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng CSVN, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP.HCM và các chức danh tương đương hoặc có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên thì được cấp công xa để sử dụng trong suốt thời gian tại vị. Giá trị công xa thì do Thủ tướng quyết định.

- Quảng Cáo -

Nghị định 04/2019 còn cho phép cấp công xa, trị giá 1,1 tỉ/chiếc cho người đứng đầu các ban của BCH TƯ đảng CSVN, các Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước, các Bộ trưởng và những cá nhân mang hàm tương đương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ VN, lãnh đạo các đoàn thể cấp trung ương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên. Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc chính quyền trung ương, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội, TP.HCM cũng có quyền sử dụng công xa loại tương tự.

Những viên chức thấp hơn một chút như: Phó của các ban thuộc BCH TƯ đảng CSVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chánh án Tòa án Tối cao, Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các Thứ trưởng, các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, các viên chức cấp phó của các đoàn thể cấp trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên đều được cấp công xa trị giá 920 triệu đồng/chiếc.

Phó Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc chính quyền trung ương và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch ỦBND, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Hà Nội, TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được hưởng đãi ngộ tương tự – mỗi cá nhân có quyền được dùng một công xa trị giá 920 triệu đồng/chiếc (1).

***

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, mỗi năm, dân chúng Việt Nam phải chia nhau gánh khoản chi 13.000 tỉ đồng để duy trì hoạt động của 40.000 công xa chuyên đưa đón các… đầy tớ của họ (2). Cho dù 13.000 tỉ đồng/năm làm người ta sửng sốt nhưng vào thời điểm ấy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng con số đó chưa sát thực tế. Ngoài lương trả cho các tài xế, nếu tính đúng, tính đủ chi phí bảo dưỡng, chi phí liên quan đến vận hành (ví dụ bảo hiểm,…), rồi tiền xăng chi cho mỗi công xa hoạt động suốt năm, tổng số tiền để duy trì hoạt động của 40.000 công xa này chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với tính toán của Bộ Tài chính.

Ngoài chi phí hàng năm để duy trì hoạt động của 40.000 công xa như đã kể, vài số liệu khác liên quan tới công xa, cũng do Bộ Tài chính Việt Nam công bố vào năm 2015, rất đáng để người ta ngửa mặt kêu Trời! Chẳng hạn vào thời điểm ấy, giá trị của 40.000 công xa dành riêng cho việc đưa đón các… đầy tớ là 20.600 tỉ đồng, xấp xỉ một… tỉ Mỹ kim và tương đương 21% tổng giá trị tài sản nhà nước (999.692 tỉ đồng) (3). Nhìn tổng quát, chuyện đưa đón các… đầy tớ đi lại, kể cả hỗ trợ vợ con họ đi chợ, đi chơi đã góp phần đáng kể vào tình trạng chi thường xuyên để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng tăng trong khi chi cho phát triển quốc gia liên tục giảm!

Không phải tự nhiên mà năm 2015, Bộ Tài chính Việt Nam công bố những số liệu liên quan tới công xa. Trước tình trạng đã tìm đủ cách tận thu mà vẫn không thể bù đắp các khoản chi càng ngày càng lớn, phải liên tục vay cả ngoài lẫn trong để chi tiếp, bất kể áp lực trả các khoản nợ đến hạn thanh toán càng ngày càng cao, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam buộc phải thắt chặt chi tiêu nhằm tránh vỡ nợ. Cả giới lãnh đạo đảng CSVN lẫn quốc hội, chính phủ cùng thúc giục “tiết kiệm, chống lãng phí”. “Khoán” công xa (cấp cho mỗi viên chức trong diện được hưởng tiêu chuẩn công xa 120 triệu/năm) ra đời (4).

Theo tính toán của Bộ Tài chính Việt Nam, bởi chi phí cho một công xa lên tới 320 triệu đồng/năm, “khoán” công xa sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 200 triệu/viên chức mà theo… qui định, được… đãi ngộ trong đi lại bằng công xa. Ý tưởng và nỗ lực “khoán” công xa đến cấp thứ trưởng mới bị Nghị định 04/2019 bóp mũi và sẽ tắt thở vào cuối tháng tới! Nhìn tổng quát thì từ lúc ra đời cho đến khi được tống tiễn, “khoán” công xa chưa kịp đạt mục tiêu “ích quốc, lợi dân”, “khoán” công xa chỉ mới tạo điều kiện cho một số cá nhân được mua công xa thanh lý với giá mà báo giới Việt Nam mô tả là “siêu rẻ” tới mức gây “choáng”!

***

Tháng 10 năm ngoái, thay mặt BCH TƯ đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN ban hành Quy định 08/QĐ-TW, buộc cán bộ, đảng viên mà trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN phải có trách nhiệm nêu gương.

Khoản 7 – Điều 2 của Quy định 08/QĐ-TW đòi các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH TƯ đảng CSVN phải “đi đầu” trong việc “Học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.

Cũng theo hướng đó, Khoản 6 – Điều 3 của Quy định 08/QĐ-TW đòi các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH TƯ đảng CSVN phải “nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”: “Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc… Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí”.

Nghị định 04/2019 là bằng chứng cho thấy Quy định 08/QĐ-TW là trò hề. Thu – chi ngân sách hàng năm như thế, nợ nần như thế, thực trạng kinh tế – xã hội như thế, nhân tâm như thế và… có hẳn một quy định như thế về “nêu gương” nhưng cán bộ, đảng viên vẫn thản nhiên giành, giữ đặc quyền, đặc lợi cả trong đi lại.

Nếu ai đó vẫn còn lơ mơ về bản chất “nêu gương” của các đồng chí thuộc diện phải “đi đầu”, hãy đọc lại phần tóm lược Nghị định 04/2019 ở đầu bài viết này thêm một lần nữa. Công xa mà những cán bộ, đảng viên có quyền rút công quỹ để mua dùng được chia thành bốn loại. Chức vụ càng cao thì giá trị công xa càng lớn.

Thậm chí là Nghị định 04/2019 không khống chế giá trị và phạm vi sử dụng nếu đương sự đang hoặc từng là Ủy viên Bộ Chính trị mà kiêm thêm vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng! Ngay cả với công xa, những cá nhân này cũng kiên quyết “nêu gương” cho đến hết đời! “Mẫu mực” đến thế là cùng!

Chú thích

(1) http://plo.vn/thoi-su/quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-dinh-muc-xe-cong-813305.html

(2) https://tuoitre.vn/45000-ti-va-40000-xe-cong-990940.htm

(3) https://vnexpress.net/kinh-doanh/gan-mot-ty-dola-tai-san-nha-nuoc-la-xe-cong-3221713.html

(4) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-40-000-xe-cong-giam-chi-thuong-xuyen-van-mang-tinh-ho-hao-nhieu-qua-2015102615383413.htm

(5) https://dantri.com.vn/xa-hoi/khoan-xe-cong-den-cap-thu-truong-moi-nam-tiet-kiem-ca-nghin-ti-dong-20151105121036854.htm

(6) https://vtc.vn/hang-loat-xe-cong-duoc-thanh-ly-voi-gia-sieu-re-d342142.html

(7) https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here